Ngài đưa ra lời kêu gọi tha thiết trên đây chiều ngày 27-5-2019 vừa qua trong cuộc gặp gỡ bà Chủ tịch Đại Hội đồng năm nay của LHQ, nhóm họp với các vị Bộ trưởng tài chánh của nhiều quốc gia tại trụ sở Hàn lâm viện khoa học của Tòa Thánh ở nội thành Vatican về đề tài ”Sự thay đổi khí hậu và những bằng chứng mới từ khoa học, ngành kỹ sư và chính sách”.
Những dấu hiệu tiêu cực
Lên tiếng trong cuộc gặp gỡ, ĐTC báo động vì những dấu hiệu chẳng lành: ”những cuộc đầu tư vào nhiên liệu phiến thạch - như dầu hỏa và khí đốt - tiếp tục gia tăng, mặc dù các nhà khoa học nói với chúng ta rằng các nhiên liệu phiến thạch phải ở lại dưới lòng đất. Cơ quan quốc tế về năng lượng mới đây cho biết những cuộc đầu tư vào năng lượng sạch lại giảm bớt trong 2 năm liền, mặc dù các chuyên gia nhiều lần đề cao những lợi ích trên môi trường con người đến từ năng lượng sạch do gió, mặt trời và nước”.
Nguyên do
ĐTC nhận xét rằng ”Chúng ta tiếp tục đi theo những con đường cũ vì chúng ta bị mắc kẹt do lối tính toán xấu và ham hố lợi lộc đạt được. Chúng ta tiếp tục coi trọng những lợi lộc đe dọa chính sự sống còn của chúng ta”.
Số lượng thán khí quá cao
ĐTC nói đến sự kiện cách đây 2 tuần, một số trung tâm nghiên cứu khoa học đã ghi nhận sự tập trung thán khí trong khí quyển lên tới mức cao nhất chưa từng có, 415 phân tử trên một triệu (415 parti per milione). Đây là một trong những nguyên chính tạo nên hiện tượng hâm nóng trái đất”. Ngài nói: ”Chúng ta phải hành động quyết liệt để chấm dứt sự thải ra các khí gây ra hiện tượng lồng kính, trễ nhất là trước giữa thế kỷ này”.
Kêu gọi các biện pháp cụ thể
Cũng trong bài tham luận, ĐTC kêu gọi các vị bộ trưởng tài chánh điều chỉnh các hoạt động kinh tế làm sao để không theo đuổi những hoạt động đang phá hủy trái đất chúng ta;
- chấm dứt sự lệ thuộc các nhiên liệu phiến thạch trên trái đất;
- mở ra một chương mới về năng lượng sạch và an toàn, ví dụ dùng những nguồn sinh năng lượng có thể tái diễn như gió, mặt trời và nước;
- nhất là chúng ta hành động trong tinh thần khôn ngoan và trách nhiệm trong các nền kinh tế chúng ta để thực sự đáp ứng những nhu cầu cần thiết của con người, thăng tiến nhân phẩm, để giúp đỡ những người nghèo, để giải thoát chúng ta khỏi sự tôn thờ tiền bạc gây ra bao nhiêu đau khổ.