Thứ năm, 28/11/2024

Suy Niệm Lễ Các Linh Hồn Ngày 02 Tháng 11

Cập nhật lúc 08:14 31/10/2020
Suy niệm 1
Tôi là sự sống lại và là sự sống
Ga 11, 17-27
 
Theo truyền thống Giáo Hội, tháng 11 này chúng ta đặc biệt lưu ý đến việc cầu nguyện cho những người đã qua đời:
Họ là một phần của đời sống và lịch sử của tất cả chúng ta. Sự ra đi của họ là một cuộc chia ly đau khổ và nuối tiếc đối với chúng ta. Trong số những người ra đi đó, có những người ra đi rất thanh thản vì họ sống những giây phút đời sống của họ cho cuộc gặp gỡ Thiên Chúa.
Cầu nguyện cho người đã qua đời là làm sống lại hy vọng của chúng ta khi đối mặt với thực tại bí ẩn của cái chết. Chúng ta nhớ rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu mở ra một con đường cho chúng ta. Với Chúa Giêsu, chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng cái chết và tội lỗi, bây giờ và mãi mãi. 
Cầu nguyện cho người đã qua đời cũng mời chúng ta suy ngẫm về cuộc sống chúng ta và xem điều gì làm cho đời sống chúng ta có giá trị. Điều giá trị duy nhất là tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và cho tất cả anh em chúng ta. 
- Chúa Giêsu đã nói: “Mỗi lần các người không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”
- Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II nói: "Bạn hãy nói cho tôi biết tình yêu của bạn thế nào, thì tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai”. 
Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết con đường đến một cuộc sống hoàn toàn khác: "Tôi là sự sống lại và là sự sống, ai tin Tôi, dù có chết cũng sẽ được sống”. Sứ điệp này càng phấn khích niềm khát khao sống của mỗi người chúng ta. Như chúng ta đã thấy, xã hội chúng ta ngày càng đang bảo vệ chính mình bằng cách tham gia bảo hiểm để tránh mọi rủi ro:
- Người ta tìm cách kéo dài tuổi trẻ càng lâu càng tốt; người ta đấu tranh hết sức có thể để chống lại bệnh tật. 
- Người ta còn mơ tưởng những người đã chết cũng sẽ được sống lại nhờ nền văn minh khoa học tiên tiến.
Đó không phải là đức tin của người kito chúng ta Kitô. Toàn bộ sứ điệp Tin mừng hôm nay được xây dựng trên sự phục sinh của Chúa Giêsu. Không có Chúa Giêsu sống lại, đức tin của chúng ta sẽ vô ích. 
Sứ điệp của bài tin mừng hôm nay có thể tóm gọn trong một từ “Vượt qua”. Tin mừng nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống chúng ta là chuẩn bị cho cuộc vượt qua thế giới này mà về cùng Cha. Nhưng chúng ta cũng nhớ rằng vào ngày rửa tội, chúng ta đắm chìm trong tình yêu Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, Thiên Chúa là tình yêu. Từ đó, không có gì có thể giống như trước đây. Chúng ta phải liên tục đi từ một cuộc sống không có Chúa đến một cuộc sống tràn ngập tình yêu của Ngài..
Chúng ta khám phá ra chặng đường vượt qua này nhờ đức tin của chị Mat-ta. Chị nói: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, em con sẽ sống lại”. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chị tiến thêm một bước: "Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy, dù có chết cũng sẽ được sống”. Tin kẻ chết sống lại vào ngày tận thế, không có gì là sai. Nhưng với bài Tin mừng hôm nay, chúng ta được mời gọi đi xa hơn: sự sống lại là tin vào Chúa Giêsu, như Martha cuối cùng đã khẳng định: “Thưa Thầy, vâng, con tin Thầy là Đức kito, Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trong thế gian”.
Tin mừng viết tiếp: “Thế là người ta cất tảng đá ra” Lúc bấy giờ Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, rồi Ngài kêu lớn tiếng: “Lagiaro, hãy ra đây”! Thực sự Lagiaro đã chết. Chúa Giêsu không che giấu nỗi buồn của Ngài. Ngài khóc vì người bạn thân của Ngài vừa mới qua đời cũng như khi chúng ta mất một người thân làm. 
Nhưng Ngài xác định rằng cái chết của người bạn thân này hướng đến vinh quang Thiên Chúa. Sự thương tiếc này là cơ hội mặc khải điều đó. Đồng thời, chúng ta thấy Mat-ta thực hiện một bước chuyển quan trọng: Matta đi từ "Con biết" sang "Con tin”, từ sự chắc chắn về mặt lý thuyết đến sự công nhận Chúa Giêsu là sự sống lại.
Đó là tin mừng lấp đầy con tim hy vọng của chúng ta: Ai tin vào Chúa Giêsu, sẽ khám phá một cách kỳ diệu rằng: cái chết không phải là từ ngữ cuối cùng. Từ nay trở đi cuộc sống chúng ta có một ý nghĩa. Điều quan trọng lúc này là theo Chúa Giêsu và trung thành với Ngài. Ngài đảm bảo với chúng ta rằng không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Hiện tại, chúng ta đang trên con đường lữ hành với những bước thăng trầm. Nhưng Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta để ban cho chúng ta sức mạnh và can đảm để giữ vững đến cùng.
Đức tin của chúng ta vào sự phục sinh gắn liền với đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa đích thực:
- Ngài là Tình Yêu và là Sự Sống. 
- Ngài không phải là Thiên Chúa của sự chết, mà là Thiên Chúa của sự sống. 
- Dự án tuyệt vời của Ngài là chia sẻ cho chúng ta trọn vẹn sự sống và tình yêu của Ngài. 
Chúng ta tin vào sự sống lại của chính chúng ta sau này. Nhưng lúc này chúng ta cũng đang sống lại, nếu chúng ta cho phép mình được Chúa Giêsu biến đổi trong sâu thẳm chính mình. 
Bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành, cho chúng ta cơ hội hiệp thông vào sự sống trọn vẹn được hoàn thành trong sự sống lại. Vì cuộc sống mới này, chúng ta hãy chúc tụng ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
===================
Suy niệm 2
ĐỜI VÔ THƯỜNG

