Thứ bảy, 28/12/2024

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 36

Cập nhật lúc 08:44 29/09/2021
Các bạn trẻ rước Thánh Giá Ngày Giới trẻ Thế giới
Các bạn trẻ rước Thánh Giá Ngày Giới trẻ Thế giới
Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 36 sẽ được cử hành vào Chúa Nhật ngày 21/11/2021, lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ. Trong Sứ điệp nhân ngày này, có chủ đề: “Hãy trỗi dậy. Ta chọn ngươi làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy” (Cv 26,16), Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ làm chứng nhân cho Chúa Giêsu Kitô cách can đảm, theo gương thánh Phaolô tông đồ.

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 36 (21/11/2021)

“Hãy trỗi dậy. Ta chọn ngươi làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy” (Cv 26,16)

Các bạn trẻ thân mến,
Một lần nữa cha muốn nắm tay các con và cùng các con bước đi trên cuộc Hành hương thiêng liêng, hướng đến Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2023 ở Lisbon.
Sứ điệp năm ngoái mà cha ký không lâu trước khi đại dịch bùng phát, có chủ đề: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7,14). Trong sự quan phòng của Người, Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta đối mặt với thử thách nặng nề mà khi đó chúng ta sắp trải qua.
Trên toàn thế giới, chúng ta đã phải chịu nỗi đau vì mất rất nhiều người thân yêu và vì sự cô lập xã hội. Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đã ngăn cản các bạn trẻ - với bản chất tự nhiên là hướng ngoại - đi ra ngoài để đến trường hoặc đại học, đi làm và gặp gỡ nhau. Các con rơi vào những tình huống khó khăn mà các con không quen xoay xở. Những người ít được chuẩn bị hơn hoặc thiếu sự hỗ trợ, cảm thấy mất phương hướng. Chúng ta đã thấy các vấn đề của gia đình gia tăng, cũng như nạn thất nghiệp, trầm cảm, cô đơn và nghiện ngập, chưa kể đến căng thẳng tích tụ, sự tức giận bùng phát và bạo lực gia tăng.
Tuy nhiên, cảm tạ Chúa vì điều này chỉ là một mặt của đồng tiền. Nếu như thử thách tỏ cho chúng ta thấy sự yếu đuối mỏng manh của chúng ta, thì nó cũng bày tỏ những nhân đức của chúng ta, bao gồm khuynh hướng liên đới. Trên khắp thế giới chúng ta đã thấy nhiều người, trong đó có nhiều người trẻ, chiến đấu vì sự sống, gieo mầm hy vọng, bảo vệ tự do và công bình, là những người kiến tạo hòa bình và xây dựng những cầu nối.
Bất cứ khi nào một người trẻ vấp ngã, theo một nghĩa nào đó, tất cả nhân loại đều ngã. Tuy nhiên, nó cũng đúng là khi một người trẻ trỗi dậy, thì giống như cả thế giới cũng trỗi dậy. Các bạn trẻ yêu quý, các con nắm giữ trong tay tiềm năng lớn lao biết bao! Các con có sức mạnh to lớn biết bao trong trái tim!
Hôm nay cũng vậy, Thiên Chúa đang nói với mỗi người trong các con: “Hãy trỗi dậy!” Cha tha thiết hy vọng rằng, Sứ điệp này có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho thời đại mới và một trang mới trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, chúng ta không thể bắt đầu lại, nếu không có các con, các bạn trẻ thân mến. Để trỗi dậy, thế giới cần sức mạnh của các con, sự nhiệt tình của các con, niềm đam mê của các con. Do đó, cha muốn cùng các con suy gẫm đoạn sách Công vụ Tông đồ, trong đó Chúa Giêsu nói với thánh Phaolô: “Hãy chỗi dậy! Ta chọn ngươi làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy” (Cv 26, 16).
