Thứ sáu, 24/01/2025

Đức Thánh Cha chia sẻ về mục đích chuyến đi hành hương Đất Thánh của mình

Cập nhật lúc 06:46 29/05/2014

VATICAN. Hôm thứ tư, 28.5, trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trưởng Thánh Phêrô, Vatican, với sự hiện diện của hàng chục ngàn khách hành hương, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về chuyến hành hương của mình tại Đất Thánh trong 3 ngày qua. Ngài nói đến 3 mục đích chính: thứ nhất, để kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ đại kết giữa Đức Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Atenagoras; thứ hai, để thúc đẩy việc xây dựng hòa bình tại đây; thứ ba, để củng cố đức tin cho các tín hữu Kitô tại đây.

Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quý vị toàn văn bài chia sẻ của ngài:

“Xin chào anh chị em,

Như anh chị em đã biết, tôi vừa hoàn thành chuyến đi hành hương vài ngày tới Đất Thánh. Đây là một ơn trọng đại dành cho Giáo Hội, và tôi hết lòng tạ ơn Chúa vì điều này. Ngài đã đưa tôi đến mảnh đất phúc lành, nơi đã chứng kiến sự hiện diện lịch sử của Đức Giêsu, cũng là nơi đã xảy ra những biến cố nền tảng của Do Thái Giáo, Kitô giáo và Hồi Giáo. Một lần nữa, tôi xin gửi lời tri nhận nồng ấm đến Đức thượng Phụ Fouad Twal, các Giám Mục thuộc nhiều nghi lễ, các linh mục, các cha Phanxicô Cai Quản Đất Thánh. Các cha Phanxicô thật tuyệt vời! Công việc của họ hết sức tuyệt vời, những điều họ làm! Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến chính quyền Giordani, Israel và Palestine đã đón tiếp tôi với một sự thân tình. Trong tình bằng hữu, tôi cũng muốn nói lời cảm ơn đến những ai đã công tác giúp cho chuyến viếng thăm này của tôi.

1. Mục đích chính yếu của chuyến hành hương này là kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phaolô VI với Đức Thượng Phụ Atenagoras. Đây là lần đầu tiên một vị Kế Nhiệm Thánh Phêrô viếng thăm Đất Thánh: Đức Phaolô VI đã khởi sự điều này, suốt Công Đồng Vatican II, các chuyến đi ngoài nước Ý của Đức Thánh Cha trong thời đương đại. Cử chỉ mang tính ngôn sứ này của vị Giám Mục Rôma và Đức Thượng Phụ Constantinop đã đặt một viên đá nền cho cuộc hành trình gian nan nhưng hứa hẹn đưa đến sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, mà từ đó đã mang đến những thành tựu đầy ý nghĩa. Vì thế, cuộc gặp gỡ giữa tôi và Đức Thượng Phụ Bartolomeo, người anh em thân yêu trong Đức Kitô, đã được xem là giây phút đỉnh cao trong cuộc thăm viếng này. Chúng tôi đã cùng cầu nguyện ngay trước Mộ Đức Giêsu, và cùng với chúng tôi, còn có Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp thành Jerusalem, Đức Theophilos III và Đức Thượng Phụ Armeno Tông Truyền Nourhan, nhiều vị Tổng Giám Mục, Giám Mục thuộc các Giáo Hội và Công Đoàn, các thẩm quyền dân sự và đông đảo tín hữu.

Chính tại nơi đây, nơi vang vọng lại lời loan báo sự Phục Sinh, chúng tôi đã cảm nếm được tất cả sự cay đắng và nỗi đau của sự chia rẽ mà đến nay vẫn còn tồn tại giữa các môn đệ Đức Kitô. Và quả thực, điều này đã gây ra nhiều điều tệ hại đến tận con tim. Chúng ta vẫn còn chia rẽ. Tại nơi này, nơi đích thực đã vang vọng lại lời loan báo sự Phục Sinh, nơi Đức Giêsu trao ban cho chúng ta sự sống, chúng ta vẫn còn một chút chia rẽ. Nhưng trên hết, trong buổi cử hành giúp thăng tiến tình huynh đệ hỗ tương, lòng tự trọng và cảm thức, chúng tôi đã nghe được rất mạnh mẽ tiếng nói của vị Mục Tử Nhân Lành Phục Sinh muốn quy tụ tất cả trở về một đàn chiên duy nhất; chúng tôi đã nghe được khát khao muốn chữa lành những vết thương vẫn còn đó và kiên trì theo đuổi hành trình hướng về sự hiệp thông trọn vẹn. Một lần nữa, như các vị tiền nhiệm của tôi đã làm, tôi cầu xin sự tha thứ vì tất cả những gì chúng ta đã làm dẫn đến sự chia rẽ này và xin Chúa Thánh Linh giúp chúng ta chữa lành những thương tích mà chúng ta đã gây ra cho những anh chị em của mình. Tất cả chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô và như Đức Thượng Phụ Bartolomeo nói, chúng ta là bạn bè, là anh chị em và chúng ta cùng chia sẻ ước muốn bước đi cùng nhau, làm những gì mà từ hôm nay, chúng ta có thể làm: cùng nguyện với nhau, làm việc với nhau cho đàn chiên của Chúa, tìm kiếm hòa bình, gìn giữ công trình tạo dựng, có rất nhiều điều chúng ta có chung với nhau. Chúng ta phải tiến tới trong tư cách là những anh chị em của nhau.

