“Cha mẹ Chúa Giêsu đem Ngài lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa”.
Lễ Dâng Chúa Giêsu Vào Đền Thờ hôm nay được ví như một chiếc kính vạn hoa! Những tên gọi, ý nghĩa và truyền thống khác biệt chồng ghép lên nhau tựa hồ những mảnh thuỷ tinh nhảy múa trong một chiếc kính muôn màu. Thật thú vị! Với vòng xoay đầu tiên, kính vạn hoa hé lộ lễ Thanh Tẩy Của Đức Mẹ; vòng xoay thứ hai, lễ Tỏ Mình Của Chúa, một lễ Hiển Linh của anh em Đông Phương; và xoay nữa, đó là lễ Nến, Con Thiên Chúa, ánh sáng xua tan bóng tối.
Kính thưa Anh Chị em,
Vậy mà, đằng sau những tên gọi giàu ý nghĩa ấy, Luca coi biến cố dâng Chúa Giêsu vào đền thánh là việc chu toàn lề luật của cha mẹ Ngài sau bốn mươi ngày sinh con. Ngài sẽ vào đó một lần nữa khi lên mười hai; và ở tuổi trưởng thành, còn vào đó nhiều lần. Đặc biệt, Chúa Giêsu tự coi thân xác Ngài như một đền thờ mà Ngài sẽ dựng lại trong ba ngày. Và như thế, từ đầu cho đến cuối đời, cuộc sống Ngài thực sự là một cuộc ‘tự hiến liên lỉ’ cho Thiên Chúa Cha.
Chúa Con, giờ đây, trong lịch sử nhân loại, lần đầu tiên vào đền thờ. Sách Malakia hôm nay viết, “Đấng Thống Trị các ngươi tìm kiếm, đến trong đền thánh Người”; thư Do Thái thì nói, “Người phải nên giống anh em mình mọi đàng”. Như vậy, Con vào nhà Cha, Chúa vào đền thờ! Chiên Con vẹn toàn mà không cung thánh nào đủ thánh cho Ngài, lại chấp nhận được thánh hiến tại một nơi do tay người phàm làm ra, nơi được dành để tưởng nhớ các dấu chỉ vốn được mong đợi từ Ngài. Chiên Con đích thực cuối cùng cũng đến nơi hiến tế. Ở đây, trong vòng tay Mẹ Maria, lễ hy tế vĩnh cửu duy nhất “Giêsu” đã đến! Không có Ngài, chẳng một hy lễ nào có ý nghĩa, dù là nghi lễ thánh hay những hy sinh trong cuộc sống cá nhân của mỗi người. Và cuộc ‘tự hiến liên lỉ’ của Chúa Giêsu sẽ đạt tới chóp đỉnh khi Ngài phó dâng toàn thân trên thập giá cho Thiên Chúa Cha và các linh hồn, cũng trong tay Mẹ Maria, chiều thứ Sáu thánh.
Hãy chiêm ngưỡng cảnh tượng này qua trái tim Mẹ Maria! Trong nghi thức thánh hiến đơn sơ này, Chúa Con nhận ra mình thuộc về Chúa Cha, nhưng Ngài chỉ làm được điều này nhờ sự trung thành với lề luật của Đức Mẹ. Tuy nhiên, ai có thể nói thay cho đứa trẻ này? Ai có thể nói thay cho lửa sốt mến của Ngài, ai sẽ nói thay cho cơn đói các linh hồn mà trái tim Ngài đang chịu đựng? Trái tim vẹn sạch và khiêm hạ của Mẹ Maria nổi bật như một phát ngôn viên của Ngài, nó nói lên ngôn ngữ của sự ‘tự hiến liên lỉ’ và trao ban, dẫu theo các nghi thức của lề luật, “Vì họ, Con xin thánh hiến mình Con!”. Mẹ Maria phản ánh cho thế giới những gì Con của Mẹ, Đấng bằng xương bằng thịt, đang thổn thức, cũng là những gì Ngài đã chuyển trao cho Mẹ.
Anh Chị em,
Mỗi ngày, Chúa Giêsu đang tự hiến trên các bàn thờ, trong các nhà chầu. Chúng ta đến với Ngài trong phép Thánh Thể, vốn thường được cử hành trong các nhà thờ. Chúa sẽ là ‘Chúa hơn’ trong không gian linh thánh của Ngài! Ở đó, chúng ta trải nghiệm một Thiên Chúa đích thực, cùng lúc trải nghiệm con người thực của mình; nghĩa là, bạn và tôi sẽ là ‘mình hơn’ khi Chúa là ‘Thiên Chúa hơn’. Trong nhà thờ, Chúa Giêsu được bảo vệ khỏi sự hiểu sai; Ngài được bao quanh và bảo vệ bởi các thánh, các linh mục, các Bí Tích, thánh nhạc, nghệ thuật và sự thờ phượng. Trong nhà thờ, Chúa mặc cẩm bào, trang thiết bị và mão giáp; Ngài không thể bị hiểu lầm. Vì vậy, lễ Dâng Chúa Giêsu Vào Đền Thờ nhắc chúng ta hãy đi tìm Ngài ở đó, để hiến thân cho Ngài, Đấng ‘tự hiến liên lỉ’; và cũng ở đó, chúng ta nhận lãnh ân sủng từ Thánh Thể và các Bí Tích để cũng có thể ‘liên lỉ tự hiến’ như Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa vào đền thờ ngày còn đỏ ỏng, con được vào đó từ thuở mới sinh. Giúp con ‘liên lỉ tận hiến’ cho Chúa hầu có thể ‘tự hiến liên lỉ’ cho Ngài và các linh hồn!”, Amen.