Thứ ba, 21/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 19 Thường Niên C

Cập nhật lúc 20:05 08/08/2019
Suy niệm 1
“Kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó”
Mặc khải ki-tô giáo mời gọi chúng ta hướng về một tình yêu trọn vẹn. Khi nói tới tình yêu, thì phải có thử thách, nhưng thử thách đều có một ý nghĩa.
Vì thế chúng ta cần phải đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa đã khắc ghi trong lòng mỗi người chúng ta. Tình yêu được thể hiện cách đầy đủ nhất nơi con người Đức Giê-su Ki-tô. Chỉ qua cái chết, chúng ta mới có thể đạt tới tình yêu trọn vẹn trong cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em chúng ta.
Để biết là người ki-to hay không, chúng ta hãy tự hỏi mình về đời sống hằng ngày của chúng ta như thế nào:
- Tôi ưu tiên cho những điều gì?
- Tôi đặt kho tàng tôi ở đâu?
- Tôi tìm được niềm vui và và thỏa mãn ở chỗ nào?
- Mục đích cuối cùng những toan tính của tôi, là ở trái đất này hay là cuộc sống vĩnh cửu mai sau? Kho tàng của tôi ở đâu thì lòng tôi ở đó.
Có thể chúng ta quá lo lắng về vật chất cũng như tinh thần. Xét cho cùng: những lo lắng như vậy dù sao cũng là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa. Vì chưng Thiên Chúa biết tất cả…Ngài có thể tất cả.. Ngài yêu thương chúng ta vô bờ bến.
Là bậc làm cha mẹ, chúng ta nói rằng mình yêu thương con cái, nhưng liệu chúng ta đã làm gì cho con cái?
Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta, nhưng không bao gờ Ngài thờ ơ đối với chúng ta. Chúng ta là con người có giới hạn và chính sự giới hạn đó đã gây nên biết bao đau khổ. Nhưng Thiên Chúa, Ngài hoàn toàn khác. Ngài yêu chúng ta. Ngài biết tất cả cũng như Ngài có thể tất cả. Như vậy tại sao chúng ta còn phải lo lắng về điều gì?
Nếu lo lắng mà có thể làm được mọi sự, thì chúng ta đã đặt mọi cố gắng của mình để điều khiển mọi tình huống. Thế nhưng, nếu chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Tình yêu Thiên Chúa thì chẳng có gì là xấu xẩy đến cho chúng ta, vì mọi sự đều tốt cho những ai yêu mến Thiên Chúa và tin thác vào Ngài. Ước gì tất cả những tìm kiếm đều hướng về Cha trên trời. Hãy xin Cha ban cho chúng ta cơ hội học biết lòng thương xót và tình yêu của Ngài đối với chúng ta.
Tại sao chúng ta lại mệt mỏi vì quá lo cho con cái? Con cái chúng ta không phải là con cái của Thiên Chúa sao? Ngài có kế hoạch tình yêu của Ngài cho tất cả những ai kêu cầu và ngợi khen Ngài.
Ông chủ dụ ngôn hôm nay khi đi ăn cưới về, chính là Chúa Kito sẽ trở lại vào ngày cuối cùng của cuộc đời mỗi người chúng ta, để dẫn chúng ta vào nơi ở vĩnh cửu. Ngài đến với chúng ta vào lúc chúng ta không ngờ và không đợi chờ Ngài. Vì thế, chúng ta hãy sẵn sàng phục vụ.
Nếu chúng ta ra thăm các nghĩa trang hoặc đọc tin tức trên báo chí và truyền hình, chúng ta thấy bất cứ ai, bất cứ tuổi nào, già trẻ, gái trai, giàu nghèo đều phải chết. Thiên Chúa luôn đến một cách bất ngờ. Ngài đã nói với chúng ta rằng Ngài đến như kẻ trộm. Điều quan trọng và đích thực của đời sống chúng ta, là đợi chờ Ngài trong tinh thần phục vụ, giúp đỡ người nghèo, vì Ngài đã nói: “Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn… Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống…”
“Kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó”! Vậy mỗi người chúng ta đang lo cho kho tàng nào? Kho tàng vật chất hay là kho tàng thiêng liêng? Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta thu tích cho kho tàng thiêng liêng. Kho tàng thiêng liêng cũng chính là năng tham dự các bí tích:
- Hãy đến với bí tích Hòa Giải để tìm lại được bình an trong tâm hồn và chính chúng ta cũng trở nên một sự tha thứ cho những ai bị thương tổn.
