Thứ ba, 26/11/2024

Suối nguồn xót thương

Cập nhật lúc 14:52 11/06/2021
“Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài; tức thì, máu cùng nước chảy ra!”.
“Coup de grâce”, một thành ngữ tiếng Pháp, được dùng để nói đến “ân huệ” cuối cùng dành cho một người vật vã hấp hối, để kết thúc sớm cái chết đau đớn của họ; đó có thể là một phát súng, một cú đánh hay một nhát chém. Hai anh trộm cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu đã có được “cú đánh ân huệ” này khi ống chân của họ ‘được’ đập vỡ; nhờ đó, họ nhanh chóng chết vì ngạt thở. Chúa Giêsu không ‘hưởng được’ ân huệ này, vì Ngài đã chết; thế nhưng, “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài; tức thì, máu cùng nước chảy ra!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Theo truyền thống, người lính đâm cạnh nương long Chúa Giêsu có tên là Longinus; một số truyền thống xác định, Longinus là viên đại đội trưởng đã thốt lên sau cái chết của Chúa Con, “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!”; có truyền thống cho rằng, Longinus đã cải đạo và là tân tòng đầu tiên của Kitô giáo; những truyền thống khác còn nói, mắt Longinus không thể nhìn rõ, máu và nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu đã rưới xuống, chữa lành mắt anh. Vậy mà bất kể các truyền thống này có đúng hay không, chúng ta đều biết rằng, cạnh sườn của Chúa Giêsu đã bị đâm thâu, máu và nước đã chảy ra; để từ đó, nhân loại có được ‘suối nguồn xót thương’trào tuôn đến muôn đời.
Biểu tượng này không chỉ là những gì thuộc về con người nhưng còn là biểu tượng mang tính thần linh, nói lên tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, Đấng cũng có một trái tim,yêu thươngloài người quá bội; một tình yêu mà ngôn sứ Hôsê trong bài đọc hôm nay đã tiết lộ, “Quả tim Ta thổn thức trong Ta, ruột gan Ta bồi hồi!”. Nói đến ‘trái tim’, ‘máu và nước’ là nói đến sự sống; khi Trái Tim Chúa Giêsu bị đâm, Máu và Nước chảy ra chính là lúc sự sống Bí tích mới của Giáo Hội được tuôn trào. “Máu” châu báu là Thánh Thể Cực Thánh, “Nước” là quà tặng của phép Rửa; và trước khi Ngài “tắt thở”, thánh Gioan viết, Ngài kịp “trao Thần Khí”, thì Bí tích Thêm Sức đã được ban. Đó là những chiều kích sâu thẳm của ân sủng; “chiều kích dài, rộng, cao, sâu” mà Phaolô trong thư Êphêsô hôm nay gọi là “Những sự giàu có không thể thấu hiểu được, soi sáng cho mọi người biết cách thức phân phát mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa”;Thánh Ca Isaia cũng lặp đi lặp lại qua câu đáp, “Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Đấng Cứu Độ!”.
Ngày nay, khi cử hành hay tham dự các Bí tích, chúng ta dễ dàng coi các nghi thứcchỉ là biểu tượng; đang khi các Bí tích, chính là phương tiện thông ơn của Thiên Chúa; đặc biệt Bí tích Thánh Thể; chính qua linh mục, Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha lễ tế, để nuôi sống và thánh hoá dân Ngài. Vì thế, hôm nay, chúng ta không quên cầu nguyện cho các linh mục trong ngày Giáo Hội xin ơn thánh hoá các ngài.Trong truyền thống Giáo Hội, các Bí tích còn mang nhiều ý nghĩa hơn!Cùng với các linh mục, mỗi khi chúng ta chứng kiến ​​một phép Rửa, một Bí tích nào đó, hoặc dự phần trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta hiện diện ‘một cách thần bí’ với Longinus, để nhận lãnh ân sủng và lòng thương xót cứu chuộc, tuôn đổ từ cạnh sườn, ‘suối nguồn xót thương’ của Thánh Tâm Chúa Giêsu; nhờ đó, chúng ta được thanh tẩy, chữa lànhvà trở nên thanh sạch vẹn toàn.
Về mặt sinh học cũng như ‘vật lý’, trái tim là nội tạng chịu trách nhiệm bơm máu xuyên suốt cơ thể; nhưng ở góc độ tâm linh, con người gồm cả xác hồn, trái tim cũng là nguồn sống của nó. Không có trái tim, chúng ta chết về thể chất lẫn tinh thần. Cũng thế, với Thánh Tâm Chúa Giêsu, đó không chỉ là một trái tim thể xác bị ngọn giáo đâm thủng từ lâu, nhưng chính lúc này, trái tim ấy vẫn là nguồn sống của đời sống thiêng liêng liên tục của chúng ta; không có Thánh Tâm Thương Xót của Ngài, chúng ta sẽ chết trong tội lỗi mình.
Anh Chị em,
Hôm nay, chiêm ngắm Trái Tim Cực Thánh của Chúa Giêsu, chúng ta hãy tạ ơn Ngài vì Trái Tim Ngài là nguồn mạch liên lỉtuôn tràosự sống mới,nguồn ân sủng nuôi dưỡng, nguồn mạch thiêng liêng, ‘suối nguồn xót thương’ hằng tha thứ và chữa lành chúng ta đến muôn đời. Không chỉ là nguồn suối, Trái Tim Ngài còn là đại dương sâu lắng và êm đềm đang chờ đợi để tắm gội những tội nhân ăn năn trong vực sâu thăm thẳm cứu rỗi của nó. Hãy đặt mình trước Thập Giá Chúa Kitô, hãy để cho Máu và Nước, chảy ra từ cạnh sườn Ngài bao phủ và rửa sạch hồn xác chúng ta. Hãy ngụp lặn trong tình yêu Ngài, để từ đó, cảm nhận được sự tươi mới cũng như sự sống mới của Ngàitrong chúng ta!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, xin giúp con biết đắm mình mỗi ngày trong ‘suối nguồn xót thương’ của Chúa; cho con luôn biết dọn mình xứng đáng để hưởng nhận tất cả những gì Chúa ban qua các Bí tích,những công cụ quý báu có sức biến đổi; nhờ đó, con được nên thánh”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Thông tin khác:
Thuốc sống' (06/06/2021)
Làm cho lớn lên (03/06/2021)
Lời đỡ nâng (02/06/2021)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cần Kiệm mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Giáo xứ Cần Kiệm mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Hòa trong niềm vui với Giáo hội hoàn vũ, cách riêng với Giáo hội Việt Nam, mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – những chứng nhân anh dũng đã hiến dâng mạng sống để tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa. Trong tâm tình tạ ơn và tôn kính, tối ngày 25/11/2024, Giáo xứ Cần Kiệm đã long trọng tổ chức rước kiệu tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và xương thánh Neron Bắc.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log