Thứ tư, 27/11/2024

Sứ điệp cho Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao tuổi lần II (24/07/2022)

Cập nhật lúc 17:15 12/05/2022
Một người bà bồng cháu của mình tại biên giới Ucraina và Ba Lan (AFP or licensors)
Một người bà bồng cháu của mình tại biên giới Ucraina và Ba Lan (AFP or licensors)
Sáng thứ Ba 10/05, Phòng báo chí Toà Thánh công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao tuổi lần II, sẽ được cử hành vào ngày 24/07/2022.

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô
cho Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao
tuổi lần thứ hai (24/07/2022)

“Trong tuổi già, vẫn sinh hoa kết quả” (Tv 92,15)

Các bậc ông bà thân mến!

Lời của Thánh vịnh 92 “trong tuổi già, vẫn sinh hoa kết quả” (c.15) là một tin vui, một “tin mừng” thực sự mà chúng ta có thể công bố cho thế giới nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ hai. Tin Mừng này đi ngược lại với điều mà thế giới nghĩ về giai đoạn này của đời người; và nó cũng ngược lại với thái độ cam chịu của một số người già trong chúng ta, họ sống với hy vọng nhỏ nhoi và không còn mong đợi gì ở tương lai.

Nhiều người sợ tuổi già. Họ coi đó là một thứ bệnh mà tốt nhất là nên tránh mọi tiếp xúc. Họ nghĩ rằng người già không phải là mối quan tâm của họ và người già nên ở xa bao nhiêu có thể, người già nên ở chung một nơi, trong một cơ sở mà họ có thể được chăm sóc, và chúng ta đỡ phải gánh lấy các vấn đề của họ. Đây là não trạng của “nền văn hóa vứt bỏ”, là não trạng vốn khiến chúng ta nghĩ rằng, cách nào đó chúng ta khác với những người nghèo và người dễ bị tổn thương bởi những yếu đuối của họ, và chúng ta có thể mường tượng ra những con đường cách biệt với “họ”.  Nhưng trong thực tế, như Kinh Thánh dạy, sống lâu - là một phúc lành, và những người già không phải là những người bị ruồng bỏ để xa lánh, mà là dấu chỉ sống động về lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng ban sự sống dồi dào. Phúc cho ngôi nhà nào bảo vệ một người cao niên! Phúc cho gia đình nào hiếu kính với ông bà!

Thật ra, tuổi già không phải là độ tuổi dễ hiểu, ngay cả với những người trong chúng ta, những người đã và đang trải nghiệm nó. Mặc dù tuổi già đến sau một hành trình dài, nhưng không ai chuẩn bị cho chúng ta đối diện với nó, và đôi khi nó dường như khiến chúng ta ngạc nhiên. Những xã hội phát triển nhất tiêu tốn nhiều tiền cho độ tuổi này, nhưng không giúp mọi người hiểu và đánh giá về nó: họ cung cấp các dịch vụ chăm sóc, nhưng không có những dự án sống để giúp họ sống tròn đầy.[1] Vì vậy, rất khó để nhìn về tương lai và phân định một hướng đi. Một mặt chúng ta bị cám dỗ xua đuổi tuổi già bằng cách che giấu các nếp nhăn và giả bộ luôn trẻ trung, mặt khác, dường như chúng ta không thể làm gì hơn ngoài việc sống trong tình trạng vỡ mộng, cam chịu vì không còn “trổ sinh hoa trái”.

Việc về hưu và con cái đã tự lập làm suy giảm những động lực vốn từng khiến chúng ta tiêu tốn rất nhiều sinh lực. Ý thức rằng những năng lực đang bị suy giảm hoặc sự bùng phát của một căn bệnh có thể làm suy yếu sự chắc chắn của chúng ta. Thế giới phát triển với tốc độ nhanh chóng và chúng ta phải vất vả để theo kịp - dường như khiến chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngầm chấp nhận ý tưởng rằng chúng ta vô dụng.  Như thế, chúng ta hãy làm vang lên lời cầu xin của Thánh Vịnh: “Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng/Chớ bỏ rơi con khi sức lực suy tàn lụi” (71,9).

Tuy nhiên cùng một bài thánh vịnh đó – suy niệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi giai đoạn của cuộc đời - mời gọi chúng ta tiếp tục hy vọng: cùng với tuổi già và mái tóc bạc trắng, Người sẽ còn tiếp tục ban thêm sự sống cho chúng ta và không để chúng ta bị sự dữ lấn át. Tin cậy nơi Người, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh để gia tăng lời khen ngợi (x. c.14-20) và chúng ta sẽ khám phá ra rằng sự già đi không chỉ là sự suy thoái tự nhiên của cơ thể hoặc dòng chảy thời gian không thể tránh khỏi, mà nó là món quà của một cuộc sống lâu dài. Già đi không phải là một sự kết án, mà là một phúc lành!