- Thường xuyên Rước Lễ mỗi khi có thể, chúng ta sẽ trở nên giàu vì có Chúa Giê-su Ki-to và để cho Máu quý giá của Ngài đi vào mạch máu của mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa, ước gì trái tim con luôn đợi chờ Chúa đến…Ước gì những lắng lo về cuộc sống đừng dập tắt niềm khát khao Chúa trong tâm hồn con, nhưng ban cho con luôn tỉnh thức sẵn sang với mọi dấu chỉ của Nước Chúa… Xin đừng để con mất phương hướng, xin cho mục đích của đời con chỉ là tìm kiếm Chúa và mong đợi Chúa đến…
Xin giúp con sống mỗi ngày như thể là ngày cuối cùng của đời con, đừng để con hoang phí sức lực cho những gì là vô bổ, nhưng là để phục vụ Chúa…
Con tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban ân huệ đức tin cho con, và con đã có được điều mà con hy vọng, đó là nhận biết thực tại điều mà chúng con không trông thấy…Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================= 
Suy niệm 2
MUỐN ĐƯỢC CỨU ĐỘ: “HÃY TỈNH THỨC”
(Kn 18,6-9; Dt 11,1-2.8-19; Lc 12,32-48)
Trên các trang mạng truyền thông, chúng ta thấy: đêm ngày 14 tháng 7 năm 2016, nhân lễ quốc khánh của đất nước Pháp, tại thành phố Nice đã xảy ra một cuộc khủng bố bất ngờ nhắm vào người dân vô tội. Tên khủng bố đã lái xe cách điên cuồng khi đâm vào những người đang lưu thông trên đường. Không dừng lại ở đó, hắn còn dùng súng và bắn vào đám đông, khiến cho 84 người chết và nhiều người khác bị thương, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Xa hơn một chút, trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản ngày 11/3/2011 đã cướp đi sinh mạng của hơn 16.000 người. Không ai biết trước nên chẳng chuẩn bị gì. Khi sóng thần ập tới, nó quét sạch mọi sự. Sau trận động đất đó, chỉ còn lại một đống đổ nát và hoang tàn.
Như vậy, sự sống, sự chết của mỗi người không ai biết trước. Cái chết nó đến với bất cứ ai, vào bất cứ lứa tuổi nào. Vì thế, nhà thơ Nguyễn Khuyến khi nghĩ về thân phận mỏng manh của kiếp người, ông đã thốt lên: “Ôi nhân sinh là thế ấy! Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”.
Hôm nay, Đức Giêsu cũng dạy cho các môn đệ của mình bài học: “Hãy tỉnh thức! Hãy sẵn sàng” để được cứu độ.
1.      Tỉnh thức, sẵn sàng là thái độ cần của người môn đệ
Nếu Chúa Nhật tuần trước, Đức Giêsu khiển trách nhà phú hộ giàu có là “đồ ngốc”, vì ông ta đã cảm thấy an tâm và cậy dựa vào tiền bạc thái quá mà quên đi phần hồn của mình. Bởi lẽ, ông cũng không biết sử dụng tiền bạc bất chính để mua lấy Nước Trời. Sang Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu đi xa hơn để dạy cho các môn đệ bài học “sẵn sàng”; “tỉnh thức” để đón đợi Chúa đến trong ngày Quang Lâm.
Hãy “thắt lưng cho gọn”, là hình ảnh của những người trong tư thế sẵn sàng. Thật vậy, khi xưa, người Do Thái thường hay may áo với những tua dài, khi đi nhanh hoặc chạy, họ phải vận tua áo vào thắt lưng để cho gọn gàng, như thế, khi di chuyển mới không bị vướng. Đức Giêsu bảo các môn đệ “thắt lưng cho gọn”, là Ngài muốn dạy các ông phải trong tư thế sẵn sàng, để khi cần hành động thì được thanh thoát, nhẹ nhàng, không bị vướng bận vào những chuyện phụ thuộc.
