“Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về”.
Kính thưa Anh Chị em,
Giữa lưu đày, qua miệng ngôn sứ Êzêkiel, Thiên Chúa đã nói với dân như thế, “Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về”. Thật trùng hợp, Thánh Gioan hôm nay cũng đã giải thích lời ‘tiên tri’ của thượng tế Caipha theo chiều hướng quy tụ đó, “Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối”. Nơi Chúa Giêsu, lời hứa tự ngàn xưa được thực hiện; lòng Trời nên hiện thực, một lòng Trời muốn quy tụ tất cả về một mối. Vậy mà đọc tiếp Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy, ‘lòng người khác xa lòng Trời!’.
Giữa cảnh lưu đày, Israel vẫn nghe những lời đầy hứa hẹn; rằng, Thiên Chúa sẽ đem họ về, cho định cư trong đất hứa, thanh tẩy mọi tà thần, đặt Đavít làm vua với triều đại bền vững muôn đời, “Này Ta sẽ đem con cái Israel ra khỏi các dân tộc mà chúng đang cư ngụ; từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về quê hương”. Ngài ví mình như người mục tử chăn dắt đoàn chiên; đáp ca hôm nay cũng nhắc lại, “Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình”. Đó là lòng Trời, lòng Thiên Chúa, lòng xót thương, lòng thứ tha. Lòng Trời bao la như thế, nhưng ‘lòng người khác xa lòng Trời’, Tin Mừng hôm nay tiết lộ điều đó; sau khi Lazarô được Chúa Giêsu cho trổi dậy, các thượng tế và biệt phái sợ mất ảnh hưởng, vì thế, họ quyết định giết Ngài.
Cái chết của Chúa Giêsu là cái chết thay, cái chết quy tụ; Ngài quy tụ con cái Thiên Chúa tản mát khắp nơi về với Chúa Cha; Ngài quy tụ trái tim con người về cùng một mối, cùng tôn thờ Thiên Chúa; Ngài quy tụ con cái trong gia đình về với cha mẹ; Ngài quy tụ lòng người về với chân thiện mỹ. Hơn thế nữa, Gioan nói, ‘Chúa Giêsu chết thay để mọi người khỏi chết’. Một cái chết ý nghĩa biết bao! Cuộc đời chúng ta cũng sẽ đầy ý nghĩa và giá trị khi biết tháp nhập vào cái chết của Ngài.
Tuần Thánh bắt đầu ngày mai với Chúa Nhật Lễ Lá, đây là thời điểm Hội Thánh muốn con cái nhìn lên Thập Giá của Đấng chịu đóng đinh để quy tụ mọi người về cho Thiên Chúa. Điều quan trọng là chúng ta nhìn thập giá từ mọi góc độ, để hiểu thấu những gì đã xảy ra; những gì Chúa Giêsu đã trải qua, những gì các môn đệ đã trải qua và ngay cả những gì các thượng tế và người Pharisêu đã trải qua. Chúa Giêsu trải qua những giờ phút yêu thương nhất, Ngài tưởng nhớ đến Cha, tưởng nhớ đến các linh hồn Ngài cứu chuộc, Ngài muốn đưa họ về cùng Chúa Cha, nhận biết Thiên Chúa là Cha của mình; các môn đệ đã trải qua những giờ phút hốt hoảng, họ tản mát, trừ một mình Gioan; giới lãnh đạo Do Thái mà Caipha như người đại diện, với một suy nghĩ vừa xót xa vừa thú vị, vừa đượm buồn vừa mang tính tiên tri. Caipha sợ người ta quy tụ bên Chúa Giêsu và đi theo Ngài; ông bắt đầu lên kế hoạch cho cái chết của Ngài; qua đó, ‘lòng người khác xa lòng Trời’, lòng dạ họ bị phơi trần từ một động lực bên trong không thể che đậy. Điều này cho thấy, những người biệt phái quan tâm đến bản thân và vị thế của họ hơn là về Lẽ Thật. Thật lạ lùng! Nếu giới lãnh đạo quan tâm đến Lẽ Thật, họ sẽ nhìn thấy sự vinh hiển và uy quyền của Thiên Chúa nơi con người vốn ‘quy tụ’ của Chúa Giêsu, để tin nhận và đi theo Ngài. Thế nhưng, họ đã không nuốt trôi niềm kiêu hãnh để làm điều đó; họ không thể buông bỏ chức vụ và quyền hạn. ‘Lòng người khác xa lòng Trời’ là vậy!
Nhà truyền giáo người Anh George Whitefield đã học được rằng, điều quan trọng là quy tụ nhiều linh hồn về cho Chúa hơn là về cho mình, cho người. Ông không nản lòng khi làm sáng danh Chúa khiến kẻ thù của ông ghét ghen, đặt điều vu khống ông. Ngày kia, Whitefield nhận được một lá thư hung ác buộc tội ông. Ông trả lời thật ngắn gọn và nhã nhặn rằng, “Chân thành cảm ơn bạn. Bản thân tôi còn tồi tệ hơn những gì bạn nói về tôi. Với tình yêu trong Chúa Kitô, George Whitefield”.
Anh Chị em,
Như Chúa Giêsu, Whitefield không tìm cách bào chữa; ông quan tâm đến việc quy tụ nhiều người về cho Chúa. Ngắm nhìn thập giá Chúa Giêsu trong những ngày hôm nay, chúng ta thấy đây là dấu chỉ của sự quên mình; dấu chỉ quy tụ. Lắm lúc chúng ta chỉ quan tâm lôi kéo nhiều người về với mình, chứ không phải về cho Thiên Chúa; như giới lãnh đạo thời Chúa Giêsu, chúng ta ghen tị khi người khác trổi trang hơn mình; ghen tị sẽ trở thành đố kỵ; đố kỵ đưa đến tức giận; tức giận đưa đến loại trừ. Như thế, lòng chúng ta quá thế tục, khác xa lòng Chúa, khác xa lòng Trời.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ‘lòng người khác xa lòng Trời’, những ngày Tuần Thánh, xin cho biết mặc lấy ước muốn quy tụ anh chị em con về cho Chúa; để được vậy, xin cho con biết quên mình mỗi ngày”, Amen.