Thứ năm, 09/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 5 Phục Sinh năm C

Cập nhật lúc 17:05 12/05/2022
Suy niệm 1
Giờ đây, Con Người được tôn vinh
Ga 13,31-33a, 34-35
- Khi cử hành phụng vụ, chúng ta thường nói nhiều về từ ngữ “Vinh danh”:
*Trong kinh Vinh Danh, chúng ta hát hoặc đọc: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời”.
*Trước kinh Lạy Cha trong Thánh lễ, linh mục chủ tế đọc thay cho chúng ta: “Chính nhờ Người với Người và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa, là Cha Toàn Năng cùng với Chúa Thánh thần đến muôn thuở muôn đời”.
*Hoặc khi kết thúc một thánh vịnh, chúng ta đọc: “Vinh danh Chúa Cha, và Chúa con và Chúa Thánh Thần”.
- Trong đời sống hàng ngày, người ta cũng dùng từ ngữ này. Khi ca ngợi một vận động viên, một nghệ sĩ, một người tài giỏi xuất chúng, người ta nói rằng người đó "đang ở đỉnh vinh quang". Vinh danh thường được liên kết với giá trị của một cá nhân hoặc tập thể nổi danh hơn những cá nhân và tập thể  khác.
- Trang Tin mừng theo hôm nay, Chúa Giêsu nói về "vinh quang" của Cha trên trời: 
*Tại Bữa Tiệc Ly, khi đề cập đến Cuộc Khổ Nạn sắp đến gần và vĩnh biệt các môn đệ, Chúa Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người”.
*Vào giờ này trước Cuộc Khổ Nạn, mọi thứ dường như là thất bại đối với Chúa Giêsu, và có thể là trái ngược với vinh quang của con người! Nhưng khi công bố những lời này, Chúa Giêsu muốn cho môn đệ của Ngài thấy rằng cái chết của Ngài sẽ biểu lộ trái tim của Thiên Chúa và của chính Ngài. Đó là vinh quang rạng rỡ của Thiên Chúa và của chính Ngài.
- Trong suốt cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu đã mặc lấy vinh quang của Chúa Cha và sự sống Ba Ngôi được thể hiện trong Ngài khi Ngài lãnh nhận phép rửa tại sông Gio-đan. Tất cả các cử chỉ và mọi lời nói của Ngài đều hướng đến vinh quang Cha Ngài.
- Chính trong lúc rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã chỉ ra con đường dẫn đến vinh quang rặng rỡ mạnh mẽ và thuần khiết nhất của tình yêu đến từ Thiên Chúa.
- Khi truyền cho chúng ta điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta vào một mầu nhiệm rạng rỡ về đời sống thân mật nhất của Thiên Chúa
Về phần chúng ta, chúng ta thường xuyên chưa sống tình thân mật đó, nên chúng ta chưa được vinh quang đích thực! Vì thế, chúng ta hãy khiêm tốn nhận ra những khó khăn mà chúng ta gặp phải. Những lúc như thế, chúng ta càng phải làm cho vinh quang của Thiên Chúa tỏa sáng trong chúng ta:
- Nhất là trong một môi trường mà bạo lực, ghen tuông, oán giận thường chiếm ưu thế!
- Những lúc khó hiểu nhau hơn và những lúc ánh sáng của tình yêu dường như muốn dao động và vụt tắt.
- Khi đôi vợ chồng hoặc cha mẹ khám phá ra rằng hố sâu chia rẽ đã khơi lên mà thậm chí không nhận thức được.
Tất cả mọi người đều khao khát yêu, và được sống trong tình yêu. Khi chúng ta trải nghiệm tình yêu đích thực và bền lâu, chúng ta tràn ngập hạnh phúc. Tình yêu  kiến tạo chúng ta và chúng ta thấy tình yêu như một món quà thực sự từ Thiên Chúa.
Hãy xem họ yêu nhau chừng nào! Khi viết những lời của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau”,  Tông đồ Gioan đã nhận thức rõ về những căng thẳng đang đe dọa các cộng đồng Kitô giáo đầu tiên. Nhưng họ vẫn sống yêu thương đến nỗi những dân ngoại rất ngưỡng mộ: “hãy xem họ yêu nhau chừng nào “!.
Vẫn còn nhiều việc phải làm để tình yêu Thiên Chúa có thể tỏa sáng khắp nơi. Nhưng chúng ta biết rằng vào một ngày nào đó tình yêu này sẽ ngự trị. Sách Khải Huyền của Thánh Gioan viết về “Ngày tận thế”, nói với chúng ta về thế giới mới này mà Chúa Kitô đến để thiết lập. Gioan so sánh thế giới đang phát triển này với nơi ở của Thiên Chúa giữa nhân loại . Nơi mà Thiên Chúa sống với chúng ta,  Ngài làm cho tất cả mọi sự đều nên mới, có nghĩa là, một cách khác để yêu thương và sống cùng nhau.
