Theo Inés San Martin của Crux, trước các chỉ trích của quốc tế đối với vai trò của Nga trong cuộc bạo loạn đang diễn ra tại Ukraine, tổng thống Nga đã tới Vatican vào hôm thứ Tư để yết kiến một nhân vật mà với ngài ông vốn đã tạo được một hợp tác địa chính trị ít ai ngờ được trên nhiều mặt trận khác. Đó là Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Trong cuộc hội kiến kéo dài 50 phút, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về cuộc tranh chấp tại Ukraine và tình hình ở Trung Đông.
Nội dung cuộc gặp gỡ
Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, tuyên bố như sau về cuộc thảo luận: “Về tình hình ở Ukraine, Đức Thánh Cha tuyên bố rằng điều khẩn thiết là khởi đầu một cố gắng trung thực và lớn lao để đạt hòa bình cho bằng được”.
Theo Cha Lombardi, cả hai nhà lãnh đạo cùng đồng ý về nhu cầu tái thiết bầu khí đối thoại tại Ukraine và tầm quan trọng của việc cam kết thực thi các thỏa hiệp Minks, tức khuôn khổ hòa bình năm 2014 được đưa ra với sự điều hợp của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu.
Về các tranh chấp ở Trung Đông, nhất là tại Syria và Iraq, Cha Lombardi cho biết: cuộc hội kiến đã xác nhận “điều vốn đã được thỏa thuận” liên quan đến việc khẩn thiết phải theo đuổi hòa bình, với việc can dự cụ thể của cộng đồng quốc tế, “cùng một lúc bảo đảm các điều kiện cần thiết cho đời sống của mọi thành viên trong xã hội, trong đó có các thiều số tôn giáo”.
Theo những người hiện diện, bầu khí (cuộc hội kiến) “rất nghiêm trọng nhưng thân ái”, trong đó, cả Đức Phanxicô lẫn ông Putin đều giữ im lặng trong lúc các nhiếp ảnh gia và các nhà báo còn ở trong phòng.
Như thường xẩy ra trong các cuộc hội kiến loại này, hai nhà lãnh đạo trao đổi tặng phẩm cho nhau. Ông Putin tặng Đức Phanxicô một bức tranh thêu hình Nhà Thờ Chúa Cứu Thế tại Moscow, từng bị tàn phá thời Xô Viết nhưng nay vừa được trùng tu.
Đức Giáo Hoàng tặng tổng thống Nga một huy chương có hình Thiên Thần Hòa Bình, Đấng mà Đức Phanxicô cho rằng “sẽ đánh bại mọi cuộc chiến tranh và lên tiếng về tình liên đới giữa các dân tộc”. Ngài cũng tặng ông Putin một bản tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” của ngài, và nói rằng tông huấn này đầy “những suy tư tôn giáo, nhân bản, địa chính trị và xã hội”.
Cả tấm huy chương lẫn tông huấn đều là những tặng phẩm Đức Giáo Hoàng có thói quen tặng các nhà lãnh đạo chính trị tới yết kiến ngài.
Putin tới trễ 75 phút, phá cả kỷ lục trước đây của chính ông: năm 2013, khi tới yết kiến Đức Phanxicô lần đầu tiên, ông trễ 50 phút.
Một cặp lạ đời
Theo Martin, Đức Giáo Hoàng và Ông Putin có được một thứ gắn bó rất lạ đối với nhau kể từ ngày Đức Phanxicô lên làm giáo hoàng.
Năm 2013, khi Hoa Kỳ và các nước Phương Tây khác đang chuẩn bị triển khai lực lượng quân sự chống lại chế độ Bashar al-Assad ở Syria, trong cố gắng ngăn chặn cuộc đổ bộ này, có tường trình cho rằng Ông Putin đã nói với các nước hội viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc rằng: “chúng ta nên lắng nghe Đức Giáo Hoàng”.
Trước đó, Đức Phanxicô có gửi cho ông một lá thư để thúc giục các nước hội viên “gạt bỏ việc theo đuổi vô ích giải pháp quân sự”. Dù sao, lá thư của Đức Phanxicô đã ngăn chặn cuộc đổ bộ.
Cũng thế, Đức Phanxicô tìm được ở Ông Putin một đồng minh cho việc bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo ở Trung Đông. Vì sự kiện đa số các Kitô hữu bị nhóm Hồi Giáo cuồng tín ISIS sát hại đều là Chính Thống Giáo, nên ông Putin từng nhấn mạnh rằng Nga có vai trò đặc biệt có tính lịch sử trong việc bảo vệ họ.
Tuy nhiên, tình hình ở Ukraine vẫn còn là điểm gây rắc rối. Từ trước đến nay, Đức Phanxicô vẫn tự chế khi lên án vai trò của Điện Cẩm Linh trong cuộc tranh chấp, “gọi nó là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn”. Nhưng Putin thì chối leo lẻo rằng các lực lượng quân sự của Nga không có mặt trên bộ.
Nói tại cuộc họp báo ở Milan, một việc khiến ông trễ 75 phút, Ông Putin có nhắc tới cuộc khủng hỏang Ukraine, và cho hay “giải pháp duy nhất cho Ukraine là hòa bình”.
Trước cuộc hội kiến giữa Đức Phanxicô và Ông Putin, Thượng Phụ Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, Sviatoslav Shevchuk, gửi một lá thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, yêu cầu ngài “trở thành tiếng nói của nhân dân Ukraine” và “bênh vực con cái nước này” trong cuộc hội kiến.