Hãy “thắp đèn cho sẵn”, là hình ảnh của những người trong tư thế chuẩn bị. Họ phải chuẩn bị đèn, dầu, để khi cần phải thắp sáng lúc đêm khua là có ngay, tránh tình trạng đến nơi rồi mới đi tìm, e rằng quá trễ như 5 cô trinh nữ khờ dại.
Qua lời dạy trên, Đức Giêsu muốn nhắc cho chúng ta một sự thật, đó là: ngày Chúa đến không ai biết. Ngài đến như kẻ trộm lúc đêm khua. Ngày đó chính là ngày chết của mỗi người. Vì thế, Đức Giêsu đã mời gọi: “hãy tỉnh thức”“hãy sẵn sàng” như người đầy tớ chuyên cần: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức”.
2.      Thái độ tỉnh thức của mỗi người chúng ta
Có một câu chuyện giả tưởng kể về một cuộc họp kín của hội đồng Satan, rất nhiều kế sách được đưa ra… nhưng đều bị bãi bỏ hết, chỉ có một ý kiến được tất cả hội đồng nhất trí, đó là sáng kiến của một quỷ già. Quỷ này đưa ra một chiêu thức cám dỗ con người như sau:
“Còn lâu mới chết. Cuộc sống còn dài. Vì thế, không vội gì phải gấp rút. Cứ ăn chơi thỏa thích cho bõ một đời. Đợi khi gần chết rồi ăn năn trở lại!”.
Thật thế, không ít người đã vấp phải cạm bẫy này. Họ vẫn cứ ăn chơi trác táng, cờ bạc, rượu chè, trai gái… vẫn sống bất chính, tham ô, bóc lột, thờ ơ trước nỗi khổ của anh em… Họ viện vào lý do là mình còn trẻ, khỏe nên chưa thể chết được, vì thế, để đến khi về già mới hay, đâu có muộn! Thế nhưng trong thực tế đời thường, có biết bao người chết khi tuổi mới đang độ thanh xuân… Có những người chết vì thiên tai, tai nạn, bệnh tật, hay chỉ một cơn gió độc ập đến đã đủ để cướp đi sinh mạng …  Chính vì thế, phải “sẵn sàng” trong tư thế “tỉnh thức”.
Tuy nhiên, tỉnh thức ở đây không có nghĩa là không ngủ, cũng không phải là cứ ngồi ì ra đó và chờ đợi, đôi khi cũng không hẳn là đọc nhiều kinh, xem nhiều sách, hoặc chỉ giữ đạo vì luật... Nhưng tỉnh thức ở đây chính là hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa bằng những việc bác ái, yêu thương; là sám hối, canh tân; là sống đạo và đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng cách trung thành.  Mặt khác, khi tỉnh thức là chúng ta phải chuẩn bị để can đảm đối diện với cái chết. Nói như thánh Phaolô: “mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết”. Hay như câu ngạn ngữ sau: “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. 
Đối diện với nó để đón đợi nó. Cái chết đối với người có tinh thần chuẩn bị được ví như một cuộc hẹn của tình yêu. Khi chuẩn bị sẵn sàng như thế, ta thấy cái chết đến với mình bất cứ lúc nào, ở đâu…ta đều thấy an vui, thanh thoát vì đã chuẩn bị.
Như vậy, cái chết đối với người tỉnh thức thì chẳng khác gì một “cõi đi về” .
Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn trợ lực cho chúng con, để chúng con can đảm vượt qua những cám dỗ và chuẩn bị cho tốt ngày Chúa đến với mỗi người chúng con khi Chúa Quang Lâm. Xin cũng ban cho chúng con một tấm lòng rộng mở, một tinh thần sẵn sàng, để ngày Chúa đến với mỗi người chúng con như một ngày hội của tin yêu và phó thác. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
=======================
Suy niệm 3
Hãy là đầy tớ trung thành
(Lc 12,32-48)
Chúa nhật thứ XIX thường niên C hôm nay, như một sự nối dài của Chúa nhật tuần trước, vì nếu kết thúc đoạn Tin Mừng tuần trước, Đức Giêsu nói: “Kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giầu trước mặt Chúa” (Lc 12, 21). Vậy để trở nên giầu có trước mặt Thiên Chúa ta phải làm gì? Đức Giêsu mời gọi chúng ta: “Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên Trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát”. Tiên vàn, hãy tỉnh thức, trung tín và khôn ngoan. (x. Lc 12,32-48)
Vậy tỉnh thức như thế nào, có phải rằng cứ thức suốt không ngủ sao? Đức Giêsu khuyên chúng ta: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Các con hãy sẵn sàng”. (x. Lc 12, 36).
