Nhà giáo dục nổi tiếng Booker T.
Washington nhớ lại “kỳ thi tuyển sinh” đã giúp ông có được một suất vào Học Viện Hampton. Cô hiệu trưởng yêu cầu cậu bé lấy chổi quét lớp, Washington quét đến ba lần và lau đồ đạc đến bốn lần. Cô giáo quay lại, kiểm tra sàn nhà, lấy khăn tay quẹt lên gỗ. Không tìm thấy một hạt bụi, cô nói, “Tôi đoán bạn sẽ làm như thế nào để vào học viện này, bạn biết, bạn ‘có một cơ hội!”. Washington, về sau, tâm sự, đó là bước ngoặt đời ông!
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị, qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta biết mình ‘có một cơ hội!”. Giữa hoang địa, ngàn người đang đói, Ngài ngước mắt lên rồi bảo, “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Ngài thách thức các môn đệ và cả chúng ta, dám để mình lớn lên trong niềm tin!
Dường như Chúa Giêsu thường thích dò xem phản ứng những ai ở gần Ngài trước những tình huống tưởng như không thể xảy ra. Thiếu lương thực cho hàng ngàn người có thể gây ra hoảng sợ, xáo trộn. Nhìn đám đông ô hợp, các ông cảm thấy bất lực trước một nhu cầu quá lớn. Có lẽ hiểu theo nghĩa đó, họ đã ‘bỏ giấy trắng’ bài kiểm tra! Vậy mà ở đây, Chúa Giêsu muốn họ ‘có một cơ hội’ để trải nghiệm rằng, sự khéo léo của con người, dù tài giỏi đến đâu, vẫn không thể là nền tảng của Giáo Hội; hoặc dù các tông đồ hay những người kế vị họ, thông minh đến mấy, nhu cầu của các linh hồn và thế giới vẫn sẽ luôn vượt xa khả năng con người của họ. Vậy, đâu là câu trả lời? Chỉ một mình Ngài, “Chúa là Thiên Chúa!”.
Ngạc nhiên thay, khi các ông còn đang bối rối, một cậu bé lại rất hào phóng. Hồn nhiên và giản dị, cậu bước tới, tay xách chiếc giỏ của mình. Với chút lương khô này, Chúa Giêsu sẽ làm một điều gì đó tuyệt vời; Ngài từng nói, “Nếu không hoán cải nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không vào được Nước Trời!”. Qua chú bé nhỏ, các môn đệ học được bài học lớn, giao mọi sự cho Chúa! Không thành vấn đề nó quá nhỏ bé đối với bạn hay đối với ai, nó vẫn luôn ‘có một cơ hội’ khi nằm trong tay Chúa Giêsu; với sức mạnh thần thánh của Ngài, điều kỳ diệu vẫn có thể xảy đến!
Một chi tiết đáng chú ý khác, là Chúa Giêsu đã cử các môn đệ thu lại những bánh vụn. Dẫu quyền năng Thiên Chúa là vô hạn, đừng ai tự mãn để xem ân huệ Ngài như một thứ hàng hoá thặng dư khi cung vượt cầu. Đó là những ân huệ quý giá, đừng lãng phí! Vậy mà, chính xác đó lại là điều đang xảy ra. Lãnh nhận rất nhiều Bí tích, nhưng còn lâu, chúng ta mới nên thánh! Điều này một lần nữa tiết lộ sự kiên nhẫn lạ lùng của Thiên Chúa; cả khi không ‘có một cơ hội’ được đánh giá đúng mức, ân sủngcủa Ngài vẫn không ngừng tuôn đổ xuống chúng ta.
Gamaliel trong bài đọc thứ nhất hôm nay thật dứt khoát. Trước Thượng Hội Đồng, về các tông đồ, ông nói, “Hãy cho họ về! Vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, quý vị không thể nào phá huỷ; không khéo quý vị lại thành kẻ chống Thiên Chúa”. Rõ ràng, sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần đã cho họ ‘có một cơ hội’ để tin; nhưng các lãnh đạ
o tôn giáo thời bấy giờ đã đánh mất. Họ tiếp tục cứng lòng!
Anh Chị em,
“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Đó không chỉ là lời thách thức các môn đệ, nhưng còn là ‘tiếng của lòng!’. Trái tim thương xót của Chúa Giêsu ‘mách trước’ những gì Ngài sẽ làm. Đó là một câu hỏi tiết lộ thực tế ‘lực bất tòng tâm’ đối với con người, nhưng cũng là một câu hỏi hướng niềm tin chúng ta vào một Đấng, “Chúa là Thiên Chúa!”. Đấng ấy không ai khác, “Giêsu!”. Chính nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, mọi thứ chóng qua của trần thế vẫn mang một giá trị vĩnh cửu. Như vậy, một việc bác ái, một hy sinh dù nhỏ đến đâu, nếu ‘có một cơ hội’ được trao cho Chúa Giêsu, nó vẫn có thể trở nên điều vĩ đại. Vì thế, nếu biết tận dụng mọi biến cố buồn vui của ngày sống, trao cho Ngài, chúng ta sẽ nên thánh và cả thế giới được hưởng nhờ. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi ngày, có biết bao cơ hội để con nên thánh, nhưng thật tiếc, con để nó vụt mất. Xin cho con biết trao những gì con có vào tay Chúa, hãy sử dụng nó cho vinh hiển Ngài!”, Amen.