“Miệng con sẽ loan truyền lời ca khen Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ rất ngạc nhiên nếu bảo phụng vụ Lời Chúa hôm nay thắm đẫm niềm vui, một niềm vui sâu lắng, thâm trầm… khi ngôn sứ Hôsê nói đến một dân tội lỗi trở về với Chúa; và Tin Mừng lại nói đến một sự hiện diện đầy ủi an của Thánh Thần và ơn cứu độ của Chúa trong ngày môn đệ khốn quẫn. Hai niềm vui kín đáo ấy sẽ vỡ oà trong Thánh Vịnh đáp ca chúng ta vừa đọc, “Miệng con sẽ loan truyền lời ca khen Chúa”.
Trong bài đọc thứ nhất, Hôsê nói đến những hứa hẹn của Thiên Chúa một khi dân ý thức chính họ đã gục ngã trong đường tội ác để trở về với Người là Thiên Chúa của mình; khi dân biết mang lấy lời Chúa mà trở về; biết cầu xin Chúa xoá bỏ tội ác và nhận lấy điều lành; khi dân xác tín, nơi Chúa, kẻ mồ côi tìm được xót thương. Chính Chúa là niềm vui của dân khi Người mở miệng nói những lời ngọt hơn mật, “Ta sẽ chữa sự bất trung của họ và hết lòng yêu thương họ, vì Ta đã nguôi giận. Ta sẽ như sương sa, Israel sẽ mọc lên như bông huệ và đâm rễ như chân núi Liban. Các nhánh của nó sẽ sum sê, vẻ xinh tươi của nó như cây ôliu và hương thơm của nó như hương thơm núi Liban. Thiên hạ sẽ đến ngồi núp dưới bóng mát của nó, họ sống bằng lúa mì và lớn lên như cây nho”. Niềm vui của dân được Chúa yêu thương.
Cũng thế, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bất ngờ công bố một niềm vui lớn lao hơn, niềm vui ơn cứu độ cùng với sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng sẽ nói thay khi môn đệ phải ra trước công quyền trong thời cấm cách. Dẫu trước đó Ngài đã huỵch toẹt cảnh báo và không giấu nhẹm các môn đệ một điều gì, “Hãy coi chừng người đời, họ sẽ nộp các con cho công nghị, họ sẽ đánh đập các con nơi hội đường; các con sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và cho dân ngoại”, thậm chí Ngài nói đến đấu tố, chỉ điểm, “Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con; con cái sẽ chống đối cha mẹ”. Thế nhưng, Ngài lại trấn an, “Các con đừng lo lắng phải nói gì, vì chính Thánh Thần sẽ nói trong các con”; và quan trọng hơn, “Ai bền đỗ đến cùng, sẽ được cứu độ”. Niềm vui lớn nhất là niềm vui được cứu độ.
“Miệng con sẽ loan truyền lời ca khen Chúa”, Đấng ban ơn cứu độ cũng là Đấng ban niềm vui.
Như vậy, sẽ không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui của những tội nhân bỏ đường tội lỗi để sám hối, trở về với Chúa; đây là niềm vui hồi sinh, đúng hơn, niềm vui phục sinh, niềm vui được thứ tha, được chữa lành và được cứu độ. Đó cũng là công việc của Chúa Thánh Thần khi Ngài là Đấng uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng để dạy cho những ai kêu cầu Ngài biết trở về cùng Chúa, Đấng ban ơn cứu độ; và chính Thánh Thần cũng là Đấng sẽ ở cùng dân Chúa trong mọi tình huống cuộc đời, kể cả trong bách hại và gian truân.
Ngày kia, người ta hỏi Franz Joseph Haydn, tại sao các tác phẩm của ông lúc nào cũng vui tươi? Nhạc sĩ tài ba người Áo của thế kỷ 18 trả lời, “Tôi không thể làm khác hơn, tôi viết theo cảm xúc. Khi tôi nghĩ về Chúa, trái tim tôi ngập tràn niềm vui đến nỗi các nốt nhạc như nhảy múa trước ngọn bút”. Vì thế, Kitô hữu không thể không là người của niềm vui. Họ phải vui bởi có Chúa là gia nghiệp, Đấng cứu độ; tâm hồn họ luôn có Chúa cả trong gian truân thử thách.
Anh Chị em,
Nếu không có lòng sám hối được dưỡng nuôi bằng một đời sống cầu nguyện, chúng ta sẽ vùng vằng và xáo tung chương trình của Chúa. Và như thế, sẽ đánh mất niềm vui và bình an.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ‘đường con Chúa rõ mười mươi, huấn lệnh thánh ý con thời tuân theo’; đường con Chúa rõ mười mươi, mấy mươi đi nữa, Chúa mong con về”, Amen.