Đây không phải thức suốt không ngủ, càng không phải là chờ đợi cách thụ động: “Đầy tớ trung tính và khôn ngoan” là đầy tớ “khi chủ về còn thấy làm việc”, nghĩa là đang hăng say làm nhiệm vụ ông chủ đã trao phó cho, không gì khác là phục vụ trong yêu thương, theo gương của chủ mình. Vậy, “Ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy” (x. Lc 12, 42-43).
Trong câu nói của Chúa Giêsu có hai người, ông chủ và người đầy tớ. Trước hết chúng ta tự hỏi, ai là chủ nhà ở đây? Chắc chắn là Đức Kitô rồi, vì Ngài đã chẳng nói với các môn đệ mình rằng: “Anh em gọi Ta là Thầy và là Chúa thì thật là phải, vì Ta đúng như thế” (Ga 13,13). Và gia đình này là gia đình nào? Hiển nhiên là gia đình đã được Chúa cứu chuộc. Gia đình Thánh này là Giáo hội Công giáo trải rộng trên toàn thế giới nhờ sự phong phú lớn mạnh của nó, và cả những ai lấy làm vinh dự đã được cứu chuộc nhờ máu châu báu của Chúa Giêsu. Vì chính Chúa Giêsu đã nói về chính mình rằng: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và trao ban mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45). Người cũng là Mục Tử nhân lành, đã “trao ban mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
Thế còn người quản lý này là ai, mà phải vừa trung tín và khôn ngoan? Thánh Phaolô Tông đồ chỉ cho chúng ta khi nói cùng lúc về chính mình và các bạn hữu của ngài: “Chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Ðức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành” (1Co 4,1-2). Nhưng ai trong chúng ta nghĩ rằng chỉ có các Tông Đồ mới là những người lãnh nhận trách nhiệm quản lý này ; những người kế vị các thánh Tông Đồ cũng là những người quản lý, như Thánh Phaolô nói: “Thật vậy, giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn” (Tt 1,7).
Những người Chúa chọn và đặt là những người tôi tớ của ông chủ nhà này, những quản gia của Thiên Chúa, những người lãnh nhận nhiệm vụ phân phát thóc lúa cho tha nhân.
Thật hợp tình hợp lý với Nước Trời do Đức Kitô loan báo: “Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Anh em thì không như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 25-27).
Với hình ảnh Ông Chủ, người Kitô hữu được mời gọi trở nên người đầy tớ trong đức ái, khi phục vụ anh em mình với lòng biết ơn và bằng tình yêu vô vị lợi, không tìm kiếm gì khác ngoài việc vâng lời Chúa làm cho triều đại Nước Thiên Chúa mau đến. Để giữ gìn lý tưởng sống giữa những lời mời gọi của thế gian, cần phải “hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (x.Col 3,1) ; “Vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian” (1 Ga 2, 16)
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết luôn tỉnh thức nội tâm; để chúng con có thể chờ đợi Chúa với sự kiên trì thánh thiện, như người ta mong đợi con cái, bè bạn, hôn phu trở về. Xin đốt lên trong lòng chúng con chính ngọn lửa hy vọng đang đợi Chúa không hề tắt, để chúng con tỉnh thức trong niềm tin, và nhiệt thành phục vụ anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=======================
Suy niệm 4
Sở hữu kho tàng trên thiên quốc
Lc 12, 32-48
Hiện nay, nhiều người Việt nhiều tiền lắm của cố tìm cách nhập cư vào những nước giàu mạnh như Hoa Kỳ, Úc, Canada… để lập nghiệp và tìm kiếm một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, cuộc sống tại những nơi được xem như là đáng ước mơ đó cũng có nhiều khó khăn, phức tạp và cuối cùng, ai cũng như ai, phải phủi sạch hai tay để bước qua thế giới bên kia, chẳng mang theo được gì.
Biết thế, nên một doanh nhân thành đạt người Mỹ, sống trên đất Mỹ, tiền bạc dư đầy, là ông Chuck Feeney, nay đã gần 80 tuổi, tìm cách chuyển tất cả tài sản mình có vào kho tàng tuyệt đối an toàn và không thể hao hụt, mất mát trên thiên quốc.