Thánh Phaolô làm chứng trước mặt vua
Câu Kinh Thánh gợi hứng cho chủ đề của Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2021 được lấy từ chứng tá của thánh Phaolô trước Vua Agrippa, sau khi bị giam tù. Trước đây, thánh Phaolô là kẻ thù và người bắt bớ các Kitô hữu, giờ đây ngài chịu xét xử chính vì niềm tin vào Chúa Kitô. Khoảng 25 năm sau, thánh Tông đồ thuật lại câu chuyện về cuộc gặp gỡ định mệnh của ngài với Chúa Kitô.
Thánh Phaolô thú nhận rằng, trong quá khứ ngài đã bách hại các Kitô hữu, cho đến một ngày, khi đang trên đường đi Đamas để bắt giữ một vài người trong số họ, một luồng ánh sáng “chói lọi hơn mặt trời” chiếu tỏa xuống quanh ngài và các bạn đồng hành (Cv 26, 13). Tuy nhiên, chỉ mình ngài nghe “một tiếng nói”: tiếng của Chúa Giêsu nói với ngài và gọi đích danh ngài.
“Sa-un! Sa-un!”
Chúng ta hãy cùng nhau đào sâu sự kiện này. Khi gọi đích danh Sa-un, Chúa giúp anh hiểu rằng Người biết anh một cách cá nhân. Như thể Người nói với anh: “Ta biết ngươi là ai và ngươi đang làm gì; nhưng ngay cả như thế, Ta đang nói trực tiếp với ngươi”. Chúa gọi anh hai lần như dấu chỉ của một ơn gọi đặc biệt quan trọng; Người đã làm như thế trước đó với ông Môsê (Xh 3, 4) và Samuel (1Sam 3, 10). Sa-un ngã xuống đất và nhận ra rằng, mình đang chứng kiến ​​một cuộc thần hiện, một mặc khải mạnh mẽ khiến anh bối rối, nhưng không hủy diệt anh. Ngược lại, anh thấy mình được gọi đích danh.
Trên thực tế, chỉ một cuộc gặp gỡ cá nhân và đích danh với Chúa Kitô mới thay đổi cuộc đời. Chúa Giêsu cho thấy Người biết Sa-un rất rõ, “từ trong ra ngoài”. Cho dù Sa-un là một kẻ bách hại, cho dù lòng anh tràn đầy sự căm thù các Kitô hữu, Chúa Giêsu nhận ra rằng, điều này là do anh thiếu hiểu biết và Người muốn thể hiện lòng nhân từ của Người ở nơi anh. Chính ân sủng này, tình yêu nhưng không và vô điều kiện, sẽ là ánh sáng biến đổi hoàn toàn cuộc sống của Sa-un.
“Thưa Ngài, Ngài là ai?”
Đứng trước sự hiện diện mầu nhiệm gọi đích danh mình, Sa-un hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” (Cv 26, 15). Câu hỏi này vô cùng quan trọng và tất cả chúng ta, sớm muộn gì cũng phải hỏi. Nghe người khác nói về Đức Kitô thôi thì chưa đủ, nhưng  còn cần phải nói chuyện với Ngài một cách cá nhân. Cách căn bản, đây là cầu nguyện. Đó là nói chuyện trực tiếp với Chúa Giêsu, ngay cả khi có lẽ lòng chúng ta vẫn còn đang rối loạn, tâm trí chúng ta đầy nghi ngờ hoặc thậm chí là khinh miệt đối với Chúa Giêsu Kitô và các Kitô hữu. Cha hy vọng rằng, mỗi người trẻ, từ tận đáy lòng của mình, sẽ hỏi câu hỏi này: “Thưa Ngài, Ngài là ai?”
Chúng ta không còn có thể cho rằng, mọi người đều biết Chúa Giêsu, ngay cả trong thời đại của internet. Câu hỏi mà nhiều người đang hỏi về Chúa Giêsu và Giáo hội của Người chính là câu hỏi này: “Bạn là ai?” Trong toàn bộ câu chuyện về lời kêu gọi thánh Phaolô, đây là lần duy nhất thánh Phaolô nói. Và Chúa trả lời ngay lập tức: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (sđd).
“Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ!”
