Chúa nhật, 19/01/2025

Mến yêu hằng ngày, ngày 25.02.2020

Cập nhật lúc 06:12 25/02/2020

Mến Yêu Hằng Ngày, Cảm Thức Tội Lỗi

Thứ 3, 25-02-2020 (Mc 9, 30-37)

Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê su không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”

 

Suy Niệm

Các ông làm thinh

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô đã chép lại rất rõ ràng về phản ứng của các môn đệ: họ “làm thinh”. Chúng ta chú ý đến sắc thái, mức độ khác nhau trong cách hỏi của Đức Giêsu và trong suy nghĩ của các môn đệ. Từ “bàn tán” cho thấy Đức Giêsu không hề chỉ thẳng ra lỗi lầm của các môn đệ, nhưng các ông đã tự nhận ra hành vi sai trái của mình. Từ “cãi nhau” cho chúng ta thấy được điều đó. Và có lẽ, các ông “làm thinh” cũng bởi vì nguyên nhân ấy. Họ cảm thấy có lỗi. Đây là một điều đáng để chúng ta suy ngẫm, học hỏi.

Có một sự thật đáng buồn và đang ngày càng phổ biến, ấy là: trong thế giới của chúng ta hôm nay, người ta dường như ít nhạy cảm hơn với các hình thức của tội lỗi, nhiều người đang ngày càng trở nên ngoan cố chống lại giới luật của Thiên Chúa mà lại dửng dưng như không, bởi lương tâm họ đã đánh mất cảm thức về tội, mất khả năng “cắn rứt”. Hay nói cách khác, lương tâm họ đã không còn hoạt động, đã “chết”, dẫn đến tình trạng chai lì, không biết ăn năn hối cải. Bởi vậy, cảm giác buồn rầu, đau đớn khi mình phạm tội thường là một điều tốt. Cảm giác ấy tốt khi bạn đã hiểu ra rằng mình đã làm điều gì đó trái với đạo đức, luân lý, và bạn nhìn nhận nó như một lời mời gọi thay đổi con người của mình. Khi đó, “cảm thấy tội lỗi” là dấu hiệu cho thấy lương tâm bạn đang “hoạt động tốt”.

Tuy nhiên, cũng có một số người lại quá để ý và họ cảm thấy lòng đầy lỗi tội quá mức cần thiết. Nói cách khác, họ thấy tội lỗi bởi do lương tâm mơ hồ, thiếu hiểu biết, không đủ khả năng phân biệt lành-dữ và luôn cho rằng mọi điều họ làm đều mắc một tội hoặc rất nhiều tội. Họ luôn sống trong lo lắng sợ hãi, sợ mình phạm lỗi này hoặc nghịch điều luật kia. Có một số người rất siêng năng đi xưng tội, hằng tuần, thậm chí là hằng ngày. Họ muốn mình luôn sạch tội để đảm bảo chắc chắn rằng họ có thể vào nước Thiên Đàng bất cứ khi nào Chúa gọi họ. Nghe qua thì điều này chẳng có gì là sai trái. Tuy nhiên, ta cần nhớ rõ là: điều quan trọng không phải là ta chứng minh mình có bao nhiêu trong sạch, bởi trước mặt Chúa chẳng ai có thể kể mình là trong sạch, và Bí Tích Hoà Giải cũng không phải là nơi cấp “giấy chứng nhận sạch tội” hay “vé vào cổng” Thiên Đàng. “Chẳng vị thánh nào mà không có một quá khứ, cũng chẳng tội nhân nào mà không có một tương lai. Thiên Chúa không bao giờ dừng lại ở dáng vẻ bề ngoài mà luôn nhìn sâu vào tận tâm tư cõi lòng của con người.” (ĐGH. Phanxicô) Bởi vậy, điều quan trọng hơn cả là lòng thống hối ăn ăn của bạn đối với những tội lỗi mình phạm và quyết tâm chừa bỏ, thay đổi con người cũ của mình.

 

Phản tỉnh: Hãy nhìn lại xem liệu lương tâm của bạn thiên về điều gì. Lương tâm bạn có sợ hãi quá mức về việc phạm lỗi, đến nỗi lỗi (hoặc tội) đã trở nên ám ảnh trong bạn? Hay lương tâm bạn ơ hờ, chẳng còn có thể nhận ra điều gì là tội chăng? Mừng biết mấy nếu lương tâm bạn thuộc loại thứ ba, một lương tâm ngay thẳng, biết gợi lên cảm giác day dứt đích thực mỗi khi bạn lầm đường lạc lối. Nhưng nếu bạn nhận thấy lương tâm mình đang có khuynh hướng của loại đầu tiên, bạn hãy khiêm tốn nhìn nhận điều ấy, siêng năng bàn hỏi với những người đạo đức khôn ngoan và đặc biệt là hãy cầu nguyện, để Chúa trở thành ánh sáng chỉ đường cho bạn mỗi ngày, để Ngài dạy dỗ, giúp bạn tìm về con đường của lương tâm ngay thẳng mà Ngài đã đặt để trong lòng bạn từ thuở ban sơ. Hoặc giả bạn nhận thấy lương tâm mình đang trong nguy cơ của loại thứ hai, đang dần đánh mất cảm thức về tội, vậy bạn hãy xin ơn cảm nhận mình là người có tội. Bạn biết đấy, nhận ra mình là người có tội cũng là một ơn Chúa ban. “Không có ơn Chúa, con người chỉ có thể nói được rằng: Tôi có những giới hạn của riêng tôi, và đây là các lỗi lầm của riêng tôi. Nhưng nhìn nhận mình là người có tội là một chuyện khác. Nghĩa là đứng trước mặt Chúa, Đấng là tất cả, và trình lên Ngài bản thân chúng ta, là hư không. Những khốn cùng của chúng ta, những tội lỗi của chúng ta. Và đúng là một ơn nếu chúng ta xin ơn này.” (Danh Ngài Là Thương Xót – ĐGH Phanxicô) Thêm vào đó, bạn cũng hãy tin tưởng cách mạnh mẽ vào lòng thương xót của Chúa. “Thiên Chúa chờ đợi, Ngài chờ đợi chúng ta chừa cho Ngài dù chỉ là một khe hở nhỏ nhất để Ngài có thể thực hiện sự tha thứ và lòng nhân từ của Ngài trong chúng ta.” (ĐGH Phanxicô)

Lạy Chúa, xin dâng lên Ngài lương tâm của con. Con biết lương tâm con chính là thánh địa linh thiêng, nơi con được mời gọi đến gặp gỡ và lắng nghe Ngài. Ước chi lương tâm con luôn rộng mở đón nhận trọn vẹn Lời của Chúa là chính sự thật, để Ngài dẫn con đi mỗi ngày và mọi ngày trọn đời con. Lạy Chúa, con phó thác nơi Ngài. Amen.

 —-

Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao

Tham khảo: https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-weeks-1-17/seventh-week-ordinary-time/

 
Nhóm Bạn Đường Linh Thao, S.J.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log