Ngày 15.09.2015, linh mục Gioan Bùi Thái Sơn, chuyên viên Giáo luật và Đại diện Tư pháp của Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng giáo phận Tp. HCM, giải thích về hai Tự sắc mới ban hành của Đức giáo hoàng Phanxicô.
WGPHH: Trao đổi của Ủy ban Truyền thông Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam với linh mục Gioan Bùi Thái Sơn, chuyên viên Giáo luật và Đại diện Tư pháp của Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng giáo phận Tp. HCM, về hai Tự sắc mới ban hành của Đức giáo hoàng Phanxicô.
– Trước hết, xin Cha giải thích: Tự sắc là gì?
“Tự sắc”, thuật ngữ chuyên môn là Motu proprio, là một văn kiện do Đức giáo hoàng công bố, theo sáng kiến riêng của ngài. Các văn kiện khác có thể được khởi xướng do Công đồng Chung, Thượng Hội đồng Giám mục hay một Thánh Bộ… và cuối cùng được Đức giáo hoàng phê chuẩn. Hai “Tự sắc” lần này do chính Đức giáo hoàng Phanxicô yêu cầu một nhóm chuyên viên soạn thảo theo ý của ngài, chỉ trong vòng chưa tới một năm nay. Do đó, Motu proprio có khi được dịch cho dễ hiểu là “Tông thư” (Apostolic Letter), thư của Đức giáo hoàng.
– Xin Cha giới thiệu tóm tắt về hai Tự sắc này.
Hai Tự sắc có cùng một nội dung chính: cải tổ thủ tục của Toà án Giáo hội khi xét xử các vụ án về hôn nhân bất thành. Tự sắc “Mitis Iudex Dominus Iesus” dành cho Giáo hội Latinh và Tự sắc “Mitis et Misericors Iesus” dành cho các Giáo hội theo lễ nghi Đông Phương. Do đó, chỉ có Tự sắc thứ nhất ảnh hưởng trực tiếp đến Giáo hội tại Việt Nam.
Tự sắc “Mitis Iudex Dominus Iesus” gồm ba phần chính:
Phần thứ nhất, Đức giáo hoàng Phanxicô nhắc lại các giáo huấn truyền thống và nêu lý do ngài ra quyết định cải tổ lần này. “Chúa Giêsu là vị Thẩm Phán nhân từ, là Mục Tử của các linh hồn. Người đã uỷ thác cho tông đồ Phêrô và các đấng kế vị, quyền chìa khoá để thực thi công lý và sự thật trong Hội Thánh. Quyền tối thượng và phổ quát để tháo cởi và cầm buộc trên trần gian này khẳng định, hỗ trợ và minh chứng quyền của các vị mục tử của các giáo phận. Do quyền này, các ngài có quyền thánh thiêng, và trước mặt Chúa, có nhiệm vụ xét xử đối với các giáo dân của mình”. Để trình bày giáo huấn của Chúa về tính bất khả phân ly của giao ước hôn nhân, Hội Thánh đã có các thủ tục toà án để cứu xét khi người giáo dân khiếu nại là hôn nhân của họ bất thành. Tuy nhiên, luật tối thượng trong Hội Thánh là các linh hồn nhận được ơn cứu độ. Do đó, Hội Thánh có nhu cầu hoàn thiện và cải tổ các cơ cấu của mình; đặc biệt là trước nhu cầu của nhiều người tín hữu không kịp thời nhận được ân sủng, vì các thủ tục khiếu kiện hôn nhân bất thành kéo dài quá lâu. Đa số các vị giám mục trong Khoá họp bất thường mới đây (hồi tháng 10-2014) của Thượng Hội đồng Giám mục, đều mong muốn thủ tục xét xử được “nhanh chóng hơn và dễ dàng tiếp cận hơn” cho người giáo dân. Vì thế, Đức giáo hoàng đã quy tụ một nhóm chuyên viên giáo luật, do vị Niên trưởng của Toà án Rota Romana chủ trì (Đức ông Pio Vito Pinto), để biên soạn dự thảo cho lần cải tổ này.
