Đức Thánh Cha Phanxicô: Các Kitô hữu trần thế không thể có được cả thiên đàng lẫn trần gian
Cập nhật lúc 14:53 29/05/2015
Thật là buồn khi thấy một kitô hữu vừa muốn “bước theo Chúa Giêsu vừa muốn những của cải đời này.”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô dâng thánh lễ tại nhà nguyện tại Nhà lưu trú Thánh Marta - OSS_ROM
WGPHH: Thật là buồn khi thấy một kitô hữu vừa muốn “bước theo Chúa Giêsu vừa muốn những của cải đời này.” Đó là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong thánh lễ sáng thứ Ba (26.5.2015) tại nhà nguyện Nhà trọ thánh Marta, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng một người kitô hữu được mời gọi để đưa ra một chọn lựa căn bản trong cuộc sống: Bạn không thể là Kitô hữu “nửa vời” hoặc có thể được cả “thiên đàng lẫn thế gian.”
Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô suy gẫm về thắc mắc của thánh Phêrô đối với Chúa Giêsu: ông và các môn đệ sẽ nhận lại được gì khi đi theo Chúa Giêsu? Thánh Phêrô đã đưa ra câu hỏi này sau khi Chúa nói với người thanh niên giàu có hãy bán hết tất cả tài sản mình và cho người nghèo.
Một Kitô hữu không thể có được cả thiên đàng lẫn trần thế; đừng để cho những của cải cuốn hút
Đức Thánh Cha lưu ý rằng Chúa Giêsu đáp lại bằng một cách thức không ngờ: Người không nói tới sự giàu có với các môn đệ của mình, nhưng thay vào đó, Người hứa ban Nước Trời cho các ông “nhưng với sự ngược đãi, với thập giá:”
“Vì vậy, khi một Kitô hữu gắn bó với những thứ trần thế, người đó đưa ra một ấn tượng xấu của một Kitô hữu, kẻ mà muốn có được cùng lúc hai thứ: cả thiên đàng lẫn trần gian. Và tiêu chuẩn của sự so sánh đúng đắn, là những gì mà Chúa Giêsu đã nói: thập giá và những ngược đãi. Đó là từ bỏ mình, để chấp nhận thập giá mỗi ngày… Các môn đệ đã có cám dỗ này, là đi theo Chúa Giêsu nhưng sau đó lại mặc cả xem cuối cùng sẽ ra sao?”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau đó mời gọi mọi người đọc bản văn theo Thánh Mátthêu, nơi mà trình bày rằng mẹ của Thánh Giacôbê và Thánh Gioan đến xin Chúa Giêsu một chỗ chắc chắn trong vương quốc của Người cho hai người con của bà:
“’À, cho con tôi một đứa làm Thủ tướng, một đứa làm Bộ trưởng Tài chính…’, và bà ấy theo đuổi những lợi ích trần thế khi đi theo Chúa Giêsu,” Đức Giáo Hoàng nói với một giọng mỉa mai.
Nhưng, Đức Thánh Cha lưu ý, “trái tim của những môn đệ này đã được thanh tẩy,” qua biến cố Lễ Ngũ tuần, khi mà “các ông hiểu được mọi điều.” “Tính nhưng không của việc đi theo Đức Giêsu,” Đức Thánh Cha nói, đó là cách đáp trả cho tình yêu nhưng không và ơn cứu độ nhưng không mà Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta.” Đức Thánh Cha cảnh giác rằng khi “một người muốn đi theo và ở cùng Chúa Giêsu và cả trần thế, với cả sự nghèo nàn và cả sự giàu sang, thì đó là một Kitô hữu nửa vời và khao khát lợi lộc trần thế. Đó là tính thế tục thiêng liêng.”
Sự giàu có, hư danh và kiêu căng đưa chúng ta lìa xa Chúa Giêsu
Nhắc lại những sấm ngôn của ngôn sứ Êlia, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ám chỉ tới hạng Kitô hữu này như một người “khập khiễng trên cả hai chân” bởi vì anh ta “không biết anh ta muốn những gì.” Vì thế, Đức Thánh Cha quả quyết, để hiểu được điều này, chúng ta cần ghi nhớ những điều Chúa Giêsu nói “kẻ trước nhất sẽ nên sau hết và người rốt hết sẽ lên trước nhất,” nghĩa là “người tin tưởng hoặc người lớn nhất” sẽ phải là “đầy tớ, là người nhỏ nhất”:
“Theo Chúa Giêsu, xét theo quan điểm của con người thuần túy, thì không phải là một vụ thương mại tốt: theo Chúa thì phải phục vụ. Chúa Giêsu đã làm thế, và nếu Thiên Chúa muốn trao cho bạn cơ hội để trở nên người đầu tiên, bạn phải hành xử như người sau hết, đó là phục vụ. Và nếu Thiên Chúa ban cho bạn khả năng để có nhiều của cải, bạn phải hành động trong phục vụ, đó là chia sẻ cho người khác. Đây là ba thứ, ba bước mà dẫn chúng ta cách xa Chúa Giêsu: sự giàu có, hư danh và kiêu căng. Đây là lý do tại sao của cải lại vô cùng nguy hại:, bởi vì chúng ngay lập tức làm cho bạn tự phụ và bạn nghĩ rằng bạn là người quan trọng. Và khi bạn nghĩ mình quan trọng, bạn đánh mất lý trí và bạn đánh mất chính mình.”
Một Kitô hữu trần tục là một phản chứng
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều mà Thiên Chúa mong muốn từ chúng ta là “rũ bỏ” bản thân chúng ta khỏi những thứ thế gian. Và phải mất một thời gian khá lâu Chúa Giêsu mới chuyển được thông điệp này tới các môn đệ của Người “bởi vì họ tối trí.” Chúng ta cũng cần phải đề nghị Chúa Giêsu dạy chúng ta “kĩ thuật phục vụ này”, Đức Thánh Cha nói, “là kĩ thuật của sự khiêm nhượng, là kĩ thuật của sự hiện diện như người rốt hết để phục vụ anh chị em của chúng ta trong Giáo Hội.”
“Thật đáng buồn khi thấy một Kitô hữu, dù đó là một giáo dân, một linh mục, một Giám mục- thật buồn khi bạn thấy họ muốn cả hai điều: theo Chúa Giêsu và cả những thứ thế gian, theo Chúa Giêsu và tính thế tục. Và đó là một phản chứng và khiến mọi người xa rời Chúa Giêsu hơn nữa. Giờ đây chúng ta tiếp tục cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể, và suy gẫm câu hỏi của Thánh Phêrô. ‘Chúng con đã từ bỏ mọi thứ: Chúa sẽ trao lại cho chúng con những gì đây?’ Và suy nghĩ về sự đáp lại của Chúa Giêsu. Phần thưởng mà Người sẽ trao cho chúng ta là trở nên đồng hình với Người. Đó sẽ là ‘phần thưởng’ của chúng ta. Một ‘phần thưởng’ to lớn, là trở nên giống Chúa Giêsu!”
Giuse Nguyễn Ngọc Bích (Gx. Ngô Xá)
Chuyển ngữ từ Vatican Radio