Bằng câu trả lời này, Chúa Giêsu tiết lộ cho Sa-un một mầu nhiệm vĩ đại: Người đồng hóa mình với Hội thánh, với các Kitô hữu. Cho đến thời điểm đó, Sa-un không nhìn thấy gì về Chúa Kitô, nhưng chỉ thấy các tín hữu mà anh đã tống vào ngục (Cv 26, 10) và đồng thuận với việc lên án tử cho họ (ibid.). Anh đã thấy cách các Kitô hữu đáp lại điều ác bằng sự tốt lành, đáp lại lòng căm thù bằng tình yêu thương, chịu đựng sự bất công, bạo lực, những tai họa và sự bắt bớ vì danh Chúa Kitô. Bằng một cách nào đó, mà Sa-un không hề hay biết, anh đã gặp được Chúa Kitô. Anh đã gặp Người nơi các Kitô hữu!
Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe nói “Chúa Giêsu có, Giáo hội không!”, như thể người này có thể là sự thay thế cho người kia. Người ta không thể biết Chúa Giêsu nếu không biết Giáo hội. Người ta không thể biết Chúa Giêsu nếu không qua những anh chị em trong cộng đồng của Người. Chúng ta không thể tự gọi mình là Kitô hữu hoàn toàn, trừ khi chúng ta trải nghiệm chiều kích giáo hội của đức tin.
“Đá lại mũi nhọn thì khốn cho người”
Đây là những lời Chúa nói với Sa-un sau khi anh ngã xuống đất. Tuy nhiên, rõ ràng là, từ lâu Người đã lặp lại cùng những lời đó với Sa-un một cách mầu nhiệm, nhằm lôi kéo anh đến với Người. Tuy nhiên, Sa-un đã chống lại. Chúa của chúng ta cũng dùng cùng lời “khiển trách” nhẹ nhàng đó nói với mỗi người trẻ quay lưng lại với Người: “Con sẽ chạy trốn Ta cho đến khi nào? Tại sao con không nghe Ta đang gọi con? Ta đang đợi con quay về với Ta”. Có những lúc chúng ta cũng nói như ngôn sứ Giêrêmia: “Tôi sẽ không còn nghĩ về Người nữa” (Gr 20, 9). Nhưng trong lòng mỗi người có một ngọn lửa bùng cháy: dù chúng ta cố gắng dập tắt nó, chúng ta vẫn không thể, vì nó mạnh hơn chúng ta.
Chúa đã chọn một người đang bắt bớ Người, hoàn toàn thù ghét Người và những ai theo Người. Chúng ta thấy rằng, trong mắt Thiên Chúa, không ai bị hư mất. Nhờ cuộc gặp gỡ cá nhân với Người, chúng ta luôn có thể bắt đầu lại từ đầu. Không một người trẻ nào nằm ngoài tầm với của ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Không ai có thể nói rằng: Hắn đã đi quá xa… Đã quá muộn… Bao nhiêu người trẻ tuổi cuồng nhiệt nổi loạn và đi ngược dòng, nhưng trong sâu thẳm trái tim họ cảm thấy cần phải dấn thân, yêu hết lòng, có một sứ mệnh trong cuộc sống! Chúa Giêsu đã thấy chính xác điều đó nơi chàng trai trẻ Sa-un.
Nhận ra sự mù quáng của chúng ta
Chúng ta có thể tưởng tượng rằng, trước khi gặp gỡ Chúa Giêsu, ở một mức độ nào đó, Sa-un “chỉ thấy có mình”, nghĩ rằng mình “vĩ đại” dựa trên sự chính trực về đạo đức, lòng nhiệt thành, lý lịch và trình độ học vấn của mình. Chắc chắn, anh tin chắc mình đúng. Nhưng khi Chúa tỏ mình ra, Sa-un “ngã xuống đất”, bị mù. Đột nhiên, anh rơi vào tình trạng không thể nhìn thấy, cả về thể chất và tinh thần. Sự xác tín của anh đang bị lung lay. Trong thâm tâm, anh nhận ra rằng, lòng nhiệt thành cuồng nhiệt truy sát các Kitô hữu là hoàn toàn sai lầm. Anh nhận ra rằng, anh không sở hữu sự thật tuyệt đối, và thực sự còn xa nó. Sự chắc chắn và niềm kiêu hãnh của anh tan biến; đột nhiên, anh thấy mình mất phương hướng, yếu ớt và “nhỏ bé”.
