Mt 17, 1 – 9
Đức Giêsu đưa ba môn đệ ưu tú lên núi để cầu nguyện. Núi ấy là núi nào? Các giáo phụ bảo là núi Tabo. Núi này ở cực nam xứ Galilê, gần xứ Samari. Nhưng các nhà chú giải hôm nay lại bảo rằng núi ấy là núi Hermon, cực bắc nước Do Thái giáp ranh giới nước Syria.
Chúa thì cầu nguyện, còn ba môn đệ thì ngủ khò. Bỗng họ thức giấc thì thấy Môsê và Êlia đang hầu chuyện Chúa. Phêrô hứng quá bèn xin phép Chúa được dựng lều để cả ba vị còn được giao lưu về lâu về dài. Bỗng có tiếng từ trời vang lên: “Đây là Con Ta yêu dấu, làm vui lòng Ta mọi đàng”. Cả ba ông sợ quá, lăn cù ra và chết giấc. Tại sao đang hứng thế, bỗng dưng lại lăn cù ra chết giấc? Đó là truyền thống lâu đời của người Do Thái. Họ sợ Chúa lắm. Họ vẫn lưu truyền cho nhau rằng: “Ai nghe và thấy Chúa trực tiếp, thì phải chết.” Đức Giêsu đánh thức họ và khuyên lơn “Đừng sợ”. Tưởng rằng sợ Chúa là đúng, ai ngờ lại là sai, là xúc phạm đến Chúa là tình yêu. Dường như mọi dân tộc trên khắp thế giới từ cổ chí kim đều chỉ dám kính sợ Chúa, chứ không dám yêu. Khi gặp khó khăn, ông cha chúng ta vẫn thường nói: “Tôi sấp mặt, tôi cắn cỏ, tôi lạy Ông Trời, xin Ông Trời thương tôi”. Chỉ có đạo mặc khải mới biết Chúa là tình yêu và yêu Chúa thì không sợ Chúa. Thánh Gioan cảm nghiệm được điều đó, nên trong thư thứ nhất chương bốn, câu mười tám, ngài viết: “Tình yêu loại trừ nỗi sợ. Ai sợ là chưa có tình yêu hoàn hảo”. Chúng ta nên ngẫm nghĩ để thấy rằng mình vẫn còn sợ Chúa lắm đấy và cần phải đổi đời để chỉ yêu Chúa và không bao giờ sợ Chúa.
Lời Chúa từ trời dội xuống: “Các ngươi hãy nghe lời Người”. Lời này Chúa gửi xuống không phải chỉ cho ba môn đệ, mà còn cho cả ông Môsê và sứ ngôn Êlia. Hơn thế nữa, lời ấy gửi cho mọi người, mọi thời từ Ađam cho đến tận thế.
Thánh Gioan Tẩy Giả là sứ ngôn cao trọng nhất của Cựu Ước. Vậy mà ông đã thẳng thắn tuyên bố: “Tôi không đáng xách dép cho Thầy”. Như vậy thì Môsê và các Sứ Ngôn đều là những học trò tầm thường của Đức Giêsu. Bởi vậy, chúng ta phải khẳng định rằng chúng ta chỉ có một Thầy là Đức Giêsu mà thôi. Do đó, khi đọc Thánh Kinh, dù là Cựu Ước hay Tân Ước chúng ta phải thấy rằng chỉ có Đức Giêsu mới là chân lý tuyệt đối, còn tất cả đều chỉ là tương đối thôi. Chúng ta cũng cần phải cảnh giác kẻo đọc Thánh Kinh mà không thấy Đức Giêsu và chân lý tuyệt đối. Như vậy, vô tình ta tôn thờ và vâng lời các sứ ngôn mà quên cả Chúa. Khi đọc Thánh Vịnh trong các giờ kinh phụng vụ ta cũng phải lựa lọc để thấy câu nào, ý nào, lời nào không giống với Đức Giêsu thì đừng bao giờ ôm ấp trong lòng, kẻo lại bỏ Chúa mà thờ thần nào đó.
Khi kết thúc câu chuyện Chúa biến hình, Ngài dẫn ba môn đệ xuống núi. Trên đường đi, Ngài căn dặn ba môn đệ là đừng cho ai biết điều mà các ông vừa mới thấy và nghe. Sở dĩ Chúa căn dặn kỹ như vậy, vì sợ dân chúng nhẹ dạ sẽ vận động nhau mua sắm vũ khí, để chuẩn bị cuộc nổi dậy chống đế quốc La-mã. Như vậy thì kế hoạch cứu độ của Chúa sẽ bị lệch đường. Rất may là ba ông đã giữ được bí mật ấy cho tới khi Chúa từ cõi chết sống lại.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
==================
Suy niệm 2
BIẾN HÌNH
Mt 17, 1-9
Để bắt đầu thực hiện lời hứa ban cho nhân loại Đấng cứu chuộc sau khi Ađam-Eva sa ngã, Thiên Chúa chọn Abraham để làm thành một dân tộc mới và đưa tới vùng đất hứa. Theo tiếng gọi, ông đã phải từ bỏ tất cả để ra đi. Một cuộc ra đi đầy gian nan khốn khó, đòi ông phải hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa theo sự chỉ dẫn của Người. Có tất cả mà phải bỏ tất cả. Nhìn bằng cặp mắt loài người, đây là một cuộc phiêu lưu bỏ mồi bắt bóng, nhưng thực ra đó là cuộc hành trình rời bỏ những của cải tạm bợ trước mắt để trở lại vườn diệu quang.
Vừa trước bài Tin Mừng hôm nay,Đức Giêsu cũng đã tuyên bố: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. (Mt 16, 24).Đây là một cuộc hành trình của người môn đệ Chúa. Một cuộc hành trình cũng đầy gian khổ và phiêu lưu như Abraham xưa, nhưng thoáng thấy một chút tương lai sáng lạn, bằng sự biến hình vinh quang của Đức Giêsu để cho những đồ đệ thân tín được chứng kiến trong phút chốc. Các ông đã nhìn thấy“Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”.