NAY CÒN MAI MẤT
Ngày mùng 10 tháng 10 năm 2020, giáo phận Thanh Hóa và nhiều người thân quen với tân linh mục Phêrô Mai Văn Khương bàng hoàng, đau đớn, chua xót khi hay tin tân linh mục về nhà Cha khi mới tròn 32 ngày trong sứ vụ linh mục. Cha mới Phêrô đã ra đi trên đường dâng lễ về. Bao tình cảm trào dâng khi nghĩ về cha. Ai mà không xót thương cho được, dẫu là không quen biết hay chưa một lần gặp gỡ cha Phêrô. Cha ra đi vội quá, cha ra đi nhanh quá, cha ra đi chóng vánh quá! Sự ra đi của cha hoàn toàn bất ngờ và chẳng ai bao giờ nghĩ đến. Giữa bao nhiêu cảm xúc tâm trạng trước sự ra đi của cha Phêrô, có lẽ tâm trạng suy nghĩ nhiều nhất đó chính là sự vô thường của con người. Nay còn mai mất và mất có thể bất cứ lúc nào, có thể mất ngay đêm nay như đêm mùng 10 tháng 10 vừa qua với cha Phêrô.
Sự ra đi của cha Phêrô làm cho tôi một lần nữa lại nghĩ về phận người mong manh và có thể ra đi như một cơn gió thoảng. Và có lẽ chữ “ngờ” là chữ mà con người không bao giờ nghĩ đến. Nhưng thật ít có ai lại thường hay suy nghĩ về cái chết của mình, và cũng ít người nào coi cái chết như một người bạn thường đi bên cạnh để giúp họ vượt qua những nỗi chán chường trong cuộc sống. Phần nhiều, những người còn trẻ còn khỏe thì bảo còn lâu mới chết, nên họ cứ lao đầu vào công việc, ăn chơi, thế nhưng cuộc đời cho thấy, đã có biết bao người chưa kịp hưởng nếm tuổi già thì đã ra đi, người khác lại cứ nghĩ rằng sự sống trần gian này là mãi mãi nên đã vun quén cuộc đời mình bằng mọi thủ đoạn, bất chấp tất cả, không tình người, thiếu tình Chúa. Thế nhưng thình lình cái chết ập đến mà chẳng thể mang theo được gì.
“Kiếp người như gió thoảng qua mau
Chưa thỏa lợi danh đã bạc đầu
Trẻ đẹp tài trí đều vô nghĩa
Thời gian tàn phá hết còn đâu!

