Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tình yêu đích thực thì hành động và giao tiếp
Cập nhật lúc 11:07 11/05/2015
Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta - RV
(WGPHH) Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện của nhà lưu trú Santa Marta trong Vatican vào thứ Năm vừa qua (7.5). Trong bài giảng sau khi công bố lời Chúa, Đức Thánh Cha đã tập trung vào đặc tính cụ thể và lan tỏa của một tình yêu đích thực.
Tình yêu đích thực thì thực tế và kiên định
Trong bài đọc Tin Mừng, trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 15, 9-11), Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ở lại trong tình yêu của Người. “Đây là hai tiêu chuẩn”, Đức Giáo Hoàng nói, “sẽ giúp chúng ta để nhận ra một tình yêu đích thực, tách khỏi hai tiêu chuẩn đó thì không phải là tình yêu thực sự.” Tiêu chuẩn đầu tiên của tình yêu này là, “hành động nhiều hơn là nói xuông”, đó không phải là “một màn trình diễn” hay “một sự tưởng tượng,” không phải kiểu là “làm cho trái tim chúng ta rung động một chút trong chốc lát, nhưng ngoài ra không có gì hơn.” Tình yêu đích thực là, “những sự kiện thực tế.” Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ của Người “không phải tất cả những ai nói với Thầy: “Lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời đâu, nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha trên trời mới được vào.”:
“Nói một cách khác, tình yêu thật thì thực tế, nó nằm trong những hành động mà nó thể hiện, nó là một tình yêu chung thủy hay kiên định. Tình yêu đó không chỉ là một sự hăng hái nhiệt tình. Hơn nữa, rất nhiều trường hợp, tình yêu là một thứ đau đớn, vất vả: chúng ta nghĩ về tình yêu của Chúa Giêsu mang lấy Thánh Giá. Nhưng những việc làm cụ thể của tình yêu mà Chúa Giêsu dạy chúng ta trong các thông điệp rút từ chương thứ 25 của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Chúa Giêsu, Người yêu thương dạy ta làm những việc này, những việc mà vì nó chúng ta có thể bị phán xét: Xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn,… và các điều khác nữa. Rõ ràng: ngay cả những Mối Phúc Thật, mà có thể coi là “chương trình mục vụ của Chúa Giêsu”, cũng rất là cụ thể.”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý rằng một trong những lạc thuyết đầu tiên trong Đạo Kitô Giáo là thuyết Ngộ Đạo, thuyết này đề cập tới một “Thiên Chúa xa cách” để rồi Người không có thực chất. Tình yêu của Thiên Chúa Cha, trong một cách khác, “là cụ thể: Người đã sai Người Con bằng xương bằng thịt đến để cứu độ chúng ta.”
Các Nam Nữ Tu Sĩ giao tiếp…
“Tiêu chuẩn thứ hai của tình yêu”, ngài nói tiếp, “là sự giao tiếp của nó, nó không ở trong sự cô lập. Tình yêu trao ban chính mình và lãnh nhận, đó là sự giao tiếp giữa Chúa Cha và Chúa Con, một sự giao tiếp đó là Chúa Thánh Thần”:
“Thật không có một tình yêu nào mà không có sự giao tiếp, không có một tình yêu cô lập. Vài người trong anh em có thể tự hỏi rằng: ‘ Nhưng thưa cha, các Tu sĩ nam nữ họ sống cô lập.’ Nhưng họ có giao tiếp…và họ thực hành việc giao tiếp đó rất nhiều: giao tiếp với Thiên Chúa, giao tiếp ngay cả với những ai đang đi tìm một lời nói của Chúa… Tình yêu đích thực không thể tự cô lập chính nó. Nếu nó là một tình yêu cô lập, thì nó không phải là tình yêu. Tự khép kín trong chính mình là một hình thức tâm linh vị kỉ, chỉ tìm kiếm những lợi ích cho riêng mình…đó là sự ích kỉ.”
Đơn giản, nhưng không dễ dàng bởi lẽ tính ích kỉ luôn lôi kéo chúng ta
Tiếp theo, Đức Thánh Cha nói rằng: “lưu lại trong tình yêu của Chúa Giêsu có nghĩa là thực hành các công việc,” đó là, “một khả năng để giao tiếp, để đối thoại, cả với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta.”:
“Nó thật đơn giản như thế: nhưng nó không hề dễ dàng. Bởi vì tính ích kỉ, quyền lợi cá nhân lôi kéo chúng ta, và dẫn chúng ta đến việc chẳng làm gì hết, dẫn chúng ta đến việc không giao tiếp. Thiên Chúa nói gì với những ai sẽ ở lại trong tình yêu của Ngài? ‘ Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở lại trong anh em và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.’ Chúa Giêsu vui mừng vì Người ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, ‘và nếu anh em ở lại trong tình yêu của Thầy, niềm vui của anh em sẽ trở nên tràn trề’- một niềm vui thường đi kèm với Thập giá. Nhưng niềm vui ấy- chính Chúa Giêsu đã nói với chúng ta- không một ai có thể lấy đi khỏi chúng ta.”
Đức Thánh Cha kết lại bài giảng của mình với lời cầu nguyện: “Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của niềm vui, niềm vui mà thế gian không thể ban tặng cho chúng ta.”
Giuse Nguyễn Ngọc Bích
Dịch từ
http://en.radiovaticana.va/news/2015/05/07/pope_francis_true_love_works,_communicates/1142352 truy cập ngày 8.5.2015