Ông đã thực hiện kế hoạch này như sau:
- Thay vì sở hữu biệt thự riêng, sang trọng lộng lẫy và đầy đủ tiện nghi thì ông lại sống trong một căn hộ cho thuê giá rẻ ở San Francisco để sống qua ngày;
- Thay vì sắm ô tô riêng thì vợ chồng ông đi lại bằng xe buýt công cộng;
- Thay vì xài đồ sang, xài hàng hiệu mắc tiền, thì ông mặc những bộ quần áo rẻ tiền; khi đi nhà hàng thì chọn những món ăn rẻ nhất, những đồ dùng của ông là thứ hàng rẻ mạt. Có lẽ món đồ “xa xỉ” nhất mà ông đang sở hữu là chiếc đồng hồ đeo tay bằng nhựa trị giá 15 đô!
Nhờ cần cù lao động tối đa và chi tiêu tối thiếu, số tiền ông tích lũy được cộng với số tiền ông quyên góp lên đến 8 tỷ Mỹ kim! Ông dồn hết tất cả số tiền đó vào việc từ thiện và những dự án mang lại phúc lợi cho nhiều người.
Thế là bằng cách này, ông sở hữu được một kho báu không thể hao hụt trên thiên đàng, mai đây tha hồ vui hưởng.
Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta biết sống khôn ngoan như thế. Ngài phán: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá.”
Tại sao Chúa dạy phải bán tài sản đi mà bố thí?
Vì mai đây, mọi người trên dương gian, ai cũng như ai, phải phủi sạch hai tay từ giã đời này, chẳng mang được gì theo.
Tại sao lại phải sắm những túi tiền không hề cũ rách?
Vì những túi tiền ta đang có và bao nhiêu vàng bạc chất chứa bên trong mai đây sẽ chẳng còn thuộc về ta nữa nhưng sẽ sang tay người khác.
Tại sao phải sở hữu kho tàng không hề bị hao hụt, không hề có trộm cướp lai vảng hoặc mối mọt đục phá?
Vì khi từ giã đời này, ta sẽ ra đi với hai bàn tay trắng; tuy vậy, kho tàng ta tích lũy được trên thiên đàng luôn còn mãi với ta.
Vì thế, chọn lựa khôn ngoan nhất, sáng suốt nhất, là ngay từ hôm nay, chúng ta hãy chuyển đổi của cải, vàng bạc, tài sản mình có để sở hữu một kho tàng không hao vơi, không hề mất mất mát trên thiên quốc, rồi mai đây tha hồ mà vui hưởng.
Nhưng cụ thể là phải chuyển đổi cách nào?
Là tận dụng những ân huệ và vốn liếng Chúa ban như tiền tài, của cải, thời giờ, sức khỏe, tài năng… của mình để phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em chung quanh, nhất là những người gặp khó khăn, túng thiếu, bất hạnh.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con ghi nhớ lời Chúa dạy: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì?” để rồi chúng con không còn ham mê quyến luyến của cải đời này, không còn làm nô lệ cho tiền tài danh vọng, nhưng biết làm theo lời Chúa dạy là: “Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” để mai đây được vui hưởng hạnh phúc cùng Chúa muôn đời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=======================
Suy niệm 5
TRUNG TÍN VÀ TỈNH THỨC
Ngày nay, “Mạnh Thường Quân” là một cụm từ khái niệm hóa, hiểu như một danh từ chung để chỉ một mẫu người hào phóng và nhân ái.
Mạnh Thường Quân tên thật là Điền Văn, người nước Tề thời Chiến Quốc. Ông là một người giàu sang, có lòng nghĩa hiệp, thích chiêu hiền đãi sĩ, văn cũng như võ trong nhà lúc nào cũng tiếp đãi đến vài nghìn tân khách. Tiếng tốt đồn vang khắp các nước chư hầu thời bấy giờ.