Còn đâu giấc mộng đẹp giàu sang
Ái dục tham sân
lắm bẽ bàng
Lãng phí chuỗi ngày vì danh lợi
Hết duyên dứt nghiệp sẽ tiêu tan

Đua tranh thành bại để làm chi?
Ganh ghét hơn thua để được gì?
Sẽ có một ngày buông tất cả
Vô thường chợt đến phải ra đi!

Ra đi bỏ hết lại trần gian
Danh nghiệp tài cao lẫn bạc vàng
Tất cả phải chăng là hư ảo

Chỉ còn tội phước phải vương mang” (Huỳnh Ngọc Anh Kiệt)
Như thế, chết là định luật tất yếu của con người, có sinh ắt có tử, như có nhà triết gia đã nói: “khi sinh ra là lúc khởi đầu con người tiến về cõi chết”. Tuy nhiên, chết ở đâu, hay chết cách nào, khi nào mới chết thì không ai hay biết. Nhưng chết không phải là dấu chấm hết tất cả, như các tôn giáo vẫn tin: Chết là về với Đấng Ala, về Niết Bàn, về miền Cực Lạc, về Nước Thiên Đàng… và hôm nay đứng trước nấm mồ của người thân yêu chúng ta, họ đã ra đi, nhưng đâu phải mất hẳn, nên chúng ta mới đi tảo mộ và xin lễ cầu nguyện cho linh hồn người thân yêu của mình. Một cái gì đó làm ta tin chắc rằng, họ vẫn ở bên ta. Vậy thì chết đâu phải hết. Cuộc đời này đâu phải chỉ dừng lại ở đây. Còn một cái gì khác hơn, siêu việt hơn bên kia cuộc sống chứ?  Cho nên Chúa Giêsu mới căn dặn các môn đệ về sự tỉnh thức trước cái chết hay để đón chờ Chúa đến lần thứ hai trong cuộc đời của mỗi người.
Tinh thần đón chờ này được ví như người đầy tớ đón chờ ông chủ đi ăn cưới về (Lc 12, 35-38). Người đầy tớ không hề biết bao giờ ông chủ về, vì đám cưới của người Do thái thường kéo dài có khi buổi sáng, có khi cả ngày hay tới đêm khuya… Tuy nhiên, sự chờ đợi của họ không phải chỉ có ngồi và chờ, nhưng phải thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Như vậy, họ phải luôn trong tư thế làm việc sẵn sàng. Tại sao vậy? Thưa! Vì người đầy tớ không hề mảy may biết được lúc nào, giờ nào ông chủ trở về. Sự xuất hiện của ông bất thình lình đến độ như tên trộm.
Như vậy, tỉnh thức mà Đức Giêsu nói đến ở đây chính là mỗi người cần có thái độ sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến; chờ đợi cái chết của chính mình trong tinh thần của kẻ tỉnh thức với đầy đủ đèn, dầu trong tay là một cuộc sống lành thánh, chan hòa với anh chị em.
Có khó gì đâu một nụ cười,
Một lời tử tế thấy đời tươi.
Chung vui bạn hữu tình thân ái
Quên sớm, chiều, trưa nhọc kiếp người.
Cùng với đó là những hy sinh, những việc đạo đức và chu toàn bổn phận… để sống trong ơn Chúa. Đừng vì lười biếng mà ru ngủ đời mình trong những đam mê yếu đuối, và lầm lạc. Trong thư của thánh Phêrô (1Pr1, 13-16) giải thích thế nào là tỉnh thức: “Đừng chiều theo những đam mê… sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em”. Hãy luôn đủ khôn ngoan để chuẩn bị dầu đèn luôn cháy sáng là những hành vi bác ái đầy yêu thương thấm đượm tình Chúa, tình người. Để một khi đối diện cái chết chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, bình an và thanh thản như người con đi vào giấc ngủ trong bàn tay của cha và sau cùng được hưởng nếm nguồn vui, hạnh phúc bất diệt cùng với ông chủ của mình là Thiên Chúa trong Nước Trời.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Sơn
