"Tại sao cô khóc?”.
C. S. Lewis nói, “Thiên Chúa thì thầm trong niềm vui của chúng ta; tỉ tê trong lương tâm của chúng ta; nhưng lại nói oang oang trong nỗi đau của chúng ta! Nỗi đau là chiếc loa phóng thanh khuếch đại ‘tiếng của lòng’ Ngài, để khuấy động một thế giới khiếm thính!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Cùng với ý tưởng của C. S. Lewis, ‘tiếng của lòng’ người, và ‘tiếng của lòng’ Chúa là những gì được tiết lộ trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Đó là câu chuyện thần kỳ được sách Công Vụ Tông Đồ kể lại; và đặc biệt, câu chuyện của Maria Mađalêna bên ngôi mộ trống của Chúa Giêsu mà Tin Mừng tường thuật.
Bài đọc thứ nhất mô tả quang cảnh hàng ngàn người đứng nghe Phêrô giảng, tâm tư họ bị đánh động “đến đau đớn trong lòng” khi biết, “Thiên Chúa đã tôn Đức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Đấng Kitô”. Nó đánh động đến nỗi ‘tiếng của lòng’ họ phải thốt lên, “Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?”. Kết quả là, “Hôm ấy có thêm 3.000 người trở lại”. Ba ngàn người! Quả là, “Tình thương Chúa chan hoà mặt đất!” như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên tín; qua đó, quyền năng của Đấng Phục Sinh và sức mạnh của Thánh Thần Ngài được biểu lộ!
Với trình thuật Tin Mừng, những cảm xúc trào dâng của Maria Mađalêna bên mộ Chúa Giêsu xem ra không thuận chiều; bởi lẽ, nước mắt buồn đau của cô hoà chan với nước mắt mừng vui. Tình yêu thường làm cho người ta mù quáng; vì thế, Maria vẫn khóc! Về điều này, Gioan viết, “Họ chưa hiểu rằng, theo Thánh Kinh, Ngài phải sống lại từ cõi chết”. ‘Thực Tại Phục Sinh’ chưa đi vào tâm trí, và chưa đến được với trái tim Maria; cô chỉ mới dừng lại ở ngưỡng tình cảm, nên cô khóc. Tuy nhiên, ở đây, vẫn có một điều gì đó đáng trân trọng! Hãy dành chút thời gian để lặng nhìn cảnh tượng này, nó thể hiện một tình yêu sâu sắc của người môn đệ dành cho Thầy! Nó bộc lộ ‘tiếng của lòng’ Maria, đến nỗi, các thiên thần cũng không thể thuyết phục cô bằng câu hỏi của họ, “Tại sao cô khóc?”. Đó là một tình yêu gây kinh ngạc mà chúng ta cần bắt chước. Hãy muốn những gì cô ấy muốn, cô ấy muốn luôn được ở bên cạnh Chúa của mình!
Tội nghiệp Maria! Nỗi đau cuộc đời của cô thật đáng thương và đáng xấu hổ. Một ngày buồn đã đến với cô, một ngày tuyệt vọng, vốn đã dẫn cô vào một cuộc sống đầy tai tiếng; nhân phẩm không còn, và tâm hồn thì trống rỗng! Và dường như con người đáng thương này chỉ còn thích hợp để làm nơi ẩn náu cho lũ quỷ lang thang; thế giới, xác thịt và tà ma nhìn cô chỉ bằng sự khinh thường và cơ hội chiếm đoạt. Nhưng với Chúa Giêsu, Ngài đã nhìn cô một cách khác; Ngài yêu cô một cách khác! Tuy nhiên, tình yêu Ngài dành cho việc khôi phục cuộc sống của cô giờ đây lại bị chà đạp khi cô hụt hẫng trước ngôi mộ hoang hoác nín thinh. Hãy nhìn trái tim của Maria, một trái tim vốn đã trĩu nặng đau buồn và kinh hãi khi chứng kiến người mình yêu thương bị ngược đãi, đánh đập và đóng đinh. Nỗi đau mất Chúa đối với cô quá lớn khiến cô nhìn Ngài là người làm vườn. Ngài gọi, “Maria”, cô giật mình! Bởi lẽ, nỗi đau như chiếc loa phóng thanh đã khuếch đại trong lòng cô giờ đây đã tắt, cô đã nhận ra tiếng của người Thầy cô yêu, thực sự đây là ‘tiếng của lòng’ Ngài.
Anh Chị em,
“Tại sao cô khóc?”. Cô khóc bởi cô không còn thấy Chúa của cô theo con mắt trần, không còn được ở bên Ngài như cô hằng ước, và theo cách cô nghĩ. Thiên Chúa không ở xa chúng ta! Ngài âm thầm chia sẻ niềm vui của chúng ta; tỉ tê trong lương tâm và oang oang trong nỗi đau của chúng ta. Quả là hạnh phúc, một hạnh phúc không chi sánh tày, nếu chúng ta biết có Ngài luôn đồng hành. Muốn thế, trong ngày sống, thi thoảng, chúng ta hãy có những phút tĩnh lặng để lắng nghe Ngài, ngõ hầu ‘tiếng của lòng’ Ngài thấm nhập vào lòng chúng ta, thúc bách chúng ta. Như Ngài đã gọi tên “Maria” một cách thân thương; cũng thế, Ngài đang gọi tên mỗi người chúng ta. Để từ đó, chúng ta có thể thật sự là những chứng nhân phục sinh của Tin Mừng Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con luôn nghe được ‘tiếng của lòng’ Chúa. Cho con biết rằng, Chúa yêu con từ từng ngã rẽ nhỏ của cuộc đời con, dù hình thức hay tính cách của nó có thể là gì!”, Amen.