Cũng vậy, sách Công vụ Tông đồ trong bài đọc I đã đề cập đến cách Phao-lô và Ba-na-ba đi qua thế giới của thời đại họ. Các ngài đặt nền móng cho thế giới mới này. Chúng ta thấy các ngài thành lập nhiều cộng đoàn Kitô giáo sống động. Họ bổ nhiệm các trưởng lão, để trở nên người lãnh đạo các Giáo Hội non trẻ này và giúp các cộng đoàn đó có thể sống với nhau lâu dài trong Chúa Kitô.
Chúa Kitô tiếp tục hoạt động trong sâu thẳm trái tim chúng ta, trong Giáo hội và thế giới ngày nay. Dần dần những khó khăn trong tình yêu chúng ta sẽ biến mất,
- Nếu chúng ta cứ để cho quyền năng của Chúa Thánh Thần chiến thắng,
- Nếu chúng ta khiêm tốn thực sự và sống sứ điệp này: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em", đó là một cách biểu hiện tuyệt vời vinh quang Thiên Chúa!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===============
Suy niệm 2
Ga 13,31 – 35
Mười ba Thầy trò quây quần bên nhau mừng đại lễ Vượt Qua. Lẽ ra bầu khí phải tưng bừng, thế nhưng lại quạnh hiu, âm thầm và lặng lẽ đến kỳ lạ. Tại sao vậy? Tại vì những lý do sau đây:
(1). Chúa đang nhẹ nhàng nhai miếng bánh mì không men, bỗng Ngài ngừng nhai, đưa mắt đăm đăm nhìn đoàn tông đồ và ngỏ bày: “Một trong chúng con sẽ phản Thầy.” Ai nấy đều sửng sốt ngỡ ngàng và tự nghĩ “thằng nào”, rồi cùng nhau lên tiếng “Thưa Thầy không lẽ là con sao?” Người phản bội là Giuđa Ítcariốt mà không ai hay biết, kể cả Gioan môn đệ thân tín của Chúa. Giuđa bí mật liên hệ với thượng tế để thảo kế hoạch bắt Chúa. Hắn giữ bí mật một cách khôn khéo tới mức độ ông Nicôđêmô cũng không biết. Nếu ông biết, ông đã phải báo tin ngay cho đoàn tông đồ rồi.
Bức xúc quá, Gioan ghé sát tai Chúa và hỏi nhỏ: “Thằng nào?" Chúa bảo: “Thầy trao miếng bánh chấm nước thịt này cho ai, thì nó đấy”. Chúa trao miếng bánh cho Giuđa và bảo: “Việc anh làm, thì đi làm ngay đi”. Hắn ra đi, mà anh em chẳng biết hắn đi đâu.
(2). Khi Giuđa ra đi rồi, thì Chúa lại tâm sự: “Hỡi đoàn con bé nhỏ của Thầy, Thầy chỉ còn ở với chúng con một ít lâu nữa thôi…” Chúa cho anh em tông đồ biết là Ngài sẽ bị bắt, bị đánh đòn và sẽ bị giết. Ngài nói một cách khéo léo, nhưng ai cũng phải hiểu như vậy. Anh em tông đồ đau điếng nhưng chẳng biết làm gì, ngoài việc ngồi im lặng một cách thất vọng.
(3). Sau những lời tiên báo buồn đến chết được, Chúa gửi lại lời tâm sự cuối cùng. Lời tâm sự này là lời trăng trối của bậc thầy dành cho đệ tử, của bậc cha mẹ dành cho con cái, trước khi nhắm mắt lìa đời. Nghe mà não lòng. Nghe mà xót xa. Nhưng nghe mà thấm thía đến rơi lệ. “Thầy trao cho anh em một điều răn mới, đó là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Nhờ đó mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy”.
Nói xong bấy nhiêu lời, Thầy trò đứng dậy, cùng nhau ra cầu nguyện ở vườn Cây Dầu. Thầy bị bắt ở đấy. Trò bỏ chạy trốn tan tác ở đấy…
Chuyện đau buồn đã qua đi rồi. Việc Chúa phục sinh và thăng thiên cũng đã qua rồi. Bây giờ chỉ còn lại lời trăng trối mà chúng ta vẫn nhớ, nhưng không biết có thực hiện đúng như ý Chúa muốn không. Lời trăng trối ấy là “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Buồn quá! Lời trăng trối thì rõ như thế và tha thiết như thế, nhưng điều chúng ta đã làm là không yêu nhau như Chúa yêu ta, mà còn ghét nhau và chống đối nhau. Đó là:
  1. Năm 1054 Chính Thống Giáo tự tách ra khỏi Giáo hội.
  2. Năm 1521 Tin lành tiếp tục con đường phân ly ấy.
  3. Năm 1534 Anh giáo cũng đi vào con đường ấy.
Thế là đoàn con bé nhỏ được Chúa yêu tha thiết nay đã trở thành bốn nhóm riêng rẽ, không yêu nhau, chống đối nhau. Mong rằng bốn anh em này sám hối và cùng nhau trở về với Thầy Chí Thánh của mình.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