=====================
Suy niệm 3
Ra đi cũng là trở về
Ga 14, 1 - 4
Đối với những ai không tin có sự sống đời sau thì cái chết là thảm hoạ khủng khiếp nhất trên đời, vì khi chết đến, nó sẽ cướp đi tất cả, không những là tất cả tài sản, của cải tiền bạc, công danh sự nghiệp của một đời người, mà còn cướp luôn mạng sống của họ.
Tuy nhiên, đối với các Ki-tô hữu, cái chết không còn bi đát hãi hùng, không phải là một mất mát, nhưng là một sự trở về: chết là về nhà Cha.
Xin mượn câu chuyện sau đây để minh họa cho chân lý nầy :
Năm người con đưa tiễn người mẹ yêu quý xuống tàu vượt biển đến một bến bờ xa cách vạn dặm nằm bên kia bờ đại dương bát ngát.
Tàu rời bến, họ vẫy tay tiễn biệt mẹ mà lòng tê tái buồn đau. Họ đứng lặng trên bờ, đăm đăm nhìn con tàu rẽ sóng đưa mẹ ra khơi cho đến khi con tàu chỉ còn là một đốm trắng li ti và mất hút ở cuối chân trời. Mắt mỗi người đều ngấn lệ vì mẹ đã đi xa, tưởng như không bao giờ trở lại.
Mấy ngày sau đó, ở bờ bên kia của đại dương, ông bà ngoại, cậu, dì và nhiều người thân yêu đang tụ tập trên bến chờ đón mẹ về. Và khi thấy thấp thoáng từ xa con tàu buồm trắng mà họ tin là có mẹ trên đó, thì họ cảm thấy tâm hồn nao nức mừng vui. Đến khi mẹ vừa ra khỏi tàu, thì ông bà ngoại, cậu dì chạy ra ôm choàng lấy mẹ, mọi người rất vui mừng hân hoan vì đã chờ đợi mẹ rất lâu mà mãi tới hôm nay mới có ngày sum họp.
Thế là việc ra đi của mẹ ở bờ bên nầy lại là sự trở về của mẹ ở bờ bên kia. Sự vĩnh biệt đau thương bên nầy được tiếp nối với cuộc đoàn tụ hân hoan hạnh phúc ở bờ bến khác.
Chúa Giê-su dạy ta biết sự chết như là con tàu buồm trắng trong câu chuyện trên đây, đưa người ta rời khỏi bến nầy để đưa họ sang bờ bến khác, giúp con người từ giã thế giới tạm bợ đời nầy để bước vào thế giới vĩnh cửu, để được đoàn tụ với Thiên Chúa, với ông bà tổ tiên và thân nhân đã lìa đời trên thiên quốc.
Chính vì thế, qua trích đoạn Lời Chúa trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su an ủi những ai còn ở bờ bên nầy, nghĩa là những người còn sống trên dương gian rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3).
Như thế, ngày chết mà người ta gọi là ngày đại hoạ, ngày kinh hoàng, thì đối với người tin Chúa, đó lại là ngày đoàn tụ sum vầy. Ngày đó, chúng ta sẽ được “đồng hưởng sự sống đời cùng với Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa; Thánh Giu-se bạn trăm năm Đức Trinh nữ; các Thánh Tông đồ và toàn thể các Thánh đã sống đẹp lòng Chúa qua mọi thời đại[1]”, nếu hôm nay ta sống theo Lời Chúa dạy.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đi trước để dọn chỗ cho đoàn con và mai đây Chúa sẽ trở lại để đưa đoàn con về với Chúa.
Xin cho anh chị em tín hữu đã ly trần nhưng còn đang được thanh luyện, sớm thoát khỏi chốn luyện hình để đến nơi Chúa đã dọn sẵn cho họ trên thiên quốc và được đồng hưởng hạnh phúc cùng với ba ngôi Thiên Chúa và triều thần thánh đến muôn đời. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 

