Ủy ban Quốc tế chung về Đối thoại Thần học giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính thống Đông phương đã họp trực tuyến từ ngày 26-28/1/2022, dưới quyền đồng chủ tịch của Đức Hồng y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Toà thánh cổ võ Hiệp nhất Kitô hữu, và của Đức cha Kyrillos, Giám mục phụ tá của giáo phận Chính thống Copte của Los Angeles, Hoa Kỳ. Cuộc họp tập trung chính xác vào việc thảo luận bản thảo văn kiện về các bí tích trong đời sống Giáo hội, ở phần cuối của giai đoạn đối thoại thứ ba.
Trong cuộc họp trực tiếp lần cuối cùng của Ủy ban bắt đầu vào cuối tháng 1/2020, khi thảo luận về các bí tích, Uỷ ban cũng xác định các hướng dẫn của tài liệu chung thứ ba của Ủy ban. Chủ đề các bí tích là trọng tâm của cuộc đối thoại Công giáo - Chính thống, là một trong những cuộc đối thoại đại kết hứa hẹn nhất.
1500 năm sau Công đồng Canxêđônia
Các Giáo hội Chính Thống Đông phương tách khỏi Công giáo khi Công đồng Canxêđônia, vào thế kỷ thứ năm, xác định rằng Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và người thật, có hai bản tính, “không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia và không tách rời”. Nhưng các Giáo hội Chính thống Đông phương đã không hiểu công thức “hai bản tính” này như Công giáo và họ nghĩ rằng Công đồng trình bày một học thuyết sai lạc, và vì lý do này mà họ tách rời Giáo hội Công giáo.
Tuy nhiên Đức Phaolô VI đã nối lại cuộc đối thoại qua một loạt các cuộc gặp gỡ. Trước tiên, ngài gặp Đức Yacob III, Thượng phụ Chính thống Syria của Antiokia, vào năm 1971. Cũng trong năm 1971, ngài đã ký một tuyên bố chung với giáo chủ Chính thống Copte Shenouda III. Trong khi đó, Đức Gioan Phaolô II đã ký một tuyên bố tương tự với Đức Karekin I của Chính Thống Armeni vào năm 1996, và với Đức Aram I của Cilicia vào năm 1997. Do đó, 1500 sau Công đồng Canxêđônia, những tuyên bố chung này đã giúp giải quyết những khác biệt về Kitô học giữa các Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Đông phương.
Từ đó, ủy ban hỗn hợp quốc tế đã được thành lập vào năm 2003. Ủy ban bao gồm các đại diện của Giáo hội Công giáo, Giáo hội Chính thống Copte, Giáo hội Chính thống Syria của Antiokia, Giáo hội Armeni Tông truyền, Giáo hội Chính Thống Ethiopia và Giáo hội Chính thống Syria Malankara. (ACI 15/02/2022)
Hồng Thủy
Nguồn: Vatican News