Một hôm Mạnh Thường Quân nhìn vào sổ nợ, biết dân đất Tiết, một nước nhỏ bị Tề diệt, vua Tề tặng Mạnh Thường Quân làm phong ấp (nay thuộc tỉnh Sơn Đông) còn nợ mình nhiều, thuộc loại “nợ xấu khó đòi” nhưng nhất thiết chỉ dãn mà không cho xóa. Ông sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi, Phùng Huyên hỏi: “Ngài có muốn mua gì không?”. Mạnh Thường Quân trả lời: “Ngươi xem thứ gì nhà chưa có thì mua”. Khi đến đất Tiết, Phùng Huyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”. Rồi chẳng tính vốn lời, đem văn tự ra đốt sạch. Khi trở về, Phùng Huyên nói với Mạnh Thường Quân: “Nhà ngài không thiếu gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài”. Về sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đó nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Huyên: “Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước”.
Phùng Huyên thực là người quản lý trung thành và khôn ngoan. Trung thành vì đã biết cách làm lợi cho chủ. Khôn ngoan vì biết nhìn xa trông rộng, đầu tư vào những chương trình có ích lợi lâu dài. Nhờ sự khôn ngoan của Phùng Huyên, Mạnh Thường Quân đã vượt qua khó khăn, được ơn nghĩa với dân chúng.
1. Trung tín
Trong bài Phúc Âm hôm nay nói đến dụ ngôn người quản lý “trung tín” và “khôn ngoan”, khác với người quản lý “bất lương” trong dụ ngôn sau này (16,1-10).
Người quản lý được giao hai trách nhiệm: coi sóc gia nhân và tài sản.
Trung tín từ việc nhỏ trước khi đến việc lớn, trung tín với của cải riêng trước khi đến của cải người khác. Người quản lý ở đây được giao cho chăm sóc gia nhân của chủ, và ông sẽ được cắt đặt coi sóc tải sản khi chủ thấy người này đã trung tín với việc trước.
Khôn ngoan, người quản lý sẽ được tuyên bố là “có phúc” và được cắt đặt coi sóc gia sản của chủ nếu chủ về và gặp thấy đang làm như vậy.
Người quản lý bất trung với hai khía cạnh tiêu biểu là đánh đập tớ trai tớ gái thay vì coi sóc họ cách chu đáo, và ăn uống say sưa hay vì phân phát phần thực phẩm cho gia nhân. Người quản lý này bị chủ cho nghỉ việc vì đã không làm đúng chức năng quản lý mà chủ đã giao cho anh.
Khi khen người quản lý khôn khéo, Chúa Giêsu không khen ngợi tính gian giảo, thiếu trung thực của ông. Người chỉ khen ngợi sự thông minh nhạy bén của ông. Người ước mong con cái sự sáng cũng biết thông minh nhạy bén trong việc tìm kiếm Nước Trời.
Chúng ta chỉ là những người quản lý của Thiên Chúa. Tất cả những gì ta có đều là của Chúa. Sự sống, sức khỏe, tài năng, tiền bạc… đều không phải của ta. Ta chỉ quản lý chúng thôi. Mọi sự chúng ta có đều do nhận lãnh. Chúng ta nhận lãnh từ nơi vòng tay yêu thương của cha mẹ rồi công lao dưỡng dục mỗi ngày “chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm”. Lớn lên, tiếp tục nhận được từ nơi nhà trường và xã hội một vốn tri thức của nhân loại đã được tích góp từ hàng ngàn năm qua bao thế hệ. Và còn nhận được một gia sản đức tin từ bao thế hệ cha anh trong Giáo Hội để lại cho chúng ta.Tất cả những điều đó, cho thấy tất cả những gì chúng ta có đều do người khác trao ban.
Hai đức tính quý ở người quản lý là trung thành và khôn ngoan.Người quản lý trung thành gìn giữ nguyên vẹn tài sản của chủ. Không phung phí, không làm mất mát hao hụt. Người quản lý khôn ngoan sẽ tìm cách sinh lợi cho chủ, làm cho tài sản ngày càng gia tăng.
