“Nếu ông là Đức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”;
Chúa Giêsu đáp, “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin”.
Khi Gôliát tiến ra nghênh chiến với dân Chúa, tất cả binh lính Israel đều nghĩ, “Nó quá khổng lồ, không tài nào chúng ta có thể giết hắn được”; thế nhưng, với sức mạnh của Chúa; vân vê hòn đá trong tay, Đavít lại nghĩ khác, “Thật may! Nó khổng lồ, tôi không thể bỏ lỡ vận may vì bắn trượt!”. Một ý nghĩ tuyệt vời nơi ‘người của cõi trên!’.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay cũng nói đến một điều gì đó ‘lỡ làng’ nơi những người Do Thái đến gặp Chúa Giêsu. Họ đến trong bối cảnh Ngài đang nói với dân chúng giáo huấn độc đáo về chính Ngài là một Mục Tử Nhân Lành. Những người này yêu cầu Chúa Giêsu “nói rõ” về việc Ngài có phải là Đấng Kitô không. Thú vị thay! Ngài không trả lời trực tiếp, thay vào đó, Ngài nói, Ngài “đã nói” với họ rồi. Họ không biết, chỉ vì họ không tin; họ không nghe, chỉ vì họ không thuộc đoàn chiên của Ngài. Họ ‘đã bỏ lỡ và bị bỏ lại’; ‘bỏ lỡ’ những gì Ngài đã nói, ‘bị bỏ lại’ trong sự rối bời và nhầm lẫn.
Sự việc này bất ngờ tiết lộ cho chúng ta một điều là, Thiên Chúa “đã nói” với chúng ta rất nhiều ‘theo những cách rất riêng’ của Ngài, không nhất thiết ‘theo cách chúng ta muốn’. Ngài nói một ngôn ngữ thần bí, sâu lắng, nhẹ nhàng và ẩn khuất; tiết lộ những mầu nhiệm sâu xa nhất cho những ai khiêm tốn học biết ngôn ngữ của Ngài. Với ai không hiểu ngôn ngữ của Ngài, họ tưởng Ngài ‘chưa nói hoặc không nói’, nên ‘đã bỏ lỡ và bị bỏ lại’; để rồi, nhầm lẫn và rối bời.
Phần chúng ta, nếu đã từng bối rối, nhầm lẫn về một kế hoạch Thiên Chúa dành cho mình, thì có lẽ, đã đến lúc, chúng ta cần xét lại cách thức lắng nghe thận trọng những điều Ngài nói đến mức nào. Chúng ta có thể cầu xin Chúa, cả ngày lẫn đêm “nói rõ” cho chúng ta những gì Ngài muốn; nhưng đừng quên, Ngài sẽ chỉ nói ‘theo cách Ngài đã thường nói’. Và chúng ta chỉ hiểu được Ngài ở mức độ sâu sắc nhất, bằng những lời ‘cầu nguyện đầy lửa’ của mình; không có cách nào khác.
Dĩ nhiên, cầu nguyện khác với việc ‘nói những lời cầu nguyện’. Cầu nguyện, cuối cùng, là tương quan của một tình yêu đối với Thiên Chúa. Cầu nguyện là thông hiệp ở một cấp độ, một chiều kích sâu thẳm nhất; là một tác động của Thiên Chúa trong tâm hồn; qua đó, Thiên Chúa mời gọi chúng ta kính tin Ngài, bước theo Ngài và yêu mến Ngài. Lời mời gọi này liên tục được đưa ra cho chúng ta, nhưng rủi thay, chúng ta thường không nghe, không thấy vì chúng ta không thực sự cầu nguyện; ‘cầu’ thì có, nhưng có lẽ, ‘nguyện’ thì không. Vì thế, lắm lúc, chúng ta ‘đã bỏ lỡ và bị bỏ lại’.
Sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay kể, các Kitô hữu thời các tông đồ đã không ‘bỏ lỡ’ nên không ‘bị bỏ lại’. Họ kịp nhận ra sự hiện diện của Đấng Phục Sinh ở những nơi họ đến; họ lắng nghe Ngài và làm theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cái chết của Têphanô, họ tản mát đến Cyprô, Xyrênê và Antiôkia; rao giảng cho người Do Thái, Hy Lạp; Barnaba cộng tác với Phaolô. Và “Chính tại Antiôkia, các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu”; đúng như lời tiên báo hoan hỷ của Thánh Vịnh đáp ca, “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa!”; và như thế, sẽ không ai ‘đã bỏ lỡ và bị bỏ lại’.
Anh Chị em,
Thật may mắn khi chúng ta được ở trong đoàn chiên của Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành; được dẫn dắt bởi Thần Khí của Ngài qua các đấng bậc trong Hội Thánh, hiện thân của Ngài; qua các ngài, Thiên Chúa không ngừng dẫn dắt và nói với chúng ta để chúng ta bước đi theo Ngài. Thế nhưng, không phải lúc nào đồng cỏ cũng ở trước mặt; đúng vậy, lắm lúc đồng cỏ nằm khuất sau phía chân đồi, một ngọn đồi có tên là “Canvê” mà chúng ta phải vượt qua. Hãy can đảm và tin tưởng bước theo Thần Khí. Ngài không bao giờ dẫn chúng ta đi lạc, chẳng bao giờ để chúng ta đói khát, cô đơn hay thất vọng vì Ngài đang đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường. Đừng bao giờ ‘bỏ lỡ’ cơ hội vượt qua ‘đồi Canvê đời mình’, và chúng ta sẽ không bao giờ ‘bị bỏ lại’. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta coi lại cách thức chúng ta cầu nguyện; ở đó có ‘đầy lửa’ không, hay đang ‘hâm hẩm; nóng không nóng, lạnh không lạnh’, một điều gì đó mà Thiên Chúa không bao giờ ưa thích.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con học biết lắng nghe Ngài bằng cách yêu mến việc cầu nguyện; nhờ đó, đức tin của con trưởng thành hơn mỗi ngày; và như thế, không bao giờ con ‘đã bỏ lỡ và bị bỏ lại’ vì không kịp nhận ra Ngài”, Amen.