Chúa nhật, 12/01/2025

Các Bài Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Cập nhật lúc 08:57 06/01/2018
Suy niệm 1
Đây là con Ta Yêu Dấu
------------------------------------------
Hôm qua chúng ta mừng lễ Chúa Hiển Linh, có nghĩa là Chúa Kitô tỏ mình ra cho những người dân ngoại. Và hôm nay, qua việc lãnh nhận phép Rửa của Gioan tại sông Giordan, Chúa Kitô được bày tỏ ra cho Gioan và tất cả những ai ở cùng Người. Ngày lễ hôm nay nói với chúng ta về vai trò của Chúa Thánh Thần. Kinh Thánh dạy: Chúa Thánh Thần can thiệp vào tất cả các biến cố trọng đại trong lịch sử cứu độ: “Khi Chúa Giêsu vừa chịu phép rửa xong, người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần Chúa như chim bồ câu ngự xuống trên mình”.
Sách bổn cũng đã dạy chúng ta: “từ khi ông bà nguyên tổ phạm tội thì cửa Thiên Đàng đóng lại, nếu không có công nghiệp Đấng cứu thế, thì không ai được lên Thiên Đàng”.
Đúng vậy, tiên tri Isaia đã kêu cầu Thiên Chúa phá tan sự im lặng và từ trời xuống: “Ôi! Nếu Chúa mở tung bầu trời và ngự xuống”. Isaia nghĩ rằng có một bức tường ngăn cách giữa Thiên Chúa và chúng ta. Từ khi Adam và Eva nghi ngờ và sợ Thiên Chúa, Kinh Thánh viết: “Adam thưa với Thiên Chúa: Tôi nghe thấy bước đi của Ngài trong vườn. Tôi sợ và tôi đã lẩn trốn”, thế giới của chúng ta như là ngục tù và con người phải ở đó.
Khi Chúa Giêsu sinh ra và chịu phép Rửa, trời mở ra và Thiên Chúa ở cùng chúng ta, thời gian chờ đợi của Cựu ước đã chấm hết… Chúa Giêsu tiến hành một cuộc mở tung vũ trụ đóng của chúng ta. Ngài cho chúng ta được hiệp thông với thế giới thần linh. Thay vì bị đóng trong cái tôi ích kỷ, chúng ta được mời gọi mở ra cho người khác và cho Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa, ngài không có tội gì. Nhưng Người muốn mặc khải cho chúng ta sứ mệnh của Ngài là bình đẳng với tất cả chúng ta, bằng cách nhập vào đoàn các tội nhân đến lãnh nhận Phép Rửa của Gioan Tẩy giả.
Trong dòng sông Giordan, Chúa Giêsu mặc khải sự bình đẳng sâu xa của Thiên Chúa. Ngài không nhìn chúng ta như là người mắc bệnh dịch. Nhưng Ngài nhìn chúng ta như những người bị thương tổn, ốm đau mà Người rất lo lắng và chỉ muốn chữa lành. Người là Mục tử tốt lành đi tìm con chiên lạc. “Người không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói”. Người nhập thể để trở nên Đấng Mesia khiêm nhường, bình đẳng và anh em với chúng ta.
Người nối lại với chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Người nói: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng… vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường và tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Và đoạn tin mừng khác viết: “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.”
Khi Chúa Giêsu chịu phép Rủa, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu và Chúa Cha mặc khải cho chúng ta biết Chúa Giêsu là con Yêu Dấu của Người. Ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hồi tâm suy nghĩ về phép Rửa của mình. Phép Rửa là một cuộc giải phóng chúng ta khỏi quyền lực của ma quỷ và của tiền tài. Phép rửa mời gọi chúng ta chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa vì Người giải phóng chúng ta khỏi mọi nô lệ của quyền lực xấu.
Trong một bài giảng tại nhà nguyện thánh Martha, Đức Giáo hoàng Phanxico đề cập đến những nguyên nhân làm cho con tim chúng ta đóng lại:
- Gặp phải kinh nghiệm đau thương nào đó trong đời như hai môn đệ trên đường Emmau. Họ sợ phải thất vọng lần nữa.
- Xây dựng một thế giới cho chính mình: tự kiêu tự mãn, tưởng rằng mình giỏi hơn người khác, tự cho mình là đủ là mẫu mực rồi mà không biết mở ra. Tự say mê trong chính mình, họ đạo của mình, cộng đoàn của mình và giáo xứ của mình.
- Tâm lý bất an chỉ lo giữ lề luật và quy định theo từng chữ để được an toàn hơn. Những ai như vậy đều như những người ở trong tù.
Khi con tim đóng lại, thì sẽ không còn tự do và không mở ra cho Thiên Chúa và cho người khác. Không còn tự do, là vì không có khả năng yêu thương. Không có khả năng yêu thương thì luôn sợ hãi. Sợ hãi có điều gì đó đau thương hay buồn sầu có thể xẩy ra. Cuộc sống như vậy thì luôn luôn nặng nề và buồn chán.
