(Mt 18,15-20)
"Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.
"Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.
"Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ."
SUY NIỆM Lỗi lầm là một điều khó tránh khỏi trong cuộc sống, và cách ta đối diện với nó có ảnh hưởng rất lớn không chỉ trên người chỉ ra sai phạm của người khác, mà còn trên chính người được/bị chỉ ra lỗi lầm.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không bảo: “
Nếu ai đó trót phạm tội…” nhưng Ngài nói: “
Nếu người anh em của anh…” Điều này cho thấy rằng: mỗi khi sửa lỗi, chúng ta phải nhìn người ấy với con tim và ánh mắt như với một người anh em thân thiết chứ không phải một người xa lạ hay một tội nhân. Thật vậy, bạn sẽ bao dung với “người nhà” hơn, hay người ngoài hơn? Hẳn nhiên là “người nhà” rồi phải không? Do vậy, chỉ khi chúng ta lên tiếng với tư cách là “người nhà”, chúng ta mới có đủ bao dung và yêu thương để vượt trên xu hướng chỉ trích, kết tội mà mong muốn người ấy trở nên tốt đẹp hơn. Hay nói cách khác, việc chỉ ra sai phạm của người khác của chúng ta khi ấy sẽ là một việc làm mang tính cách xây dựng hơn là phá bỏ, là khiêm nhường hơn là xét đoán, là hoà giải hơn là chia rẽ, là xót thương hơn là kết án trừng phạt. Hơn nữa, từ “trót” trong câu nói của Chúa Giêsu cũng thêm khẳng định rằng: mỗi khi sửa lỗi, ta chẳng nên có cái nhìn khắt khe phán định cho người ấy, nhưng nên là một cái nhìn khoan dung tha thứ và hàm chứa cơ hội để họ sửa chữa lỗi lầm. Lòng thương xót và khiêm nhường thật sự sẽ hướng chúng ta đến sự tha thứ và hoà giải, sẽ giúp chúng ta thấy tội lỗi của người khác như cơ hội cho một tình yêu lớn hơn chứ không phải là lý do để lên án kết tội.
Vậy chúng ta phải sửa lỗi họ thế nào đây, nhất là những người đã mắc lỗi với chúng ta? Chúa Giêsu đã nói rõ là chúng ta nên cố gắng làm đủ mọi cách để mang họ trở lại, nên dành nhiều sức lực, tâm tư để yêu mến họ, cho họ thấy tình yêu của ta và làm mọi việc có thể để hoà giải và đưa họ về với sự thật.
Bắt đầu bằng việc một mình ta với người ấy để đảm bảo sự tế nhị và riêng tư. Sau đó, nếu người ấy vẫn không tin, chúng ta nên nhờ đến sự làm chứng của những người đáng tin cậy. Cần lưu ý rằng Chúa Giêsu chỉ bảo “
hãy đem theo một hay hai người nữa”, và “
căn cứ vào lời chứng của hai hoặc ba chứng nhân”, tức là cuộc trò chuyện vẫn mang tính chất là một cuộc khuyên nhủ riêng tư chứ không phải là một phiên toà cáo trạng và định tội. Mục đích chính yếu của “lời chứng” là sự thật và để sự thật hoà giải, chữa lành cho mối quan hệ của ta với người ấy. Cuối cùng, chỉ khi nào sau tất cả những nỗ lực đều thất bại, chúng ta mới được quay lưng từ bỏ người ấy nếu họ không chịu tin nhận sự thật. Nhưng ngay cả như vậy, hành động từ bỏ này của chúng ta cũng phải là hành động của tình yêu theo cách là để giúp họ nhận ra hệ quả của tội.
Hôm nay, bạn hãy dành chút thời gian để phản tỉnh lại xem bạn có cần phải hoà giải với ai không. Có lẽ đó là một người mà lâu lắm rồi bạn vẫn chưa từng trò chuyện lại, hoặc là một ai đó mà bạn vẫn chưa thể nói chuyện cùng. Nguyên nhân có thể là do bạn sợ phải là người chủ động bắt đầu cuộc trò chuyện, hay bạn đã loại họ ra khỏi cuộc sống của bạn rồi chăng? Thiên Chúa hằng luôn xót thương và không ngừng tìm cách để đem chúng ta trở lại với Ngài cho dù chúng ta có lỗi phạm, bội phản Ngài thế nào đi chăng nữa. Ngài chẳng ngại là người chủ động, cũng chẳng phiền việc hạ thấp chính mình, lại càng chẳng mệt mỏi cho ta cơ hội để hoà giải mà trở lại với Ngài. Chúng ta vốn chẳng xứng với lòng thương xót và tình yêu tha thiết đau đáu ấy của Thiên Chúa, nhưng Ngài mãi thương yêu và xót thương chúng ta nhiều hơn tất cả, để chúng ta cũng biết xót thương và yêu mến anh em mình. Bạn hãy cầu nguyện, xin Chúa ban ơn, lòng thương xót, tình yêu và sự khiêm nhường, để bạn có thể đến với những người đã làm tổn thương bạn bằng con tim của một người anh em như lòng Chúa mong muốn.
Chúa ơi, xin hãy giúp con buông bỏ lòng kiêu hãnh và tính tự ái là những điều ngăn cản con bao dung và tìm kiếm sự hoà giải. Xin giúp con hoà giải với anh em, cho dù đó là những điều nhỏ bé hay to lớn. Ước gì lòng thương xót nơi trái tim của Chúa đến ngự trong trái tim con, để bình an được ngự trị nơi con. Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa.