Ngày kia, Hudson Taylor, nhà truyền giáo vĩ đại, được khen ngợi như một Phaolô khổng lồ của lục địa Trung Hoa thế kỷ 19, đã viết cho một người bạn, “Dường như Chúa đã tìm khắp thế giới một người đủ yếu để làm công việc của Ngài; và khi tìm thấy tôi, Ngài nói, ‘Con đủ yếu, con sẽ làm được!’”; “Tất cả những người khổng lồ của Chúa đều là những người yếu. Họ không cậy sức mình, một chỉ cậy sức Ngài, Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay mời chúng ta chiêm ngắm một Thiên Chúa ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’ nơi Chúa Giêsu, Đấng đã lên tiếng, “Tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”. Dẫu là Vua Trời, Ngài xuống thế mặc lấy hình hài của một thơ nhi để làm người cứu chuộc chúng ta; đó chính là ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh.
Vậy Giêsu là ai? Người đang nói những lời này là ai? Ngài là người có cái nhìn xuyên thấu những nơi kín đáo nhất trong tâm hồn con người và khám phá ra ở đó những điều ẩn giấu. Ngài là người nhận ra rằng, bạn và tôi đang vất vả nhọc nhằn; rằng, chúng ta nặng gánh bởi những đòi hỏi của cuộc sống, bị đè nặng bởi tội lỗi và sự bất toàn của mình; và rằng, phải căng thẳng dưới sức đè của những đam mê và ước muốn điên rồ không được thoả mãn. Ngài là người dám hứa hẹn điều mà bạn và tôi luôn khát khao cho nơi tôn nghiêm bên trong lương tâm mình những gì chưa bao giờ chúng ta được phép hy vọng, hơn cả những gì chúng ta có thể thấy mình xứng đáng. “Hãy đến với tôi!”. Ai có thể thốt ra một lời mời đơn giản, nhẹ nhàng và hấp dẫn đến thế nếu không phải là Đấng
‘toàn trí, toàn tri, toàn trị?’.
Bài đọc Isaia hôm nay cho thấy điều tương tự. Giữa chốn lưu đày, dân sa sút niềm tin; họ tưởng rằng, Thiên Chúa ở rất xa và dường như Ngài bỏ rơi họ, “Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn; trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo”. Biết rằng, họ đang hoang mang ngờ vực, khi so sánh Ngài với các thần ngoại; Ngài lên tiếng, “Các ngươi so sánh Ta với ai, để Ta phải ngang hàng với nó? Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó? Đấng tung ra toàn bộ đạo binh các tinh tú, người gọi đích danh từng ngôi một, khiến không thiếu vắng một ngôi nào!”. Nói như thế, khác nào nói, Ngài là Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’; vì rồi đây, Ngài sẽ đưa họ về, băng bó và chữa lành. Và họ sẽ cảm nghiệm được Ngài là Đấng xót thương để mỗi người sẽ nhủ linh hồn mình rằng, “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.
Anh Chị em,
“Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”. Vậy làm thế nào chúng ta có thể đến với Ngài? Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời, “Hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường!” - Mang lấy ách của Ngài, nên khiêm nhường như Ngài! Ngài khiêm nhường đến nỗi không đợi chúng ta đáp lại lời Ngài mời, Ngài cất công tìm kiếm mỗi người để họ có thể sà vào vòng tay Ngài, khám phá Ngài, bất chấp những gánh nặng ích kỷ và những đam mê ngổn ngang không kiềm chế. Vậy, hãy đến gần máng cỏ nơi Vua các vua đang nằm bất lực; ở đó, toát lên phẩm tính khiêm nhường và hiền hậu! Không cần một lời hay một bài phát biểu, Ngài cho chúng ta một bài học sống động mà chúng ta cần cảm nhận với tất cả cường độ có thể. Trước trẻ thơ bất lực này, Thiên Chúa ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’ nhập thể vì yêu con người, bạn và tôi chỉ biết lặng thinh; ở đây mọi tham vọng hão huyền tan biến, mọi giận dữ và đam mê phải dịu lại và tất cả những gì viển vông mụ mị bị xua đuổi khỏi trái tim.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin dạy con biết chìm sâu vào trong khi nhìn vào máng cỏ Bêlem, nơi Vua các vua, Chúa các chúa đã trở nên một bé thơ vô tội và bơ vơ vì con!”, Amen.