Việc Đức Giêsu biến hình hay hiển dung,giúp cho chúng ta nhận ra nguồn gốc siêu phàm, và bản tính siêu việt của Con Thiên Chúa làm người. Biến cố này đã làmthay đổi cái nhìn của các môn đệ về con người và cuộc đời của Đức Giêsu, để các ông không chỉ nhìn ở bề mặt mà còn khám phá ra căn tính của Ngài. Vinh quang của Con Thiên Chúa làm người vốn bị che khuất, nay được Chúa Cha hé mở cho các môn đệ, để củng cố đức tin của họ trước biến cố tử nạn của Thầy mình.
Chắc chắn tâm tư của các môn đệ vẫn còn xót xa và hoang mang sau lời quả quyết của Thầy là Ngài phải lên Giêrusalem để chịu nhục hình. Họ thấy tương lai như một bóng đen đang dần dần phủ kín. Nhưng hiện tại, biến cố hiển dung của Thầy là vinh quang. Cảnh tượng này đã làm cho các môn đệ phấn khởi. Họ đã thấy vinh quang bên kia cảnh nhục nhã; khải hoàn bên kia cảnh khổ đau; vương miện bên kia thập giá. Lúc ấy họ chưa thể hiểu hết, nhưng phần nào đã ý thức được rằng, thập giá trước mắt tuy hoàn toàn khổ nhục, nhưng là cuộc hành trình phải vượt qua để đưa tới vinh quang theo như ý Chúa Cha.
Phêrô đã không quên được kỷ niệm đặc biệt này khi ngài viếtthư cho các tín hữu: “Chúng tôi đã được thấy tận mắtvẻ uy phong lẫm liệt của Người...Chúng tôi đã nghe thấy tiếng từ trời phán rakhi chúng tôi ở trên núi thánh với Người” (2Pr 1,16-18).Giờ đây ông đã hiểu tất cả và trở nên nhân chứng hào hùng cho một sự sống mới. Không lạ gì mà ông đã hiên ngang chết vì Thầy và như Thầy.
Lịch sử Giáo hội ghi nhận nhiều cuộc biến hình hay biến đổi: từ say rượu đến say Chúa; từ gái giang hồ thành thánh nhân; từ trai tứ chiếng trở nên đấng lập Dòng; từ kẻ khô khan đến người sốt mến; từ người tham lam, hà khắc, trở thành kẻ rộng lượng và khoan nhân... Chẳng ai gặp được Chúa thực sự mà lại không biến hình hay biến đổi.
Gần đèn thì sáng. Tiếp xúc thân mật với Chúa sẽ làm thay đổi tâm hồn ta: tình yêu Chúa xua tan sự thờ ơ nguội lạnh và đốt nóng trái tim ta; cảm nhận sự dịu dàng của Chúa làm ta giảm bớt tính cứng cỏi, hà khắc; khám phá ra sự khiêm hạ của Chúa giúp ta quyết trừ thói kiêu căng; thấy Chúa bao dung khiến ta mở rộng lòng đón nhận tha nhân; kề bên Chúa, ta được thanh luyện khỏi những nhỏ nhen ích kỷ...
Qua biến cố Biến hình,Chúa Cha long trọng giới thiệu Đức Giêsu là con yêu dấu, và kêu gọi ta hãy “nghe lời Người”. Chúng ta thường nghe theo thiên hạ hoặc nghe theo những ham muốn của mình. Chỉ khi nào chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa, để cho Lời Chúa hướng dẫn tâm trí chúng ta trong mọi sự, chúng ta mới được biến đổi và phản chiếu ánh quang của Chúa khi đi vào mọi hoạt động của đời thường.
Mùa chay là cơ hội đổi mới đời mình cho Chúa, để Chúa đưa ta vào chương trình tình yêu của Ngài, cho tađược vinh hạnh góp phần với Chúa trong việc đem lại niềm vui cứu độ cho anh chị em mình. Không có sự biến đổi hôm nay thì cũng không có sự biến đổi vào ngày mai.
Đời sống Kitô hữu là một cuộc lên núi và xuống núi với Chúa Giêsu mỗi ngày. Lên núi chính là những giây phút tiếp xúc thân mật với Chúa trong cầu nguyện, tĩnh tâm, thánh lễ… Xuống núi với Chúa là chúng ta đi vào đời thường để xả thân phục vụ gia đình, tha nhân, cách riêng là những người nghèo hèn khốn khổ đang cần đến chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Qua sự kiện biến hình trên núi cao,
Chúa hé mở chút vinh quang rực rỡ,
cho thấy ánh sáng Chúa thật vô bờ,
khiến các môn đệ vui mừng hớn hở.
Chúa biến hình trong ánh sáng chói chang,
báo trước ngày phục sinh sẽ huy hoàng,
sau khi trải qua nhục hình và tử nạn,
để ban cho con người sự sống mới.
Tuổi trẻ chúng con thích được chói sáng,
nên hay tô vẽ cho mình ánh hào quang,
bằng hành động và kiểu cách vênh vang,
có khi theo những lối sống nghênh ngang,
hoặc theo đời, theo “mốt”, theo thời trang.
Chúng con thường ảo tưởng nên không biết,
chói sáng đích thực là mình nên giống Chúa,
Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng,
Đấng chân thật và thánh thiện vô song.
Chúa mới làm cho đời con chói sáng,
bằng đức tin và tình mến rỡ ràng,
chứ không phải những kiểu sống lang mang,
tìm mọi cách để nổi nang trên “mạng”.