Sự khiêm tốn như vậy - ý thức về những hạn chế của chúng ta - là điều cần thiết! Ai nghĩ rằng họ biết mọi thứ về bản thân, về người khác và thậm chí về các chân lý tôn giáo, sẽ khó gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Sau khi bị mù, Sa-un đã mất điểm tham chiếu của mình. Một mình trong bóng tối, những thứ rõ ràng duy nhất là ánh sáng anh nhìn thấy và giọng nói anh nghe thấy. Thật là nghịch lý! Chính khi chúng ta bị mù, chúng ta mới bắt đầu nhìn thấy!
Sau kinh nghiệm choáng ngợp trên đường đi Đamas, Sa-un muốn được gọi là Phaolô, có nghĩa là “nhỏ bé”. Điều này không giống như những biệt danh hoặc tên được đặt quá phổ biến ngày nay. Cuộc gặp gỡ của anh với Chúa Kitô đã thay đổi cuộc đời anh; nó khiến anh cảm thấy mình thực sự nhỏ bé và phá bỏ mọi thứ ngăn cản anh thực sự nhận ra chính mình. Và anh nói với chúng ta: “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là Tông đồ, vì đã ngược đãi Hội thánh của Thiên Chúa.” (1Cr 15, 9).
Thánh Têrêsa thành Lisieux, cũng như bao vị thánh khác, rất thích nói rằng: khiêm tốn là sự thật. Ngày nay, chúng ta lấp đầy thời gian của mình, đặc biệt là trên mạng xã hội, với bất kỳ “câu chuyện” nào, thường được xây dựng cẩn thận với hậu cảnh, các máy ảnh và các hiệu ứng đặc biệt. Càng ngày, chúng ta càng muốn trở thành tâm điểm chú ý, được đóng khung hoàn hảo, sẵn sàng cho “bạn bè” và “những người theo dõi” thấy một hình ảnh của chính chúng ta, nhưng không phản ánh con người thật của chúng ta. Chúa Kitô, mặt trời đúng ngọ, đến để soi sáng chúng ta và khôi phục tính xác thực của chúng ta, giải phóng chúng ta khỏi tất cả các mặt nạ của chúng ta. Người cho chúng ta thấy rõ ràng chúng ta là ai, vì đó chính xác là cách Người yêu thương chúng ta.
Thay đổi quan điểm
Sự hoán cải của thánh Phaolô không phải là một sự quay lại đàng sau, nhưng là rộng mở đón nhận cách nhìn hoàn toàn mới.  Thật sự là ngài vẫn tiếp tục hành trình đến Đamsa, nhưng không còn là con người như trước; bây giờ ngài là một con người khác (Cv 22, 10).  Sự hoán cải có thể canh tân cuộc sống hằng ngày của chúng ta.  Chúng ta tiếp tục làm những gì chúng ta đã làm trước đây, nhưng trái tim và động lực của chúng ta bây giờ đã thay đổi.  Trong trường hợp của thánh Phaolô, Chúa Giêsu bảo ngài tiếp tục đi đến Đamas, nơi ngài đã dự định đi.  Thánh Phaolô đã vâng lời, nhưng mục tiêu và mục đích cuộc hành trình của ngài đã thay đổi hoàn toàn.  Từ đây trở đi, thánh Phaolô sẽ nhìn mọi sự với đôi mắt mới, không còn là kẻ bắt bớ và đao phủ, nhưng là một môn đệ và một chứng nhân.  Ở Đamas, Anania sẽ rửa tội cho ngài và giới thiệu ngài trước cộng đoàn Kitô hữu.  Trong thinh lặng và cầu nguyện, thánh Phaolô sẽ đào sâu trải nghiệm của mình và danh tính mới đã được Chúa Giêsu trao ban.