2. Tỉnh thức
Chúa Giêsu lưu ý về của cải đích thực các môn đệ cần thu tích. Đó là của cải “chẳng bao giờ cũ rách” và “chẳng thể hao hụt”. Của cải trên trời, kho tàng trên trời hoàn toàn khác với của cải nơi trần gian. Của cải trần thế càng nhiều, lòng người càng nặng trĩu. Nặng trĩu lo âu. Kho tàng trên trời càng nhiều, lòng người càng thanh thoát. Bởi kho tàng trên trời là chính Chúa. Càng đến gần Chúa, được Chúa ở cùng, con người càng thoát khỏi những trói buộc của trần gian,trở nên nhẹ bổng, tự do.Tạo lập gia sản trên trời khác với tạo lập gia sản nơi trần gian. Gia sản nơi trần gian được tạo lập bằng tích lũy. Gia sản trên trời được tạo lập bằng cho đi. Để tích lũy tài sản nơi trần gian, ta phải tiện tặt, chắt bóp, nghĩ đến lợi nhuận của bản thân hơn đến người khác. Để tích lũy gia sản trên trời, ta phải rộng rãi, hào phóng nghĩ đến người khác hơn bản thân mình. Càng cho đi ở đời này, ta càng giàu có ở trên trời. Càng nuôi lòng khao khát, lòng dạ hướng về kho tàng của Chúa nên tâm hồn phong phú bởi chính của cải tràn trề chất đầy kho tàng. Đó là của cải tình yêu như Chúa đã nói: “Kho tàng anh em em ở đâu, lòng anh em cũng ở đó”.
Để luôn hướng lòng về Chúa là kho tàng đích thực, con người phải tỉnh thức luôn. Chúa Giêsu kể dụ ngôn người đầy tớ đợi chủ về. Người tôi tớ đợi chủ đi ăn cưới về không thể biết đích xác giờ phút của chủ. Thời giờ hoàn toàn tùy thuộc chủ. Tôi tớ không can dự việc riêng của chủ. Phận tôi tớ là làm theo ý chủ. Người chủ muốn tôi tớ trung thành. Lòng trung thành thể hiện qua sự trung tín trong mọi việc được chủ trao phó. Trung thành chờ đợi giờ phút chủ trở về nên luôn tỉnh thức và sẵn sàng.
Tại các ngã ba ngã tư của đường phố đều có đèn đỏ đèn xanh rõ ràng, nhắc hướng cần đi vào và cấm vượt ranh giới. Trong lương tâm, chúng ta không thấy rõ hệ thống đèn đỏ đèn xanh. Mình phải tự phán đoán, chọn lựa. Không tỉnh thức là đôi khi mình tự cho phép mình vượt đèn đỏ vô hình, và cũng không đi theo hướng đèn xanh chỉ dẫn. Vài lần thấy quen. Rồi thấy xung quanh vô số người cũng làm như vậy. Thế là thành thói quen phạm lỗi trên hành trình cuộc đời.
Không bao giờ được quên ngày Chúa đến trong thời gian kết thúc của thế giới và đến trong ngày cuối cùng của đời ta. Tích cực dùng thời gian hiện tại để chuẩn bị cho tương lai vĩnh cữu của mình. Tỉnh thức như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới không biết về lúc nào. Thái độ tỉnh thức là “thắt lưng cho gọn” và “thắp đèn cho sẵn”. Luôn sẵn sàng để khi chủ về thì mở cửa và ân cần phục vụ. Như thế, tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhẹn. Tỉnh thức để “đợi chủ về”. Người Kitô hữu chờ đợi Chúa đến trong vinh quang ngày quang lâm, chờ đợi Chúa đến trong giờ sau hết đời mình. Vì thế, người Kitô hữu sống cuộc đời hiện tại một cách rất nghiêm chỉnh, họ cố gắng làm phận sự ở đời một cách hết sức tích cực vì biết rằng đó là Thánh ý của Chúa và vì biết rằng hạnh phúc đời đời của mình đang được chuẩn bị ngay bây giờ. 
Tỉnh thức là thái độ của một gia nhân trung thành. Tỉnh thức và đợi chờ với niềm hy vọng là chủ sẽ trở về. 
Tỉnh thức là tâm trạng của một con người luôn bình an, thư thái. Thái độ sống này giúp người Kitô hữu luôn làm cho mọi công việc hàng ngày trở thành lời nguyện tạ ơn chân thành. 
Người tỉnh thức là người luôn cố gắng và nhiệt thành, biết thực thi những gì là chân thật, ngay chính và đáng quý chuộng.
Người tỉnh thức sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau. Thời gian hiện tại là thời gian quyết định đối với số phận đời đời của con người. Mỗi giây phút qua đi là không bao giờ trở lại. Thời giờ Chúa cho ta sống ở trần gian là vô cùng quý báu, đây là lúc gieo mầm cho đời vĩnh cữu. 
