Ngày thứ bảy 5 tháng 11-2016, trước các tham dự viên lần họp quốc tế thứ ba của các phong trào bình dân, Đức Phanxicô khuyến khích họ: “Chúng ta phải đối diện với sự khiếp sợ bằng tình thương.” Trước 5000 người của trên 60 nước về Rôma tham dự cuộc họp, Đức Phanxicô lên án mãnh liệt nạn khủng bố của tiền bạc và nạn khô héo đạo đức của thế giới, ngài mời gọi thay đổi xã hội tiêu thụ bằng gương.
Trong lần gặp các phong trào bình dân ở Hội trường Phaolô VI vào chiều thứ bảy 5 tháng 11, Đức Phanxicô khuyến khích các thành viên tham dự “loại bỏ chủ nghĩa tiêu thụ và tìm các giá trị thiết yếu ở trong tình tương trợ, tình yêu giữa nhau và sự tôn trọng thiên nhiên”. Có nghĩa là phải có “một đời sống tốt”, chứ không phải có một “đời sống cho đẹp”.
Nạn khủng bố của tiền bạc
Đức Giáo hoàng cảnh báo việc thờ thần tiền: “Tiền bạc thống trị, tiền bạc dùng cái roi là khiếp sợ, là bất bình đẳng, là bạo lực trên các lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và quân sự, đã luôn ngự trị, càng ngày càng hung bạo, với vòng xoáy đi xuống có vẻ như không bao giờ chấm dứt”.
Ngài nói tiếp: “Thế giới chứng kiến một nạn khủng bố cơ bản, nó làm lệch đi sự kiểm soát chung về tiền bạc trên quả đất và đe dọa toàn nhân loại. Tiếp đó, nạn khủng bố cơ bản này nuôi dưỡng các thứ phẩm của nó như khủng bố về ma túy, khủng bố Quốc gia và một vài khủng bố được gọi một cách sai lầm là ‘khủng bố sắc tộc thiểu số và tôn giáo’”. Nhưng Đức Phanxicô tin chắc: “Không có một dân tộc nào, một tôn giáo nào là khủng bố”. Nạn khủng bố bắt đầu bằng “thờ tiền bạc, ngẫu tượng tiền bạc áp chế, gieo kinh hoàng cho nhân loại thay vì phục vụ nhân loại”.
Đức Giáo hoàng ghi nhận: “Nạn khủng bố đánh vào sự khiếp sợ. Sợ là chuyện tốt cho những người buôn bán vũ khí, buôn bán cái chết, nó làm cho chúng ta suy yếu, mất quân bình, hủy hoại sự đề kháng tâm lý và thiêng liêng, làm chúng ta tê liệt trước đau khổ của người khác và cuối cùng làm cho chúng ta hung dữ (…). Đằng sau sự hung dữ áp đặt hàng loạt này là sức thổi lạnh lùng của sự sợ hãi.”
Để chống lại sự sợ hãi này, Đức Phanxicô đề nghị một phương thuốc rất hiệu nghiệm: lòng thương xót. Phương thuốc này hiệu nghiệm hơn rất nhiều các “loại thuốc an thần, thuốc chống suy thoái, (…) các bức tường, các rào chắn, các báo động, các vũ khí”. Ngài van xin: “Chúng ta đừng để bị lừa. Hãy đối diện với sự khiếp sợ bằng tình thương. Chống với sự hãi sợ, phương thuốc tốt nhất vẫn là tình thương”.
Nạn khô héo đạo đức của thế giới
Đức Phanxicô cũng nhắc đến những người “thiếu phẩm chất vì không có việc làm”. Ngài công kích nạn teo tóp đạo đức của“hệ thống kinh tế xã hội thống trị, gây ra nạn thất nghiệp. Chúng ta phải giúp thế giới chữa nạn teo tóp đạo đức này, để cổ động cho sự phát triển “nhân bản, toàn diện và tôn trọng tạo dựng”.
Đức Phanxicô cũng nói về thảm trạng của những người di dân, người tị nạn, “một tình trạng sỉ nhục, xấu hổ. Các nạn nhân của chiến tranh và của hệ thống xã hội-kinh tế bất công, tạo ra do nhiều người từ chối đón nhận họ”.
Ngài nói tiếp: “Tôi xin anh chị em tỏ lòng tương trợ đặc biệt với những ai đang đau khổ, anh chị em đã biết vực dậy các nhà máy đã phá sản, đã tái hồi những gì bị vứt bỏ, đã tạo ra công ăn việc làm, khai khẩn đất đai, xây dựng nhà ở, đã hội nhập các khu vực phân tán. Một tấm gương giúp các cộng đoàn quốc tế có phương cách thích ứng để đón nhận người di dân và đối diện với các nguyên do của việc di dân”.
Thanh đạm là lối sống
Một chủ đề khác được Đức Phanxicô đề cập đến trong bài diễn văn dài này là chủ đề quan hệ giữa dân dộc và nền dân chủ. Ngài gọi là “đúc chảy lại các nền dân chủ đang đi qua một cơn khủng hoảng thật sự”. Ngài ghi nhận “sự cách biệt giữa các dân tộc và các nền dân chủ hiện nay càng ngày càng lớn do quyền lực khổng lồ của các nhóm kinh tế và truyền thông”.
Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến hai hiểm nguy trong việc dấn thân của các phong trào bình dân trên bình diện chính trị: “Hiểm nguy bị khép kín trong một vài lãnh vực và hiểm nguy rơi vào tham nhũng. Anh chị em đừng rơi vào cạm bẫy của việc biến mình thành những nhân vật phụ hay tệ hơn, chỉ là người quản trị cho sự khốn cùng đang tồn tại”. Ngược lại các dân tộc phải là nhân vật chính cho việc tìm kiếm lợi ích chung.
Còn về cạm bẫy tham nhũng, Đức Phanxicô đề nghị một phương thuốc: sống thanh đạm. Ngài nhấn mạnh: “Phải sống ơn phục vụ với một tinh thần vững mạnh của một đời sống thanh đạm, thanh đạm là lối sống của mình”. Nhưng với những ai “quá dính với của cải vật chất, quá yêu tiền bạc, yến tiệc linh đình, nhà cửa đồ sộ, áo quần xa hoa, xe cộ đắt tiền” thì Đức Phanxicô khuyên họ không nên dấn thân vào lãnh vực chính trị hay xã hội, vì họ sẽ làm “rất nhiều chuyện xấu”.
Đức Giáo hoàng đọc bài diễn văn bằng tiếng Tây Ban Nha và đã được vỗ tay rất nhiều lần, ngài xin các người tham dự hãy sống bằng gương: “Tôi xin anh chị em đừng đánh giá thấp giá trị của việc làm gương, bởi vì làm gương thì mạnh gấp ngàn lần lời nói, ngàn lần truyền đơn, ngàn lần câu ‘tôi yêu’, ngàn lần câu tweet đi tweet lại, ngàn lần video, ngàn lần youtube”.