Cho con trở lại với cái tôi sâu thẳm,
cái tôi hiền lành và chân thật dễ thương,
cái tôi bình thường và nhân ái khiêm nhường,
cái tôi đơn sơ và không chút lụy vương,
cái tôi hòa đồng và lan tỏa hiệp thông,
để trao ban cho mọi người niềm vui sống.
Như vậy con mới mong ngày chói sáng,
vì sẽ được gặp gỡ Chúa vinh quang,
trong ánh sáng huy hoàng và vô tận,
với tình yêu và hạnh phúc vô ngần. Amen. Lm. Thái Nguyên
==================
Suy niệm 3
Lột bỏ thói hư
Mt 17, 1-9
Khi đến Thái Lan, du khách thường tìm đến chùa Vàng ở Wat Traimit tại Bangkok để chiêm ngắm bức tượng Phật ở tư thế ngồi cao đến 3 mét, nặng 5 tấn rưỡi !
Theo sử sách thì bức tượng nầy được đúc bằng vàng nguyên khối, vào khoảng từ thế kỷ 13 đến 15. Trong thời chiến tranh nổ ra giữa Thái Lan và Miến Điện, người Thái sợ bức tượng quý báu nầy lọt vào tay người Miến nên đã trát bê tông bao bọc tượng, che giấu khối vàng bên trong nhằm đánh lừa quân địch. Thế là những thế hệ người Thái sau nầy cứ tưởng đây chỉ là bức tượng bê tông tầm thường nên có thời bị đặt vào nơi bất xứng và bị lãng quên.
Vào năm 1955, bức tượng được di dời đến một ngôi đền mới. Trong khi vận chuyển, một số giây thừng ràng quanh tượng bị đứt làm cho tượng ngã lăn xuống đất, lớp bê tông bọc tượng bị nứt ra, cho thấy ánh vàng lấp lánh bên trong. Thế là nhờ sự cố không may nầy, người ta phát hiện ra đây là bức tượng vàng nguyên khối rất đẹp và quý báu đã bị che phủ bằng bê tông suốt hàng trăm năm qua.
Thế là từ đó, bức tượng trước đây bị xem thường, rẻ rúng vì bị bọc bởi một lớp bê tông xấu xí, giờ đây trở nên bức tượng vàng rất đáng quý trọng, được nhiều Phật tử chiêm ngưỡng, ái mộ, được du khách khắp nơi thăm viếng, được xem là quốc bảo của Thái Lan.
Trong 33 năm sống ở dương gian, Chúa Giê-su cũng sống trong hoàn cảnh tương tự. Mặc dù Ngài vốn là Thiên Chúa toàn năng uy quyền vinh hiển, nhưng đã hạ mình xuống thế, mặc lấy thân xác người phàm, trở nên người bình dị. Vì thế Ngài bị xem thường.
Thế rồi qua biến cố hiển dung trên núi, vinh quang rạng ngời được ẩn giấu nơi Chúa Giê-su được biểu lộ, nên ba môn đệ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan mới thấy được sự sáng láng vinh hiển của Ngài, mới biết được Ngài là Con chí ái của Thiên Chúa Cha.
Hôm nay, Ki-tô hữu chúng ta cũng gặp hoàn cảnh tương tự.
Nhờ lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta trở thành con Thiên Chúa, thành chi thể của Chúa Giê-su, là đền thờ của Chúa Thánh Thần… có giá trị cao quý hơn bất cứ báu vật nào trên thế gian.
Tuy nhiên, sự cao quý tốt đẹp nầy thường bị bao bọc bởi một “lớp bê tông”, tựa như bức tượng Phật vàng ở Thái Lan, làm cho chúng ta bị mất giá trị trước mặt người đời.
Nơi người nầy, lớp “bê tông” bao bọc có thể là tính kiêu căng, tự phụ, tham lam, ích kỷ… Nơi người khác là lòng ghen ghét, hận thù… Những “lớp bê tông” nầy làm cho người ta trở nên tầm thường, xấu xa, mất giá…
Tiếc thay, nhiều người không muốn phá bỏ “lớp bê tông” xấu xí nầy, cứ để cho nó đeo bám vào người cho đến chết.
Còn chúng ta, hôm nay mỗi người hãy tự hỏi mình: Đến bao giờ tôi mới quyết tâm đục bỏ lớp vỏ xấu xí nầy để nét đẹp của người Ki-tô hữu được tỏ ra?
Lạy Chúa Giê-su,
Xưa kia trên núi cao, Chúa để cho vinh quang của Chúa, vốn bị che phủ bởi thân xác phàm trần, được biểu lộ… để cho ba môn đệ thân tín được thấy chân dung đích thực của Chúa.
Xin Chúa cũng giúp chúng con lột bỏ những thói hư tật xấu đang bao bọc chúng con, để dung mạo người con Thiên Chúa nơi chúng con được tỏ ra trước mặt mọi người. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 4
THIÊN CHÚA MỜI GỌI, CHUẨN BỊ VÀ SAI CHÚNG TA ĐI
Khi chúng ta bước chân vào đời, trải qua bao thăng trầm cuộc sống từ lúc được dưỡng nuôi trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, gia đình, rồi đến lúc phải tự thân vận động, bương trải với cuộc sống ngoài xã hội. Và cũng đến khi chọn bậc sống cho mình. Người người bước vào đời sống gia đình, nuôi dạy con cái, người thì đáp trả lời mời gọi dấn thân trong bậc sống dâng hiến, phục vụ, và khá nhiều người sống độc thân cho lý tưởng cao cả. Nhìn lại tất cả quãng đường ấy với một chút suy tư đọng lại, chúng ta có thể nghiệm ra được nhiều điều bất hủ, đầy xác tín là: Thiên Chúa hiện diện trong mọi khoảnh khắc ấy, cho dù lắm lúc chúng ta không nhận ra Ngài đang đồng hành sánh bước cùng ta; nhiều lúc, chúng ta chưa cảm nhận vòng tay yêu thương, luôn chở che, chăm sóc ta; và cũng không thiếu những giây phút chúng ta nghiệm ra tiếng gọi của Thiên Chúa, nhận biết phương thức Ngài trang bị, chuẩn bị cho ta và lời Người sai ta đi loan truyền Tin Mừng.