===============
Suy niệm 3
YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG

 Khái niệm ‘yêu' rất là trừu tượng và có khi đa dạng, khiến chúng ta khó lòng nhận định, phân định trong đời sống thường ngày. Và khi nói đến ‘yêu’, chúng ta có khuynh hướng thu hẹp lại thành tình yêu đôi lứa, tình yêu nam nữ, hay yêu đương lãng mạn.
Trong những lần hỏi các em dự tu hoặc những ai có hướng đi tu: “tại sao các con đi tu?”, hay “điều gì khiến các con đi tu?”, thì hầu như các em có chung một câu trả lời nằm lòng, đó là: “vì con yêu mến Chúa, nên con đi tu!”
Kính thưa quý ông bà và anh chị em, bài Tin Mừng hôm nay, có thể nói Chúa Giê-su trăn chối cho các môn đệ và cho tất cả chúng ta: bí quyết sống đời sống làm môn đệ của Chúa, căn tính của ơn gọi làm Ki-tô hữu đích thật, đó là không phải điều gì khác ngoài giới răn yêu thương, và không chỉ yêu thương nhau thôi, mà còn yêu thương nhau như chính Chúa Giê-su đã yêu thương ta.
Nếu dừng dòng suy tư lại nơi đây, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ nói: ôi! tưởng điều gì mới mẻ lắm, hoá ra chỉ là hai chữ ‘yêu thương’, yêu mến Chúa như Cha của mình, và yêu thương tha nhân như chính mình!!! Đúng là giới răn yêu thương được thể hiện qua lòng kính mến Chúa thâm sâu và cảm thương với người khác, không kể là người đồng đạo hay khác đạo, nhưng nếu chúng ta đọc kỹ đoạn Tin Mừng hôm nay, thì chúng ta sẽ nhận ra điều Chúa Giê-su dạy tuy khác về ngôn từ, nhưng Ngài lại muốn đưa chúng ta đi sâu vào căn tính của người môn đệ, của người Ki-tô hữu: giới răn yêu thương mới, và yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (x. Ga 13, 34). Tiếp đến, khi mỗi người chúng ta sống ơn gọi yêu thương như Thầy Giê-su đã yêu thương thì chúng ta đang tiến bước trên con đường làm chứng, truyền giáo và chia san.
Trước hết, chúng ta cùng nhau tìm hiểu: giới răn yêu thương mới nghĩa là gì? Từ ngữ ‘mới’ ở đây không diễn tả điều trái ngược với cũ hay cựu, mà thiết nghĩ đó là sống giới răn yêu thương ở một tầm vóc mới, tầm vóc sâu lắng, thâm sâu hơn và triệt để hơn. Nói cách khác, khi sống giới răn mới này, chúng ta đang mang lấy căn tính của người môn đệ Giê-su.
Giê-su ơi, hỡi Thầy chí Thánh
Chẳng rời xa con đây mọn hèn
Nhưng luôn bên đỡ nâng con mãi
Trao cho con ân nghĩa tín thành
Trở nên người môn đệ dấu yêu
Yêu thương Chúa như mến thương Cha
Khắc ghi mãi tâm hồn con đây
Yêu thương nhau như Giê-su dạy
Tự huỷ mình, tình yêu vị kỷ
Giê-su ơi, Thiên Chúa của lòng con!  (Cảm tác, Lm. Xuân Hy Vọng)
Thứ đến, Chúa Giê-su nhắn nhủ và thúc giục chúng ta hãy yêu thương một cách cụ thể, đó là yêu thương nhau như Ngài đã chết, hy sinh cho chúng ta, “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Chúa Giê-su đã yêu thương các môn đệ, đã kiên nhẫn dạy dỗ khai tâm cho các ông, đã đồng hành, hướng dẫn và tha thứ cho sự yếu đuối, phản bội của các ông. Ngài yêu thương chúng ta hết mình, không một lời than van, trách móc! Ngài đã tự khiêm, tự hạ, tự huỷ chính bản thân mình mà mặc lấy xác phàm yếu đuối, mỏng dòn của kiếp nhân sinh, ngõ hầu ôm trọn con người chúng ta, nâng chúng ta lên và đưa về cùng Chúa Cha. Ngài yêu thương chúng ta với tình yêu vị kỷ, không chút vương vấn ‘cái tôi’ hay ‘cái bụng to tướng’ của lòng kiêu căng, ngạo nghễ! Ngài yêu thương ta chân thành, không một lời đay nghiến, không lên án, không chụp mũ, quy kết, đỗ lỗi cho ai! Ngài yêu thương ta vô hạn, vô điều kiện, không tì vết hay yêu sách hoặcđòi hỏi trả công!Tình yêu Ngài dành cho chúng ta vượt trên cả thời gian, không gian và cả mối tương quan đời thường! Tình yêu Ngài không ‘thanh lý’, không ‘đáo hạn’, không ‘hết hạn sử dụng’ (expiry date, 期限).
Tóm lại, Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ, và chúng ta tháp nhập vào Ngài, gắn kết và nhìn ngắm, học hỏi nơi Ngài thật gần, thật kỹ để rồi chúng ta có thể yêu thương nhau, yêu thương anh chị em, yêu thương Giáo Hội, yêu thương cộng đoàn giáo xứ, yêu thương gia đình, bạn bè, lối xóm, và yêu thương cả những người chúng ta cảm thấy không chút thiện cảm, hay không ưa, bằng chính tình yêu như Thầy Giê-su đã tự hiến thân mình, chấp nhận yêu thương ta cho đến chết. Và điều này được minh chứng một cách rõ ràng qua công cuộc truyền giáo, đời sống của các Thánh Tông Đồ như Sách Công Vụ ghi lại: “Các ngài thuật lại những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin” (Cv 14, 27). Chỉ khi sống đúng như Chúa Giê-su dạy, thì chúng ta mới có thể mặc lấy căn tính của người môn đệ Ngài, và đó chính là bí quyết của việc truyền giáo, chia san, rao giảng Tin Mừng yêu thương “căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau" (Ga 13, 35).
Hãy yêu như Giê-su
Thương trọn cả tha nhân
Sống cho đời thêm tươi
Bằng nụ hoa bác ái
Thêm chút vị thứ tha
Bỏ qua cái tôi đòi
Mặc lấy đức khiêm hạ
Giê-su của tình yêu! (Cảm tác, Lm. Xuân Hy Vọng)
Lạy Giê-su từ ái, xin hoán cải lòng con, cho con nếm vị ngọt tình yêu mà Ngài hằng ban cho con mỗi giây phút trong đời. Xin cho tâm hồn trở nên chiếc gương soi phản chiếu tình yêu vị tha của Ngàitrên mọi nẻo đường con đi. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

