Một thuyền trưởng và kỹ sư trưởng của ông tranh luận xem ai là người quan trọng đối với con tàu. Bất đồng, họ đổi chỗ. Kỹ sư trưởng lên cầu và thuyền trưởng xuống phòng máy. Sau vài giờ, thuyền trưởng đột nhiên xuất hiện trên boong, người phủ đầy dầu và bồ hóng. “Trưởng phòng!”, ông hét lên, vung vẩy một chiếc mỏ lết, “Anh phải xuống đó; tôi không thể làm cho nó đi!”. “Tất nhiên”; kỹ sư trưởng trả lời, “Cô ấy bị mắc cạn! Ông không biết ông “là ai và tại sao?”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tuần Bát Nhật Giáng Sinh vừa kết thúc, chúng ta hướng tới sứ vụ mai ngày của Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng hôm nay, Gioan Tẩy Giả là người chỉ cho chúng ta bước đường sứ vụ tương lai của Ngài. Với Gioan, chúng ta cũng bắt đầu bằng hai câu hỏi, “Là ai và tại sao?”.
“Là ai và tại sao?”, đó là hai câu hỏi mà người Do Thái đã đặt cho Gioan; “Ông là ai?”, và “Tại sao ông làm phép rửa?”. Hai câu hỏi này cũng đặt cho mỗi người chúng ta hôm nay. Trước hai câu hỏi này, bạn và tôi hẳn sẽ có một câu trả lời riêng cho chính mình, “Tôi là ai?”, và “Tại sao tôi làm những gì tôi đang làm?”. Trong hai câu hỏi này, câu thứ nhất quan trọng hơn. Bởi lẽ, cách tôi trả lời câu hỏi thứ nhất sẽ quyết định cách tôi trả lời câu hỏi còn lại; chúng ta làm những gì chúng ta làm vì chúng ta hiểu bản thân mình là ai.
Trước hết, Gioan tự biết mình không phải là ‘một ai đó’ như dân chúng nghĩ. Bằng một loạt phủ nhận, Gioan trả lời họ, “Tôi không phải là Đấng Kitô”, “Không phải là Êlia”, “Cũng không phải là một ngôn sứ!”. Gioan vô cùng khiêm nhượng; Gioan tự biết mình là ai, chỉ là một tiếng kêu, một tiếng gióng, một người dọn đường. Vì biết mình là ai nên Gioan có thể dễ dàng trả lời câu hỏi thứ hai, “Tại sao ông làm phép rửa?”. Gioan làm phép rửa để hướng dân đến với Đấng đang “ở giữa các ông mà các ông không biết”, Đấng mà Gioan không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài. Điều Gioan thừa nhận là bằng chứng cho sự khiêm tốn của Gioan. Nhưng trớ trêu thay, chính sự thừa nhận khiêm tốn của Gioan lại khiến Gioan trở nên tuyệt vời và vĩ đại!
Bạn có muốn trở nên tuyệt vời không? Tự thâm tâm, tất cả chúng ta đều muốn như thế. Mong muốn này đi đôi với mong muốn hạnh phúc bẩm sinh của mỗi người. Chúng ta muốn cuộc sống mình có ý nghĩa và mục đích, và chúng ta muốn tạo nên một sự khác biệt. Vì thế, câu hỏi “Là ai và tại sao?” trở nên quan trọng. Từ góc độ thế gian, sự vĩ đại thường đồng nghĩa với thành công, giàu có, quyền lực… Nhưng từ góc độ thiêng liêng, sự vĩ đại đạt được bằng cách khiêm nhường dâng cho Chúa vinh quang lớn nhất mà mỗi người có thể có trong cuộc sống mình.
Anh Chị em,
“Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết!”. Để có thể nói cho những người khác Chúa Giêsu đang ở giữa họ, bạn và tôi phải trả lời hai câu hỏi, “Là ai và tại sao?”; nói cách khác, chúng ta biết mình là ai và đang làm gì. Câu hỏi “Tôi là ai?” có thể được trả lời theo nhiều cách; tuy nhiên, căn bản hơn, câu trả lời của chúng ta phải là, “Tôi là môn đệ Chúa Giêsu!”. Mỗi ngày, tôi được mời gọi để sống căn tính đó. Căn tính của tôi với tư cách môn đệ Giêsu sẽ định hình tất cả những gì tôi làm; và đó là lý do tại sao tôi đang làm những gì tôi đang làm. Và sẽ không phải lúc nào cũng có sự tương ứng hoàn hảo giữa tôi là ai và tôi làm gì. Lời mời gọi mỗi ngày của Chúa Giêsu là để con người tôi với tư cách là môn đệ của Ngài uốn nắn mọi việc tôi làm. Là môn đệ Giêsu, bạn và tôi phải sống sao cho Ngài được nhận biết như Gioan đã nói với người đương thời,
“Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết!”. Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, không có Chúa, con không là gì cả. Xin giúp con biết con là ai, một tội nhân, để con có thể chia sẻ vinh quang và lòng thương xót của Chúa cho anh em con!”, Amen.