Các bài đọc hôm nay gợi cho chúng ta một Thiên Chúa không áp đặt, hay ‘chỉ tay năm ngón’, sai bảo... mà là Đấng yêu thương, mời gọi con người chia sẽ, tham dự vào đặc tính Chân, Thiện, Mỹ của Ngài. Nếu chúng ta đặt địa vị mình vào hoàn cảnh của ông Áp-ra-ham trong bài đọc I, thử hỏi chúng ta có suy nghĩ, và hành động thế nào? Thiên Chúa kêu mời Áp-ra-ham từ bỏ quê hương, họ hàng, nhà cửa tổ tiên, mà lên đường đến miền đất Chúa hứa ban (x. St 12, 1- 4). Đón nhận lời mời gọi này đã là chuyện khó rồi, huống chi thực thi nó lại càng khó hơn! Tuy nhiên, Áp-ra-ham đã đặt trọn vẹn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa mà lên đường, rời bỏ những gì thân thương, quý giá nhất. Chẳng phải Áp-ra-ham kỳ vọng vào miền đất hứa với biết bao vật lạ, của quý mà dường như khá dễ dàng cho ông khi phải từ bỏ quê quán, tổ tiên để cất bước lên đường như lời Thiên Chúa mời gọi; nhưng chính vì lời Thiên Chúa là lời chân thật, và Thiên Chúa là Đấng thiện hảo, công minh, luôn thực hiện những gì Ngài hứa ban, cho nên Áp-ra-ham đã từ bỏ tất cả, nhanh chân đáp trả lời mời gọi ra đi đến miền đất hứa, mặc dù chẳng biết hình thù miền đất ấy ra sao! Lòng tín thác, tin tưởng đáp trả lời gọi của Áp-ra-ham là bài học quý giá cho chúng ta, đặc biệt trong khung cảnh đầy chuyển biến, được cho là ‘năng động’của thời đại công nghệ, thông tin ‘chóng mặt’ này. Với một xã hội thực dụng, con người ngày nay muốn nhìn tận mắt, nghe tận tai, sờ, đụng, cầm nắm chắc trong tay...chứ chẳng mảy may đặt lòng tin vào sức mạnh của Đấng đầy quyền năng và hằng thấu suốt tâm can con người. Thiên Chúa không ích kỷ, thu nhỏ mình vào vỏ bọc, hay chơi trò chốn tìm, nhưng Ngài đầy lòng thương cảm con người. Ngài đã ra khỏi chính mình để đến chia sẻ, mời gọi chúng ta thông phần vào tình thương vô biên ấy của Ngài. Như Thiên Chúa đã kêu mời Áp-ra-ham ra đi làm chứng cho lòng tín thác trọn vẹn vào Ngài; và như Chúa gọi mời Thánh Phao-lô ra tiến bước trên con đường làm chứng cho Tin Mừng, thì mỗi chúng ta cũng được mời gọi từ bỏ con người của mình, cái tôi của mình, từ bỏ những gì dễ giải giam hãm chúng ta trong vỏ bọc ương hèn, giả tạo, tự cao, ngạo mạn...mà mặc lấy con người mới biết tín thác, tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, biết đáp trả lời mời gọi tha thiết của Ngài mau mắn “đồng lao cộng tác với nhau vì Tin mừng và nhờ quyền năng của Thiên Chúa” (x. 2Tm 1, 8b).
Thiên Chúa chẳng chờ đợi chúng ta kêu xin, rồi Ngài gọi; nhưng Chúa luôn đi bước trước kêu mời chúng ta, và một khi Ngài mời gọi, Ngài sẽ có phương cách, chương trình chuẩn bị cho chúng ta nên ‘thiện chiến, dũng sĩ của Tình yêu’. Thánh Phao-lô đã khẳng khái nhắc nhở ông Ti-mô-thê trong bài đọc II rằng: “...vì Tin Mừng, nhờ quyền lực của Thiên Chúa, Đấng giải thoát và kêu mời chúng ta bằng ơn thiên triệu thánh của Người, không phải do công việc chúng ta làm, mà do dự định và ân sủng đã ban cho chúng ta...” (x. 2Tm 1, 8b). Chẳng phải vì chúng ta xứng đáng, giỏi dang, tài năng nên được gọi, được trang bị! Nhưng tiên vàn, trên hết mọi sự do lòng nhân từ, sẻ chia, ‘bỏ mình’ của Thiên Chúa mà chúng ta được mời gọi thông phần vào tình yêu sâu xa của Ngài, và được Ngài đoái trông cân nhắc, chuẩn bị hầu chúng ta trở nên ‘cây cọ vẽ nhỏ bé trong đôi tay thần kỳ của nhà hội hoạ tài ba’, trở nên ‘nốt nhạc dường như lạc bè trong một tác phẩm hùng ca dưới sự điều khiển của vị nhạc trưởng tài danh’.