===============
Suy niệm 4
Môn đệ thật của Chúa Giê-su 
Ga 13, 31-33a. 34-35


Mỗi đoàn viên của các đoàn thể trong xã hội, mỗi quân nhân thuộc các binh chủng trong quân đội… đều có phù hiệu riêng. Nhìn vào phù hiệu hoặc trang phục, người ta biết ngay người đó thuộc đoàn thể hoặc binh chủng nào.
Các môn đệ Chúa Giê-su cũng có phù hiệu riêng, nhìn vào phù hiệu hay dấu hiệu nầy, người ta sẽ nhận ra họ là môn đệ thật của Ngài.
Phù hiệu đó thế nào?
Chúa Giê-su cho ta câu trả lời chính xác nhất: Phù hiệu đó là lòng yêu mến. Ngài nói: “Căn cứ vào dấu hiệu nầy mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Như thế, nếu kẻ nào không thương mến tha nhân thực lòng, người đó chưa phải là môn đệ thật của Chúa Giê-su.
Người môn đệ giả
Có người nằm mơ thấy mình lìa bỏ đời nầy sang thế giới bên kia. Được biết thánh Phê-rô giữ cửa thiên đàng rất nghiêm ngặt, xét hỏi kỹ càng trước khi cho vào, nên anh ta mang theo đầy đủ giấy tờ cần thiết.
Vừa gặp thánh Phê-rô, anh liền xuất trình đủ thứ giấy tờ để chứng minh mình là người công giáo, từ chứng thư rửa tội, thêm sức cho đến hôn phối… Anh hy vọng với những chứng từ nầy, thánh Phê-rô sẽ mở cửa thiên đàng cho anh ngay. Nào ngờ, thánh nhân lại lắc đầu từ chối.
Anh ngạc nhiên hỏi: “Thưa Ngài, con còn thiếu gì nữa chăng? Con cũng xin thưa là ngày nào con cũng đọc kinh lần hạt; con không bỏ lễ Chúa nhật bao giờ, không gian tham trộm cắp, không rượu chè bài bạc... Bấy nhiêu không đủ để được vào thiên đàng sao?”
Thánh Phê-rô trả lời:
“Thiên đàng chỉ đón nhận những môn đệ thật của Chúa Giê-su. Ai không mang phù hiệu người môn đệ Chúa Giê-su thì không được vào.”
Người ấy hỏi: “Phù hiệu nào vậy, thưa Ngài?”
Thánh Phê-rô đáp: “Thế con không nhớ lời Chúa dạy sao: “Căn cứ vào dấu hiệu nầy mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35). Nếu chưa có lòng thương mến nhau thì con chưa phải là người môn đệ thật của Chúa.”
“Ngoài ra, qua dụ ngôn phán xét cuối cùng, Chúa Giê-su cũng khẳng định điều nầy: Ai có lòng yêu thương giúp đỡ người khác, kẻ ấy là người được Chúa Cha chúc phúc và được mời gọi vào hưởng phúc thiên đàng. Trái lại, ai không có lòng yêu thương, không quan tâm giúp đỡ người khác… sẽ bị lên án là quân bị nguyền rủa và phải mang án phạt đời đời trong hỏa ngục” (xem Mt 25, 34-46).
Lạy Chúa Giê-su,
Trước khi lìa xa các môn đệ để nộp mình chịu chết, Chúa trăn trối lại những lời tâm huyết: "Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau.”
Xin giúp chúng con ghi sâu vào lòng điều răn yêu thương Chúa dạy và quyết tâm thực hiện mỗi ngày, nhờ đó, chúng con thật sự trở nên môn đệ của Chúa và đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc đời đời. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

