Chúa nhật, 19/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Lễ Tro

Cập nhật lúc 10:39 24/02/2020
Suy niệm 1
Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng
Mùa chay bắt đầu bằng Lễ Tro. Phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trở về.
Hãy trở về với Ta. Trong bài đọc I, tiên tri Gio-el nhân danh Thiên Chúa, đã thốt lên:  “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta…”. Chúng ta biết rằng dân Israel đã liên tục bị cám dỗ xa rời Thiên Chúa và một cách nào đó họ bị lạc trong sa mạc. Vì thế, mỗi lần họ xa rời Thiên Chúa, Thiên Chúa lại sai các tiên tri nói với họ: Các người hãy quay lại, hãy sửa đường các ngươi đi cho ngay thẳng, hãy đi theo đường lối của Thiên Chúa, như đứa con hoang đàng trở về nhà Cha mình.
Nhất là hôm nay Thiên Chúa cũng nói với chúng ta: “ Hãy trở về với Ta . Và tiên tri Gioel nói thêm để thúc đẩy chúng ta: “Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại và giàu lòng thương xót”
Tôi phải trở về như thế nào? Bài đọc II nói với chúng ta: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”. Trong năm phụng vụ, Mùa Chay là một tiền tuyến thuận lợi giải thoát chúng ta khỏi ách nặng nề trong tâm hồn.  Khi thực hiện những nỗ lực đầu tiên, chúng ta có thể leo lên rất nhanh. Đó luôn là những bước đầu tiên được cho là có giá trị. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta được Thiên Chúa tạo thành không phải là để dừng lại tại chỗ, mà là để vận động, để đi lên, “làm hòa cùng Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta”.
Phải có con tim! Những năng lực có thể giải phóng chúng ta khỏi mọi nặng nề được biết đến theo truyền thống đạo đức, đó là:
-Cầu nguyện,
-Bố thí hoặc ngày nay gọi là chia sẻ
-Và ăn chay hoặc từ bỏ các chứng nghiện quá dễ dàng của chúng ta, đặc biệt là trong ăn uống. 
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu có một bí quyết đưa chúng ta đến sự giải thoát đích thực: Theo Kinh Thánh, con tim quyết định số phận của con người. 
-Ăn chay kiểu bề ngoài theo quy ước nào đó mà không nối kết với ước muốn cá nhân thực sự để chuyển đổi sâu xa thì cũng chẳng có ích lợi gì. 
-Chính con tim truyền cảm hứng cho chúng ta bằng những cử chỉ đẹp, kín đáo hòa giải giữa chúng ta với những người thân yêu và với Thiên Chúa. Cử chỉ đẹp của bố thí hoặc chia sẻ, thực sự sẽ giải phóng chúng ta khỏi sự phụ thuộc. 
-Con tim cũng truyền cảm hứng cho chúng ta để dành phần tốt nhất trong lời cầu nguyện, "tim kề tim" với Thiên Chúa.
"Dấu chỉ" của tro tàn. Cử chỉ Mùa Chay của chúng ta sẽ không phải là những màn trình diễn, nhưng là dấu chỉ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh đang hoạt động trong chúng ta kể từ khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa tội. Chúng ta đừng sợ nói lên điều đó. Điều đó làm cho chúng ta trở nên thánh. 
Cử chỉ xức tro trên đầu, trước tiên gợi lên một từ mà chúng ta không muốn đối mặt. Nhưng chúng ta đừng quên tro tàn không chỉ là bụi, mà còn là nguồn phong phú cải thiện trái đất sẵn sàng đón nhận một sự sống mới. 
Vì thế, Tro tàn, thể hiện ý nghĩa tích cực:
-Dấu chỉ ý muốn đốt cháy những gì đã bị tê liệt trong chúng ta,
-Nhận thức được sự hữu hạn của đời sống con người, đó cũng là cơ hội chúng ta quý trọng thời gian Thiên Chúa ban và làm phong phú cho sự sống vĩnh cửu.
Chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Chay, và Mùa Chay cũng là mùa xuân. Chúng ta hãy làm cho tâm hồn chúng ta nở bùng lên những chồi non đời sống đích thực…!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa

======================

Suy niệm 2
ĂN NĂN
Có một món ăn các nhà hàng nhiều sao không quen thết đãi, nhưng những quán ăn tôn giáo lại xem như đặc sản của mình. Món ăn ấy người đời không quen thưởng thức, nhưng kẻ có đạo lại tìm đến ăn như một thứ lương thực sớm tối. Món ăn ấy không có trong thực đơn của những đầu bếp trứ danh nhưng luôn gặp thấy trên bàn ăn của Giáo Hội lữ hành. Món ăn ấy đơn giản lắm nhưng lại là món ăn có đầy đủ mọi hương vị chua cay mặn chát ngọt bùi của quá khứ hiện tại tương lai. Món ăn chữa bệnh nhưng đồng thời cũng là món ăn bổ dưỡng tâm linh.