Ngày Chúa đến sẽ khủng khiếp hoặc vui mừng là tùy cách sống hiện tại của mỗi người. Mọi hành động, mọi tư tưởng đều được phơi bày ra trước ánh sáng của công lý, không ai có thể che dấu một chi tiết nào.
Ngày Chúa đến trong vinh quang để xét xử muôn dân sẽ là ngày cứu độ cho những ai tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng, nhưng sẽ là ngày kinh hoàng cho những ai đang mê ngủ trong đam mê tội lỗi.
Xin Chúa cho chúng con như ngọn đèn chầu bên Nhà Tạm, thức luôn và sáng luôn trước nhan Chúa. Amen
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

=======================
Suy niệm 6
TỈNH THỨC
Kn 18,6-9; Dt 11,1-2.8-19; Lc 12,32-48
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay”. (Lc 12,35-36).
Đức Giêsu dạy ta sống trong sự tỉnh thức, sẵn sàng chờ đợi Chúa Kitô đến bằng việc “thắt dây  lưng và cầm đèn sáng”. Y phục của Người Do Thái thời đó mặc vừa dài vừa rộng. Để khỏi vướng víu khi đi lại hay làm việc, họ phải xắn lên và thắt đai lưng cho gọn. Tin Mừng hôm nay Chúa dạy tôi phải có thái độ sẵn sàng đón chờ Chúa đến, phải loại bỏ những cản trở như danh vọng, đam mê, những thứ khác ràng buộc, khiến ta mất tự do, không hoàn toàn thuộc về Chúa, để sẵn sàng ra đón tiếp Người đến cách chung hay riêng. Người Kitô hữu phải có thái độ luôn tỉnh thức. Tỉnh thức còn là luôn ở trong tình trạng “đang làm nhiệm vụ”. Tỉnh thức là thái độ của người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, biết mình đang làm gì. Sự lựa chọn trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận trong cuộc đời vĩnh hằng. Tỉnh thức là dấu hiệu của người đang sống đức tin sống động, kết hợp mật thiết với Chúa, sẽ có tâm hồn bình an hạnh phúc. Người tỉnh thức là người luôn sống tinh thần cầu nguyện: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21,36).
Chúa nhắc đi nhắc lại: “Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.” (Lc 12, 36). Nếu canh hai hoặc canh ba, biết chắc giờ nào thì Chúa đến? chỉ có cách tốt nhất là luôn luôn trong tư thế sẵn sàng. Nếu lúc nào chúng con cũng “có Chúa ở cùng”, sống mật thiết với Chúa thì dù có bất ngờ, chúng con còn được vui vẻ ra đón rước Người, chứ không phải giật mình sợ hãi.
Thực ra Chúa luôn có đó, bên ta, trong ta mà ta không thấy, vì bị nhiều thứ trần gian che mờ con mắt, nên chẳng nhận ra và khó mà thấy được. Sống tỉnh thức là luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, ở trên mọi nẻo đường đời, trong sâu thẳm cõi lòng, cả khi cô đơn. Sống như vậy thì lúc Người chợt đến, có chi là bất ngờ hay phải giật mình hoảng sợ? Tỉnh thức như vậy thì Chúa đến bất cứ giờ nào cũng trong tư thế sẵn sàng. Chúa rất hài lòng và ban thưởng quá lòng ước mong: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”. (Lc 12, 37).
Lạy Chúa là nguồn hạnh phúc bất diệt, xin cho chúng con luôn biết tỉnh thức, để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong môi trường chúng con đang sống, đặc biệt trong chúng con và nơi anh chị em xung quanh. Xin dạy chúng con biết sẵn sàng đón Chúa qua việc tiếp xúc, cư xử với tha nhân, để chúng con được hưởng hạnh phúc của người con tín trung, ngay từ bây giờ và cho đến muôn đời.
Én Nhỏ
 
 
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đưa tay ra đón nhận ơn cứu độ
Đưa tay ra đón nhận ơn cứu độ
Đức Giêsu rao giảng, chữa bệnh, tất cả những gì Người làm chỉ nhằm một mục đích là hướng mọi người đến ơn cứu độ, nhờ chiêm ngưỡng Đức Kitô, Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log