===============
Suy niệm 5
ĐIỀU RĂN MỚI 

(Ga 13, 31-35)

Với tình Thầy trò dốc bầu tâm sự trước lúc chia tay đôi ngả đôi nơi, Chúa Giêsu nói: "Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau" (Ga 13,35).
Điều Răn Mới
Câu hỏi được đặt ra: Phải chăng chúng ta dùng những tình cảm tự nhiên để yêu thương như bạn bè yêu nhau, cha mẹ yêu thương con cái, con cái yêu thương cha mẹ, đồng lớp đồng niên yêu nhau, nam nữ yêu nhau là cổ hủ lỗi thời, hay khác với tình yêu Đức Kitô đã yêu chúng ta sao mà Người còn phải truyền dạy chúng ta một “Điều Răn Mới”?
Mới ở chỗ nào khi tình yêu phát xuất từ con tim, lòng không yêu thì làm sao bắt buộc phải yêu? Tình yêu là cả vùng trời bao la bát ngát, người ta khai thác tình yêu trên mọi lĩnh vực.  Cuộc sống cần tình yêu. Nhân loại cần tình yêu. Mỗi người sống trong cuộc đời này đều cần và rất cần tình yêu. Có thể nói, tình yêu là lẽ sống, là niềm hạnh phúc, là sự bình an của tất cả mọi người. Có bao nhiêu cuốn tiểu thuyết là có bấy nhiêu chuyện tình. Có bao nhiêu bài thơ, ca, hò, vè, phim truyện, tiểu phẩm, bài hát hay quảng cáo là có bấy nhiêu cách diễn tả tình yêu. Tình yêu là tặng phẩm quí báu Thiên Chúa ban cho nhân loại, sống yêu là sống trong hy vọng. Vì muốn chúng ta hạnh phúc, nên Chúa truyền dạy: “Các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).
Mến Chúa
Mến Chúa” là điều răn thứ nhất và trọng nhất. Sau khi sống lại Chúa Giêsu hỏi Phêrô đến ba lần “con có yêu mến Thầy không?” Ông đều xác nhận “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 15-17). Một Hội Thánh thiếu gì chứ thiếu tình yêu là điều không thể. Chồng khao khát tình yêu của vợ, cha mẹ khao khát tình yêu của con cái, thì Chúa cũng khao khát tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Thánh Gioan viết “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8). Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào lỗ mũi để con người được sống, Thiên Chúa cũng thông ban tình yêu cho con người (x. St 2,7).
Mượn lời của Phêrô, chúng ta thưa với Chúa rằng:  “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết rằng con yêu mến Chúa”. Tuân giữ Lời Chúa chứng tỏ rằng chúng ta yêu Chúa.
Yêu người
Thiên Chúa là Tình Yêu, Đạo chúng ta là Đạo yêu thương. Chúa dạy chúng ta phải yêu nhau vì Chúa đã yêu chúng ta trước: “Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).
Chúng ta thấy đôi nam nữ yêu nhau, đó là tình yêu. Trong gia đình, cha mẹ, con cái, anh chị em họ hàng mến thương nhau, đó là tình yêu. Những người đồng lớp, đồng niên yêu thương nhau cũng là tình yêu. Tình yêu Kitô giáo mới ở chỗ, trong tình yêu có lòng nhân từ và thương xót, tiếp Hy lạp gọi là Agape. Yêu người khác không phải là cảm xúc thương hại, nhưng là yêu có lý chí, luôn muốn điều tốt cho mọi người. Không cảm thấy đắng cay và không ý thức trả thù.
Yêu nhau là dấu hiệu có Thiên Chúa ở cùng (x.1Ga 4,12). Yêu nhau chứng tỏ rằng chúng ta yêu Chúa, là môn đệ Chúa như Chúa Giêsu nói: “Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau" (Ga 13,35-35).
Mới ở chỗ yêu cả kẻ thù, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ (x. Lc 6,27). Giống như Thiên Chúa khiến mặt trời mọc lên soi chiếu người lành cũng như kẻ dữ, làm mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương (x. Mt 5,45). Yêu người yêu mình, yêu người đáng yêu, thì ai cũng yêu được, song yêu người ghét mình, yêu người không đáng yêu, mới là tình yêu, vì đó là tình yêu Chúa, Thiên Chúa đã yêu chúng ta như vậy đấy.
Có người nói tình yêu Thiên Chúa ban cho con người để thương yêu nhau. Nơi đâu thiếu sự yêu thương, nơi đó sinh ra lộn xộn. Nhìn vào thế giới chúng ta đang sống, chắc hẵn chúng ta cũng nhận thấy tình yêu thương đang héo úa dần, nên bất an, loạn lạc, chiến tranh về mọi phương diện tinh thần cũng như vật chất, chiến tranh tôn giáo, sắc tộc, xác thịt và tâm linh ngày càng gia tăng.
Bằng chứng của tình yêu
Yêu thật lòng không bằng đầu môi chóp lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật (x.1Ga 3,18). Chúa yêu chúng ta nên đã tự hiến thân mình làm tế lễ đền tội cho chúng ta. Nếu chúng ta thật lòng yêu Chúa, thì hãy dâng mình làm của lễ sống thánh thiện đẹp lòng Chúa (x. Rm 12,1). Ai yêu Chúa thật lòng, người ẫy sẽ tuân giữ lời Chúa, đó là bằng chứng cụ thể nhất, không thể có một người yêu Chúa, mà không giữ lời Chúa được (x. Lc 6, 46; Mc 3,5).
Ai thật lòng yêu người, thì kẻ ấy chia sẻ cái mình có cho anh em đồng loại (x.1Ga 3,17). Làm sao chúng ta yêu thật, yêu như Chúa dạy khi mà chúng ta đầy lòng ích kỷ? Được Chúa yêu và đổ vào lòng chúng ta ân sủng tình yêu Chúa, chúng ta yêu anh em mình là phải lẽ: “Mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy, nếu các con một lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Người đời thấy Chúa là Cha qua chúng ta. Vì không yêu anh em mình thấy được, thì làm sao yêu Thiên Chúa là Đấng chẳng hề thấy. “Chúng ta yêu nhau vì Chúa yêu chúng ta trước, ai yêu Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình là kẻ nói dối…” (x.1Ga 4, 20).
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu của Chúa, để rồi tình yêu đó là bài giảng sống, chinh phục được nhiều người trở về với Chúa.  Tình yêu không bằng lời nói, bằng lưỡi mà bằng việc làm, từ lòng đến lòng, từ nơi sâu thẳm nhất của con tim. Lạy Chúa, xin ban cho chúng ta tình yêu đó. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===============
Suy niệm 6
Dòng Chảy Yêu Thương


Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em”. Đó là dòng chảy tình yêu từ nguồn cội Thiên Chúa Ba Ngôi tràn trào đến con người. Một tình yêu có khả năng mang lại sự sống và sức sống cho cuộc đời.
Khi sắp từ giã các môn đệ để bước vào khổ nạn, Chúa Giêsu trao cho họ những lời tâm huyết sau cùng: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau".
Với ba câu Tin Mừng, Chúa Giêsu lặp lại điệp khúc: “Yêu thương nhau”. Chúa gợi lên ba lý do bổ sung cho nhau về đức yêu thương. Đó là lệnh truyền: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới”; Đó là gương mẫu: “Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”; Đó là dấu chỉ: “Người ta sẽ nhận biết anh em nhờ tình yêu…”.
1. Lệnh Truyền
Thầy ban cho anh em một điều răn mới”.Trước khi công bố điều răn mới, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ. Và Ngài đã yêu họ đến cùng bằng việc hiến dâng mạng sống trên thập giá. Chúa Giêsu đã yêu trước khi truyền cho các môn đệ yêu thương nhau. Đây là điều răn mới, mới đến nỗi Chúa gọi đó là luật của riêng Ngài: “Đây là điều răn của Thầy” (Ga 15,12), mới ở chỗ yêu như Chúa yêu. Yêu thương nhau như Chúa yêu thương phải được cụ thể hóa bằng việc làm như chính Chúa đã dạy, đã thực hiện.
Chúa Giêsu đã coi “yêu thương” là điều răn căn bản của Kitô giáo: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em trên Trời” (Mt 5,43-45). Bài giảng trên núi khai triển giáo lý căn bản này và trở thành Hiến chương Nước Trời: “…Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương… Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 7-10).
Điều răn “cũ” trong sách Lêvi 19,18: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Yêu thương theo luật cũ là “yêu tha nhân như chính mình”. Còn yêu thương trong Luật mới là yêu thương như Chúa yêu thương. Chúa yêu chúng ta là yêu đến cùng, yêu đến hy sinh mạng sống vì người mình yêu. Tình yêu của Chúa Giêsu phải là nền tảng và là nguồn gốc của tình yêu lẫn nhau giữa các môn đệ. Tình yêu giữa các môn đệ với nhau sẽ không còn ý nghĩa nếu không liên lỉ quy chiếu về tình yêu của Chúa Giêsu.
Thánh Phaolô đã nói đến chiều cao, chiều sâu, chiều dài, chiều rộng của tình Chúa yêu con người (x.Ep 3,18). Và cũng có người đã tìm ra chiều cao, sâu, rộng dài của tình yêu Chúa như thế này:Yêu người như người yêu người là bậc thấp, là luật cũ của Cựu Ước;Yêu người như Chúa yêu người là bậc cao, là luật mới của Tân Ước.
Luật yêu thương mới là cốt tủy của đạo Chúa và cũng là nền tảng của mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau. Mến Chúa yêu người đi song đôi với nhau. Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu tha nhân và tình yêu tha nhân là thước đo tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa là mẫu mực để tình yêu con người trở nên hoàn thiện.
2. Gương Mẫu
Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Chữ “như” ở đây không phải là liên từ để so sánh hai vế, mà nó có một ý nghĩa mở ra nguồn gốc của tình yêu. “Yêu như Thầy” là lấy khuôn mẫu tình yêu giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha và giữa Ngài với các môn đệ, để các ông cũng yêu nhau và yêu mọi người như chính mình đã chứng kiến và được yêu.
Chữ “như” ở đây thật quan trọng. Nói đến Công Giáo là người ta nghĩ ngay đến hai từ “bác ái”. Bác ái không nguyên là yêu thương nhau theo kiểu cha ông truyền dạy là “thương người như thể thương thân” mà còn phải yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu đã so sánh: như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em.
Như Cha đã yêu mến Thầy. Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Người (x.Ga 3,35;5,20;17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này (x.Mt 3,17;17,5). Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con là tình yêu chia sẻ và trao ban.Tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha là tình yêu tôn kính và vâng phục. Chúa Con yêu các môn đệ như tình yêu Chúa Cha đối với Người.
Yêu như Thầy đã yêu có nghĩa là:
- Thầy chấp nhận cái chết thập hình để chuộc tội nhân loại: “Không có tình thương nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”.
- Thầy cúi xuống rửa chân cho các môn đệ để nêu gương phục vụ.
- “Thầy không coi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy coi anh em là bạn hữu của Thầy”(Ga 15,15a). Người là Thầy, là Chúa, các môn đệ là người, là đệ tử. Nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ cũng được, nhưng không, Chúa đã coi họ là bạn hữu ngang hàng với Người. Bạn hữu tri âm tri kỷ nên “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy,Thầy đã cho anh em biết”(Ga 15,15b). 