Phần thứ hai của Tự sắc nêu lên các tiêu chuẩn nền tảng của việc cải tổ: (1) Chỉ cần một quyết định công nhận hôn nhân bất thành là có giá trị thi hành; (2) Chỉ cần một thẩm phán duy nhất để xét xử; (3) Vị Giám mục giáo phận đương nhiên là chánh án của Toà án Cấp I; (4) Có thể áp dụng một thủ tục cứu xét ngắn gọn hơn, khi “các chứng cứ đặc biệt rõ ràng” (evident); (5) Có thể kháng án đến Toà Trưởng Giáo tỉnh; (6) Hội đồng Giám mục có trách nhiệm giúp các giám mục tiến hành việc cải tổ; (7) luôn luôn có thể kháng án lên Toà Thánh; (8) Đối với các Giáo hội Đông Phương sẽ có các hướng dẫn riêng.
Trong phần thứ ba của Tự sắc, Đức giáo hoàng công bố thay đổi phần “Những vụ án tuyên bố hôn nhân bất thành” (điều 1671-1691) trong Bộ Giáo Luật 1983, dựa theo các tiêu chuẩn cải tổ nói trên. Các điều luật mới này có giá trị áp dụng từ ngày 08-12-2015.
Đính kèm văn bản Tự sắc, nhóm biên soạn dự thảo còn đưa ra một văn bản “Những quy định về thủ tục tiến hành các vụ án tuyên bố hôn nhân bất thành” (Regole procedurali), gồm 21 khoản. Văn bản xem như một giải thích rộng thêm về cách thức áp dụng những điều luật mới do Tự sắc ban hành.
– Để mọi người có thể hiểu rõ hơn, xin Cha giải thích thêm về “thủ tục tiến hành các vụ án tuyên bố hôn nhân bất thành” nói chung.
Giáo hội Công giáo theo lời dạy của Chúa Kitô: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Mt 19, 6). Khi kết hôn, người Công giáo thề, nhân danh Thiên Chúa, sẽ yêu thương tôn trọng người vợ/chồng mình suốt đời; và lời thề hôn nhân sẽ tồn tại cho đến khi một trong hai người qua đời. Hội Thánh hay cả hai người kết hôn đều không có quyền làm trái với Ý Chúa, để huỷ bỏ giao ước hôn nhân đã lập. Nếu một trong hai người ly dị và tái hôn, họ đã “mất khả năng dự phần vào hiệp thông… vì điều kiện sống của họ mâu thuẫn cách khách quan với sự hiệp thông yêu thương giữa Đức Kitô và Hội Thánh”. Vì thế, họ không thể đón nhận ân sủng của bí tích Giải tội và Thánh Thể (Tông huấn Gia Đình, số 84).
Trong một số trường hợp, Giáo hội công bố hôn nhân bất thành ngay từ đầu hay không hề có hôn nhân, vì khi cử hành có một sự kiện hay một lý do nghiêm trọng làm cho một hoặc cả hai người không thể kết hôn hay làm cho lời thề của họ không có hiệu lực. Việc công bố này do chính người kết hôn yêu cầu; chẳng hạn: một người khiếu nại là thiếu tự do khi kết hôn vì bị cha mẹ ép buộc; chứng cứ là có nhiều người biết chuyện người ấy bị cha mẹ đánh đập để ép buộc kết hôn.
Sau một quá trình điều tra và biểu quyết dựa trên những chứng cứ, Toà án Hôn phối giáo phận công bố hôn nhân này bất thành ngay từ đầu, vô hiệu, hay không có. Như vậy, người này đương nhiên có quyền tái hôn và hiệp thông các bí tích trong Hội Thánh.
– Như vậy, Tự sắc này đem lại điều gì mới cho thủ tục tiến hành các vụ án tuyên bố hôn nhân bất thành”?
“Điều mới” quan trọng nhất được nêu lên trong tiêu chuẩn số một: Chỉ cần một quyết định (sentence, judment) công nhận hôn nhân bất thành là có giá trị thi hành.
Trước đây, nếu Toà án Cấp I (sơ thẩm) biểu quyết thuận lợi cho người khiếu nại, hồ sơ tự động phải nộp lên Toà án Cấp II (phúc thẩm). Cần phải có “hai quyết định” cùng công nhận hôn nhân bất thành, vụ án mới kết thúc thuận lợi cho người khiếu nại; lúc đó, người này mới nhận được thông báo cho phép tái hôn.