Thượng Phụ Shevchuk nói với trang mạng tin tức Ba Lan Polityce rằng “không ai, không nhà ngoại giao nào, không hệ thống an ninh quốc tế nào, và không một vĩ nhân nào của thế giới này từng có khả năng chấm dứt chiến tranh tại Ukraine”.
Ngài cũng cho hay: trong lá thư của ngài, ngài kêu gọi Đức Giáo Hoàng trở thành tiếng nói của những người Công Giáo trung thành ở Ukraine đang chịu đau khổ do cuộc tranh chấp đang diễn tiến gây ra. Ngài nói: “tôi yêu cầu Đức Giáo Hoàng, trong tư cách người cha của chúng tôi, hãy bênh vực con cái của ngài”.
Thượng phụ cũng cho hay ngài thấy có nhiều điểm tương tự giữa cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô với Ông Putin và cuộc thăm viếng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với cựu chủ tịch Xô Viết Mikhail Gorbachev năm 1989, sau cuộc thăm viếng này, Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine được phép ra công khai sau nhiều năm bị Liên Bang Xô Viết đàn áp.
Ngài cho rằng có nhiều điều tùy thuộc cuộc gặp gỡ này. Ngài nói: “Chúng tôi tin rằng Đức Thánh Cha, trong tư cách Vị Đại Diện của Chúa Giêsu Kitô trên mặt đất, có thể làm được điều không một vĩ nhân nào của thế giới có thể làm từ trước cho tới nay. Chúng tôi hy vọng rằng ngài can thiệp giùm cho chúng tôi”.
Thái độ của Hoa Kỳ
Các hy vọng của thượng phụ Shevchuk cũng là các hy vọng của Hoa Kỳ. Cùng ngày 10 tháng 6, Kenneth Hackett, Đại Sứ Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh, nói rằng xứ sở ông muốn thấy Vatican gia tăng sự quan tâm của mình đối với tình thế ở Ukraine trong cuộc gặp gỡ của ngài với nhà lãnh đạo Nga.
Hackett nói với các phóng viên báo chí rằng “chúng tôi nghĩ các vị có thể nói thêm một điều gì đó liên quan đến việc toàn vẹn lãnh thổ, đại loại các vấn đề như thế. Xem ra Nga đang ủng hộ nhóm nổi loạn. Và xem ra có quân đội Nga bên trong Ukraine. Đây là một tình thế rất nghiêm trọng”.
Theo Times, Vladimir Putin không được hoanh nghinh tại G7, vì chính phủ của ông tiếp tục xâm lấn lãnh thổ Ukraine. Thành thử, 2 ngày sau cuộc họp của nhóm này tại Đức, ông đành tới tâm sự với một nhà lãnh đạo khác của thế giới: Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Giám Mục Rôma có thể không đại diện cho Hoa Kỳ hay Đức, nhưng càng ngày ngài càng tự giành cho mình tư thế một siêu cường để nhà lãnh đạo Nga cậy nhờ.
Theo tờ này, lần đầu khi Putin đến yết kiến Đức Phanxicô hồi tháng 11 năm 2013, còn 5 tháng nữa mới tới ngày Điện Cẩm Linh sát nhập vùng Crimea của Ukraine vào Nga. Từ ngày đó, khoảng 1.2 triệu người Ukraine đã phải rời cư, theo con số của Văn Phòng Nhân Đạo LHQ. Nga tiếp tục chối bỏ việc mình gửi quân đội qua biên giới hoặc vũ trang cho quân ly khai được Nga ủng hộ, và áp lực quốc tế đòi phải giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuần trước, Ông Obama cho hay “cuộc gây hấn của Nga” chống Ukraine đứng đầu nghị trình của Nhóm G7. Ông thêm “ (Ông Putin) phải quyết định đi thôi: có nên tiếp tục phá nát nền kinh tế của xứ ông và tiếp tục để Nga bị cô lập vì theo đuổi ý nguyện lầm lẫn muốn tái tạo những ngày vinh quang của đế quốc Xô Viết?”
Cố gắng của Tòa Thánh
Trong khi ấy, cũng theo tờ Times, Tòa Thánh cố gắng xây dựng các liên hệ ngoại giao với Nga. Hai bên mới chỉ có liên hệ đầy đủ về ngoại giao từ 6 năm nay, và các liên hệ này phải khá lâu mới xây dựng được sau hàng nửa thế kỷ Liên Bang Xô Viết là một Nhà Nước vô thần chính thức. Không một vị giáo hoàng nào từng viếng thăm Nga, và trong cuộc hội kiến năm 2013, Putin không mời Đức Phanxicô thăm viếng xứ sở ông.
Đức Phanxicô rất thận trọng trong việc thăng tiến các liên hệ ngoại giao với Nga. Ngài viết cho Ông Putin khi ông là chủ nhà cuộc họp của Nhóm G20 năm 2013, thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới chống cuộc can thiệp quân sự vào Syria. Tòa Thánh cũng củng cố các mối liên hệ với các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo bằng các cố gắng đại kết và tình bằng hữu giữa ngài và Thượng Phụ Báctôlômêo, nhà lãnh đạo của Giáo Hội Chính Thống, tuy quyền lãnh đạo của Thượng Phụ đôi lúc không vừa ý Giáo Hội Chính Thống Nga, một Giáo Hội có liên hệ gần gũi với chính phủ Putin. Nga còn chia sẻ các cố gắng của Đức Phanxicô nhằm bảo vệ các Kitô hữu Trung Đông. Hồi tháng Ba, Tòa Thánh công bố một tuyên bố chung với Nga và Lebanon gửi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ nhằm “ủng hộ các nhân quyền của các Kitô hữu và của nhiều cộng đồng khác, nhất là tại Trung Đông”.