CON LÀ KẺ CÓ TỘI
(Lc 18, 9-14) Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
SUY NIỆM Bài tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy sự đối lập giữa người Pharisêu và lòng tự cao của họ với sự khiêm nhường của người thu thuế. Người Pharisêu với vẻ ngoài chỉnh tề đến mức kiêu ngạo tự nhận bản thân là thánh thiện trước mặt Chúa và người đời, ông tự thấy mình không giống như những thành phần được coi là tội lỗi. Nhưng đáng thương thay, trước mặt Thiên Chúa ông ta chỉ là một kẻ mù quáng và đáng thương. Ngược lại, người thu thuế là người mang một sự khiêm tốn chân thành. Anh ta chỉ biết kêu lên “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Chúa Giêsu đã phán rằng với lời cầu nguyện khiêm nhường thì người thu thuế đã được tha và ra về bình an, nhưng người Pharisêu thì không.
Sự khiêm nhường làm con người trở nên nhỏ bé nhưng lại mang sức mạnh to lớn có thể chiến thắng dù là trái tim cứng cỏi nhất. Những hành động khiêm nhường và xuất phát từ con tim dễ dàng chạm đến con tim của chúng ta hơn bao giờ hết. Sẽ rất khó lòng để chỉ trích ai đó khi họ bày tỏ sự hối lỗi và mong muốn được tha thứ. Người thu thuế là một hình ảnh tiêu biểu cho sự khiêm nhường và thật lòng hối lỗi để quay về với Thiên Chúa. Vì vậy, anh ta đã chạm đến lòng thương xót vô hạn của Chúa để được tha thứ và ra về trong bình an.
Về phần bạn thì sao! Dụ ngôn này đánh động bạn như thế nào? Bạn có để lòng tự cao đè nặng trên đôi vai của mình?
Để khiêm tốn như người thu thuế trên là điều không dễ dàng. Vì, tất cả chúng ta dù nhiều hay ít đều có một chút tự cao. Chúng ta rất dễ rơi vào cái bẫy biện minh cho tội lỗi của mình như người Pha-ri-sêu đã làm và dần trở nên tách biệt, thu mình lại. Từ đó sự kiêu ngạo sẽ trỗi dậy và và xâm chiếm tâm hồn chúng ta. Muốn sự kiêu ngạo mất đi chúng ta cần ghi nhớ và thực hành hai điều này. Đầu tiên chúng ta phải nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Hiểu được tình thương bao la của Ngài sẽ giúp ta giải phóng chính mình và gạt bỏ lòng kiêu căng, tự cao tự đại để ta nhìn rõ chính mình hơn dưới ánh sáng của chân lý. Vì sao lại như vậy? Vì khi cảm nếm được lòng thương xót của Chúa, chúng ta cũng cảm nhận được vị đắng cay, đau khổ do tội; cảm nhận được vì tội mà ta đã lìa xa Chúa như thế nào và chúng ta sẽ bắt đầu trở nên khiêm nhường trước mắt Ngài.
Thừa nhận tội lỗi chính mình là bước quan trọng thứ hai nếu ta muốn loại bỏ sự kiêu ngạo. Thành thật với tội chúng ta đã phạm là điều phải làm. Chúng ta phải thừa nhận điều đó với chính mình và với Thiên Chúa, đặc biệt là nơi tòa giải tội. Đôi khi, chúng ta cũng cần phải thú nhận tội lỗi đã vấp phạm với người khác để mong sự tha thứ, lòng thương xót của họ. Nếu làm được hai điều trên thì sự kiêu ngạo biến mất và chúng ta sẽ biết cách bày tỏ sự khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và người khác.
Chúng ta đừng ngại noi gương theo người thu thuế. Hãy thử và cầu nguyện như anh ấy hôm nay và ngay bây giờ “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Lặp đi lặp lại để nó trở thành lời cầu nguyện của chính mình và chúng ta sẽ thấy những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống qua lời cầu nguyện khiêm nhường đó.
Lạy Chúa xin tha cho con là kẻ có tội. Lạy Chúa xin tha cho con là kẻ có tội. Lạy Chúa xin tha cho con là kẻ có tội. Lạy Chúa con yêu mến Ngài. Amen