Cách thức tiến hành này cho thấy Hội Thánh hết sức cẩn thận khi quyết định một điều liên quan đến tính bất khả phân ly của hôn nhân. Tuy nhiên, về mặt giáo thuyết và lý luận pháp luật, yêu cầu “hai quyết định” không phải là điều thiết yếu không thể bỏ qua. Các Toà án của chính quyền, và chính Toà án Giáo hội trong các vụ án khác, thông thường đều áp dụng thể thức “một quyết định”; khi nào có người kháng án, vụ án mới được đưa lên Toà án cấp trên. Dĩ nhiên, nhà lập pháp vẫn có quyền quy định một số luật trừ; chẳng hạn: thời phong kiến, các phán quyết xử tử, đều phải trình lên nhà vua phê chuẩn.
Từ sau Tự sắc này, chỉ cần Toà án Cấp I công nhận hôn nhân bất thành, vụ án kết thúc thuận lợi cho người khiếu nại; người này được thông báo cho phép tái hôn.
– Với tư cách là Chánh án của Toà án Tổng giáo phận TP.HCM, Chánh án của Toà án Cấp II cho các giáo phận khác trong giáo tỉnh Sài Gòn, khi áp dụng Tự sắc, công việc của cha sẽ có những biến chuyển gì?
Đối với Toà án Cấp I Tổng giáo phận TP.HCM, các công việc đang tiến hành sẽ giảm bớt một phần quan trọng. Chúng tôi sẽ không phải gởi hồ sơ lên Toà án Cấp II và chờ quyết định của họ nữa. Thời gian dành cho mỗi vụ án sẽ được rút ngắn đáng kể. Tuy nhiên, tôi dự đoán là số người khiếu kiện sẽ tăng lên và công việc vẫn tiếp tục quá tải đối với số người làm việc hiện nay cho Toà án giáo phận.
Đối với hoạt động của Toà án Cấp II cho các giáo phận khác trong giáo tỉnh Sài Gòn, trước mắt số vụ án sẽ giảm xuống rất nhiều vì không còn phần xem lại Quyết định Cấp I, chỉ còn lại các vụ kháng án. Tuy nhiên, số vụ kháng án chắc chắn sẽ tăng lên.
– Thủ tục xin tiêu hôn và tiến trình điều tra sẽ thay đổi thế nào? Đối với những hồ sơ đã nộp và đang điều tra, sẽ có những điều chỉnh hay ảnh hưởng nào không?
“Thủ tục xin tiêu hôn” không có gì thay đổi, về phía người muốn khiếu kiện. Chỉ có thay đổi về phía Toà án; Toà án nơi người nộp đơn cư ngụ, sẽ có thẩm quyền nhận đơn và tiến hành vụ án (Giáo luật điều 1672 mới); trước đây chỉ có Toà án nơi người còn lại cư ngụ có quyền nhận đơn (Giáo luật điều 1673§2 cũ).
Tiến trình điều tra, nói chung, vẫn không thay đổi. Trong thực tế, quy định mới cho phép rút ngắn cuộc điều tra khi có một chứng cứ rõ ràng (Giáo luật điều 1678§2 mới); chẳng hạn: trong vụ án xử vì lý do “bên nam bất lực vĩnh viễn và tiền hôn”, nếu có một chứng cứ chắc chắn từ một bác sĩ chuyên khoa do Toà án chỉ định. Trước đây, chỉ có chứng cứ của vị mục tử có trách nhiệm, mới được xem là chứng cứ rõ ràng, có giá trị quyết định (full proof). Chẳng hạn: trong vụ án xét xử vì lý do bên nữ thiếu tự do khi kết hôn, linh mục chính xứ của cô ta làm chứng rằng ngài đã từ chối chứng hôn, vì cô gái đến nói với ngài là cô bị cha mẹ ép buộc; sau đó, hai gia đình đã đem con họ đi nơi khác cử hành hôn phối; chỉ cần một chứng cứ của ngài là đủ để Toà án Cấp I công bố hôn nhân bất thành.
Như vậy, tại giáo phận TP.HCM, đối với những hồ sơ đã nộp và đang điều tra, sẽ không có gì thay đổi. Đối với một số hồ sơ, tiến trình điều tra sẽ được rút ngắn lại.
– Sẽ có thay đổi gì đối với các giáo phận khác tại Việt Nam và những trường hợp có liên hệ với nước ngoài?