Trước lời mời liên lỉ của Thiên Chúa, cũng như cảm nghiệm qua những phương thức Ngài trang bịcho chúng ta nơi đời sống thường nhật, đặc biệt trong đời sống tu đức, tâm linh, chúng ta một lần nữa được Chúa Cha mời gọi tiến bước xa hơn trên con đường trọn lành như Ngài kêu mời ba Tông đồ Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê trong trình thuật Đức Giê-su Biến hình trên núi Ta-bo: “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt 17, 5). Thiên Chúa mọi gọi chúng ta bằng nhiều phương thế khác nhau, qua hoàn cảnh, sự kiện khác nhau, nhưng chung quy một điều, đó là: một khi Ngài kêu mời ai, thì Ngài cũng có chương trình chuẩn bị cho họ. Ngài kêu mời ta từ bỏ con người cũ, quảng đại đáp trả và tin tưởng, tín thác, cộng tác với ơn Ngài mà ra đi. Và hành vi ‘ra đi’ cao cả nhất đó là ‘vâng nghe lời Đức Giê-su Ki-tô, học nơi Ngài, sống như Ngài, yêu thương, hy sinh và chết như Ngài’. Trước thách thức ấy, không một ai trong chúng ta không cảm thấy rụt rè, sợ hãi vì chúng ta được sai đi ‘như chiên giữa sói rừng’ (x. Mt 10, 16). Tuy nhiên, hình ảnh trong đoạn Phúc Âm hôm nay: Chúa Giê-su đến gần, động đến các ông và bảo “các con hãy đứng dậy, đừng sợ” (x. Mt 17, 7) đã an ủi và động viên chúng ta trên mọi bước đường, mọi bậc sống, mọi hoàn cảnh cho dù nó chẳng như ta mong muốn, không như ta trông mong, thì Chúa vẫn ở bên, đang đồng hành, chở che chúng ta.
Ước gì tâm hồn chúng ta luôn mở rộng, đôi tay đón lấy, và đôi chân tiến bước, hầu đáp trả lời mời gọi của Chúa, tín thác vào chương trình của Ngài và chan chứa niềm hy vọng được trở nên sứ giả Tin Mừng trong đời sống hôm nay. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==================
Suy niệm 5
Nào ta leo núi
(Mt 17, 1-9)
Bước vào Chúa nhật II Mùa Chay, Phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm một mầu nhiệm vĩ đại, đó là biến cố Chúa Giêsu biến hình và mời gọi chúng ta noi gương các Tông Đồ cố gắng leo núi để được chứng kiến cảnh Chúa Giêsu biến hình, nghĩa là chúng ta thực hành khổ hạnh Mùa Chay, ăn chay, cầu nguyện và làm phúc, xin ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn để được biến đổi chính mình hầu lãnh nhận trọn vẹn niềm vui Phục Sinh.
Leo núi
Hôm nay, thánh sử Matthêu nhắc đến việc Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Tựa đề của Sứ điệp Mùa Chay năm nay 2023 là: “Khổ hạnh Mùa Chay, hành trình đồng nghị”. Lấy cảm hứng từ tường thuật của Tin Mừng về "Sự Biến Hình của Chúa Giêsu", Đức Thánh Cha khai triển một lối suy tư về "mối quan hệ tồn tại giữa sự khổ hạnh của Mùa Chay và kinh nghiệm đồng nghị". Vì cả hai đều có mục tiêu là sự biến hình hay biến đổi cá nhân và Giáo hội. Sự biến đổi này thấy được ở nơi Chúa Giêsu và được thực hiện nhờ ân sủng của mầu nhiệm vượt qua của Người.
Lên tới đỉnh núi, Ba Tông Đồ chứng kiến sự Biến hình của Chúa Kitô. Nhưng để chứng kiến cảnh Chúa Biến Hình, các môn đệ phải lên núi. Chúng ta cũng thế, bước vào Mùa Chay Thánh, chúng ta cầu mong mình được biến đổi, chúng ta cũng hãy bắt đầu một cuộc hành trình vươn lên hay leo núi, mà cuộc hành trình nào cũng đòi hỏi nỗ lực, hy sinh. Lên tới đỉnh núi, Ba Tông Đồ chứng kiến sự biến hình của Chúa Kitô. Bức tranh toàn cảnh này sẽ giúp chúng ta "hiểu rõ hơn về ý muốn của Thiên Chúa và sứ mệnh của chúng ta là phục vụ Vương quốc của Người". Đức Phanxicô khuyến khích: “Đối với Mùa Chay năm nay và hành trình đồng nghị này, để “đi lên với Chúa Giêsu và cùng với Người đến đích”, chúng ta hãy lắng nghe “Người nói trong phụng vụ” và “anh chị em trong Giáo hội "(x. PHANXICÔ, Sứ điệp Mùa Chay, 2023).
Xin ơn biến đổi
Đối với chúng ta ngày hôm nay, biến cố Chúa biến hình loan báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua mời gọi chúng ta mở rộng cặp mắt tâm hồn chiêm ngắm Mầu Nhiệm Ánh Sáng của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi. Năm Sự Sáng, thứ Ba thì Ngắm, Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.
Nhưng để biến đổi đâu có dễ, cần phải ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp. Chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta từng bước trong Mùa Chay, đặc biệt là xin Ngài biến đổi.
Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ con người khô khan biếng trễ xưng tội rước lễ, bỏ đọc kinh, lười đi nhà thờ, bỏ lễ Chúa nhật thành người đạo đức, thánh thiện và siêng năng. Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng; từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người; từ con người kiêu căng tự mãn thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.
Chúa Thánh Thần đã biến đổi các giác quan của các tông đồ, họ mới có thể nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Cặp mắt được đổi mới, các ông mới nhìn rõ hơn những gì tỏa sáng, tai được biến đổi để nghe rõ hơn tiếng nói tuyệt vời và có thật: là tiếng nói của của Thiên Chúa Cha, Đấng hài lòng về Con yêu dấu của Ngài.
Chúng ta cũng thế, hãy để Chúa Thánh Thần tác động mới mong được biến đổi, giác quan của chúng ta mới có thể nhìn thấy và nghe được những điều kỳ diệu và vui mừng trong Thiên Chúa cùng với hàng ngũ các thánh đã được Chúa Giêsu phục sinh từ trong cõi chết.