Đừng làm tiêu tan sức mạnh và niềm đam mê của tuổi trẻ
Thái độ của thánh Phaolô trước khi gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh không có gì lạ đối với chúng ta.  Các bạn trẻ thân mến, có bao nhiêu sức mạnh và niềm đam mê cũng nổi lên trong lòng các con!  Nhưng sự tăm tối xung quanh và trong các con có thể ngăn cản các con nhìn các sự việc cách đúng đắn. Các con có thể có nguy cơ đánh mất chính mình trong những tranh đấu vô nghĩa, thậm chí cả những trận chiến bạo lực. Thật đáng buồn là, những nạn nhân đầu tiên lại là chính các con và những người thân cận nhất của các con. Và một nguy hiểm nữa, là việc tranh đấu cho những nguyên nhân mà ban đầu là bảo vệ các giá trị, nhưng khi đến mức quá đáng, sẽ trở thành những ý thức hệ phá hoại.  Bao nhiêu bạn trẻ ngày nay được truyền cảm hứng, có lẽ được thúc đẩy, bởi các xác tín chính trị hay tôn giáo, đã trở thành những công cụ bạo lực và phá hoại trong cuộc sống của biết bao nhiêu người!  Có kẻ, thông thạo với thế giới kỹ thuật số, dùng thực tại ảo và phương tiện truyền thông như là chiến trường mới, sử dụng không suy nghĩ các tin giả làm vũ khí để lan truyền chất độc và tiêu diệt các đối thủ.
Khi xâm nhập vào cuộc đời của thánh Phaolô, Chúa không xóa bỏ tính tình hay lòng nhiệt thành của thánh nhân. Trái lại, Người làm cho các tài năng của thánh nhân triển nở bằng cách làm cho ngài trở nên một sứ giả Tin Mừng tuyệt vời cho khắp thế gian.
Tông đồ của các dân tộc
Kể từ đó, thánh Phaolô sẽ được gọi là “tông đồ của các dân tộc”. Thánh Phaolô, trước đây là một Pharisêu, là một người tuân giữ Lề Luật cách tỉ mỉ!  Ở đây, chúng ta thấy một nghịch lý nữa:  Chúa đặt niềm tin tưởng vào chính kẻ đã bắt bớ Người.  Như thánh Phaolô, mỗi người chúng ta có thể nghe trong thẳm sâu tâm hồn tiếng nói này: “Ta tin con. Ta biết lịch sử đời con và Ta ôm ấp nó, cùng với con”.  Lối suy nghĩ của Chúa có thể biến đổi kẻ bách hại tồi tệ nhất thành một chứng nhân vĩ đại.
Môn đệ của Chúa Kitô được mời gọi trở nên “ánh sáng cho thế gian” (Mt 5, 14).  Bây giờ thánh Phaolô phải làm chứng cho những gì ngài thấy, nhưng hiện giờ ngài đang bị mù.  Một nghịch lý nữa!  Nhưng chính qua kinh nghiệm cá nhân của mình, thánh Phaolô có thể cảm thông hoàn toàn với những người mà Chúa sai ngài đến với họ.  Đó là lý do ngài được trở thành một chứng nhân: “để mở mắt cho họ, để họ rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng” (Cv 26, 18).
“Hãy trỗi dậy và làm chứng!”
Khi chúng ta đón nhận sự sống mới được trao ban trong bí tích Rửa tội, Thiên Chúa cũng giao phó cho chúng ta một sứ vụ quan trọng và biến đổi cuộc đời: “Con sẽ là chứng nhân của Ta!”