Tôi không thể trả lời chắc chắn về những giáo phận khác tại Việt Nam. Tôi chỉ có thể tiên đoán rằng các hồ sơ sẽ được giải quyết nhanh hơn. Ngay cả đối với một giáo phận thiếu chuyên viên giáo luật, Đức giám mục giáo phận có thể tự ra quyết định công bố hôn nhân bất thành, với sự cộng tác của một Điều tra viên, một Dự thẩm và một vị Bảo hệ (cả ba có thể là giáo dân và không thuộc giáo phận); trong số đó, chỉ vị Bảo hệ cần có văn bằng giáo luật (Giáo luật điều 1687§1 mới).
Do hoàn cảnh xã hội và địa lý của Thành phố, số hồ sơ liên hệ giữa Tổng giáo phận và các Toà án nước ngoài trước đây rất nhiều; từ thập niên 2010, số lượng đã giảm xuống, chỉ còn khoảng chừng gấp ba lần số hồ sơ nhận từ chính nội bộ giáo phận. Đức hồng y Gioan Baotixita từng nói đùa là: tôi ăn cơm Sài Gòn, nhưng làm việc cho nước ngoài. Tự sắc mới cho phép Toà án nơi người nộp đơn cư ngụ ở nước ngoài, có thẩm quyền nhận đơn và tiến hành vụ án (Giáo luật điều 1672 mới). Tôi hy vọng rằng những trường hợp có liên hệ với nước ngoài sẽ giảm xuống hơn nữa.
– Theo ý kiến riêng, cha có nhận định gì về Tự sắc?
Về mặt tín điều và lý luận pháp luật, Tự sắc không công bố điều gì mới. Đức giáo hoàng Phanxicô không thay đổi tín điều hôn nhân bất khả phân ly, cũng không tuyên bố cho phép người đã ly dị và tái hôn được hiệp thông bí tích. Ngay cả việc “Vị giám mục giáo phận đương nhiên là chánh án” của giáo phận do quyền kế vị Tông đồ, cũng luôn là giáo thuyết cơ bản của Hội Thánh. Về mặt lý luận luật, tôi sẽ trình bày sau.
Về mặt thủ tục và tổ chức Toà án Giáo hội, đây là một cuộc cải tổ rất quan trọng đối với Hội Thánh. Có người cho rằng đây cuộc cải tổ lớn nhất trong mấy thế kỷ nay. Tôi cũng đồng ý như vậy.
– Cha có nghe nói một ý kiến nào tiêu cực về Tự sắc không?
Tôi có nghe một số ý kiến “tiêu cực” về Tự sắc.
- Ý kiến thứ nhất chỉ trích rằng Tự sắc được biên soạn do một nhóm nhỏ, đa số là người Ý và không có tham khảo ý kiến rộng rãi. Chỉ trích này khá mơ hồ. Nhóm chuyên viên này không chỉ là chuyên viên giáo luật, mà còn là các chánh án thâm niên chuyên xét xử các vụ án hôn nhân bất thành, tại các Toà án Giáo Hội. Hơn nữa, không có cơ sở hợp lý nào để nói là một nhóm nhỏ chuyên viên lại không thể soạn một văn bản xuất sắc.
- Ý kiến thứ hai cho rằng: mấy ngày trước đại lễ Giáng Sinh 2014, Đức giáo hoàng Phanxicô áp đặt một gánh nặng cho các giám mục giáo phận, mà không có hỏi ý kiến các ngài trước. Điều này không đúng. Tất cả các “tiêu chuẩn nền tảng” và điều luật mới, trong lịch sử, đều đã có quá trình áp dụng tại các giáo phận, dưới dạng đặc ân hay miễn chuẩn của Toà Thánh. Ngay cả tiêu chuẩn thứ nhất “Chỉ cần một quyết định công nhận hôn nhân bất thành là có giá trị thi hành” của Toà án Cấp I, đã từng được áp dụng tại Việt Nam, dưới dạng một đặc ân, cho thời kỳ 1975-2001 (Văn thư Thánh Bộ Phúc Âm Hoá Các Dân Tộc, Prot. 4.186/75, 02.10.1975; Prot. 4838/01, 26.10.2001). Tất cả các tiêu chuẩn khác, hầu như toàn bộ đều đang được áp dụng, cách này hay cách khác, tại Việt Nam.
