“Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm;
vì việc nào mà các ông ném đá tôi?”.
Kính thưa Anh Chị em,
Càng đến gần Tuần Thánh và thứ Sáu Thánh, chúng ta cảm nhận sự căm ghét người Do Thái dành cho Chúa Giêsu ngày càng gia tăng. Ghét Chúa Giêsu, muốn ném đá Ngài đến chết vì Ngài đã nói thật về căn tính của mình, làm những điều tốt đẹp Chúa Cha dạy là một hành động cực kỳ phi lý; nhưng đây là những gì đã xảy ra, một ‘thực tế phải đối mặt’ của Con Đức Chúa Trời vốn phải mang kiếp phàm nhân để nói cho người trần về Thiên Chúa của nó.
Lạ lùng thay! Càng bị chống đối gay gắt, càng đến gần cái chết, Chúa Giêsu thấy càng phải cấp bách nói cho các lãnh đạo tôn giáo những chân lý của Cha Ngài. Mới nghe qua, nhiều người tưởng như Chúa Giêsu muốn chết. Không! Là con người, Ngài cũng sợ đau khổ và sợ chết nhưng Ngài buộc phải nói tất cả ‘những chân lý cứu sống’ ấy. Đó chính là sứ mạng, cũng là lý do Ngài được sai đến; và đó cũng là ‘thực tế phải đối mặt’ mà Chúa Giêsu nhất định không chịu lùi bước dù phải chết.
Bài đọc Giêrêmia hôm nay cho thấy vị ngôn sứ ‘được’ người đương thời tặng cho cái tên “Lão tứ phía kinh hoàng” vốn cũng có một ‘thực tế phải đối mặt’ như Chúa Giêsu; những người chống đối ông hò hét, “Chúng ta hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó”. Nhưng như Chúa Giêsu, ông không sợ hãi; trái lại, một chỉ cậy trông vào Chúa, “Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng”. Thánh Vịnh đáp ca cũng hoà theo tâm tình của vị ngôn sứ, “Trong cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của tôi”.
Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, sống đúng căn tính và sứ mạng của mình. Như Chúa Giêsu, sống trong thế gian, nhưng chúng ta không thuộc về thế gian; chân chúng ta chạm đất nhưng lòng chúng ta tìm kiếm những thực tại trên trời. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta không thể để thế giới vật chất lôi cuốn mình; không chạy theo những gì mà thế gian mải mê tìm kiếm. Chúng ta không thể sống buông thả như thể không có ngày sau; và đây chính là một cuộc chiến không bao giờ ngơi nghỉ, một ‘thực tế phải đối mặt’ của người môn đệ Chúa Giêsu.
Sự thật của vấn đề là, càng đến gần Chúa, chúng ta sẽ càng gặp sự bắt bớ và thù hận. Thật dễ dàng để nghĩ rằng, nếu chúng ta ở gần Thiên Chúa và cố gắng nên thánh thì mọi người sẽ yêu mến và khen ngợi chúng ta. Không đâu! Hãy nhìn vào Chúa Giêsu, ai gần Thiên Chúa như Ngài, ai thánh thiện như Ngài; thế mà, ‘thực tế phải đối mặt’ của Ngài là chống đối và vu khống gần như hằng ngày. Phải chấp nhận thực tế đó, chúng ta cũng sẽ không hơn gì Ngài.
Đối mặt với thập giá, chúng ta có thể cảm thấy choáng váng, hoảng loạn và sợ hãi. Nhưng hơn lúc nào hết, đây là lúc cần phải mạnh mẽ đứng lên và giữ cho được sự khiêm tốn. Thế nhưng, cần nhận thức sâu sắc về tất cả những gì Thiên Chúa đã phán và tỏ bày, chính điều này sẽ giúp chúng ta có thêm khả năng tin cậy Ngài trong mọi sự. Thật dễ dàng để tin cậy Chúa khi cuộc sống dễ dàng; nhưng thật khó để cậy tin Ngài khi thập giá trở nên một ‘thực tế phải đối mặt’ khá nặng nề.
Đặc trưng của loài cá hồi là lội ngược dòng, chúng sinh ra ở vùng nước ngọt, di cư ra biển, sau đó quay trở lại quê hương để sinh sản, bảo tồn nòi giống. ‘Tên gọi’ của nó nói lên phần nào cuộc hồi hương này; nó phải bơi, phải nhảy liên tục để vượt ghềnh, vượt thác và các dòng nước chảy xiết. Cá hồi, “Salmon” tiếng Anh có gốc từ “Salmo” tiếng Latin, có nghĩa là “nhảy”. Sự di cư hàng năm này cũng là mùa săn mồi béo bở của gấu xám Bắc Mỹ, đại bàng đầu hói, sói bạc… vốn là ‘thực tế phải đối mặt’ của loài cá kỳ lạ này; thế nhưng, chúng vẫn ‘nhảy’ cho các thế hệ sau được sinh tồn.
Anh Chị em,
Nếu tên gọi “Cá Hồi” có một ý nghĩa thú vị nhất định, thì tên gọi “Giêsu” càng có một ý nghĩa tuyệt vời hơn! “Giêsu” có nghĩa là “Cứu Chúa”, một tên gọi đã nói hết ý nghĩa cứu độ. Muốn các thế hệ sau được sinh tồn, cá hồi phải nhảy, phải lội ngược dòng. ‘Cứu Chúa Giêsu’ cũng khát mong nhân loại này được sinh tồn đời đời, Ngài phải nói tất cả sự thật về Chúa Cha, về nguồn gốc và sự sống thật của con người. Và đó là lý do, cũng là ‘thực tế phải đối mặt’ Ngài phải chịu trước các nhà lãnh đạo đương thời, những người đã dành cho Ngài một án tử. Là môn đệ Chúa Giêsu, hiểu được chân lý của Lời Ngài, hiểu được cái chết của Ngài, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc. Chúng ta cũng phải chấp nhận đối mặt với thực tế của bản thân, gia đình và xã hội; chấp nhận ‘lội ngược dòng’, ‘nhảy lên trên’ những suy nghĩ, ước muốn thế tục để sống đúng ơn gọi của con cái Thiên Chúa.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, càng đến gần ngày tưởng niệm cuộc thương khó và cái chết của Chúa, xin giúp con nhìn thấy trong cuộc đấu tranh với thập giá hàng ngày của con sự hiện diện và sức mạnh của Ngài; cho con nhìn thấy mục đích Chúa dành cho con giữa những ‘thực tế phải đối mặt’”, Amen.