“Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ”; “Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ”.
D. Lyman Moody, nhà truyền giáo thế kỷ 19, đã đưa một chiếc bình kín trước một cử toạ và hỏi, “Làm cách nào để lấy hết không khí ra?”. Một bạn trẻ la lên, “Hút bằng máy bơm!”; Moody trả lời, “Điều đó sẽ tạo chân không và làm bình vỡ”. Sau nhiều ý kiến, ông mỉm cười, cầm một bình đầy nước đổ đầy chiếc bình kia và nói, “Tất cả không khí, giờ đây, đã được loại”. Ông giải thích, “Chiến thắng trong đời sống Kitô hữu không được hoàn thành bằng cách ‘hút sạch tội lỗi chỗ này chỗ kia’, nhưng bằng việc được đầy ân sủng Thánh Thần, và họ ‘trở nên một tạo vật mới!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Ý tưởng của Moody được gặp lại qua hai ẩn dụ vải mới, áo cũ; rượu mới, bầu cũ trong Tin Mừng hôm nay. Hai ẩn dụ tiết lộ một sự thật trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Rằng, để nên thanh sạch bên trong, trước hết, bạn phải được lấp đầy bởi ân sủng của Thánh Thần; để từ đó, ‘trở nên một tạo vật mới’.
Như chiếc bình cũ, một cuộc sống tội lỗi không thể chứa đựng ‘quà tặng ân sủng mới’. Đến như Chúa Giêsu, để trở thành vị Thượng Tế Tối Cao, cũng phải được sinh lại bởi Chúa Cha; thư Do Thái hôm nay viết, “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”. Cũng thế, để được biến đổi, trước hết, linh hồn phải được sinh lại một lần nữa trong Thánh Thần.
Vậy “rượu mới”, “vải mới” Chúa Giêsu muốn ban là gì? Đó là bảy ơn Đức Chúa Thánh Thần! Ai sẵn sàng để cuộc sống được làm mới lại, người ấy sẽ được đổ đầy nhiều hơn. Chúa Giêsu từng nói, “Ai đã có, sẽ được cho thêm”; nghĩa là một khi tràn đầy sự mới mẻ của ân sủng, ân sủng càng được ban nhiều hơn cho linh hồn. Cứ như thể ai đó đã trúng số, quyết định tặng tất cả những gì nhận được cho một người giàu nhất mà người ấy có thể tìm thấy. Đây là cách thức Thiên Chúa hoạt động khiến chúng ta sẽ rất kinh ngạc, nhất là với những ai chưa từng trải nghiệm. Một điều đáng mừng là, Thiên Chúa luôn muốn tất cả chúng ta phong phú, giàu có và đầy tràn. Thánh Phaolô cũng đã nhiều lần nói đến một đời sống Kitô hữu sinh động, tốt lành, vốn đã ‘trở nên một tạo vật mới’ trong Chúa Kitô. Trong thư Êphêsô, ngài không ngần ngại sử dụng các từ ngữ như giàu có, phú túc, dư dật… đó là một đời sống sung mãn, mạnh mẽ, sâu sắc và thực tế.
Anh Chị em,
“Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ”. Ân sủng Chúa không thể chứa đựng trong một cuộc sống tội lỗi mà bầu da cũ là hình ảnh của nó. Vậy mà, có những người vẫn coi tội lỗi chủ yếu là vi phạm luật lệ và các quy tắc, hơn là sự đổ vỡ trong các mối quan hệ yêu thương với Chúa, với người và với bản thân! Thật tiếc! Những con người này có thể hoàn toàn 'chính thống', khẳng định giáo lý của Hội Thánh đến từng chi tiết, nhưng họ lại không có tình yêu thương trong cách sống của một con người; họ tỏ ra rất ít quan tâm đến những người túng thiếu bên cạnh và cả những người đói khát xa xôi trên thế giới. Buồn thay, chủ nghĩa biệt phái vẫn tồn tại và phát triển ‘tốt’ giữa các Kitô hữu này! Và nếu vậy, thì khác nào cố ép tư duy ‘mới’ của Vaticanô II vào bầu da cũ của những hành vi quá khứ. Rượu mới, ân sủng mới của Đấng Phục Sinh, cần có những bầu da mới; vì lẽ, một số vấn đề của Hội Thánh ở nhiều nơi trên thế giới, nơi các Kitô hữu đang bỏ đạo, có thể bắt nguồn từ việc bạn và tôi không sẵn lòng bỏ đi những bầu da cũ kỹ!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Thánh Thần, “nếu không có Chúa trợ phù, trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội”, xin đổ đầy con ân sủng Ngài mỗi ngày, hầu con sớm ‘trở nên một tạo vật mới!’”, Amen.