Hôm nay Chúa Kitô nói với mỗi người trẻ các con cùng những lời Người đã nói với Phaolô: “Hãy trỗi dậy! Con không thể cứ nằm lì trên mặt đất và than khóc về lỗi lầm của mình: một sứ vụ đang chờ con! Con cũng có thể làm chứng cho những điều Chúa Giêsu đã bắt đầu hoàn thành trong cuộc sống của con. Nhân danh Chúa Giêsu, Cha xin các con:
- Hãy trỗi dậy và làm chứng rằng, các con cũng đã từng mù lòa và đã gặp được ánh sáng. Các con cũng đã nhìn thấy sự tốt lành và vẻ đẹp của Thiên Chúa trong các con, trong người khác và trong sự hiệp thông của Giáo hội, nơi chiến thắng mọi sự đơn  độc.
- Hãy trỗi dậy và làm chứng cho tình yêu và sự tôn trọng, điều có thể hình thành trong mối quan hệ của con người, trong cuộc sống gia đình, trong việc đối thoại giữa cha mẹ và con cái, giữa giới trẻ và người cao niên.
- Hãy trỗi dậy và bảo vệ công bằng xã hội, sự thật và lẽ phải, nhân quyền, những người bị bách hại, những người nghèo và người dễ bị tổn thương, những người không có tiếng nói trong xã hội, những người nhập cư.
- Hãy trỗi dậy và làm chứng cho cách nhìn mới khiến các con nhìn thấy thụ tạo bằng đôi mắt đầy kinh ngạc, khiến các con nhận ra Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, và cho các con lòng can đảm để bảo vệ hệ sinh thái toàn diện.
- Hãy trỗi dậy và làm chứng rằng, những cuộc đời thất bại có thể được làm lại, những người chết về phần thiêng liêng có thể sống lại, những người sống kiếp nô lệ có thể trở lại tự do, những tâm hồn bị đè nặng bởi sầu khổ có thể tìm lại hy vọng.
- Hãy trỗi dậy và làm chứng cách vui tươi rằng, Chúa Kitô đang sống! Hãy truyền bá sứ điệp yêu thương và cứu độ của Người giữa các bạn cùng trang lứa với các con, ở trường học, trong đại học, ở nơi làm việc, trong thế giới kỹ thuật số, ở bất cứ nơi đâu.
Chúa Giêsu, Giáo hội, Đức Giáo hoàng tin tưởng nơi các con và chọn các con làm chứng nhân cho nhiều người trẻ khác mà các con sẽ gặp trên “những nẻo đường Đamas” của thời đại chúng ta. Các con đừng quên: “Bất cứ ai đã thực sự trải nghiệm tình thương cứu độ của Thiên Chúa, thì không cần nhiều thời gian hay một sự đào tạo lâu dài để đi rao giảng tình thương ấy. Mọi Kitô hữu đều là người truyền giáo theo mức độ họ đã gặp gỡ tình thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (Niềm vui Tin Mừng, 120).
Các con hãy trỗi dậy và cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới tại các Giáo hội địa phương!
Một lần nữa Cha mời tất cả các con, những người trẻ trên thế giới, tham gia cuộc hành hương thiêng liêng sẽ dẫn chúng ta đến việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới tại Lisbon vào năm 2023. Tuy nhiên, cuộc hẹn tiếp theo là tại các Giáo hội địa phương của các con, trong các giáo phận khác nhau trên thế giới, nơi mà Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2021 sẽ được cử hành tại địa phương vào ngày lễ trọng Chúa Kitô Vua.
Cha hy vọng rằng, tất cả chúng ta có thể sống những giai đoạn này như những người hành hương thực sự chứ không phải là “những khách du lịch của đức tin”! Chúng ta hãy mở lòng mình trước những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa, Đấng muốn chiếu tỏa ánh sáng của Người trên hành trình của chúng ta. Chúng ta hãy mở lòng để lắng nghe tiếng nói của Người, cũng qua tiếng nói của các anh chị em của chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ giúp nhau cùng nhau trỗi dậy, và trong thời khắc lịch sử khó khăn này, chúng ta sẽ trở thành những ngôn sứ của thời đại mới và tràn đầy hy vọng! Xin Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc chuyển cầu cho chúng ta.
Roma, đền thờ thánh Gioan Laterano, 14 tháng 9 năm 2021
Lễ Suy tôn Thánh Giá                                                                     
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log