Chính vì điều này, chúng ta phải canh chừng chính mình và học cách chăm sóc một tuổi già năng động cả về khía cạnh thiêng liêng, trau dồi đời sống nội tâm của chúng ta qua việc chăm chỉ đọc Lời Chúa, cầu nguyện hàng ngày, thường xuyên lãnh nhận các Bí tích và tham dự Phụng vụ. Và, cùng với tương quan với Thiên Chúa là tương quan với những người khác: trước hết là gia đình, con cái, cháu chắt, những người mà chúng ta trao ban trọn tình thương mến của chúng ta; cũng như những người nghèo và đau khổ, những người chúng ta có thể trở nên người thân cận của họ với sự giúp đỡ cụ thể và lời cầu nguyện. Tất cả những điều này sẽ giúp chúng ta không cảm thấy mình chỉ là khán giả trong rạp hát của thế giới, không giam mình trong “ban công”, nhìn ra ngoài từ cửa sổ. Thay vào đó, chúng ta hãy học cách bén nhạy các giác quan để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa[2], chúng ta sẽ như “cây ôliu xanh tươi trong nhà Chúa” (x. Tv 52,10), chúng ta có thể trở thành một phúc lành cho những người sống bên cạnh chúng ta.

Tuổi già không phải là thời gian vô ích để hạ mái chèo con thuyền sang một bên, nhưng là mùa vẫn còn trổ sinh hoa trái: có một sứ mệnh mới đang chờ đợi chúng ta và mời gọi chúng ta hướng ánh nhìn về tương lai. “Khả năng cảm nhận đặc biệt của tuổi già về sự quan tâm, suy nghĩ và tình cảm, điều làm chúng ta nhân bản hơn, một lần nữa trở thành ơn gọi của nhiều người. Và nó sẽ là một lựa chọn tình yêu của những người cao tuổi đối với những thế hệ mới.”[3] Đó là sự đóng góp của chúng ta vào cuộc cách mạng của sự dịu dàng[4], một cuộc cách mạng tinh thần, bất bạo động, trong cuộc cách mạng này, tôi mời gọi các ông bà và người cao tuổi, hãy là những nhân vật chính.

Thế giới đang trải qua một thời điểm của thử thách khắc nghiệt, bắt đầu từ cơn bão bất ngờ và dữ dội của đại dịch, sau đó là một cuộc chiến tranh gây tổn hại đến hòa bình và sự phát triển trên bình diện thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà chiến tranh quay trở lại châu Âu vào thời điểm mà những người của thế hệ đã từng nếm trải chiến tranh trong thế kỷ trước đang dần biến mất. Và những cuộc khủng hoảng lớn này có nguy cơ khiến chúng ta dửng dưng với thực tế là có những “bệnh dịch” khác và những hình thức bạo lực lây lan khác đang đe dọa gia đình nhân loại và ngôi nhà chung của chúng ta.

Đối diện với tất cả những điều này, chúng ta cần một sự thay đổi sâu sắc, một sự hoán cải, loại bỏ bạo lực khỏi con tim, cho phép mỗi người nhận ra nơi người khác là người anh em.  Và chúng ta, những người ông, người bà và những người cao niên, chúng ta có một trách nhiệm cao cả: dạy cho những người nam, người nữ của thời đại chúng ta nhìn những người khác bằng cái nhìn thấu hiểu và dịu dàng giống như chúng ta dành cho cháu chắt của mình. Chúng ta đã tôi luyện tính nhân văn của mình trong việc chăm sóc người khác và hôm nay chúng ta có thể trở thành những người thầy về lối sống hòa bình và quan tâm đến những người yếu đuối nhất. Thái độ này có thể bị nhầm lẫn với sự nhu nhược hoặc cam chịu, nhưng chính những người hiền lành, không gây chiến và không trục lợi, sẽ thừa kế Đất hứa (x. Mt 5,5).

Một trong những hoa trái mà chúng ta được kêu gọi để trổ sinh đó là bảo vệ thế giới. “Tất cả chúng ta đã được bế trên đầu gối của ông bà, những người đã ôm chúng ta trong vòng tay của họ”[5] nhưng hôm nay là lúc chúng ta phải mang trên gối của chúng ta – bằng sự giúp đỡ cụ thể hoặc chỉ bằng lời cầu nguyện –, không chỉ cháu của chúng ta mà còn cả những cháu đang hoảng sợ mà chúng ta chưa biết đến và những người có thể đang chạy trốn chiến tranh hoặc gánh chịu hậu quả của nó. Chúng ta hãy mang trong trái tim mình, như Thánh Giuse - một người cha dịu dàng và quan tâm - đã làm, những người nhỏ bé của Ucraina, Afghanistan, Nam Sudan…