Để được biến đổi, hãy vâng nghe Lời Chúa và cầu nguyện
Vâng nghe Lời Chúa
Để được biến đổi, chúng ta phải vâng nghe Lời Chúa. Nhờ vâng nghe và thực hành lời Chúa, tổ phụ Abraham đã trở nên tổ phụ của một dân tộc đông đảo như sao trời cát biển. Chúa bảo đi là đi. Nghe Chúa phán "Abram liền ra đi, như lời Thiên Chúa phán dạy" (St 12,4a). Trong lúc Chúa biến hình thì "có tiếng từ trong đám mây phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người" (Mt 17,6). Có vâng nghe lời Chúa Cha, Đức Giêsu mới trở nên người con chí ái đẹp lòng Cha mọi đàng. Nhờ vâng nghe Lời Chúa, chúng ta mới xứng đáng là người môn đệ của Đức Giêsu. Lời Chúa như thanh gươm sắc bén sẽ tỉa sạch các thói hư và biến chúng ta thành những tạo vật mới của Thiên Chúa.
Cầu nguyện
Đang khi cầu nguyện, Chúa Giêsu biến đổi hình dạng trở nên sáng láng. Chúng ta cũng chỉ được biến đổi thân phận tội lỗi của mình bằng việc tha thiết cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp và thứ tha. Đây là Mùa Chay, mùa biến đổi, chúng ta cần đến với Chúa để được biến đổi trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Chẳng hạn như tham dự tĩnh tâm, giục lòng ăn năn sám hối tội lỗi, quyết tâm sửa đổi thói hư tật xấu bằng việc thực hành nhân đức mỗi ngày để đền tội.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến đổi con. Xin biến đổi con mắt, môi miệng và lỗ tai con, để con biết thấy cái hay cái đẹp của tha nhân, biết nói lời hay lẽ phải, biết nghe Lời Chúa, và nhất là thực hành Lời Chúa dạy, để hưởng được trọn vẹn niềm vui Phục Sinh, nhất là ơn cứu độ đời đời. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 6
BIẾN ĐỔI ĐỂ BƯỚC THEO CHÚA
Hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng có nỗi lòng như nhà giáo dục nổi tiếng người Pháp kia. Ông tự sự về cuộc đời bản thân như sau: Khi còn trẻ, tôi luôn mang trong mình tinh thần cách mạng, và mỗi lúc cầu nguyện, tôi luôn khấn cầu xin Chúa một điều: “Lạy Chúa, xin thương ban cho con nghị lực hầu biến đổi thế giới này!” Khi càng trưởng thành và cũng nhận ra đã quá một đời người rồi mà tôi vẫn không thể thay đổi được ai, nên tôi đã cầu nguyện thế này: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi những người trong gia đình con!” Giờ đây tôi đã già nua, những ngày còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên lời cầu nguyện của tôi chỉ vắn tắt như này: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực ngỏ hầu biến đổi chính bản thân con!” Kết thúc bài tự sự, ông đã đưa ra kết luận hơi chua chát: “Nếu tôi biết cầu nguyện như thế này từ ngày còn trẻ thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời!”
Quả thật, lời mời gọi ‘canh tân’, biến đổi bản thân để trung tín bước theo Chúa hằng ngày cũng là tiếng kêu thúc giục mỗi người chúng ta sống tinh thần Mùa Chay thánh này. Hôm nay, chúng ta cùng với ba Thánh tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an chứng kiến biến cố Chúa hiển dung sáng chói trên núi Ta-bor, hầu Ngài tỏ rõ thân phận-sứ mạng của mình, và củng cố đức tin cho các ông: “Khi ấy, Chúa Giê-su đã gọi Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông này, và Ngài đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Ngài biến hình trước mặt các ông: mặt Ngài chiếu sáng như mặt trời, áo Ngài trở nên trắng như tuyết” (Mt 17, 1-2). Chúa tỏ mình ra như thể một lời động viên, khuyến khích, kêu mời mỗi người chúng ta biết sống thật với chính mình, gạt bỏ mọi mặt nạ mà chúng ta có thể đang mang trên người. Chúa biến mình như một lời thúc bách chúng ta cũng sẽ được hoán cải, trở về với ‘nhân tri sơ, tính bản thiện’, trở về với sự thiện lành nơi mỗi người mà Thiên Chúa đã trao ban, đặt để khi tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài.
Mùa Chay thánh là thời cơ thuận tiện cho mỗi chúng ta đáp lại lời mời gọi này, và ước gì chúng ta học nơi tổ phụ Áp-ra-ham (* tên gọi trước khi được Thiên Chúa thay đổi là Áp-ram) biết mau mắn vâng nghe-thực hành: “Áp-ram liền ra đi, như lời Thiên Chúa phán dạy” (St 12, 4). Lẽ thường tình, không ai trong chúng ta không muốn mình thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhưng thực tế lại là một câu chuyện khác. Đến đây, con chợt nhớ đến gia đình nọ: đứa em gái thương chị nó lắm, lúc nào cũng quấn quýt hỏi thăm chị. Nhưng một hôm, tiếng nó cứ lanh lảnh:
- Chị ơi, sao chị lại bỏ anh rể? Chị không thương anh ấy à?
Nghe vậy, chị nó nhỏ nhẹ đáp:
- Vì anh ấy rượu chè, cờ bạc, ăn chơi, nên chị không chịu được nữa.