- Thầy hy sinh quên mình, Thầy hạ mình phục vụ anh em. Thầy yêu những người bé nhỏ nghèo hèn, yêu thương cả những người thù ghét mình, những người làm hại mình, những người khó thương khó ưa và Thầy không ngừng tha thứ, muốn mọi người làm hoà với nhau.
- Cả cuộc đời Chúa Giêsu đã sống tình yêu nhập thể và hiến dâng cho tất cả mọi người. Chúa không để ai về tay không khi đến với Người. Kẻ mù được sáng, người què đi được, kẻ điếc nghe được, người câm nói được, những kẻ tội lỗi, những cô gái điếm tìm được ơn thứ tha…
Yêu “như Thầy đã yêu” làm nên nét đẹp của Tin mừng. Nét đẹp ấy có sức lôi cuốn mọi người đến cùng Chúa. Tình yêu ấy thật cao đẹp nên Chúa mời gọi: “Anh em hãy yêu như Thầy đã yêu” (Ga 13,34). Vẫn biết rằng con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức “như Thầy đã yêu”, nhưng lời mời gọi của Chúa vẫn luôn giục giã chúng ta hướng theo đường Chúa đã đi, lấy tình yêu của Chúa làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi suy nghĩ, lời nói việc làm của chúng ta.
“Yêu như Chúa Kitô có nghĩa là nói 'không' với những thứ 'yêu' khác mà thế gian dành cho chúng ta: yêu tiền, chẳng hạn, những người yêu tiền không yêu như Chúa Giêsu yêu, yêu thành công, phù phiếm, yêu quyền lực…. Những con đường lừa dối của “tình yêu” này khiến chúng ta xa rời tình yêu của Chúa và khiến chúng ta ngày càng trở nên ích kỷ, tự ái, hống hách. Và hống hách dẫn đến suy thoái tình yêu thương, lạm dụng người khác, làm cho những người thân yêu của chúng ta đau khổ. Tôi đang nghĩ đến tình yêu không lành mạnh biến thành bạo lực, và có biết bao những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực ngày nay. Đây không phải là tình yêu…
Yêu như Chúa yêu chúng ta có nghĩa là đánh giá cao những người bên cạnh chúng ta, tôn trọng tự do của họ, yêu họ như họ vốn có…” (ĐTC Phanxicô, 09/05/2021).
3. Dấu Chỉ
Người ta sẽ nhận biết anh em nhờ tình yêu…”.
Người Kitô hữu có nhiều cách để biểu lộ lòng yêu mến Chúa, nhưng cụ thể nhất là giữ các điều răn Chúa dạy, cách riêng là điều răn yêu người. Chúa Giêsu đã chỉ một dấu hiệu để nhận biết người môn đệ của Chúa là “yêu thương nhau”.
Có nhiều dấu hiệu để người ta nhận ra một Kitô hữu: đeo thánh giá, làm dấu thánh giá trước khi ăn… Nhưng theo Chúa Giêsu, dấu hiệu đặc trưng của người môn đệ là tình yêu thương mà họ dành cho nhau: cảm thông, tha thứ, cộng tác, hy sinh, chia sẻ, đối thoại…
Tình yêu không phải là cái gì trừu tượng mà là thật cụ thể nên rất dễ nhận ra. 
Yêu thương nhau là luôn nghĩ tới nhau. Những người yêu thương nhau thường nghĩ tới nhau; yêu nhau nhiều thì nghĩ tới nhau nhiều, nghĩ tới mà trong lòng cảm thấy vui sướng.
Yêu nhau nên thích gặp nhau. Những người kitô hữu yêu nhau, thì rất thích tụ họp, thích gặp gỡ nhau. Và thường họ tụ họp nhau vào ngày Chúa Nhật, trước hết là để cùng nhau cử hành thánh lễ, sau là để gặp nhau trò chuyện, hàn huyên, chia sẻ tâm tình với nhau. Yêu nhau nên ước muốn điều lành cho nhau. Mong cho nhau được sự may mắn, được thăng tiến, được làm ăn thành đạt, được sức khoẻ dồi dào, được có lòng đạo đức, được mãn nguyện theo ý muốn tốt lành. Và chính vì thế mà những người yêu nhau thường cầu nguyện cho nhau, xin Chúa yêu thương, an ủi, cứu giúp, phù hộ bạn mình.
Yêu nhau nên làm những điều lành cho nhau: có thể đó là sự giúp đỡ khi túng thiếu hay ốm đau, sự chăm sóc sức khoẻ, đời sống tâm linh của nhau, là sự chia sẻ của cải vật chất và tinh thần cho nhau. Giúp nhau củng cố và giáo dục đức tin, giúp hoà giải với nhau, giúp nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, giúp nhau thành đạt trong công ăn việc làm. Dấu hiệu rõ nhất của tình yêu là sự hy sinh cho nhau: hy sinh thì giờ, sức khoẻ, tiền bạc, và thậm chí cả sự sống vì nhau.
Điều cao quý nhất mà Kitô hữu là mang Chúa đến cho nhau, vì mỗi người kitô hữu khi đã chịu phép rửa đều là đền thờ của Thiên Chúa.
Dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Giêsu và các môn đệ là một trong những đề tài độc đáo riêng của thần học Tin Mừng Gioan. Có thể nói, toàn bộ sứ vụ của Chúa Giêsu nhằm bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Người thì không hư mất, nhưng có sự sống đời đời” (Ga 3,16).
"Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương". Dòng chảy tình yêu từ Thiên Chúa đến với tha nhân qua đời sống Kitô hữu: bác ái, yêu thương, phục vụ. Chúa Giêsu đã đối xử tốt với mọi người, yêu thương mọi người. Nguyện xin Chúa giúp chúng con tập sống yêu thương “như Thầy đã yêu” khi thực thi lời Chúa dạy “Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho cho chính Chúa” (x.Mt 25,40).