- Nhóm ý kiến thứ ba chỉ trích Khoản 14§1 trong văn bản “Những quy định về thủ tục” đính kèm Tự sắc. Trong Tự sắc, tiêu chuẩn nền tảng thứ tư nêu lên: “(4) Có thể áp dụng một thủ tục cứu xét ngắn gọn hơn, khi “các chứng cứ đặc biệt rõ ràng” (evident)”. Trong phần giải thích tương ứng, Khoản 14§1 lại nêu lên: “Trong những hoàn cảnh có thể tiến hành công bố hôn nhân bất thành bằng thủ tục cứu xét ngắn gọn hơn theo các điều luật số 1683-1687, có thể nêu lên chẳng hạn: thiếu đức tin…, thời gian chung sống ngắn; phá thai để không phải sinh con; cố tình duy trì một quan hệ ngoài hôn nhân trong thời gian kết hôn và ngay sau đó; cố tình giấu tình trạng vô sinh hay một bệnh truyền nhiễm hay việc có con cái trong một quan hệ trước đó hay việc đã từng bị tù; kết hôn với mục đích khác hay vì việc có thai bất ngờ của bên nữ; bạo lực thể lý để ép buộc đồng ý; thiếu khả năng sử dụng lý trí có chứng nhận của y sĩ, vân vân…”.
Chỉ trích chính yếu là các thí dụ trên có cái là “lý do” (ground) để xin công bố hôn nhân bất thành, có cái chỉ là một “hoàn cảnh” cụ thể có thể trở thành một “chứng cứ rõ ràng” hay không.
Thí dụ 1: “thiếu khả năng sử dụng lý trí có chứng nhận của y sĩ” vừa bao gồm “lý do” vừa bao gồm “chứng cứ rõ ràng” để công bố hôn nhân bất thành, kể cả theo thể thức ngắn gọn hơn.
Thí dụ 2: “thời gian chung sống ngắn” là một “hoàn cảnh”; khi người phụ nữ bỏ trốn khỏi nhà chồng sau hôm đám cưới, đó là một “chứng cứ rõ ràng” nếu người này khiếu kiện hôn nhân bất thành với “lý do” thiếu tự do khi kết hôn; trái lại, khi hai người phải chia tay nhau ngay sau đám cưới vì chiến tranh, thời gian chung sống ngắn của họ không phải chứng cứ, cũng không phải lý do để xin công bố hôn nhân bất thành. Như vậy, người giáo dân đọc văn bản, có thể hiểu lầm là Đức giáo hoàng nêu lên những lý do hôn nhân bất thành mới.
Chỉ trích này không chính xác. Nguyên văn Khoản 14§1 chỉ nêu các thí dụ về “những hoàn cảnh” vị giám mục có thể áp dụng thể thức ngắn gọn hơn, không hề nói đây là các trường hợp chứng cứ rõ ràng hay lý do công bố hôn nhân bất thành.
Tuy nhiên, bản thân tôi hơi thất vọng với Khoản 14§1. Lẽ ra văn bản Khoản 14§1 phải nêu lên các thí dụ về những trường hợp được công nhận là “các chứng cứ đặc biệt rõ ràng”. Như vậy, Hội Thánh phổ quát hay các vị giám mục giáo phận sẽ còn phải xác định những trường hợp cụ thể cho “tiêu chuẩn thứ tư” của Tự sắc. Nếu không, tôi và các chánh án khác trong giáo tỉnh Sài Gòn phải họp nhau để tham khảo ý kiến chung về những trường hợp này.
– Như vậy, người giáo dân đã ly dị và tái hôn, từ nay, có thể dễ dàng hơn để xin công bố hôn nhân cũ bất thành và được phép tái hôn trong Hội Thánh?
Để tránh hiểu lầm, tôi buộc phải trả lời là vừa có vừa không:
- Có dễ dàng hơn vì: thủ tục nộp đơn dễ dàng hơn; tiến trình điều tra của một số trường hợp sẽ ngắn gọn hơn; quá trình biểu quyết sẽ rút ngắn còn một nửa.
- Không dễ hơn. Điều cơ bản để xin công bố hôn nhân cũ bất thành là: (1) Có ít nhất một lý do hợp giáo lý Công giáo và hợp lý để nói hôn nhân cũ bất thành; (2) Có đủ chứng cứ cho lý do này. Nếu không hội đủ hai điều kiện này, Toà án Giáo hội sẽ không nhận đơn.