Trong buổi tiếp kiến với TV2000, Giáo hoàng nhấn mạnh ba trách nhiệm của truyền thông: thổi hồn vào ngôn từ, mở ra chứ đừng đóng lại, và nói cho trọn vẹn.
Giáo hoàng Phanxicô đã có buổi tiếp kiến với các nhân viên của TV2000, kênh truyền hình của Hội đồng Giám mục Ý. Và ngài đã nói về ý nghĩa của giá trị truyền thông và tin tức. “Các bạn làm việc cho truyền hình Giáo hội Công giáo Ý, và vì lẽ này các bạn cần phải chứng tỏ trách nhiệm tối đa trong các thông tin mình đưa ra. Truyền thông Công giáo có một sứ mạng vô cùng thách thức đối với truyền thông xã hội: đó là tìm cách bảo vệ truyền thông khỏi tất cả mọi loại biến dạng và thay đổi mục đích của truyền thông.” Giáo hoàng nói rằng, “Truyền thông thường được dùng cho các mục đích tuyên truyền hay cho các mục đích của hệ tư tưởng và chính trị, nhắm đến kiểm soát nền kinh tế và các ngành khác.”
Theo Giáo hoàng, “trên tất cả, điều tốt nhất cho truyền thông chính là “tự do ngôn luận”, nghĩa là phải có can đảm để nói ra mọi việc đúng như bản chất của nó, một cách thẳng thắn và tự do.” Nếu chúng ta thực sự tin tưởng những gì mình muốn nói, thì ngôn từ sẽ tự nhiên tuôn ra.” Ngược lại, “nếu chúng ta tập trung vào chiến lược, thì cách truyền đạt của chúng ta sẽ không tự nhiên, nó lạt lẽo như được tạo ra từ phòng thí nghiệm.” “Và nó chẳng truyền đạt được gì.” “Tự do cũng có nghĩa là giải phóng chính mình ra khỏi những gì thời thượng và sáo mòn, thoát khỏi những lối nói lập trình có sẵn, loại bỏ năng lực truyền đạt.” Các nhà báo cần phải “thổi một sức sống mới vào ngôn từ.” Nhưng, Đức Phanxicô nói thêm, “có một tia lửa và sự sống trong mỗi từ. Các bạn cần phải thổi bừng lên tia này, thổi hồn vào ngôn từ; đây chính là trách nhiệm hàng đầu của người truyền thông.”
“Truyền thông phải tránh “lấp đầy” và “đóng lại”. Đức Phanxicô giải thích, “Lấp đầy là khi nhận thức của chúng ta bị bão hòa với vô số khẩu hiệu đã tẩy não chúng ta, xóa đi thay vì thúc đẩy suy nghĩ. Ngược lại, đóng lại là khi chạy theo các đường tắt thay vì chọn một lộ trình thông hiểu dài hơn và phức tạp hơn, chọn kiểu đưa ra một cá nhân như thể người đó có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề của chúng ta, hay theo chiều ngược lại, đưa ra một vật thí mạng để trút hết lên người đó tất cả mọi trách nhiệm của mình.” Đức Phanxicô thúc giục các nhà báo đừng rơi vào cám dỗ “vội vã chạy theo một giải pháp, chứ không chịu dành thời gian và nỗ lực để chỉ ra sự phức tạp của đời sống thực.” Người ta thường mắc phải sai lầm này khi truyền thông chạy nhanh hơn và suy tư ít hơn. “Hãy mở ra, đừng đóng lại” các kênh đối thoại. Và đây chính là trách nhiệm thứ hai của các nhà truyền thông, những người sẽ sinh nhiều hoa trái hơn khi chấp nhận để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình, vì chỉ mình Ngài có thể kiến tạo hiệp nhất và hòa hợp.”
Đức Phanxicô thúc giục các nhà truyền thông phải ngay thẳng về thông tin, chính xác nguyên gốc, để tránh ba tội chính của ngành báo chí là: sai lệch thông tin, vu khống, và làm mất danh dự. Sai lệch thông tin “làm cho người đọc không có đủ sự thật trọn vẹn, làm cho họ không minh định được rõ ràng về hiện thực.” Trọng tâm của truyền thông thực sự không phải là thuyết duy cảm, hay tin giật gân. “Dao động giữa việc phao những tin khủng khiếp và những giải thoát xoa dịu, chính là hai thái cực chúng ta đang thấy hằng ngày trên thế giới truyền thông ngày nay, và khi truyền thông dùng những thủ thuật này, thì nó không phục vụ con người.”
Các nhà truyền thông cần phải nói với mọi người một cách trọn vẹn đầy đủ, nói với cái đầu và quả tim của họ, để họ có thế nhìn thấy xa hơn cái tức thời này, xa hơn cái hiện tại đang có nguy cơ bị quên lãng và e ngại tương lai.” Về ba tội của truyền thông đã nói ở trên -sai lệch thông tin, vu khống, và làm mất danh dự- “vu khống có lẽ là điều nguy hiểm nhất, nhưng về mặt truyền thông, thì sai lệch thông tin mới là tội nguy hiểm nhất” vì nó dẫn đến sai lầm, thiếu sót, làm cho bạn chỉ tin một phần sự thật.” “Thổi hồn vào ngôn từ, mở ra chứ đừng đóng lại, nói ra cho trọn, những điều này đem lại sự vững chắc cho nền văn hóa gặp gỡ, vốn rất cốt yếu trong bối cảnh văn hóa đa số đang ngày một thắng thế. Các xung đột chẳng cho chúng ta được gì. Cái cần thiết cho chúng ta chính là một nền văn hóa gặp gỡ.” Và điều này cần “hành động qua việc làm của các bạn.” Nó đòi hỏi bạn, “không chỉ cho nhưng còn là nhận từ người khác.” Với các nhận viên của TV2000, Giáo hoàng nhấn mạnh, “Tôi biết các bạn có quan hệ khăng khít với Trung tâm Truyền hình Vatican, điều này rất quan trọng đối với tôi, nó làm cho các bạn có thể truyền thông cho nước Ý về các giáo huấn và hoạt động của giáo hoàng.”