Món ấy là món gì? Thưa đó là món “ăn năn sám hối”, một món ăn màu tím truyền thống của Mùa Chay.
Đó không phải là món ăn mới nhưng luôn có diệu cảm mới dành cho những ai biết ăn đúng cách. Đó không phải là món ăn lạ, nhưng luôn là những phép lạ tâm linh dành cho những ai biết ăn đúng liều lượng. Đó không phải là món ăn đặc sản chỉ thết đãi trong thời gian cao điểm như Mùa Vọng Mùa Chay, mà là món quanh năm ngày tháng mở cửa cho hết mọi người bất kể giàu nghèo lớn bé. Đó không phải là món ăn cầu kỳ trong các nhà hàng quý tộc, mà thực ra là một nhịp cầu vô cùng kỳ diệu dẫn ta ra khỏi tình trạng tối tăm và dẫn ta bước tới đời sống thánh ân. (x. Làm Nụ Hoa Trắng. ĐGM Vũ Duy Thống).
1. Ăn năn sám hối
Trong nghi thức khai mạc Mùa Chay, các tín hữu từ giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân, mọi người đều khiêm hạ nhận lấy một chút tro trên đầu. Người giàu cũng như người nghèo, người già cũng như người trẻ, ai cũng nhận mình là thân phận bụi đất. Nghi thức xức tro thật cảm động, vừa diễn tả lòng sám hối ăn năn, vừa nói lên nguồn gốc tro bụi của đời người. Lần lượt mỗi người, từ cụ ông cụ bà đến trẻ nhỏ bước lên để thừa tác viên rắc tro trên đầu. Nghi thức và cử chỉ ấy giúp con người ý thức thân phận mong manh và giới hạn của mình. “Hãy nhớ ngươi được tạo dựng từ bụi tro, và sẽ trở về với bụi tro”. Đó là lời Thiên Chúa đã phán với Ađam Evà. Đó là lời Chúa nói với từng người khi lên xức tro.
Ý thức thân phận giới hạn mong mong của mình, để làm gì? Thưa là để biết rằng tôi không sống mãi trong cuộc đời này, sớm muộn gì cũng đến lúc tôi trở về với Chúa, và tôi sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về cuộc đời của mình. Con người có sinh có tử, có hợp có tan, có khởi đầu sẽ có kết thúc. Nghĩ về sự chết để mà sống sao cho “đẹp” đời trần thế. Làm sao để tôi sống cuộc đời này cách ý thức hơn, với tinh thần trách nhiệm hơn, để khi đến trước mặt Chúa tôi có thể đến trong niềm vui, chứ không phải trong sự sợ hãi!
Vì thế, cử chỉ xức tro còn hàm chứa một lời mời gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”; hãy nhìn nhận những tội lỗi thiếu sót, những bất tất trong cuộc đời của mình, hãy tỏ lòng ăn năn sám hối và hãy cố gắng để sửa đổi những gì còn thiếu sót đó để sống hợp với thánh ý Thiên Chúa hơn.
2. Năm bước ăn năn (x. Bài giảng lễ Tro 2007, ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).
Mùa Chay là mùa đặc biệt dành cho sự trở về của người biết ăn năm sám hối. Sự trở về này gồm nhiều giai đoạn, phần lớn xảy ra trong nội tâm. Ăn năm sám hối bắt đầu từ nội tâm, từ cõi lòng.
  • Bước đầu tiên của hành trình ăn năn sám hối là ý thức tội lỗi. Trong thâm sâu của cõi lòng, trong nội tâm, chúng ta thấy mình có tội, nhận ra tội lỗi của mình. Chúng ta phán xét chính mình, nhận điều xấu mình đã làm, hay cái tâm địa xấu xa của mình. Đối với nhiều người, bước đầu tiên này đã là khó. Nhiều người trong thời đại hôm nay dù đã làm bao nhiêu điều xấu, vẫn không thấy mình có tội. Họ đã đánh mất ý thức tội lỗi, và đó là nguy cơ lớn nhất của nhân loại ngày nay.
