“Sự mới mẻ của Thiên Chúa chính là xót thương”.
Anh Chị em thân mến,
Lời Chúa hôm nay nói đến sự mới mẻ của trời. Amos cho thấy Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời làm lại mọi sự cách mới mẻ; Tin Mừng nói đến rượu mới, tinh thần mới Chúa Giêsu từ trời đem đến. Sự mới mẻ của Cựu Ước, của Tân Ước vẫn là lòng xót thương của Thiên Chúa.
Trong những tuần qua, sách Các Vua, Amos và thậm chí cả sách Ai Ca cho thấy những khúc quanh lịch sử đen nhẻm của dân Chúa. Đó là một dân chạy theo thần ngoại, buông mình cho sự dữ để rồi bị Thiên Chúa đánh phạt đậm nét qua các cuộc lưu đày. Vậy mà thật bất ngờ, cũng Thiên Chúa đó, Đấng đã thay lòng đổi dạ, nói những điều mới mẻ ngọt như mía lùi, “Trong ngày ấy, Ta sẽ dựng lại nhà xếp của Đavít đã xiêu đổ, Ta sẽ lấp những lỗ hổng nơi tường, trùng tu lại những gì đổ nát; Ta sẽ xây dựng lại như xưa”; “Từ các núi non, rượu nho mới sẽ tuôn tràn, và từ các đồi, rượu sẽ vọt ra lai láng. Ta sẽ đem Israel dân Ta bị lưu đày trở về. Họ sẽ xây lại các thành phố bị bỏ hoang và cư ngụ tại đó”; “Ta sẽ trồng họ trên đất của họ, và không khi nào họ bị nhổ ra khỏi đất Ta đã ban”. Đó chính là sự mới mẻ của Chúa Trời, một Thiên Chúa hối tiếc việc đã làm, một Thiên Chúa đầy lòng xót thương.
Lòng xót thương của Thiên Chúa thời Cựu Ước được gặp thấy nơi Chúa Giêsu thời Tân Ước, Đấng đã đến tìm kiếm những gì hư mất. So với các biệt phái, phong cách của Chúa Giêsu thật khác người. Đang khi những người tự cho mình là công chính không giao du với hạng thu thuế tội lỗi, Ngài lại ăn uống với họ đến nỗi chịu tiếng mang lời là tay ăn nhậu; đang khi giới kinh sư xa lánh người cùi hủi vì sợ ô uế, Ngài lại gần họ, cúi xuống và chữa lành; đang khi những người tự cho mình là đạo đức giữ luật đến từng chi tiết đến nỗi không dám đưa tay bứt một gié lúa ngày Sabat, thì Ngài sẽ làm bất cứ điều gì miễn sao lòng thương xót của Thiên Chúa được thực hiện. Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều nói đến thắc mắc hôm nay của người đương thời, “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái ăn chay, còn môn đệ Thầy lại không ăn chay”. Ngài bênh vực các môn đệ, “Làm sao khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”; “Rượu mới phải đổ vào bầu da mới và cả hai được nguyên vẹn”. Ngài mặc cho các việc đạo đức một tinh thần mới. Cầu nguyện là xót thương, giữ luật là xót thương và chay tịnh cũng là xót thương.
Chuyện kể về một ẩn sĩ vốn tịnh niệm và giữ chay trường. Từ đỉnh núi, ai ai cũng thấy một ngôi sao giữa ban ngày như là dấu chỉ trời cao chứng giám cho lòng ông. Ngày kia, ẩn sĩ quyết định lên núi, ông muốn vươn cao trong đời tu. Vừa khởi hành, một cô bé trong làng đến xin đi cùng. Không thể từ chối, ẩn sĩ cầm lòng cho cô đồng hành. Họ ra đi khi mặt trời vừa hé; không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một gay gắt và cả hai đều khát. Ông cố kiềm chế cơn khát nhưng lại giục cô gái uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước. Ẩn sĩ không uống vì lời thề với Chúa, cô gái lại không nỡ uống một mình. Họ càng đi, cơn khát càng dằn vặt. Đúng ngọ, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn cô bé lả người vì khát. Cuối cùng, đành lỗi thề, ông cầm bình đưa lên miệng và bấy giờ, cô bé mỉm cười uống với ông. Sau khi uống, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời nữa. Ông xấu hổ cúi mặt và đinh ninh ngôi sao chứng giám cho sự khổ chế của mình giờ đây có lẽ đã biến mất. Nhưng kìa, trước sự ngạc nhiên đến vỡ oà... ngước mắt nhìn lên đỉnh núi, ông thấy có đến hai vì sao lấp lánh như đang mỉm cười với mình.
Anh Chị em,
Nếu chỉ có một ngôi sao mọc lên để chứng giám cho một tâm hồn đạo đức thì sẽ có đến hai vì sao chiếu sáng để chứng thực cho một hành động xót thương.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin dạy con biết sám hối mỗi ngày để làm mới lại bầu da lòng mình; bằng không, rượu xót thương của Chúa sẽ lênh láng chảy và hoang phí”, Amen.