“Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6, 9-10a)
Anh chị em thân mến,
Mùa Chay là thời gian thuận tiện cho việc canh tân cá nhân và cộng đoàn, dẫn chúng ta đến Lễ Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại. Đối với hành trình Mùa Chay năm 2022, sẽ rất ích lợi cho chúng ta khi chúng ta suy gẫm lời khuyên của Thánh Phaolô dành cho các tín hữu Galat: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội (kairos), chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6,9-10)
1. Gieo và Gặt
Trong đoạn này, Thánh Tông đồ đã gợi lên hình ảnh gieo và gặt, một hình ảnh rất quen thuộc với Chúa Giêsu (x. Mt 13). Thánh Phaolô nói với chúng ta về một kairós: một thời điểm thích hợp để gieo điều tốt trong cái nhìn của một mùa gặt trong tương lai. Đối với chúng ta thời điểm thích hợp này là gì? Chắc chắn đó là Mùa Chay, nhưng ở đây cũng là tất cả sự hiện hữu trên mặt đất của chúng ta, theo một cách nào đó Mùa Chay là một hình ảnh. Trong cuộc sống chúng ta, lòng tham, sự kiêu ngạo, mong muốn chiếm hữu, tích lũy và tiêu thụ chiếm ưu thế, như câu chuyện về người khờ dại trong dụ ngôn Tin Mừng chỉ ra. Người này cho rằng cuộc sống của anh ta được an toàn và hạnh phúc nhờ thóc lúa dư thừa và của cải cất giữ trong kho (Lc 12,16-21). Mùa Chay mời gọi chúng ta hoán cải, thay đổi não trạng, để sự thật và vẻ đẹp của cuộc sống có thể đạt được không phải ở việc tích lũy quá nhiều nhưng là ở việc gieo điều tốt và chia sẻ.
Người gieo hạt đầu tiên là chính Thiên Chúa, với lòng quảng đại “tiếp tục gieo nơi nhân loại những hạt giống tốt” (Fratelli tutti 54). Trong Mùa Chay chúng ta được kêu gọi đáp lại ơn Chúa bằng cách đón nhận Lời “sống động và hữu hiệu” (Dt 4,12). Siêng năng nghe Lời Chúa giúp chúng ta trưởng thành, ngoan nguỳ sẵn sàng thi hành ý Chúa, cuộc sống sinh hoa trái. Nếu điều này đã làm cho chúng ta hạnh phúc, thì lời mời gọi trở thành “Cộng sự viên của Thiên Chúa” (1Cr 3,9), sử dụng thời gian hiện tại để gieo điều tốt còn làm cho chúng ta hạnh phúc hơn (Ep 5, 16). Lời kêu gọi gieo hạt giống tốt lành không được xem như là một gánh nặng, nhưng đó là một ân sủng, theo đó Đấng Tạo Hoá muốn chúng ta tích cực hiệp nhất với sự tốt lành vô biên của Người.
Còn mùa gặt thì sao? Không phải chúng ta gieo hạt giống với mục đích để thu hoạch sao? Tất nhiên. Thánh Phaolô đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa gieo và gặt khi khẳng định: “Ai gieo ít thì sẽ gặt ít và ai gieo nhiều thì sẽ gặt được nhiều” (2Cr 9,6). Nhưng chúng ta đang nói về loại mùa gặt nào? Hoa quả đầu tiên của lòng tốt mà chúng ta gieo xuất hiện trong chính chúng ta và trong các mối quan hệ hàng ngày của chúng ta, cả trong những hành động tử tế nhỏ bé. Trong Chúa, không có hành vi yêu thương nào cho dù nhỏ bé, và không có “cố gắng quảng đại” nào bị mất đi (x. Evangelii Gaudium, 279). Như cây được nhận ra nhờ trái (Mt 7,16, 20), một cuộc sống đầy hành động tốt sẽ tỏa sáng (x. Mt 5,14-16) và mang lại hương thơm của Chúa Kitô cho thế giới (x. 2Cr 2,15). Phụng sự Thiên Chúa, trong sự tự do đối với tội lỗi, mang lại hoa trái là sự thánh thiện vì ơn cứu độ của tất cả (x. Rm 6, 22).