  • Bước thứ hai là sự hối hận, đau buồn, ray rứt trong lòng vì những điều xấu mình đã làm. Sự đau buồn này là một liều thuốc đắng, chữa lành cho vết thương tội lỗi. Sự ăn năn phản tỉnh của một con người sau khi đã lỡ làm điều ác, sẽ làm cho người đó trở nên tốt hơn, sâu sắc hơn.
  • Bước thứ ba là sự gặp gỡ Thiên Chúa trong nội tâm, là một sự gặp gỡ trong tin yêu. Khi đã lỡ phạm tội, nhiều người rất hối hận, vì yêu Chúa. Càng yêu Chúa, chúng ta càng hối hận, càng hối hận chúng ta càng yêu Chúa. Chúng ta gặp gỡ Chúa, thú nhận tội lỗi với Chúa và xin Chúa tha thứ. Chắc chắn Chúa tha thứ và ban lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an. Giai đoạn này Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được Tình yêu và lòng thương xót của Chúa.
  • Bước thứ tư là quyết tâm thú nhận tội lỗi của mình, không những với Chúa, mà còn với Giáo hội. Giai đoạn này, cần phải lướt thắng sự ngại ngùng trong việc xưng tội, nói ra sự thật và tất cả sự thật với cha giải tội là đại diện cho Chúa và cho Hội Thánh. Giai đoạn này cũng rất cần thiết, vì nó biểu lộ sự chân thực của lòng thống hối, tránh cho chúng ta ảo tưởng và sự chủ quan.
  • Bước thứ năm là thực sự sửa đổi đời sống. Sống khác đi, không sống như cũ nữa, không làm điều ác nữa; dứt khoát với tình trạng tội lỗi mà mình đang mắc phải. Giai đoạn này rất khó và đòi hỏi sự hy sinh, sự chiến đấu với chính mình, và sự chiến thắng, làm chủ được chính mình. Chính vì thế mà cần rất nhiều ơn Chúa, cần sự giúp đỡ của những anh chị em đồng đạo với mình.
Để có thể canh tân đổi mới đời sống cách hữu hiệu và bền bỉ, phải cầu nguyện rất nhiều như lời Chúa dạy. Cầu nguyện âm thầm kín đáo trong lòng, chứ đọc kinh bên ngoài thôi chưa đủ. Rồi phải ăn chay, nghĩa là phải nhịn, không chỉ nhịn ăn mà thôi, có khi còn phải nhịn nói, nhịn thỏa mãn sở thích của mình, kiềm hãm tình cảm nóng giận. Và cuối cùng hãy tập làm việc lành, tập giúp đỡ những người nghèo khổ hơn mình.
3. Muốn ăn năn phải hãm mình
Xã hội càng duy vật và giàu có, người ta càng có khuynh hướng quên đi một số quy luật cơ bản của đời sống tinh thần. Quy luật xem ra bị lãng quên nhiều nhất chính là ăn năn sám hối, để rèn luyện ý chí hầu có thể làm chủ bản thân. Trong mọi cuộc đấu tranh, sự đấu tranh với bản thân là gay go hơn cả. Chính vì thế có một số người, sau khi đã đấu tranh thất bại với bản thân thì hoàn toàn nản chí, không còn muốn đấu tranh với chính mình nữa và thường xuyên chiều theo con người hư đốn của mình. Có những người khác, vì không bao giờ đấu tranh với chính mình, nên chỉ dành thời giờ và sức lực để đấu tranh chống tha nhân và ức hiếp người yếu thế.
Mùa Chua là mùa ăn năm sám hối. Mục đích của việc ăn năn sám hối là hãm mình. Hãm con người mình lại, hãm bớt dục vọng, hãm bớt đam mê, hãm bớt thói hư tật xấu, hãm bớt sự tham lam của cải, hãm bớt sự hung hăng gây chiến, hãm bớt lòng tự cao tự đại, hãm bớt cả những sở thích thường nhật. Sự hãm bớt như thế có một tác dụng rất lớn, nếu được thực hành thường xuyên sẽ tạo cho ta một nội lực một sức mạnh giúp ta làm chủ bản thân khi cần thiết. Ðức tính tự chủ dễ nảy sinh và phát triển nơi những con người quen hãm mình. Và chính đức tính ấy làm cho con người thực sự tự do, làm chủ bản thân, không nô lệ chính mình vào bất cứ điều gì. Thoạt nghĩ tới thì sự hãm mình có vẻ là một sự gò bó, giới hạn, cắt xén, làm cho con người không còn được tự do thoải mái. Chính vì thế mà nhiều người trong xã hội hôm nay, kể cả những người có đạo, thậm chí cả những người sống đời tu trì, không thích hãm mình, và hầu như không còn hãm mình nữa. Ðó là lý do của sự xuống dốc về đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội[i].
Giáo Hội biết rõ cứ sự thường người ta không thích hãm mình, nên thường dạy hy sinh đi đôi với sự hãm mình. Hy sinh là tự nguyện chết đi, là thông phần với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, kết hợp với hiến tế thập giá của Ngài. Hy sinh làm những điều mình không thích quả thật là từ bỏ chính mình để bước theo Chúa. Hy sinh là liều mất sự sống, thì sẽ được sống, là đánh mất bản thân, thì sẽ gặp lại bản thân. Hy sinh là chết đi để được vui sống muôn đời. Hy sinh là đi con đường thập giá dẫn tới vinh quang Phục Sinh. Nếu không có động lực nào thúc đẩy thì con người rất ngại hy sinh hãm mình. Nhưng khi có động lực là tình yêu, con người có thể hy sinh dễ dàng. Hãm mình hy sinh không còn là gánh nặng, trái lại còn trở nên nhẹ nhàng cho những ai đang yêu Chúa và yêu những người khác. Chính vì thế mà hãm mình hy sinh thường đi chung với cầu nguyện. Có cầu nguyện, tiếp xúc với Chúa, gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh nhiều thứ, và dễ dàng làm chủ bản thân mình. Đời sống cầu nguyện thường được nuôi dưỡng bằng những hy sinh nho nhỏ trong đời sống thực tế mỗi ngày.
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để cầu nguyện, để ăn năn sám hối để hy sinh hãm mình, nhờ đó mà canh tân bản thân mình ngày mỗi hoàn thiện hơn.
 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
===================== 
Suy niệm 3

MÙA CHAY, MÙA TRỞ VỀ
(Mt 6, 1-6; 16-18)

Mỗi khi Mùa Chay về, Lời Chúa qua miệng ngôn sứ Giôen lại vang lên inh ỏi bên tai chúng ta: "Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van" (Joel 2,12). Phụng vụ lễ ca cũng hát lên những khúc ca không có êm tai chút nào hết, bởi những lời ấy cất lên như túc giục chúng ta: " Hãy trở về, trở về với Cha nhân lành”, vâng, Mùa Chay là Mùa trở về với Chúa".
Phải, không có một hành trình ra đi nào mà không có sự trở về. Sau nhiều năm lưu đày bên Ai-cập, Chúa đã giải thoát Israen và đưa họ về miền đất hứa đầy sữa và mật. Chúa Giêsu xuống thế để cứu chuộc loài người và đã trở về cùng Chúa Cha. Ngài cũng đã nói cho chúng ta biết: "Thầy đi dọn chỗ cho các con. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở". Có chỗ cho mỗi người chúng ta. Đó là hành trình trở về lần sau cùng của tôi, của chị và của anh nơi cõi vĩnh hằng.
Hành trình Mùa Chay năm nay, trước hết ta hãy trở về với chính trở về với con người thật của mình, hầu biết mình, nhận ra, chấp nhận mình, để sửa đổi, tha thứ cho chính mình. Thiết nghĩ, điều quan trọng hơn cả là trở về để nhận ra tình thương vô bờ của Thiên Chúa. Ta không thể cho đi những gì mà mình không có. Cũng thế, ta không thể sửa đổi người khác nếu ta chưa sửa đổi chính mình; và ta cũng không thể trở về với Chúa, và anh chị em nếu ta chưa trở về với bản thân, ta sẽ không nhận được ơn tha thứ trực tiếp của Thiên Chúa nếu ta chưa trở về.
Kế đến ta trở về với tha nhân, và sau cùng là trở về với Chúa qua bí tích Hòa giải, qua thánh lễ, chầu Thánh Thể, qua việc đọc Lời Chúa, cầu nguyện, ngợi khen cảm tạ, và kính sợ Chúa. Chúng ta trở về với cả tâm hồn như lời mời gọi của Chúa hôm nay.
Lời Chúa qua tiên tri Giôen hô vang 2,12-13: "Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng". Thiên Chúa luôn nhìn những gì ở bên trong con người, ngược lại con người thì thường nhìn những gì ở bên ngoài. Hãy trao chiếc áo tâm hồn rách nát, sầu khổ, tội lỗi cho Chúa để Ngài thanh tẩy, chữa lành, và ban tràn đầy ơn cứu độ cho chúng ta.
Hôm nay khai mạc Mùa Chay Thánh, bằng nghi thức làm phép tro và mỗi người nhận tro trên đầu, cùng lúc đó sẽ nghe được một trong hai câu Lời Chúa: Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng, hoặc: Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi (SLRM).
