“Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?”.
Anh trộm lành bị đóng đinh thủng cả hai tay, để không thể làm gì cho Chúa; một cái đinh xuyên hai bàn chân, để không thể chạy vặt cho Chúa. Vậy mà Chúa Kitô đã tặng anh một món quà cứu rỗi; Ngài ném cho anh tấm hộ chiếu, và anh vào thiên đàng! Đó là một câu chuyện tuy gãy gọn, nhưng là ‘một câu chuyện lớn hơn’ câu chuyện một đời bôn tẩu của mỗi người chúng ta!
Kính thưa Anh Chị em,
Cùng với câu chuyện của người trộm lành, cả hai bài đọc Lời Chúa hôm nay cũng là những câu chuyện thật đẹp! Đó là câu chuyện anh què, người ngồi ăn xin bên cửa đền thờ; câu chuyện thứ hai thú vị hơn, hai môn đệ Emmaus nhận ra danh tính người khách lạ đồng hành với mình! Đó là Chúa Giêsu Phục Sinh, người kể cho họ ‘một câu chuyện lớn hơn!’.
Với anh què, bài đọc thứ nhất mô tả khá chi tiết, “Hằng ngày, anh được khiêng đến cửa đền thờ”; ở đó, anh xin bố thí. Nghĩa là anh hoàn toàn bất lực, không tự mình đi được. Thật tuyệt vời, Phêrô và Gioan, “Nhân danh Đức Giêsu Nazareth”, tặng anh một món quà từ Đấng Phục Sinh để anh có thể rón rén thử đôi chân ‘mới’ của mình và “cùng hai ngài tiến vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ngợi khen Thiên Chúa”. Câu chuyện về anh què chứng tỏ ‘một câu chuyện lớn hơn’ về quyền năng cứu độ của Chúa Phục Sinh, Đấng các tông đồ rao giảng, khiến cho “3.000 người trở lại”. “Dân chúng thấy anh què đi, họ ngợi khen Chúa”; và niềm vui đã vỡ oà qua tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”.
Với bài Tin Mừng, câu chuyện thứ hai hấp dẫn hơn. Hai môn đệ thất chí về làng vì mọi việc xảy ra chiều ngày thứ Sáu quá nghiệt ngã! Giêsu, người họ đặt trọn niềm hy vọng, nay chỉ là một cái xác không hồn đang yên nghỉ trong một ngôi mộ vô danh. Và kìa, một người khách lạ xuất hiện, cùng đi, người này có vẻ ‘vô tội’ khi ngơ khờ về những gì đã diễn ra trong mấy ngày qua. Thật dễ thương, người ấy sẵn sàng lắng nghe đến từng chi tiết những gì hai người kể; để rồi, lại trách họ, “Ôi kẻ khờ dại! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?”. Người ấy kể cho họ ‘một câu chuyện lớn hơn’, “Bắt đầu từ Môisen đến tất cả các tiên tri”. Thật hồi hộp với phần kết, khi gần tới làng, hai người mở lời, “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, ngày sắp tàn”. Và khi ngồi ăn, người ấy “cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận biết Chúa Giêsu”. Đoạn Ngài biến mất!
Anh Chị em,
“Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?”. Tại sao lại buồn bã? Các ông đang ‘mắc kẹt’ với những ‘tai ương và vết thương’ của chính họ; họ thất vọng vì chậm tin vào Thánh Kinh. Augustinô nói, “Họ bối rối khi thấy Ngài bị treo trên thập giá, đến nỗi họ quên mất sự dạy dỗ của Ngài, không tìm kiếm sự phục sinh của Ngài và không mảy may nhớ lại những lời hứa của Ngài!”. Điều này cũng đúng với chúng ta, chúng ta chưa hiểu hết ý nghĩa câu chuyện vĩ đại của Thiên Chúa. Phía sau bức màn khổ nạn, Thiên Chúa vén mở một chân trời cứu độ để “dưới gầm trời này chỉ nhờ Đấng ấy mà chúng ta được nhận lãnh hết ơn này đến ơn khác”. Đó là ‘một câu chuyện lớn hơn’ mà Thiên Chúa muốn kể cho chúng ta. Nhân loại đang cần nghe câu chuyện đó, cũng như cần được chữa lành nhờ danh Đấng ấy. Ai sẽ kể và sẽ mang danh ấy đi nếu không phải là bạn và tôi! Chớ gì bạn và tôi sẽ là bạn đồng hành cho những ai trên đường Emmaus đời họ, kể cho họ ‘một câu chuyện lớn hơn’ về Giêsu, để mắt họ cũng sáng ra mà quay về phía ‘Mặt Trời’, hầu họ được bước đi trong bình an và niềm vui!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con sẽ kể cho Chúa câu chuyện ‘đáng thương’ của đời con; và Chúa sẽ kể cho con ‘một câu chuyện lớn hơn’ của tình yêu Chúa, Đấng chết cho con, để cứu độ con. Đến lượt con, con sẽ ra đi, đồng hành với những ai lạc hướng và kể cho họ câu chuyện của Chúa!”, Amen.