Sau khi hát ca nhập lễ, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với các cáo thỉnh viên án phong thánh, đến trước Đức Thánh Cha và xin ĐTC phong thánh cho 10 chân phước.
Tiếp theo Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh trình bày tóm tắt tiểu sử của các vị Chân phước được phong thánh hôm nay.
Sau khi Đức Thánh Cha và cộng đoàn hát kinh Thương Xót và kinh Cầu Các Thánh, ĐTC đã đọc công thức phong thánh:
Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi, đề cao đức tin Công giáo và gia tăng đời sống Kitô hữu, bằng quyền của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta và của các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và của chính chúng ta, sau khi đã suy tư và cầu xin sự trợ giúp của Chúa và nghe ý kiến của các anh em Giám mục của chúng tôi, chúng tôi tuyên bố và xác định các chân phước Titus Brandsma, Lazzaro được gọi là Devasahayam, César de Bus, Luigi Maria Palazzolo, Giustino Maria Russolillo, Charles de Foucauld, Marie Rivier, Maria Francesca di Gesù Rubatto, Maria di Gesù Santocanale và Maria Domenica Mantovani là hiển thánh và ghi tên các ngài vào sổ bộ các thánh, truyền rằng các ngài được tôn kính bởi toàn thể Giáo hội. Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật V Phục Sinh.
Trong bài giảng sau bài Phúc Âm, ĐTC nhấn mạnh 2 điều trong bài Tin Mừng: tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta và tình yêu mà Người yêu cầu chúng ta sống. Ngài nói:
Chúng ta đã nghe những lời Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ trước khi rời thế gian để về với Chúa Cha, những lời đó nói lên ý nghĩa của người Kitô hữu: “Như Thầy đã yêu thương anh em thì anh em hãy yêu thương nhau" (Ga 13,34). Đây là dấu chứng mà Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta, là tiêu chuẩn cơ bản để nhận biết chúng ta có thực sự là môn đệ của Người hay không: điều răn yêu thương. Chúng ta hãy dừng lại ở hai yếu tố thiết yếu của điều răn này: tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta - như Thầy đã yêu anh em - và tình yêu mà Người yêu cầu chúng ta sống - vì vậy anh em hãy yêu thương nhau.
Trước hết, như Thầy đã yêu thương anh em. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta như thế nào? Cho đến cùng, cho đến khi trao chính mình hoàn toàn. Thật ấn tượng khi thấy Thầy loan báo những lời này trong một đêm tối, trong Nhà Tiệc Ly, bầu không khí chất chứa bao nhiêu xúc động và lo lắng: xúc động vì Thầy sắp từ biệt môn đệ, lo lắng vì Thầy nói rằng một môn đệ trong số họ sẽ phản bội Người. Chúng ta có thể tưởng tượng nỗi đau đớn nào mà Chúa Giêsu mang trong tâm hồn, bóng tối dày đặc trong lòng các môn đệ, và nỗi cay đắng nào khi nhìn vào Giuđa, sau khi ông nhận miếng bánh đã được chấm từ Thầy, ông rời phòng và bước vào đêm tối phản bội. Và, chính trong giờ bị phản bội, Chúa Giêsu xác nhận tình yêu của Người dành cho họ. Bởi vì trong đêm tối và bão tố của cuộc đời, đây là điều cốt yếu: Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
Anh chị em thân mến, ước gì lời tuyên bố này là trung tâm của lời tuyên xưng và trong cách diễn đạt đức tin của chúng ta: “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta” (1Ga 4,10 ). Đừng bao giờ quên điều đó. Trọng tâm không phải là sự giỏi giang và công trạng của chúng ta, mà là tình yêu thương nhưng không và vô điều kiện của Thiên Chúa, vốn là điều mà chúng ta không xứng đáng có được. Khởi đầu đời sống Kitô hữu của chúng ta, không phải là học thuyết và hành động, mà là sự ngạc nhiên khi khám phá ra rằng chúng ta được yêu thương, trước bất kỳ lời đáp trả nào của chúng ta. Trong khi thế giới thường muốn thuyết phục chúng ta rằng chúng ta chỉ có giá trị nếu chúng ta tạo ra kết quả, thì Tin Mừng nhắc nhở chúng ta về sự thật của cuộc sống: chúng ta được yêu thương. Và đây là giá trị của chúng ta: chúng ta được yêu thương. Một bậc thầy về linh đạo trong thời đại chúng ta đã viết thế này: “Trước khi người ta nhìn thấy chúng ta, Thiên Chúa đã nhìn chúng ta bằng đôi mắt yêu thương của Người. Ngay cả trước khi người ta nghe thấy chúng ta khóc hay cười, thì Thiên Chúa đã nghe thấy chúng ta trước, Người luôn luôn lắng nghe chúng ta. Ngay cả trước khi ai đó trên thế giới này nói chuyện với chúng ta, thì tiếng nói của tình yêu vĩnh cửu đã nói với chúng ta rồi” (H. NOUWEN, Sentirsi amati, Brescia 1997, 50). Người đã yêu chúng ta trước. Người chờ đợi chúng ta. Người yêu thương chúng ta. Người tiếp tục yêu chúng ta và điều này là căn tính của chúng ta: chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Đây cũng là sức mạnh của chúng ta: chúng ta được Thiên Chúa yêu thương.