Tro, dù nhỏ nhặt, nhưng nhắc nhở chúng ta một thực tế rằng chúng ta theo đuổi và lo lắng mỗi ngày, chăm chỉ làm việc, muốn chiếm hữu tất cả, nhưng chúng ta sẽ không mang theo được sự giàu có khi từ giã cuộc sống này, chúng ta sẽ không còn gì. Thực tại trần gian biến mất như tro trong gió. Những thứ chúng ta đang có chỉ là tạm thời, quyền lực qua đi, thành công sẽ phai nhòa. Nó giống như một ngọn lửa: một khi lụi tàn, chỉ còn lại tro.
Mùa Chay là thời gian để giải thoát bản thân khỏi ảo ảnh đuổi theo cát bụi. Mùa Chay là giúp chúng ta nhận ra rằng, chúng ta được tạo thành vì Chúa, chứ không phải vì thế gian; vì sự vĩnh cửu của thiên đàng, chứ không phải vì sự lừa dối trần thế; vì tự do của con cái Chúa, chứ không phải để làm nô lệ cho vạn vật.
Ba việc phải làm trong Mùa Chay Thánh là: Ăn Chay, Cầu Nguyện, và Bố Thí vì nó diễn tả ba chiều kích, ba mối tương quan giữa đương sự với Thiên Chúa và với anh em. Tương quan với Thiên Chúa là cầu nguyện, với tha nhân là bố thí và với chính mình là ăn chay. Ba tương quan này đồng hành với nhau và thể hiện cùng một lúc trong đời sống thường nhật của người Kitô hữu.
Để ba tương quan này gắn kết với nhau, điều kiện đã được Chúa Giêsu nói rõ đó là: nội tâm. Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay xuất phát từ sâu thẳm của tâm hồn hướng lên Thiên Chúa và hướng đến anh em, chứ không phải là hình thức bên ngoài. Vì thế, ăn chay, cầu nguyện cũng như bố thì là những việc được làm vì đẹp lòng Chúa, chứ không phải cho người ta thấy.
Chúa đòi hỏi rất rõ ràng và minh bạch. Vậy làm thế nào để thực hiện ba điều Tin Mừng nhắc nhở chúng ta: Ăn chay - cầu nguyện - bố thí.
Những việc đạo đức chúng ta làm hàng ngày quy vào ba điều đó. Không phải Mùa Chay chúng ta vẫn làm. Bằng chứng là chúng ta vẫn cầu nguyện, đọc kinh, dự lễ, lãnh nhận các bí tích là chúng ta cầu nguyện. Các ngày thứ Sáu, Thứ Tư Lễ Tro, Thứ Sáu Tuần Thánh, và các dịp lễ khác chứng ta vẫn ăn chay. Giúp đỡ người nghèo, góp tiền cho người nghèo ăn Tết là bố thí. Nhưng trong Mùa Chay Thánh, chúng ta phải làm những việc bình thường đó với một tinh thần mới mẻ, tinh thần của Đức Kitô, tinh thần của Tin Mừng. Cụ thể, khi chúng ta giúp đỡ người khác, thì phải xem có phải có phải chúng ta khoe khoang, trịch thượng, khinh dể người nghèo không, hay là để cho người khác tuyên dương công trạng của chúng ta. "Điều gì tay mặt làm, đừng cho tay trái biết". Ngay chính bản thân mình, có giúp đỡ, phục vụ, thì cũng đừng có kiểu phô trương để rồi sung sướng. Hãy làm như Chúa đã bảo chúng ta. Một mình Chúa biết mà thôi.
Về cầu nguyện, chúng ta vẫn cầu nguyện, nhưng đôi lúc máy móc, không có tôn vinh Chúa, chỉ nghĩ đến mình, cầu nguyện để như là trình diễn. Nói đến việc ăn chay, phải cụ thể, khổ chế, thân xác phải cảm thấy đói, thèm, thiếu thốn, và chúng ta chấp nhận đói, thèm, thiếu thốn để đền lại tội lỗi chúng ta, để xin ơn Chúa cho chúng ta lướt thắng các cơn cám dỗ.
Vậy thưa anh chị em, vài tâm tình chúng ta cùng nhau gợi lên để có thêm nghị lực trở về với chính mình, về Chúa, với anh em, để sống tốt với Chúa và với tha nhân.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin nâng đỡ những quyết tâm của chúng ta trong suốt hành trình của Mùa Chay Thánh này. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ


 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log