“Đấng đã khởi sự trong anh em công việc tốt lành”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật bất ngờ khi câu đầu tiên của Tin Mừng hôm nay tiết lộ hai điều thú vị đáng suy tư; bởi lẽ, Chúa Giêsu, Đấng ‘khởi sự mọi việc tốt lành’, cũng là Đấng ‘đến để hoán cải’ mọi người, không trừ ai.
Trước hết, đó là sự kiện Ngài đến nhà của một thủ lãnh biệt phái để dùng bữa. Đây không phải là chuyện nhỏ; vì trên thực tế, đó sẽ là chủ đề của những cuộc thảo luận giữa những người biệt phái khác, cũng như Ngài sẽ là đề tài của những bàn tán xôn xao giữa dân chúng. Sự kiện này cho thấy Chúa Giêsu không mải mê với những gì Ngài yêu thích; Ngài không chỉ đến cho những người dễ bị tổn thương, Ngài còn đến để ‘khởi sự mọi việc tốt lành’, ‘đến để hoán cải’ cả những người giàu có và quyền lực. Chúng ta thường quên mất sự thật đơn giản này. Ngài đến vì mọi người, muốn cứu mọi người và đáp lại lời mời của tất cả những ai muốn có Ngài trong cuộc đời họ. Chúa Giêsu không ngại đến nhà vị thủ lãnh để thách thức ông, thách thức các khách mời vọng tộc của ông; Ngài muốn thay đổi lòng dạ họ; Ngài ‘đến để hoán cải’ họ, những con người mà Ngài đang cất bước kiếm tìm.
Tiếp đến, Tin Mừng nói, mọi người ‘cẩn thận quan sát’ Ngài. Một số có lẽ chỉ vì tò mò và đang tìm một điều gì đó cho những khoảnh khắc trà dư tửu hậu; nhưng với những người khác, rất có thể họ cẩn thận quan sát Chúa Giêsu vì họ thực sự muốn hiểu Ngài, hoặc có thể họ đã biết một điều gì đó độc đáo nơi Ngài và họ muốn biết thêm về Ngài; biết đâu, họ sẽ nhận ra Ngài, Đấng ‘khởi sự mọi việc tốt lành’, Đấng ‘đến để hoán cải’ tâm hồn họ vốn có thể đang rối như bòng bong, như tơ vò.
Hai bài học này cho thấy, Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, bất kể chúng ta là ai. Ngài sẽ đáp lại sự cởi mở của mỗi người trước sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống mình. Tất cả những gì chúng ta phải làm, là mời cho được Ngài và mở lòng mình ra để Ngài đến ‘dùng bữa’. Như những người hiện diện đã cẩn thận quan sát Ngài; cũng thế, chúng ta bắt chước họ, chăm chú đến Ngài và đó là một ước ao tốt lành. Mặc dầu một số người dù đã quan sát nhưng quay lưng, chế nhạo Ngài; thế mà, hẳn đã có những người quan sát Ngài cẩn thận sẽ đón nhận sứ điệp Ngài mang đến; họ nhận ra Ngài là Đấng ‘khởi sự mọi điều tốt lành’, Đấng ‘đến để hoán cải’ ma trận, mê cung lương tâm họ.
Cùng với ý hướng đó, hôm nay Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy có một trực giác siêu nhiên khi nhìn Chúa Giêsu một cách tích cực như “Đấng đã khởi sự trong anh em công việc tốt lành”, Ngài ‘đến để hoán cải’. Từ đó, thay vì quan sát Ngài cách tiêu cực như biệt phái, chúng ta thấu cảm và hiểu biết Ngài; thay vì quan sát Ngài để mặc cảm và sợ hãi, chúng ta mời Ngài vào nhà ‘dùng bữa’. Như thế, hoán cải không là gì khác ngoài việc hướng nhìn lên Chúa Giêsu như Carlo Acutis nói, “Hoán cải không gì khác hơn là hướng cái nhìn từ thấp lên cao, một chuyển động của mắt là đủ”.
Một người đàn ông quyền lực, giàu có, khá đạo đức, nhưng không chút hạnh phúc. Ông ước ao Chúa Giêsu đến ở cùng. Ngày kia, Chúa đến, ông dành cho Ngài một tầng sang trọng; ông xin Chúa toàn quyền sử dụng mọi thứ. Ít lâu sau, nhà ông nhộn nhịp, kẻ lui người tới; ông hạnh phúc khi cánh cổng rộng mở. Thì ra, khách nhà ông là những người phụ trách các phòng từ thiện. Khi thì Chúa Giêsu tặng họ chiếc đồng hồ tường bằng vàng; khi thì Ngài cho họ cặp ngà voi nạm kim cương; khi thì Ngài biếu họ bức tranh cổ… tất cả được bán, lấy tiền giúp người nghèo. Cho đến một buổi sáng, không thể chịu đựng lâu hơn, ông xin Chúa rời đi; Chúa nói, “Con xin Ta đến, Ta đến; con xin hạnh phúc, Ta ban; con xin Ta toàn quyền sử dụng mọi thứ, Ta dùng; và nay con xin Ta ra đi, Ta đi”.
Anh Chị em,
Chúa Giêsu đến, ‘khởi sự mọi điều tốt lành’, đem bình an, hạnh phúc; nhưng để được vậy, trước hết, Ngài phải ‘đến để hoán cải’ con tim. Và xem ra, điều này thật không dễ, phải có ơn Chúa cũng như cần sự cộng tác triệt để của con người. Từ việc người giàu đã có Chúa nhưng lại để mất Ngài, chúng ta nhận ra một sự thật là, một tâm hồn hoán cải là một tâm hồn bước những bước đầu tiên trên con đường có tên ‘Nên Thánh’; và đó là một công trình vĩ đại của Thiên Chúa như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tuyên xưng, “Vĩ đại thay công cuộc của Chúa”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin ‘đến để hoán cải’ và ‘khởi sự mọi việc tốt lành’ nơi mái linh hồn con, xin hãy rựt và bán đi những gì Chúa thấy cần, dù con có xót xa bao nhiêu; may ra, với ân sủng và lòng thương xót Chúa, Giáo Hội trong một tương lai không xa, có thêm một vị thánh nữa. Tại sao không?”, Amen.