- Nhưng hình như chị đã biết anh ấy có tật cờ bạc, rượu chè trước khi lấy cơ mà…
Lúc ấy, chị gái trả lời trong tiếng nức nở nghẹn ngào như muốn oà khóc:
- Chị cứ tưởng là thời gian trôi qua thì anh ấy sẽ thay đổi, nào ngờ đâu càng ngày càng tệ hơn em à…
Người xưa nói quả chẳng sai ‘bản tính khó dời’ hoặc ‘chứng nào tật nấy’, phản ánh con người khó lòng thay đổi được bản thân, đặc biệt tính cách của mình. Thay đổi một thói quen chưa tốt cần biết bao nhiêu nỗ lực, thời gian; huống chi để thay đổi bản tính một khi đã ăn sâu trong con người chúng ta. Tuy nhiên, với sự hy sinh rèn luyện mỗi ngày, cộng tác với ơn thánh, chúng ta tin chắc sẽ có ngày ‘được biến mình’, ‘được biến đổi’ như Thánh Phao-lô nhắn nhủ ông Ti-mô-thê: “…Con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền lực của Thiên Chúa, Đấng giải thoát và kêu mời chúng ta bằng ơn thiên triệu thánh của Ngài, không phải do công việc chúng ta làm, mà là do dự định và ân sủng đã ban cho chúng ta từ trước muôn đời trong Đức Giê-su Ki-tô” (x. 2Tm 1, 8b-9). Hơn nữa, sau khi được tận mắt chứng kiến Chúa hiển dung, lúc Thánh Phê-rô còn đang nói, thì một đám mây sáng bao phủ, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Ngài” (x. Mt 17, 5) khẳng định con đường biến đổi để bước theo Chúa không thể nào không lắng nghe lời Con Một yêu dấu, không thể nào không noi gương sống như Đức Giê-su được! Cuộc thay mình nào cũng có đau thương, mất mát, có nỗi sợ hãi riêng, nhưng như Đức Giê-su đã nâng ba Thánh tông đồ dậy thế nào, Ngài cũng “đến gần, chạm tới và bảo [chúng ta]: ‘Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”” (x. Mt 17, 7). Dĩ nhiên, Ngài luôn đồng hành, hiện diện với chúng ta; và đây cũng chính là cảm nghiệm sâu xa của đại thi hào Ta-go-re được lột tả rõ nét trong tác phẩm ‘Lời Dâng’:
‘Anh không nghe thấy ư?
Bước chân Ngài thầm lặng
Ngài tới, tới và luôn luôn thường tới
Ngài tới, tới và luôn luôn thường tới
Hàng giờ, hàng đêm, hàng ngày, hàng thời đại, anh ơi”.
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con nhận ra tiếng Chúa, cảm nghiệm tình yêu của Chúa, được đụng chạm tới đôi tay ấm áp hằng nâng đỡ, chở che, dẫn dắt của Chúa, ngỏ hầu chúng con được biến đổi để bước theo chân Chúa mỗi ngày, đặc biệt trong Mùa Chay thánh này. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 7
HƯỚNG NHÌN GIÊ-SU THẬT GẦN và LẮNG NGHE LỜI NGƯỜI
Cùng với Giáo Hội, chúng ta bước vào Mùa hồng ân, sống Mùa Chay Thánh. Khi nhận lãnh tro, chúng ta được nghe thừa tác viên đọc lời kinh vắn tắt “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Tinh thần ăn năn, sám hối trở về với Thiên Chúa và đặt hết niềm tin vào Tin Mừng là việc phải làm trong suốt cuộc đời của mỗi chúng ta. Việc này không chỉ một ngày hai hôm, mà là việc suốt cả hành trình sống đức tin chúng ta. Chính vì vậy, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta sống mùa Chay Thánh này qua ba hành động không thể tách rời nhau, đó là: cầu nguyện, ăn chay và làm việc lành phúc đức.
Khi chúng ta làm những việc đạo đức này, chúng ta có xu hướng nghĩ là: Thiên Chúa dựa vào công trạng này mà ban thưởng! Chúng ta đừng quên Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện như Thánh Phao-lô trong bài đọc 2 nhắn nhủ ông Ti-mô-thê “Đấng giải thoát và kêu mời chúng ta bằng ơn thiên triệu thánh của Người, không phải do công việc chúng ta làm, mà là do sự dự định và ân sủng đã ban cho chúng ta từ trước muôn đời trong Đức Giê-su Ki-tô” (2Tm 1, 9). Những việc lành phúc đức ấy không mang lại vinh quang hay ơn ích gì cho Thiên Chúa, nhưng nó lại giúp chúng ta ý thức thân phận yếu đuối mỏng dòn của con người, giúp chúng ta tiến gần đến với Chúa, với tha nhân và sống thật với bản thân mình.