Sự thật này đòi hỏi chúng ta phải hoán cải về quan niệm mà chúng ta thường có về sự thánh thiện. Đôi khi, do quá nhấn mạnh vào nỗ lực làm việc thiện, chúng ta đã tạo ra một lý tưởng thánh thiện quá dựa trên bản thân, chủ nghĩa anh hùng cá nhân, khả năng từ bỏ, hy sinh để đạt được phần thưởng. Đó là một cách nhìn mà đôi khi còn nặng nè học thuyết pelagio của cuộc sống và cả sự thánh thiện. Vì vậy, chúng ta đã biến sự thánh thiện thành một đích nhắm không thể vươn tới được, chúng ta tách nó ra khỏi cuộc sống hàng ngày thay vì tìm kiếm nó và đón nhận nó trong cuộc sống hàng ngày, trong khói bụi đường phố, trong những bộn bề của cuộc sống và, như Thánh Têrêxa Avila đã nói với các chị em của mình “giữa những cái nồi trong bếp”. Việc trở thành môn đệ của Chúa Giêsu và bước đi trên con đường thánh thiện, trên hết là để chính mình được biến đổi bởi quyền năng của tình yêu Thiên Chúa. Xin đừng quên sự tối cao của Thiên Chúa vượt trên tôi, Thần Khí vượt trên xác thịt và ân sủng vượt trên hành động. Và nhiều lần, chúng ta coi trọng bản thân, coi trọng xác thịt hơn là hành động
Tình yêu mà chúng ta nhận lãnh từ Thiên Chúa là sức mạnh biến đổi cuộc sống của chúng ta: nó mở rộng tâm hồn chúng ta và khiến chúng ta yêu thương. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nói – “Như Thầy đã yêu mến anh em, thì anh em hãy yêu thương nhau”. Đây là khía cạnh thứ hai ". Vì vậy, đây không chỉ là một lời mời gọi noi gương tình yêu của Chúa Giêsu; mà nó còn có nghĩa là chúng ta có thể yêu chỉ vì Người đã yêu chúng ta, bởi vì Người đã ban cho trái tim của chúng ta Thần Khí của Người, Thần Khí của sự thánh thiện, của tình yêu, giúp chữa lành và biến đổi chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể lựa chọn và thực hiện những cử chỉ yêu thương trong mọi tình huống và với mọi anh chị em mà chúng ta gặp gỡ, bởi vì chúng ta được yêu thương và chúng ta có sức mạnh để yêu. Do đó, như tôi được yêu thương thì tôi cũng có thể yêu thương người khác. Rất thường thì tình yêu mà tôi thực hiện sẽ kết hợp với tình yêu của Thiên Chúa dành cho tôi. Thế nên, như Người đã yêu tôi, thì cũng có thể yêu thương người khác. Rất đơn giản, cuộc sống Kitô hữu thì đơn giản thế đấy! Chúng ta làm cho nó ra phức tạp với bao nhiêu thứ, trong khi nó hết sức đơn giản,…
Và, một cách cụ thể, sống tình yêu này có ý nghĩa gì? Trước khi để lại cho chúng ta điều răn này, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ; sau khi đã nói điều này, Người đã tự nộp mình trên thập giá. Yêu có nghĩa là: phục vụ và hiến dâng cuộc sống. Phục vụ tức là không đặt lợi ích của bản thân lên trên hết; giải độc khỏi chất độc của lòng tham và sự cạnh tranh; chống lại căn bệnh ung thư của sự thờ ơ và mối mọt của tính tự quy chiếu về mình (autoreferenzialità), nhưng phục vụ là chia sẻ những đặc sủng và những món quà mà Chúa đã ban cho chúng ta. Cụ thể, hãy tự hỏi bản thân “tôi làm được gì cho người khác?” và sống mọi việc hàng ngày trong tinh thần phục vụ, yêu thương và không càm ràm, không đòi hỏi bất cứ điều gì.
