Trẻ vô gia cư |
Các nhà làm phim thực hiện công việc một cách rất đơn giản, nhưng gây sự ngạc nhiên và thích thú cho các diễn viên không chuyên, nhưng đều muốn đóng góp phần của mình vì một xã hội tốt đẹp đầy tình người hơn.
Ở các nơi công cộng như quảng trường, công viên, các nơi vui chơi giải trí ở Canada, Đức và Pháp, các nhà làm phim đặt những máy quay tự động, với những chỉ dẫn cụ thể để mọi người có thể thực hiện. Những người đi qua hoặc đến các nơi công cộng này có thể đứng trước máy quay để nói về một sự kiện, hoặc một trải nghiệm đã làm thay đổi cuộc đời họ. Mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo, văn hoá có thể kể lại câu chuyện cá nhân của mình, những thất bại, những mảnh vỡ cuộc đời, cũng như nỗ lực vươn lên với sự khích lệ của người thân, bạn bè, đặc biệt từ tiếng nói bên trong của mỗi người, tiếng lương tâm, tiếng gọi của Trời Cao, tiếng mời gọi của Thiên Chúa. Mỗi người kể về chính mình, nghĩa là ở ngôi thứ nhất. Thường mỗi câu chuyện được các nhà làm phim cô đọng lại còn khoảng 5 phút.
Một trong những câu chuyện được các khán giả truyền hình quan tâm cách đặc biệt vì có sức lôi cuốn mọi người đến tận sâu thẳm của tâm hồn. Đó là câu chuyện, một chứng tác của cha Claude, linh mục người ở Quebec, Canada.
Câu chuyện phong phú đầy cảm xúc của cha Claude được đan xen giữa những đau khổ và dấn thân đầy tình người. Câu chuyện tập trung về một người sau nhiều năm sống trên đường phố và trong rượu, đã trở thành linh mục, và từ đó dấn thân hết mình cho những người vô gia cư. Trong năm phút thanh thản, cha Claude, với giọng Pháp đặc trưng của vùng Quebec, kể lại cuộc đời bắt đầu trong đau khổ trước khi gặp Chúa Giêsu Kitô trong một nhà thờ, trở thành linh mục nhận ra ơn gọi dành cho người vô gia cư.
Cha Claude kể:
Lần đầu tiên tôi nếm rượu là khi tôi lên 13 tuổi. Đó là ngày ông tôi qua đời, và ngay lập tức tôi thích vị cay của rượu. Đối với tôi rượu là một loại thuốc, vì thế trong một thời gian dài, chính xác cho tới năm 33 tuổi tôi là một người nghiện rượu. Tôi uống rượu, sử dụng ma túy mạnh… Tôi đã sử dụng mọi thứ có trên thị trường. Tôi bị lệ thuộc rượu và ma tuý. Tôi trở thành người sống lang thang, người vô gia cư. Tôi thực sự không có niềm tin. Con đường Thập giá của tôi rất dài.
Rồi một người bạn đã xuất hiện trong cuộc đời tôi. Anh tên là là Yves, một tín hữu thực hành đạo rất tốt. Anh thường xuyên đi lễ, tĩnh tâm. Anh luôn mời tôi đi cùng nhưng tôi chẳng thấy hứng thú gì cả. Nhưng rồi một ngày cuối tuần, tôi nói: Tôi sẽ đi. Tôi đến đó để làm vui lòng anh. Và tôi đã được biến đổi. Có điều gì đó đã xảy ra vào cuối tuần đó. Tôi cảm thấy đức tin của tôi đã trở lại. Đức tin thời thơ ấu của tôi đã trở lại.
Tôi gia nhập chủng viện. Mặc dù có quyết tâm nhưng tôi không thể sống theo các nội quy của chủng viện, và khi biết được chuyện chẳng lành của người bạn thân Yves, tôi bắt đầu uống rượu trở lại, vì quá khó khăn đối với tôi khi chấp nhận thực tế này.
Tôi cảm nhận mình có ơn gọi làm linh mục, nhưng tôi tự nhủ: đâu là sứ vụ của tôi? Một ngày nọ, một bạn trẻ mà tôi biết từ trước gọi điện thoại cho tôi và nói với tôi rằng em đang ở bệnh viện ở Montreal, bị ung thư giai đoạn cuối, và yêu cầu tôi đến bên giường em. Tôi đến đó và em nói với tôi: chưa có ai nhìn con trực tiếp. Cha có dám nhìn con chết không? Lúc đó em khoảng 18-19 tuổi, chúng tôi quen biết nhau lúc em 11-12 tuổi. Em sống lang thang khắp nơi, bị lạm dụng đủ kiểu. Tôi đã ở lại với em trong những giây phút cuối. Trước khi chết, em nói với tôi: Cha giúp con, nhưng ai sẽ giúp những người khác trên đường phố? Và chính giây phút đó, tôi đã nhận ra ơn gọi của mình. Tôi tự nhủ: thật buồn cười, tôi đã sống trên đường phố nhiều năm, và đường phố đã dạy tôi về Giáo hội. Chính những người trẻ đã dạy tôi Giáo hội. Tôi không đến đường phố với tràng hạt và Kinh Thánh, đó không phải là cách tiếp cận của tôi. Tôi không ở trong văn phòng. Người vô gia cư, người nghèo gặp gỡ tôi ở khu nhà trọ, trong công viên, trong một con hẻm. Đừng nghĩ rằng có một số người không thể phục hồi được. Câu nói này không tồn tại trong thanh quản của tôi. Tất cả chúng ta đều có thể được phục hồi. Tôi đơn giản là một linh mục, người đã sống những gì họ đang trải qua ngay bây giờ. Họ là những người khiến tôi không bao giờ nghiện rượu nữa. Tôi sẽ nói rằng họ đã cứu tôi. Tôi bỏ rượu ở tuổi 33, tôi đã từng ở trên đường phố 33 năm, và tôi sẽ ở trên đường phố cho đến khi tôi chết. Đơn giản là vậy.
Ngọc Yến
Nguồn: Vatican News