(Mc 6,45-52)
Lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!
SUY NIỆM Câu chuyện Tin Mừng hôm nay liền sau việc Chúa hóa bánh nuôi năm ngàn người đàn ông ăn no nê, và qua câu chuyện này, Chúa huấn luyện các môn đệ nhiều điều.
Trước hết là bài học tránh hư danh. Sau khi được Chúa hóa bánh ra nhiều, cho dân ăn ‘no nê’ và còn dư thừa. Dân chúng hết đỗi vui mừng, các tông đồ cũng rất hãnh diện, cùng chia sẻ vinh quang và được nổi nang nhờ việc Thầy làm phép lạ nuôi hằng ngàn người ăn no. Dân chúng muốn đưa Chúa Giê-su lên làm vua, nên các tông đồ cũng sẽ được hưởng lây. Đang lúc bầu khí của lễ hội, đang thưởng thức niềm vui lớn lao như thế, thì ngay lập tức, Chúa bắt các môn đệ sang bờ hồ bên kia, nơi vắng vẻ, tĩnh lặng, và đêm hôm, buồn chán. Hẳn là các môn đệ không muốn đi. Nhưng việc ra đi này giúp các ông tránh sự hư danh trần tục, tránh sự quyến luyến bởi những lời khen ngợi và tình cảm thế gian.
Thứ hai là bài học về nhu cầu gặp gỡ và sống theo ý Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh. Sau khi giải tán đám đông,
Chúa Giêsu lánh riêng ra để mình Ngài đi gặp Chúa Cha. Việc Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện biểu lộ sự hiệp thông trong vâng phục của Ngài với Cha mình, và đồng thời cũng nói lên những việc Chúa Giê-su làm là do bởi ý định và quyền năng của Chúa Cha. Đối với Chúa Giêsu, sống kết hiệp thâm sâu với Chúa Cha mới là điều cốt yếu. Vì thế sau mỗi lần rao giảng, chữa bệnh, làm phép lạ, hay trước khi tuyển chọn môn đệ, Chúa Giê-su đều cầu nguyện, hỏi ý Chúa Cha và xin sức mạnh từ Cha mà thi hành sứ vụ. Chu toàn thánh ý Cha là lương thực của Chúa Giê-su, quyền năng và tình thương xót của Cha cũng đang được thực thi qua chính Người Con Một Yêu Dấu này.
Thứ ba, Chúa củng cố đức tin cho các môn đệ và tỏ cho các ông biết Ngài có quyền năng thế nào. Trong đêm tối, thuyền của các môn đệ đã xa bờ và gặp phải cơn cuồng phong dữ dội, khiến các ông vất vả, loay hoay chống chọi vì ngược gió. Các ông sợ hãi vô cùng. Canh tư, Chúa Giêsu “đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông” khiến các ông lại tưởng là ma. Người muốn đi lên phía trước thuyền, dùng chính thân mình để bảo vệ cho các môn đệ. Đồng thời cũng để các ông nhận thức được rằng Đấng ban sự sống qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, cũng là Đấng chiến thắng sự dữ qua phép lạ đi trên mặt biển. Các ông vững tin vào Chúa hơn.
Thứ bốn, Chúa là hoàng tử bình an. Ngay khi Chúa Giêsu bước lên thuyền, một sự bình an ngự trị
. Đó là sự bình an nơi biển hồ hay là sự bình an sâu thẳm trong trái tim của các môn đệ? “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Một lời trấn an bảo đảm mạnh mẽ rằng Ngài luôn đồng hành với các môn đệ trên bước đường loan báo Tin Mừng, mặc dầu sóng biển ầm ầm, thủy triều dâng cao, con thuyền có bị dập vùi chao đảo, nhưng hãy yên tâm vì có Chúa ở cùng. Hình ảnh con thuyền gặp sóng to gió lớn là con thuyền Giáo Hội lênh đênh giữa biển trần gian, nhưng Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể vẫn hiện diện và đồng hành với Giáo Hội từng ngày trong cuộc đời. Ở cùng với Chúa Giêsu, chẳng có chi phải sợ hãi hay lo lắng. Vì Ngài chính là nguồn mạch bình an đích thực, là hoàng tử hòa bình.
“Tình yêu thì luôn quan tâm săn sóc; Tình yêu thì luôn ở gần bên; Tình yêu loại trừ nỗi sợ hãi, và tình yêu mang lại bình an đích thực”