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

===============
Suy niệm 7
Anh Em Hãy Yêu Thương Nhau

Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35

Các môn đệ rong ruổi theo học với Thầy mình suốt mấy năm trời. Đêm cuối cùng Thầy trò ở bên nhau mà các ông không hay biết gì. Chỉ mình Thầy biết mà thôi, nên lòng Thầy càng thổn thức xao xuyến, nhất là với các môn đệ mình yêu thương dạy dỗ.
Khi Giuđa đi rồi, chỉ còn lại nhóm mười một, bước vào cuộc thương khó, như một “người sắp chết”, Đức Giêsu trăn chối những lời yêu thương, những lời vàng ngọc, thiết tha cuối cùng trong nhưng giây phút cuối Thầy trò còn bên nhau: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy, nhưng như Thầy đã nói với người Do Thái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 33-35). Lời dạy yêu thương ấy Đức Giêsu gọi là điều răn mới, bởi từ nay không chỉ là yêu nhau như chính mình, nhưng là yêu “như Thầy đã yêu”. Thầy đã yêu như thế nào? Thầy đã tự hủy địa vị Thiên Chúa để xuống trần làm người, liên lụy với từng phận người dù bất cứ họ là ai, tật bệnh đau khổ hay tội lỗi. Thầy cúi xuống rửa chân cho môn sinh. Đây là bài học có một về đức khiêm nhường phục vụ, quên hẳn mình là ai, phục vụ trong yêu thương hết lòng, hết sức, vượt quá “lằn ranh cho phép”. Cho nên mai sau, người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, khi anh em yêu thương và “làm như Thầy” đã làm cho anh em. Tinh thần phục vụ khiêm nhường này ngày nay vẫn còn được thể hiện trong gia đình, khi cha mẹ là người lớn phục vụ, vệ sinh cho con thơ, dù là những việc “nhỏ hèn” nhất, tất cả chỉ vì tình yêu mà thôi. Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em là sẵn sàng phục vụ cho nhau và vì nhau. Yêu thương là sẵn sàng để người khác làm phiền mình, không tiếc xót thời giờ, khả năng và sức lực.
Lạy Chúa! khi con chiêm ngắm tình yêu Chúa dành cho chúng con, một tình yêu cho đến cùng, yêu đến chết vì con, xin cho con biết tìm về mà đáp tình yêu Chúa.  Chính Chúa đã từng xuống đời mang thân đớn đau, từng với người chung tim xuyến xao. Chúa sẵn sàng liên lụy với cuộc đời của mỗi con người hèn mọn chúng con. Xin cho chúng con mặc lấy tấm lòng yêu thương tự hủy của Chúa, để đời sống chúng con họa lại tinh thần phục vụ khiêm nhường của Chúa, trong mỗi người anh em xa gần mà chúng con có cơ hội gặp gỡ và những người sống với chúng con. Amen.

Én Nhỏ

Thông tin khác:
Có một cơ hội (29/04/2022)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log