“Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con!”.
John Wesley nói, “Hãy cho tôi 100 người yêu mến Thiên Chúa hết lòng và không sợ hãi gì, ngoài tội; tôi sẽ đem cả thế giới về cho Chúa Kitô!”. Đó là những con người yêu thương, phục vụ cho đến chết mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’.
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu đem ý tưởng của J. Wesley áp dụng vào lời dạy củaChúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, thì một câu hỏi rất bất ngờ có thể được đặt ra, “Như vậy, tình yêu có thể bị điều khiển?”. Đức Bênêđictô XVI trả lời, “Không!”. Ngài giải thích, tình yêu không đơn thuần là một tình cảm; nó là một hành động của ý chí. Khi ý chí con người ‘hành động trùng khớp’ với ý chí của Chúa Kitô, nó có thể yêu như Ngài yêu mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’.
Trong thông điệp Deus Caritas Est, Bênêđictô viết, “Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta một cảm giác mà bản thân chúng ta không có khả năng tạo ra!”. Chúng ta không thể được ra lệnh “phải thích” ai đó, hoặc “phải lòng” ai đó; nhưng chúng ta có thể “chọn yêu” kẻ thù của mình! Quan trọng hơn, một khi cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, thì chính niềm vui “được yêu” đó sẽ cởi trói con tim mỗi người, khiến chúng ta muốn đáp lại tình yêu Ngài. Vậy mà, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước! Một khi cảm nghiệm tình yêu của Ngài dành cho chúng ta như một thực tại liên lỉ mỗi khi lãnh nhận các Bí Tích; hay mỗi lần suy gẫm về một sự thật rằng, Ngài “đang giữ” cho chúng ta tồn tại, thì những trải nghiệm cá nhân này cho phép chúng ta hiểu được tình yêu và muốn chia sẻ nó, bằng cách yêu như Chúa yêu mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’.
Đức Thánh Cha nói thêm, tình yêu thương dẫn đến “một cộng đồng ý chí và suy nghĩ”. Tôi muốn biết bạn tôi đang nghĩ gì và mong muốn gì để tôi có thể chia sẻ những suy nghĩ đó và thậm chí, thoả mãn những mong muốn đó! “Câu chuyện tình yêu giữa Thiên Chúa và con người bao gồm một thực tế là, sự hiệp thông ý chí càng tăng lên thì sự hiệp thông về tư tưởng và tình cảm cũng tăng lên; do đó, ý chí của con người và ý muốn của Thiên Chúa sẽ ‘ngày càng trùng khớp!’. Từ đó, ý muốn của Thiên Chúa đối với tôi, không còn là một ý chí xa lạ; không còn là một cái gì đó áp đặt lên tôi như một mệnh lệnh hoặc giới răn. Bởi lẽ, lúc bấy giờ, nó đã là ý muốn của tôi; vì tôi nhận biết rằng, Thiên Chúa thực sự hiện diện với tôi, sâu sắc hơn tôi đối với chính tôi”.
Tình yêu thương dẫn đến “một cộng đồng ý chí và suy nghĩ” đó đã thể hiện trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay. Các tông đồ đã đồng tâm nhất trí, “không đặt thêm một gánh nặng nào khác” cho người trở lại, nghĩa là họ không cần phải “cắt bì”, ngoài “mấy điều cần kíp” phải giữ. Nhờ đó, các tín hữu sơ khai hớn hở thưa lên, “Lạy Chúa, trước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ” như Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ; và như thế, với sự dẫn dắt của Thánh Thần, các tông đồ đã cư xử cách yêu thương mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’.
Anh Chị em,
“Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con!”. Mệnh lệnh của Chúa Giêsu, mới nghe qua, xem racũng khá dễ dàng; nhưng, trong thực tế, rất khó! Bởi lẽ, phải yêu như Chúa Giêsu yêu, chúng ta mới có thể sống được điều Ngài dạy. Ngài yêu thương từng người chúng ta trước bằng một tình yêu ‘không thể đo lường’; Ngài yêu mỗi người mà ‘không cần phân biệt’ tốt xấu; Ngài yêu chúng ta đến nỗi hiến trao cả thân mình mà ‘không sợ mất mát!’. Như thế, chỉ khi nên một với Chúa Kitô, sống trong Lời Ngài, ý chí chúng ta hành động ‘trùng khớp với ý chí’ của Ngài, con tim của chúng ta cùng nhịp với con tim Ngài, lúc đó chúng ta mới có thể yêu như Ngài yêu mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đánh thức sự hiểu biết của con về tình yêu Chúađang bao phủ đời con. Hãy để sự thật này truyền cảm hứng cho con, hầu con có thể yêu như Chúa yêu, mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’”, Amen.