“Anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau”.
Kính thưa Anh Chị em,
Không phải tình cờ mà Hội Thánh cho chúng ta đọc lại thư thánh Phêrô tông đồ với một khởi đầu xin cho được “mặc lấy đức khiêm nhường” như thế trong ngày kính thánh Marcô thánh sử, người đã kết thúc Tin Mừng của mình với mệnh lệnh của Chúa, “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin mừng”.
Vậy phải chăng con người của thánh Marcô là con người của sự khiêm nhường hay đúng hơn, con người của hoán cải.
Đọc lại sách Công Vụ Tông Đồ và các thư Tân Ước, chúng ta biết, Marcô đã đồng hành với thánh Phaolô và Barnaba trong hành trình truyền giáo thứ nhất; thế nhưng, khi đến Cyprô, chàng thanh niên Marcô đã vùng vằng và bỏ về Giêrusalem. Phaolô thất vọng với người trai trẻ bất thường đó. Về sau, khi trù liệu cho cuộc truyền giáo lần thứ hai, Barnaba muốn đem theo Marcô, nhưng Phaolô nhất định không chịu. Cuộc tranh luận giữa hai người căng thẳng đến độ hai vị phải chia tay nhau, mỗi người một kế hoạch riêng của mình.
Vậy mà, khoảng mười năm sau, người ta gặp lại một Marcô tốt lành tại Rôma, thông ngôn của thánh Phêrô tông đồ trưởng. Như thế, Marcô vẫn đeo đuổi ơn gọi của mình; nói cách khác, đã hoán cải. Lời thánh Phêrô trong thư hôm nay, “Marcô, người con của tôi” minh chứng cho mối liên hệ lâu bền và gần gũi như cha với con, như thầy và trò. Được gần gũi thánh Phêrô, Marcô có nhiều lợi điểm mà chúng ta có thể nhận ra trong Tin Mừng thứ hai của Tân Ước, một Tin Mừng được viết sớm nhất và ngắn nhất trong bốn Tin Mừng.
Còn với Phaolô thì sao? Marcô được thánh Phaolô thương yêu trở lại, Marcô là người giúp việc của Phaolô khi ngài về chiều. Quả vậy, con người mà Phaolô thấy không thể sử dụng trong quá khứ nay lại là niềm an ủi, một người bạn trung thành. Phaolô đã viết cho Timôtê, “Con hãy đem Marcô đi với con, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của cha”. Quá khứ bị lãng quên, Tin Mừng phải loan báo, giờ đây hai người như thầy trò. Đây là một tấm gương cũng là một bài học tuyệt vời cho chúng ta. Đừng bao giờ kết luận dứt khoát về một ai, hãy biết cách nối lại mối dây thân hữu vốn có lúc xem như đã tan rã hoàn toàn. Là khí cụ của Chúa, chúng ta phải luôn sẵn sàng thực hiện một khởi đầu mới.
Ngày nay, mỗi lần đến Ý, du khách cố tìm đến Venice, một thành phố sông nước thơ mộng xinh đẹp ở mạn đông bắc; ở đó, những công trình kiến trúc độc đáo, những tác phẩm nghệ thuật thời danh. Đến Venice, du khách càng không thể bỏ qua vương cung thánh đường cũng là nhà thờ Chánh Toà Thánh Marcô, công trình mang tên vị thánh bổn mạng của thành phố nổi. Từ xa, người ta nhìn thấy một con sư tử có đôi cánh sừng sững trên một ngọn tháp cao. Biểu tượng này gợi nhớ sự nghiệp viết sách Tin Mừng của Marcô, một biểu tượng dành cho thánh sử vốn có xuất xứ từ sách ngôn sứ Ézékiel và sau đó, sách Khải Huyền nhắc đến.
Anh Chị em,
Thánh Phanxicô Salésio nói, “Không gì phải ngạc nhiên vì bệnh tật là bệnh tật, yếu đuối là yếu đuối và gian ác là gian ác; tuy nhiên, hãy hết sức gớm ghét điều bạn đã xúc phạm đến Chúa, cứ tin tưởng vào lòng thương xót của Người để quảng đại quay lại con đường mà bạn đã từ bỏ”. Thánh Marcô đã sống điều đó; một khi trở lại, sốt sắng gấp mười.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để Tin Mừng được loan báo, xin đừng để con ngã lòng về một ai; phần con, mỗi ngày, cho con được khiêm tốn sẵn sàng thực hiện lại một khởi đầu mới”, Amen.