2. Một mục đích nữa trong chuyến hành hương này là cổ võ hành trình hướng đến hòa bình ở mảnh đất này, vốn vừa là một hồng ân của Chúa và cũng là dấn thân của con người. Tôi đã làm điều này ở Giordani, Palestine và Israel. Tôi đã làm điều đó như một người hành hương, nhân danh Thiên Chúa và con người, tôi mang trong tim mình một lòng thương cảm to lớn dành cho con cái của mảnh đất này, những người đã phải cùng sống với chiến tranh trong thời gian dài và có quyền được biết những ngày bình an!

Vì thế, tôi khuyến khích các tín hữu Kitô hãy để mình được Chúa Thánh Thần “xức dầu” với con tim rộng mở và ngoan ngùy, để có thể luôn có những cử chỉ của sự khiêm nhường, của tình huynh đệ và hòa giải hơn nữa. Sự khiêm nhường, tình huynh đệ và hòa giải. Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta có thể mang những thái độ này vào trong cuộc sống thường ngày, với những con người khác văn hóa và tôn giáo và như thế, chúng ta có thể trở thành “người thợ” kiến tạo bình an. Hòa bình được xây dựng bằng đôi bàn tay, chứ không có ngành công nghiệp hòa bình. Nó được tạo dựng ngày từng ngày, bằng đôi bàn tay, và cũng bằng con tim rộng mở để ơn Chúa có thể đến. Vì thế, tôi khuyến khích các tín hữu Kitô hãy để mình được “xức dầu” như thế.

Tại Giordani, tôi gửi lời cảm ơn đến Thẩm quyền và nhân dân nơi đây vì đã dấn thân trong việc đón tiếp rất nhiều người tị nạn đến từ nhiều vùng chiến tranh, một dấn thân rất nhân văn, xứng đáng và đòi hỏi sự nâng đỡ liên tục từ cộng đồng quốc tế. Tôi đã rất cảm động bởi sự quảng đại của nhân dân Giordani trong việc đón nhận những người tị nạn, rất nhiều người đang phải chạy trốn chiến tranh trong vùng đó. Xin Thiên Chúa chúc lành cho dân tộc thiện chí này. Chúng ta phải cầu nguyện để Thiên Chúa chúc phúc cho sự đón tiếp này và xin các cơ quan quốc tế giúp đỡ người dân ở đây trong công việc mà họ đang làm. Trong cuộc hành hương ở những nơi khác, tôi cũng khuyến khích các Thẩm quyền liên quan hãy theo đuổi nỗ lực nhằm làm dịu bớt căng thẳng trong vùng Trung Đông, trên hết là ở Siria, cũng như tiếp tục tìm kiếm giải pháp bình đẳng cho xung đột giữa Israel và Palestine. Vì lý do này, tôi đã mời Tổng Thống Israel và Palestine, hai con người của hòa bình và tìm kiếm hòa bình, đến thăm Vatican và cùng cầu nguyện cho sự hòa bình với tôi. Tôi cũng xin tất cả các bạn, đừng để chúng tôi làm việc này một mình. Xin các bạn cũng hãy cầu nguyện để Chúa ban cho chúng ta hòa bình, ban cho chúng ta hòa bình tại nơi mảnh đất được chúc lành! Tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện. Cầu nguyện thật nhiều và thật mạnh bạo, lúc này đây, để hòa bình có thể đến bên chúng ta.

3. Chuyến hành hương đến Đất Thành này cũng là một dịp để củng cố đức tin cộng đoàn Kitô hữu, vốn đang chịu nhiều đau khổ, và để diễn tả lòng biết ơn của toàn thể Giáo Hội vì sự hiện diện của các Kitô hữu tại vùng đất này và toàn bộ vùng Trung Đông. Những anh chị em này là những chứng tá dũng cảm cho niềm hy vọng và đức ái, là “muối và ánh sáng” trên Đất Thánh này. Với đời sống đức tin và cầu nguyện của mình và với những hoạt động giáo dục và bác ái được đánh giá cao của họ, họ đã làm việc nhắm đến sự hòa giải và tha thứ, đóng góp cho công ích của xã hội.

Với chuyến hành hương này, vốn đích thực là hồng ân của Thiên Chúa, tôi muốn mang đến một lời hy vọng, nhưng tôi lại nhận được lời ấy! Tôi nhận được lời hy vọng này từ anh chị em, những người đang hy vọng “dù không còn gì để hy vọng” (x. Rm 4,18), qua rất nhiều những đau khổ, như những người phải chạy trốn khỏi chính đất nước mình vì những xung khắc trong nước; như những người ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới bị phân biệt chủng tộc, bị hạ nhục vì niềm tin vào Đức Kitô của họ. Chúng ta hãy tiếp tục ở gần họ! Chúng ta cùng cầu nguyện cho họ và cho nền hòa bình tại Đất Thánh cũng như toàn vùng Trung Đông. Ước chi lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội cũng nâng đỡ hành trình hướng về sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các Kitô hữu, để thế giới có thể tin vào tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu đã đến cư ngụ giữa chúng ta qua Đức Giêsu Kitô. Tôi mời gọi anh chị em, ngay lúc này đây, chúng ta cùng cầu nguyện với Đức Maria, Nữ Vương hòa bình. Nữ vương hiệp nhất các Kitô, “mẹ” của tất cả Kitô hữu: xin Mẹ ban cho chúng ta bình an, trên toàn thế giới, và xin Mẹ đồng hành với chúng ta trên hành trình đi đến sự hiệp nhất. Kính Mừng Maria, đầy ơn phước…”

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log