Để làm được những điều này, chúng ta cần tín thác vào Thiên Chúa, và noi gương sống đức tin của Ab-ram (sau này được Thiên Chúa đổi thành Ab-ra-ham) trong bài đọc I: “Ông liền ra đi như lời Thiên Chúa phán dạy” (St 12, 4a). Ông được mời gọi rời bỏ quê hương, lên đường đến vùng đất tuy phì nhiêu và trù phú nhưng xa xôi và vô định. Tuy nhiên, không phải bởi vì lời hứa của Thiên Chúa mà ông không ngần ngại lên đường; nhưng thiết nghĩ, trên hết chỉ vì ông tin tưởng tuyệt đối vào một Thiên Chúa thân tình, gần gũi, yêu thương và trung tín. Và chính vì lòng tin ấy mà khiến ông nhanh nhẹn đáp trả lời mời gọi của Người, bỏ lại xứ sở, quê hương, ra đi đến vùng đất mà Thiên Chúa đã hứa ban. Trong Mùa Chay Thánh này, Chúa cũng mời gọi chúng ta biết ra đi, ra khỏi con người cũ, tội lỗi của chúng ta, ra khỏi những ‘chốn phòng then cài cửa chặt’ khép kín, hờ hững trước tiếng mời gọi của Chúa, dửng dưng trước tiếng van nài của anh chị em, rời khỏi những thói đời khiến ta xa lìa Chúa, ra khỏi những thú vui, đam mê kéo ta xa dần tình yêu Chúa, ra khỏi chốn tiện lợi, yên định để đến với anh chị em vùng ngoại biên đang cần đến lời cầu nguyện, hy sinh và giúp đỡ của chúng ta. Hơn nữa, Người cũng mời gọi chúng ta bỏ lại những gì không đẹp lòng Chúa, bỏ lại lối sống, cách suy nghĩ phiến diện, đa đoan, chủ quan vô lối, bỏ lại những định kiến, lời dèm pha chẳng mang tính xây dựng, bỏ lại cung cách sống vô tâm, vô cảm, v.v…
Nhờ niềm tín thác vào Thiên Chúa và sự nỗ lực không ngừng, cũng như thái độ chú tâm lắng nghe Lời Chúa như lời Chúa Cha phán dạy cho ba Tông đồ trong bài Phúc Âm hôm nay “đây là Con Ta rất yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe Lời Người” (Mt 17, 5). Trong lúc hiển dung, đứng bên Chúa Giê-su, có sự hiện diện của ông Mô-sê và tiên tri Ê-li-ah, nhưng khi Chúa Cha phán dạy thì Người không nói ‘các con hãy nghe lời ông Mô-sê hay tiên tri Ê-li-ah’, mà Người khẳng định, xác thực thân thế của Đức Giê-su Ki-tô “đây là con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta” (x. Mt 17, 5) và căn dặn mỗi chúng ta hãy sống thân tình, đến gần với Con của Người, noi gương Người và lắng nghe Người hết cả tâm hồn. Trong xã hội hôm nay, có quá nhiều tiếng gọi mời chúng ta, vô vàn tiếng ồn ào, vồn vã khiến tâm trí chúng ta xao xuyến, lòng chúng ta không yên, và có thể trở thành vật cản chúng ta lắng nghe, phân định tiếng Chúa đang kêu mời, thúc giục chúng ta từng giây phút trong đời. Hằng ngày, chúng ta phải kiên tâm, vững trải đấu tranh chọn lựa giữa tiếng kêu ồn ã của thú vui, trần tục pha lẫn với thói đời, với lời kêu mời dường như khe khẽ, nhỏ nhẹ nhưng đầy tha thiết của Chúa! Chúng ta phải can đảm chọn lắng nghe tiếng Chúa gọi trở về với tình thương của Người, hơn những thúc giục của đam mê trần thế!
Một lần nữa, chúng ta cùng lắng nghe tiếng Chúa Cha khuyên dạy và sống Mùa Chay Thánh này với cả tấm lòng ăn năn:
“Đây là Con Ta yêu dấu
Rất đẹp lòng Ta, lắng nghe Lời Người”.
Một lòng chừa cải đam mê
Lánh xa dịp tội, trở về Chúa thôi.
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 8
Người Biến Đổi Hình Dạng
St 12,1-4a; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9
Tuần trước Thầy báo cho môn đệ biết trước cuộc thương khó Thầy sẽ phải chịu, các ông không hiểu, Phêrô thì không chấp nhận nổi nên can ngăn, bị Thầy mắng là “Satan!…” Hôm nay Thầy kéo ba môn đệ được yêu hơn (trong đó có Phêrô) đi riêng lên một ngọn núi cao, cho cả ba chiêm ngưỡng thước phim có một không hai: “Thầy biến đổi hình dạng”! Sướng quá các ông quên hết sự đời! Vẫn ông Phêrô nhanh nhảu nói vu vơ mơ mộng trong mê sảng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” (Mt 17,4). Chỉ “dựng lều” cho ba nhân vật trong “bức tranh tuyệt mỹ” này thôi, còn các ông thì cứ say ngắm thế này đã đủ, chả còn thiết sự gì nữa… Thế đấy, ai thấy khổ mà chẳng bàn lùi tránh né, thấy sung sướng oai phong thì ôm mơ dệt mộng chẳng muốn xa rời.
Khi chìm đắm chất ngất trong lúc cầu nguyện, ở trên núi (cảnh đất trời gần nhau), trong giây phút xuất thần, Thầy trở nên rực rỡ tuyệt trần. Ngày xưa lúc Môsê cầu nguyện gương mặt ông cũng bừng sáng lên. Hôm nay được lên núi cầu nguyện với Thầy, các ông được sung sướng ngất ngây, được chiêm ngưỡng vinh quang Thầy, trực diện với bậc Ngôn Sứ vị vọng trong lịch sử cứu độ, đàm đạo về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Thầy, cuộc Tử Nạn mà Thầy đã loan báo. Phêrô hôm nay được nghe và xem thấy tận mắt. Đang say mê với cảnh thiên đường, bỗng từ trong đám mây có tiếng Chúa Cha xác nhận và kéo các ông trở về thực tại: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người.” (Mt 17,5). Ở lại chiêm ngắm Thầy biến hình thì dễ, nhưng phải thực hành vâng nghe lời Người là điều khó hơn nhiều, phải từ bỏ mình, vác thập giá, đi vào con đường hẹp, liều mất mạng sống…
Biến cố hiển dung của Thầy nhằm củng cố đức tin cho các môn đệ, trước khi bước vào thử thách trong cuộc thương khó. Nhưng sự hăng hái này không còn tới ngày mà khuôn mặt Thầy đầy mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu, ngày xem thấy khuôn mặt đầy thương tích của Thầy trên đồi Sọ. Sau này Phêrô đã làm chứng rằng: “Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người”.
Chúa ơi! ngày nay chúng con có đủ can đảm xuống núi làm chứng cho Chúa giữa những tối tăm trong cuộc sống thực tại, bằng những điều mình từng “thấy” khi được lên núi với Chúa không? Xin dẫn đưa chúng con vào mối tình gắn bó keo sơn với Chúa, để trong Chúa, chúng con được biến đổi từ trong ánh mắt, đôi tai, môi miệng, trái tim, để dung nhan sáng láng dịu hiền của Chúa hiện rõ trên khuôn mặt phàm trần của chúng con.
Én Nhỏ