[1] Kinh nguyện Thánh Thể II
======================
Suy niệm  4
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

Bước vào tháng 11, tháng mà Giáo Hội hướng tâm hồn chúng ta về các thực tại mai hậu, tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời “những người đã ra đi trước chúng ta với dấu ấn đức tin và nay đang nghỉ giấc bình an” (Kinh nguyện Thánh Thể số I), ở nơi luyện ngục, để dâng lễ cầu nguyện cho họ.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy: “Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng” (x.GLGHCG 1030). Nơi thanh luyện cuối cùng này Hội Thánh gọi là Luyện ngục…

Hỏi: Luyện ngục là làm sao?

Thưa: Luyện ngục là hình phạt người lành còn mắt tội mọn hay là đền tội chưa đủ.

Chân lý Đức tin Kitô giáo dạy rằng, giữa Trời và Đất có một trung gian gọi là Luyện ngục, nơi ấy dành cho những người chết khi mắc tội mọn hay là đền tội chưa đủ, cần phải được thanh tẩy để trở nên tinh tuyền, trong một mầu nhiệm đáng sợ mà thánh Gioan Thánh Giá gọi là “Lửa Tình Yêu”. Nơi này, lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện rõ nhất. Nếu không tin vào sự sống mai hậu thì chẳng ai dâng lễ, hy sinh, cầu nguyện cho các linh hồn làm gì. Cho nên, dù đang sống trên dương gian, hay hưởng phúc thiên đàng hoặc đang thanh luyện nơi luyện ngục, tất cả mọi người đều liên đới với nhau trong Đức Kitô. Đó chính là ý nghĩa của mầu nhiệm Các Thánh Thông Công mà chúng ta tuyên xưng và đang thực hành.

Một câu hỏi lớn. Hỏi: Các thánh thông công nghĩa là làm sao ?

Thưa. Các thánh ở trên trời cùng các linh hồn ở luyện ngục và các bổn đạo dưới đất đều thông công với nhau. Các bổn đạo tôn kính cầu xin các thánh, và các thánh cầu bầu cho các bổn đạo trước mặt Đức Chúa Trời. Các bổn đạo dâng việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn ở luyện ngục, mà khi các linh hồn ấy đã được lên thiên đàng thì cùng cầu bầu cho các bổn đạo nữa. Các bổn đạo có lòng kính mến Đức Chúa Trời cùng thương yêu nhau thì chẳng những lập công cho mình mà lại làm ích cho kẻ khác nữa. (Sách Bổn Hà Nội tr. 39-40)

Theo dòng lịch sử Hội thánh: Thánh Odilo (962- 1048), viện phụ của đan viện Cluny trong đế quốc Germany, là một tu sĩ rất có lòng đạo đức. Vì thương mến những người đã qua đời, ngài hằng ăn chay, hãm mình và dâng lễ cầu nguyện cho những người ấy ấy. Việc này làm cho các thánh trên trời vui mừng và cũng làm cho ma quỷ trong hỏa ngục phải buồn sầu tức giận. Chính thánh Odilo đã chọn ngày 2 tháng 11 hằng năm để cử hành lễ cầu hồn trong đan viện Cluny của ngài. Về sau Đức Giáo hoàng Gioan XIV đã thiết lập lễ cầu cho các linh hồn trong Hội Thánh Công Giáo Rôma từ giữa thế kỷ 11.

