Thứ tư, 15/01/2025

Đến như Thiên Chúa mà hãy còn mơ

Cập nhật lúc 17:20 21/08/2020
“Các ngươi sẽ biết Ta là Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ khá thú vị khi bảo Lời Chúa hôm nay nói đến những giấc mơ, giấc mơ của Chúa, giấc mơ của người. Êzêkiel mơ về một Israel được Thiên Chúa phục hồi như các xương khô ngoài cánh đồng chết được Chúa hồi sinh; Chúa Giêsu mơ về một giấc mơ của Thiên Chúa, rằng, con người sẽ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu anh em như chính mình. Con người mơ, không lạ; nhưng đến như Thiên Chúa mà hãy còn mơ, điều này khá lạ.
Với con người, một cái gì đó được gọi là mơ vì nó không thể xảy ra, khó có thể xảy ra hoặc hiếm khi xảy ra; nhưng gọi là mơ, vì nó luôn luôn là một điều đáng mơ ước. Ấy thế, giấc mơ rồi đây, Thiên Chúa sẽ phục hồi Israel của Êzêkiel đã thành hiện thực; Người đã tha thứ, đã đem dân về, cho định cư trên đất để dân sống trong niềm kính sợ và nhận biết Người. Giấc mơ của Êzêkiel về những bộ xương khô ở thung lũng chết được hồi sinh tiên báo điều Thiên Chúa sẽ làm cho dân, “Hỡi dân Ta, này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi, Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi mồ và dẫn các ngươi vào đất Israel”; “Các ngươi sẽ được sống; Ta sẽ cho các ngươi an cư trên đất các ngươi, để các ngươi biết rằng, Ta là Chúa”. Quyền năng từ trái tim yêu thương của Thiên Chúa đã khiến một giấc mơ như không thể trở nên có thể; Thiên Chúa làm được tất cả chỉ vì Người quá nhân từ, quá xót thương.
Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến giấc mơ của Thiên Chúa khi vị thông luật hỏi Ngài đâu là giới răn trọng nhất. Ngài đọc thuộc lòng ‘khổ thơ mơ’, “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”; “Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi”. Để nghe, để nói, để giảng hùng hồn khổ thơ mơ này quả thật quá dễ; nhưng để sống nó triệt để như Chúa muốn thì đây quả là mơ giữa ban ngày, vì lẽ, đây là những đòi hỏi của tình yêu.
Từ thời cổ đại La Mã, thuở ‘thành đô vĩnh hằng’ Rôma ra đời, nghĩa là vào thế kỷ thứ 8 trước Chúa Giêsu, nhà sử học Sallust đã nói về nội dung đích thực của tình yêu như thế này, ‘Cùng ao ước một điều và cùng không ao ước một điều; người này trở nên giống người kia; và điều này đưa đến một sự hiệp nhất của ý chí và tư tưởng’. Suy tư này muốn nói, yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn là ý muốn của con người sẽ nên một, sẽ đồng nhất, sẽ trùng khớp với ý muốn của Thiên Chúa; và như vậy, yêu mến Thiên Chúa đích thực là trở nên giống Người. Đây cũng là giấc mơ của Thiên Chúa, vì khi tạo dựng, Người đã nói, “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta”, Người mơ ước con người được nên giống Đấng tạo thành mình. Nên giống Thiên Chúa là xót thương như Chúa, thứ tha như Chúa, nhân từ như Chúa; bởi thế, yêu mến Thiên Chúa luôn luôn đi cùng yêu thương tha nhân. Lòng thương xót đã biến đống xương khô thành người sống; biến tội nhân thành thánh nhân; biến bất xứng thành rất xứng. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay quả là một lời ngợi khen đúng đắn, “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ; muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương”.
Nên giống Thiên Chúa đòi hỏi con người nhận biết Thiên Chúa là ai. Người là tình yêu, hằng sống, tạo dựng con người để nó sống, yêu và được yêu; để Người yêu nó và nó yêu Người. Nó hư hỏng, Người cứu chữa, tha thứ và xót thương. Nên giống Thiên Chúa dẫn đến việc tín thác tuyệt đối vào Người; đồng thời, nhận biết lửa Thánh Thần của Người đang biến đổi, đang làm những điều lớn lao bên trong nó. Điều này sẽ thôi thúc nó yêu thương đồng loại như Chúa yêu nhờ sự trợ giúp và sức mạnh của Thánh Thần. Các thánh là những người đã nên một với Thiên Chúa, tan biến trong Chúa, các ngài đã làm cho những giấc mơ của Thiên Chúa trở thành hiện thực.
Một dòng suối từ đỉnh núi chảy xuống đồng bằng cho đến khi chạm phải một sa mạc. Tại đây, nó nhận ra mình bắt đầu hao tổn và bốc hơi. Dù vậy, suối vẫn quyết tâm băng qua sa mạc. Nó nghe một tiếng thì thầm, “Nếu muốn, con có thể băng qua sa mạc, ta sẽ giúp”. Suối giận dữ, “Tôi đâu cần ai”; nhưng tiếng nói vẫn tỏ ra kiên nhẫn, “Ta sẽ mang con đi, dĩ nhiên là con phải tan biến trong ta”. Miên man suy nghĩ, suối vẫn chưa hiểu tại sao phải tan biến. Điều gì bảo đảm nó sẽ tìm được bản thân? Tiếng ấy lại cất lên, “Ta là gió, chỉ cần con tin ta, không cách nào khác; con không thể băng qua sa mạc mà không nên giống ta. Nếu con chịu tan biến để ta mang đi thì bên kia, con sẽ hiện nguyên hình. Còn nếu cứ chần chừ ở đây, con cũng sẽ đánh mất chính mình”. Thế là suối chấp nhận biến thành hơi nước để gió mang đi. Khi cả hai đến đầu ngọn núi bên kia, gió để cho nó rơi xuống, rơi xuống từ từ thành những giọt mưa và không mấy chốc… suối gặp lại chính mình, xinh đẹp hơn, sạch trong hơn.
Anh Chị em,
Câu chuyện nên thơ muốn nói lên rằng, hạnh phúc của con người chỉ có thể được tìm thấy khi nó biết nên giống Thiên Chúa, tan biến trong Người. Biết mơ như Thiên Chúa mơ và giấc mơ sẽ thành hiện thực một khi nó nên giống Người nhờ sức mạnh của ân sủng. Vì với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con mơ thật nhiều: mơ con được hồi sinh, mơ con biết yêu Chúa, mơ yêu cả anh em; đang khi, Chúa chỉ mơ một điều, con nên giống Chúa. Xin ban cho con ân sủng của Thánh Thần, để Ngài dạy con biết làm cho giấc mơ của hai chúng ta trở thành hiện thực”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hành hương thời Tân ước - Phần 1: Đức Giêsu hành hương lên thánh địa
Hành hương thời Tân ước - Phần 1: Đức Giêsu hành hương lên thánh địa
Biến cố lớn nhất trong giai đoạn ẩn dật là khi Đức Giêsu ở lại đền thờ Giêrusalem khi Người 12 tuổi (Lc 2,41-52). Đây là độ tuổi theo người Do Thái là khá trưởng thành về mặt đức tin.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log