Nhiều người trong chúng ta đã nhận ra một cách khôn ngoan và khiêm tốn về điều mà thế giới của chúng ta đang rất cần: chúng ta không thể tự cứu một mình, hạnh phúc là tấm bánh mà chúng ta cùng nhau bẻ ra. Chúng ta hãy làm chứng về điều này trước những người lầm tưởng rằng họ có thể tìm thấy sự thỏa mãn cá nhân và thành công trong sự xung đột. Tất cả mọi người, ngay cả những người yếu nhất trong chúng ta, đều có thể làm được điều này. Việc chúng ta để mình được chăm sóc - thường là bởi những người đến từ các quốc gia khác - là một cách thức để nói rằng chung sống trong hòa bình không chỉ là điều có thể mà còn là điều cần thiết.

Quý ông bà và những người cao tuổi thân mến, chúng ta được kêu gọi trở thành những nghệ nhân của cuộc cách mạng về sự dịu dàng trong thế giới của chúng ta! Chúng ta hãy làm điều này qua việc học cách sử dụng thường xuyên và thuần thục hơn loại nhạc cụ quý giá nhất mà chúng ta có, và nhạc cụ thích hợp nhất cho độ tuổi của chúng ta: đó là cầu nguyện. “Chúng ta cũng hãy trở thành những thi sĩ cầu nguyện: chúng ta hãy thưởng nếm tìm kiếm những lời của chúng ta, hãy thâu nhận lại những điều mà Lời Chúa dạy chúng ta”.[6] Lời cầu xin đầy tín thác của chúng ta có thể làm được rất nhiều điều: nó có thể đồng hành với tiếng kêu thống khổ của những người đau khổ và có thể làm biến đổi trái tim. Chúng ta có thể là “bản hợp xướng” thường trực “của một đền thánh thiêng liêng vĩ đại, nơi những lời cầu nguyện khẩn nài và những bài thánh thi nâng đỡ cộng đoàn, vốn đang làm việc và vật lộn với cuộc sống”.[7]

Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi là một cơ hội để một lần nữa, với niềm vui, Giáo hội muốn mừng lễ cùng với những người mà Chúa - như Kinh Thánh nói - đã “lấp đầy những tháng ngày”. Chúng ta hãy cùng nhau mừng lễ! Tôi mời anh chị em hãy làm cho ngày này được biết đến trong các giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em; để đến với những người cao tuổi cảm thấy cô đơn nhất, nơi tư gia hoặc trong khu dân cư nơi họ sống như những người khách. Chúng ta hãy làm sao để không ai sống ngày này trong sự cô đơn. Việc có ai đó để chờ đợi có thể thay đổi định hướng ngày sống của những người không còn mong đợi bất cứ điều gì tốt đẹp từ tương lai; và từ lần gặp gỡ đầu tiên có thể nảy nở một tình bạn mới. Thăm viếng những người già neo đơn là một việc làm của lòng thương xót trong thời đại chúng ta!

Chúng ta cầu xin Đức Mẹ, Mẹ của Sự dịu dàng, làm cho tất cả chúng ta trở thành nghệ nhân của cuộc cách mạng về sự dịu dàng, để cùng nhau giải thoát thế giới khỏi bóng đêm của sự cô đơn và khỏi quỷ dữ của chiến tranh.

Tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em và những người thân yêu của anh chị em, cùng với sự bảo đảm về sự gần gũi trìu mến của tôi. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi!

Roma, Đền Thờ Thánh Gioan Laterano, 03 tháng 05 năm 2022, lễ các thánh tông đồ Philipphê và Giacôbê.

Phanxicô

[1] Loạt bài giáo lý về Tuổi già - 1. Ân sủng của thời gian và sự liên minh giữa các thế hệ (23/02/2022).

[2] Loạt bài giáo lý về Tuổi già - 5. Lòng trung thành chờ đợi Thiên Chúa viếng thăm cho thế hệ sau (30/03/2022).

[3] Loạt bài giáo lý về Tuổi già - 3. Tuổi già, một nguồn cho Tuổi trẻ vô lo (16/03/2022).

[4] Loạt bài giáo lý về thánh Giuse - 8. Thánh Giuse, cha của sự dịu dàng (19/01/2022).

[5] Bài giảng Thánh Lễ Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất (25/07/2021).

[6] Loạt bài giáo lý về gia đình. - 7. Ông bà (11/03/2015).

[7] Sđd..

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cần Kiệm mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Giáo xứ Cần Kiệm mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Hòa trong niềm vui với Giáo hội hoàn vũ, cách riêng với Giáo hội Việt Nam, mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – những chứng nhân anh dũng đã hiến dâng mạng sống để tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa. Trong tâm tình tạ ơn và tôn kính, tối ngày 25/11/2024, Giáo xứ Cần Kiệm đã long trọng tổ chức rước kiệu tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và xương thánh Neron Bắc.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log