Và sau đó, trao tặng cuộc sống, không chỉ là cung cấp một cái gì đó, chẳng hạn như một số tài sản của riêng mình cho người khác, nhưng là cho đi chính mình. Tôi thích hỏi những người xin tôi lời khuyên: "Hãy cho tôi biết, anh chị có bố thí không?" - “Vâng, thưa cha, tôi có bố thí cho người nghèo” - “Và khi bố thí, anh chị có chạm vào tay người đó không, hay quăng của bố thí và làm thế để giữ mình được sạch sẽ?”. Và họ đỏ mặt: "Không, tôi không chạm vào." "Khi bố thí, anh chị có nhìn vào mắt người mà anh chị giúp đỡ không, hay anh chị nhìn vào nơi khác?" - "Tôi không nhìn họ". Hãy chạm và nhìn, chạm và nhìn vào xác thịt của Chúa Kitô, Đấng đang đau khổ trong anh chị em của chúng ta. Điều này rất quan trọng. Và trao tặng cuộc sống là như vậy. Sự thánh thiện không được tạo nên từ một vài cử chỉ anh hùng, nhưng bằng rất nhiều tình yêu thương hàng ngày. “Anh chị em là người được thánh hiến? Hôm nay, ngay tại đây, có rất nhiều anh chị em là người thánh hiến? Hãy trở nên thánh thiện bằng cách sống niềm vui đời dâng hiến của anh chị em. Anh chị em là người đã kết hôn? Hãy trở nên thánh thiện bằng cách yêu thương và chăm sóc chồng hoặc vợ của anh chị em, như Chúa Kitô đã làm với Hội Thánh. Anh chị em là người lao động? Hãy trở nên thánh thiện bằng cách thực hiện công việc của mình để phục vụ người khác với sự trung thực và tài năng và đấu tranh cho sự công bằng của những người lao động với anh chị em để họ không bị thất nghiệp, để họ luôn có được mức lương xứng đáng … Anh chị em là cha mẹ hay ông bà? Hãy trở nên thánh thiện bằng cách kiên nhẫn giáo dục con cái noi gương Chúa Giêsu. Hãy nói cho tôi: Anh chị em là người có quyền bính? Ngay tại đây, có rất nhiều người có quyền bính! Và tôi xin hỏi các anh chị: Anh chị có quyền bính phải không? Hãy trở nên thánh thiện bằng cách chiến đấu vì lợi ích chung và từ bỏ lợi ích cá nhân”(Tông huấn Gaudete et exsultate, 14). Đây là con đường của sự thánh thiện, rất đơn giản! Và hãy luôn luôn nhìn thấy Chúa Giêsu nơi người khác.
Phục vụ Tin Mừng và anh chị em, cống hiến cuộc sống của mình không vụ lợi – đây là sự kín đáo: hãy trao hiến mà không vụ lợi – không tìm kiếm vinh quang thế gian: chúng ta cũng được kêu gọi làm điều này. Những người bạn đồng hành của chúng ta, được phong thánh hôm nay, đã sống thánh thiện theo cách này: bằng cách nhiệt thành đón nhận ơn gọi của họ - với tư cách là linh mục, là người thánh hiến, là giáo dân - họ đã đặt mình nơi Tin Mừng, họ khám phá ra một niềm vui không thể sánh ví và họ đã phản chiếu sự sáng ngời của Thiên Chúa trong lịch sử. Đây là một vị thánh. Ngài phản chiếu sự sáng ngời của Thiên Chúa trong lịch sử. Chúng ta cũng hãy cố gắng: con đường nên thánh không được đóng lại nhưng luôn phổ quát, là lời mời gọi cho tất cả chúng ta, được khởi đi từ bí tích Rửa tội, không được đóng lại. Chúng ta hãy cố gắng, vì mỗi người chúng ta đều được mời gọi nên thánh, một sự thánh thiện duy nhất và không thể lặp lại. Sự thánh thiện luôn độc đáo như thánh Carlo Acutis đã nói: “Không có sự thánh thiện sao chép, sự thánh thiện duy nhất, của tôi và của anh chị em, của từng người trong chúng ta. Sự thánh thiện duy nhất và không thể lặp lại. Vâng, Thiên Chúa có kế hoạch tình yêu dành cho mỗi người, và Người có một giấc mơ cho cuộc đời anh chị em, cho cuộc đời tôi và cho cuộc đời của từng người trong chúng ta. Anh chị em muốn Người nói gì với chúng ta? Hãy mang nó tiến về phía trước trong niềm vui.
Cuối thánh lễ, trước khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu, Đức Thánh Cha nói:
Xin kính chào và cám ơn tất cả quý vị: Đức Hồng Y, quý Đức Cha, quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ, đặc biệt là quý vị thuộc gia đình thiêng liêng của các Tân Thánh, cùng toàn thể dân Chúa, tín hữu đã tề tựu về đây từ rất nhiều nơi trên thế giới.
Tôi xin chào các phái đoàn chính thức của các nước, đặc biệt là Tổng thống Cộng hòa Ý. Thật tuyệt vời khi nhận thấy rằng, với chứng tá Tin Mừng, các vị Thánh hôm nay đã cổ vũ sự phát triển tâm linh và xã hội nơi các quốc gia của các ngài cũng như của toàn thể gia đình nhân loại. Trong khi những khoảng cách làm gia tăng sự buồn phiền trên thế giới và căng thẳng và chiến tranh đang leo thang, thì các vị Tân Thánh truyền cảm hứng cho các giải pháp về tổng thể, các cách thức đối thoại, đặc biệt là trong trái tim và lý trí của những người nắm giữ các trách nhiệm cao cả và được kêu gọi trở thành nhân vật chính của hòa bình và không chiến tranh.
Xin kính chào tất cả quý vị, quý khách hành hương cũng như những ai đã theo dõi thánh lễ này qua các phương tiện truyền thông.
Và bây giờ chúng ta hướng về Đức Trinh Nữ Maria để giúp chúng ta vui mừng noi gương các Tân Thánh.