(Lc 23, 33. 39-43)
Khi đến nơi gọi là "Đồi Sọ", họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái.
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
SUY NIỆM Ngày hôm nay, chúng ta cùng nhau suy chiêm về hình ảnh của hai tên gian phi bị đóng đinh vào thập giá, một bên tả, một bên hữu Đức Giêsu. Cả hai đều là có thân phận như nhau –
tên gian phi, cùng chịu chung một hình phạt – bị đóng đinh vào thập giá, và ở một chừng mực nào đó, cả hai đều có lời xin Đức Giêsu. Điều khác biệt giữa họ đó là thái độ trong lời cầu xin này.
Tên gian phi thứ nhất hùa theo đám đông mà nhục mạ Đức Giêsu. Hắn không thấy điều mình phải chịu là đích đáng. Hay nói cách khác, hắn không thừa nhận tội lỗi của mình. Trong đau đớn và tuyệt vọng của cái chết cận kề, có lẽ hắn đã hy vọng ít nhiều, đã xin Ngài cứu hắn nhưng lại không tin tưởng. Làm sao mà hắn có thể tin tưởng cho được trong khi hắn chẳng ý thức thân phận tội lỗi của mình, chẳng khiêm tốn, chẳng hối cải, và càng chẳng thể nhận ra “Đấng Ki-tô” ấy đang thực sự ngay cạnh bên mình?
Ngắm nhìn tên gian phi còn lại, hắn ý thức mình phạm tội, và chấp nhận hình phạt. Giờ đây, hắn hiện diện với tất cả con người thật, trần trụi, không than van, dám đối diện và chấp nhận sự thật con người mình, lỗi lầm của mình. Có lẽ bởi thế thế, hắn không những nhận ra sự vô tội của Đức Giêsu, sự phi thường của Ngài mà còn nhận ra, tin tưởng sự thật rằng Ngài là Thiên Chúa thật, một Thiên Chúa vĩ đại với lòng thương xót vô biên không chỉ thật sự tồn tại, mà còn đang hiện diện giữa con người thật sự. Chính bởi ý thức lỗi lầm và lòng tin mạnh mẽ mà hắn đã dám can đảm thốt lên lời cầu xin Đức Giêsu giữa bao lời xỉ nhục, phỉ báng của muôn người chung quanh.
Lời van xin của tên trộm biết hoán cải này dạy cho chúng ta thật nhiều điều. Tại sao hắn lại không xin được vào hẳn Thiên Đàng với Chúa Giêsu, mà chỉ xin Ngài “nhớ đến” mình mà thôi? Xin ai đó “nhớ đến” là một kí thác mong manh, bỏ ngỏ, và đặt mình ở thế bị động. Bởi đối phương có thể sẽ quên, hoặc có thể sẽ nhớ đến đấy, nhưng có làm hay không và làm những gì đều tuỳ thuộc vào đối phương cả. Bởi vậy, lời van xin trên toát lên một con tim hoán cải khiêm tốn khi ý thức được thân phận tội lỗi của mình, sự không xứng đáng của mình, và cả thân phận “bị động” của chính mình, cho dù đó chỉ là trong một lời cầu xin mà thôi. Và, hãy nhìn xem phần thưởng của một lời van xin khiêm tốn. Chúa Giêsu không chỉ đáp ứng lời cầu xin, mà còn ban nhiều hơn nữa: “
Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” Là “hôm nay”- ngay lập lức, chứ không phải ngày mai, ngày kia, cũng chẳng phải là một lúc nào đó sau khi chết. “
Với tôi trên Thiên Đàng” – Ngài không chỉ hứa ban một nơi cho anh trên Thiên Đàng, mà còn nâng thân phận của anh lên để anh cùng chung vinh quang “với” Ngài.
Phản tỉnh: Chúng ta hãy nhìn lại thái độ trong lời cầu nguyện của chính mình. Ta là ai trong hai tên gian phi? Là kẻ chẳng ý thức thân phận, lại còn hống hách kêu trách, đòi hỏi? Hay là kẻ có trái tim hoán cải khiêm tốn, trả lại quyền định đoạn tất cả cho Thiên Chúa?
Lạy Cha đầy lòng bao dung, xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày, và giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc. Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui, vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội. Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên, nhận ra mình mong manh và thấy Chúa rộng lượng. Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ, chúng con lại thấy mình hiền hoà hơn với tha nhân. Amen. (Lm. Nguyễn Cao Siêu, S.J.)