Thực vậy, chúng ta chỉ thấy một phần nhỏ hoa trái những gì chúng ta đã gieo, vì theo câu cách ngôn Tin Mừng, “kẻ này gieo, người kia gặt” (Ga 4,37). Khi chúng ta gieo vì lợi ích của người khác, chúng ta tham gia vào sự quảng đại của Thiên Chúa: “Thật cao quý khi có thể khởi sự những tiến trình mà người khác sẽ thu gặt hoa trái, trong khi luôn đặt hy vọng nơi sức mạnh tiềm ẩn của những hạt giống tốt lành được vãi gieo” (Fratelli Tutti, 196). Gieo sự tốt lành vì người khác giải thoát chúng ta khỏi lợi ích cá nhân hẹp hòi, và đổ đầy hành động của chúng ta bằng tính nhưng không, và làm cho chúng ta trở thành một phần chân trời tuyệt vời của kế hoạch nhân từ của Thiên Chúa.
Lời Thiên Chúa mở rộng và nâng cao cái nhìn của chúng ta. Lời loan báo cho chúng ta biết rằng mùa gặt thực sự là ngày cánh chung, ngày cuối cùng, ngày vĩnh cửu. Hoa trái chín muồi của cuộc sống và hành động của chúng ta là “hoa trái cho cuộc sống muôn đời” (Ga 4,36), sẽ là “kho tàng trên trời” của chúng ta (Lc 12,33; 18,22). Chính Chúa Giêsu đã sử dụng hình ảnh hạt giống chết trong lòng đất và sinh hoa kết trái để diễn đạt mầu nhiệm chết và phục sinh của Người (x. Ga 12,24); và Thánh Phaolô lặp lại điều này để nói về sự sống lại của thân xác chúng ta: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,42-44). Niềm hy vọng này là ánh sáng tuyệt vời mà Chúa Kitô phục sinh đã mang đến cho thế giới: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15,19-20), để những ai kết hợp mật thiết với Người trong tình yêu “nhờ được chết như Người đã chết” (Rm 6,5) cũng sẽ được liên kết với sự phục sinh của Người trong cuộc sống đời đời (Ga 5,29). “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong nước của Cha họ” (Mt 13,43)
2. “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí”
Sự phục sinh của Chúa Kitô làm sống động những hy vọng trần thế với “niềm hy vọng lớn lao” về sự sống đời đời, gieo hạt cứu độ trong thời hiện tại của chúng ta (Thông điệp Spe salvi, 3; 7). Trước nỗi thất vọng cay đắng vì bao ước mơ tan vỡ, trước nỗi bận tâm vì những thử thách phía trước, trước sự chán nản vì sự nghèo nàn phương tiện, chúng ta bị cám dỗ rút vào ích kỷ cá nhân và dửng dưng trước những đau khổ của người khác. Thật vậy, ngay cả những nguồn lực tốt nhất cũng có những hạn chế: “Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo” (Is 40,30). Nhưng Chúa “ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. […] Ai trông cậy vào Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân”(Is 40,29.31). Mùa Chay mời gọi chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa (x. 1Pr 1, 21), để chỉ khi nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh (x. Dt 12, 2), chúng ta mới có thể đón nhận lời khuyên của Thánh Tông đồ: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí” (Gl 6,9).
Chúng ta đừng mệt mỏi khi cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy rằng cần phải “cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Chúng ta cần cầu nguyện vì chúng ta cần Chúa. Sẽ là một ảo tưởng nguy hiểm, khi chúng ta cho rằng chúng ta không cần gì khác ngoài chính mình. Nếu đại dịch đã làm cho chúng ta chạm vào sự yếu đuối của chúng ta về mặt cá nhân và xã hội, thì Mùa Chay này sẽ cho phép chúng ta cảm nghiệm niềm an ủi khi tin vào Thiên Chúa, nếu thiếu điều này, chúng ta không thể đứng vững (x. Is 7,9). Không ai được cứu một mình, bởi vì tất cả chúng ta đều ở chung một con thuyền giữa bão tố của lịch sử; nhưng trên hết, không ai được cứu nếu không có Thiên Chúa, bởi vì chỉ có mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô mới đem lại chiến thắng trên dòng nước đen tối của sự chết. Đức tin không miễn trừ chúng ta khỏi những gian truân trong cuộc sống, nhưng cho phép chúng ta vượt qua chúng để kết hợp với Thiên Chúa trong Chúa Kitô, với niềm hy vọng lớn lao không làm thất vọng và bằng chứng là tình yêu mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,1-5).
Chúng ta đừng mệt mỏi trong việc diệt trừ cái ác khỏi cuộc sống của chúng ta. Xin cho việc chay tịnh thể xác mà Mùa Chay kêu gọi chúng ta củng cố tinh thần để chiến đấu chống lại tội lỗi. Chúng ta đừng mệt mỏi khi cầu xin tha thứ trong Bí tích Thống hối và Hòa giải, vì biết rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Chúng ta đừng mệt mỏi khi chiến đấu chống lại những dục vọng, sự yếu đuối thúc đẩy lòng ích kỷ và mọi điều xấu xa, mà qua nhiều thế kỷ tìm ra những cách khác nhau để đẩy con người vào tội lỗi (Fratelli tutti, 166). Một trong những cách này là nguy cơ nghiện các phương tiện kỹ thuật số, làm nghèo đi các mối quan hệ của con người. Mùa Chay là thời gian thuận lợi để chống lại những cạm bẫy này và trái lại để vun đắp một tương giao giữa con người với nhau trọn vẹn hơn (Fratelli tutti 43) được tạo nên từ những “cuộc gặp gỡ thực sự” (Fratelli tutti 50), diện đối diện.
Chúng ta đừng mệt mỏi khi làm việc bác ái cho người lân cận. Trong Mùa Chay này, chúng ta thực hành bố thí bằng cách vui vẻ cho đi (x. 2Cr 9, 7). Thiên Chúa “là Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo và bánh làm của ăn nuôi dưỡng” (2Cr 9, 10) cung cấp cho mỗi chúng ta không chỉ để chúng ta được nuôi dưỡng, nhưng còn để chúng ta có thể quảng đại làm điều thiện cho người khác. Nếu quả thật cả cuộc sống chúng ta gieo điều tốt, thì chúng ta hãy đặc biệt tận dụng Mùa Chay này để chăm sóc những người thân cận, để chúng ta gần gũi với những anh chị em đang bị thương trên đường đời (x. Lc 10, 25-37). Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để tìm kiếm chứ không trốn tránh những người đang cần giúp đỡ; để đi đến chứ không phớt lờ những người đang cần một đôi tai cảm thông và một lời tốt lành; để thăm viếng chứ không bỏ rơi những người phải chịu đựng sự cô đơn. Chúng ta hãy thực hành lời kêu gọi làm việc tốt cho tất cả mọi người, dành thời gian để yêu thương những người yếu nhất và không được bảo vệ, những người bị bỏ rơi và bị khinh thường, những người bị phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài lề xã hội (x. Fratelli tutti 193).
3. “Đến mùa chúng ta sẽ gặt hái, nếu không sờn lòng”
Mùa Chay nhắc nhở chúng ta mỗi năm rằng “Điều thiện hảo, cũng như tình yêu, công lý và sự liên đới không cứ đạt được một lần cho mãi mãi nhưng phải thực hiện mỗi ngày”(Fratelli tutti 11). Do đó, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta lòng kiên trì bền bỉ của người nông dân (x. Gc 5, 7) để không ngừng làm việc thiện, từng bước một. Nếu chúng ta vấp ngã, hãy đưa tay đến Chúa Cha, Đấng luôn nâng chúng ta lên. Nếu chúng ta lạc lối, bị phỉnh gạt bởi những lời dụ dỗ của kẻ ác, thì đừng ngập ngừng trở về với Đấng “rộng lòng tha thứ” (Is 55,7). Trong thời gian hoán cải này, tìm được sự đỡ nâng trong ân sủng Chúa và trong sự hiệp thông của Giáo hội, chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi gieo điều tốt. Đất được chuẩn bị bởi chạy tịnh, được tưới bởi cầu nguyện và được làm phong phú bởi việc bác ái. Chúng ta có niềm tin chắc chắn rằng “nếu không sờn lòng, đến mùa chúng ta sẽ gặt” và với kiên trì, chúng ta sẽ được hưởng điều Người đã hứa (x. Dt 10,36) cho ơn cứu độ chính mình và những người khác (x. 1Tm 4,16). Bằng cách thực hành tình yêu thương huynh đệ đối với tất cả mọi người, chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô, Đấng đã hiến mạng sống vì chúng ta (x. 2Cr 5,14-15) và chúng ta nếm hưởng trước niềm vui Nước Trời, khi Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong muôn loài”(1Cr 15, 28).
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã cưu mang Đấng Cứu Thế trong cung lòng và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19), ban cho chúng ta ơn kiên nhẫn. Xin Mẹ đồng hành với chúng ta với sự hiện diện từ mẫu của Mẹ, để mùa hoán cải này sinh hoa trái cứu độ đời đời.
Roma, ngày 11 tháng 11 năm 2021, Lễ nhớ Thánh Martinô Giám mục.
Ngọc Yến
Nguồn: Vatican News