Nghĩa cử tốt đẹp này đã có trong Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng 2000 quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc uổng công vô ích. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức, thì đây quả là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,43-46).

Ngay từ những buổi đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người qua đời và dâng lời cầu nguyện cho họ, nhất là dâng lễ, để một khi đã được thanh luyện, họ có thể được vinh phúc hưởng kiếng Thiên Chúa. Hội Thánh cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng ân xá và làm các việc đền tạ cầu cho những người đã qua đời (x.GLGHCG 1031-1032). Đó là lý do vì sao ngày hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta viếng thăm phần mộ và cầu nguyện cho họ. Vì chúng ta có trách nhiệm phải nhớ đến nhau, cầu nguyện, hy sinh và đền tội thay cho nhau.

Còn tin, còn cầu nguyện, còn chia sẻ một Thánh Thể là còn nhớ đến nhau, thuộc về nhau. Các thánh cùng thông công là ở chỗ đó. Tình yêu thương bác ái dành cho các linh hồn trong lúc này chính là lời cầu nguyện, Lễ Misa và sự hy sinh.

Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, Giáo Hội hướng về Chúa Kitô phục sinh, Ðấng đã chết và sống lại để cho tất cả chúng được sống lại. Tin vào sự sống lại của thân xác là nhìn nhận rằng sẽ có một chung cục, một cùng đích cho mọi người.

Đức tin không giải thoát những kẻ tin khỏi sự khổ não phải chết, nhưng đức tin sẽ làm êm dịu với hy vọng: “Nếu có buồn sầu vì số phận phải chết… cũng sẽ được ủi an”. (Kinh Tiền Tụng lễ các linh hồn).

Khi cầu nguyện cho các hữu đã qua đời, chúng ta không chỉ dừng lại nơi họ, cho họ, vì họ mà còn cho chúng ta, những người còn sống. Sự ra đi trước của họ, nhắc nhớ chúng ta về một cõi đi về mà ai ai trong chúng ta cũng phải về, đó là quê trời vinh phúc. Trong khi cầu nguyện cho họ, chúng ta cũng xin Chúa làm cho đức tin vào Con Chúa đã sống lại từ cõi chết được lớn mạnh nơi chúng ta. Nhờ niềm tin vào sự sống đời sau, tin vào Đức Kitô là sự sống lại và là sự sống mà mỗi người chúng ta ngày nay luôn bước tới trong niền hy vọng tiến về đích là nhà Cha hưởng vinh phúc quê trời. Cùng đích này cũng giúp chúng ta sống cuộc sống hiện tại sao cho thật ý nghĩa, xứng danh Kitô hữu của mình.

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Chúa đời đời. Amen.

 
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo hạt Hà Tuyên Hùng – Hội nghị Tổng kết Mục vụ năm 2024 và phương hướng năm 2025
Giáo hạt Hà Tuyên Hùng – Hội nghị Tổng kết Mục vụ năm 2024 và phương hướng năm 2025
Vào 8g00 ngày 26 tháng 11 năm 2024, tại giáo xứ Mỹ Bằng, giáo hạt Hà Tuyên Hùng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Mục vụ năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có sự hiện diện của Cha Giuse Nguyễn Viết Hiệp - Quản hạt Hà Tuyên Hùng, Cha Giuse Đỗ Ngọc Tháp - Đặc trách Ban Mục vụ Giáo dân giáo hạt, quý Cha,...
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log