(Mt 12, 14-21)
Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.
Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói: 'Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.
SUY NIỆM “Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.” Ngẫm nghĩ về hành động trên, có thể ta sẽ ngạc nhiên, buồn bã, sốc, thậm chí là căm phẫn khi các nhà lãnh đạo Do Thái lại chủ động toan tính, lập mưu hại Chúa Giê-su. Họ coi Người như kẻ thù, vì Người đã chiếm mất lòng tin mà dân chúng đã từng dành cho họ. Trong mắt họ, Chúa Giê-su đang là mối nguy hại lớn nhất cần bị loại trừ. Thật đáng buồn, nhưng nỗi buồn này không có nghĩa là ta đang tức giận, thất vọng hay thậm chí muốn trả thù, trái lại, nỗi buồn này thể hiện tình yêu thương mà ta dành cho những người Do Thái ấy vì hành động sai trái của họ, hầu mong họ ăn năn trở về.
Nhưng không, những người Pha-ri-sêu vẫn giết Chúa Giê-su theo đúng kế hoạch họ đã vạch ra. Cho đến bây giờ, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục bị bách hại bởi chính những người xưng mình là Ki-tô hữu, kể cả những người có phẩm chức trong Giáo hội hay những nhà lãnh đạo trên thế giới.
Khi ta dấn thân vì danh Chúa Giê-su và thực hiện sứ vụ được Ngài trao phó, chúng ta dễ dàng trở thành mục tiêu của ma quỷ, và có khi ta phải hứng chịu những điều tồi tệ nhất đến từ chính những người tưởng chừng sẽ ủng hộ ta. Từ đó ta thấy,
chịu sự bách hại là điều tất yếu trên con đường trở thành một Ki-tô hữu làm chứng cho Chúa. Giờ đây, ta cần nhìn lại những lần ta chịu đựng sự tổn thương từ những người xung quanh. Ta không được lên án hay phán xét họ, trái lại, ta được mời gọi thông phần nỗi buồn đó cùng Chúa Giê-su. Đó là sự thông phần nên thánh đã được nhắc đến trong Tám Mối Phúc Thật. Tập cảm nghiệm những nghịch cảnh giúp ta khước từ những lo lắng bất an hay run rợ, gia tăng khả năng chịu đựng và sự kiên nhẫn của ta.
Lạy Chúa Giê-su, khi con bị chế giễu hay bắt bớ, xin giúp con luôn vững mạnh trong đức tin và nhất là trong đức ái. Xin giúp con biết thánh hóa nỗi buồn trở thành nguồn hy vọng và ban sức mạnh để con vững vàng tiến bước trong sứ vụ mà Chúa trao cho con. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Ngài.