Đức giáo hoàng nhấn mạnh: “Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dạy chúng ta biết yêu thương và giải thoát chúng ta khỏi con tim khô cứng của mình. Chúng ta có thể học ngàn khóa giáo lý, đọc kinh suốt ngày, hằng ngàn khóa huấn luyện tu đức.. Tất cả những thứ đó tự nó không có thể mang lại cho chúng ta sự tự do làm con yêu dấu của Thiên Chúa. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể xua tan, bẻ gãy con tim khép kín và khô cứng của chúng ta và làm cho con tim của chúng ta trở nên mềm mại”.
Lạy Chúa Giêsu, ngày Chúa chịu phép Rửa để bước vào cuộc đời công khai, Chúa đã đựơc Chúa Thánh Thần ban thêm sức mạnh và lúc đó trời mở ra. Xin Chúa tiếp tục ban Thánh Thần Chúa cho chúng con để chúng con cũng biết mở ra cho những người xung quanh chúng con, nhất là những người nghèo khổ và tật nguyền. Khi đó, chúng con cũng được Chúa Cha công bố: mỗi người chúng con cũng là Con yêu dấu của Chúa Cha và đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng. Amen.
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

==========================
Suy niệm 2
 Chúa Chịu Phép Rửa, Cả Trần Gian Được Thánh Hóa
(Mc 1, 7 - 11)
Tiếp theo lễ Chúa Hiển Linh, Phụng vụ của Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, kết thúc mùa Giáng sinh. Lễ này đã được các Giáo phụ quan tâm đặc biệt ngay từ những thời kỳ đầu, vì tầm quan trọng đặc biệt có tính cổ thời của nó. Đây là lễ được mừng sớm nhất, chỉ sau lễ Phục sinh, vì nó bao hàm lời rao giảng của các Tông Đồ, là điểm khởi hành cho tất cả những việc mà các Tông Đồ phải làm chứng cho (x. Tđcv 1, 21-22; 10, 37-41). Thứ đến, đây là lần đầu tiên, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải một cách đầy đủ và rõ ràng. Lý do nữa là phép rửa của Chúa Giêsu nơi sông Giordan loan báo trước cho phép rửa bằng Máu của Chúa trên Thập Giá, và tượng trưng cho toàn bộ những hoạt động có tính cách bí tích của Ðấng Cứu Thế. Để thực hiện ơn cứu rỗi nhân loại, Ngài đặt mình vào hàng ngũ các tội nhân, mặc dù Ngài là Đấng vô tội, nhưng Ngài đã mang trên mình tất cả tội lỗi của nhân loại. Hành động khiêm nhường và tự hủy này, đã được Chúa Cha chứng dám: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha" (Mc 1, 11). Cùng với Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên Người, để chỉ cho chúng ta tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh mà chúng ta sẽ thấy diễn ra tương tự nơi biến cố Chúa Biến Hình.
Câu hỏi được đặt ra trước hết là tại sao Chúa Giêsu là Đấng vô tội lại đến xin Gioan làm phép rửa?
Thánh Ghêgôriô, giám mục Nadien cho biết : "Có thể là Chúa muốn thánh hoá kẻ sắp làm phép rửa cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn vẹn con người Ađam cũ trong dòng nước. Thật vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hoá sông Giođan ; vì Người vừa là thần khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo". Nên dù Gioan làm phép rửa, ông cũng chỉ là đèn đối với Mặt Trời, tiếng nói với Lời, phù rể đối với Chàng Rể, người cao trọng nhất trong số những người sinh bởi đàn bà với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ với Đấng được thờ lạy ngay khi còn trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện. Quả thật, Gioan biết rằng mình sẽ được thanh tẩy bằng cuộc tử đạo. (Trích bài giảng của thánh Grêgôriô, giám mục Na-di-en). Thánh Phêrô Kim Ngôn giải thích rằng, khi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu  thì: "Tôi tớ đóng vai chủ, con người đóng vai Thiên Chúa, ông Gioan đóng vai Đức Kitô ; ông đóng vai đó để lãnh ơn thứ tha chứ không phải để ban phát". Nên Gioan giảng: "Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần" (Mc 1, 8). Đây là phép lạ vĩ đại đã xảy ra sau khi Đấng Cứu Thế chịu phép rửa ; phép lạ này là khúc dạo đầu cho những gì sẽ xảy ra. Đây không phải là Thiên Đàng khi xưa đóng lại vì tội của Ađam nay mở ra, mà chính trời mở ra: "Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình" (Mc 1,10).
Tại sao khi Chúa Giêsu vừa lên khỏi nước, trời lại mở ra? 
Chúa Giêsu vừa bước lên khỏi nước lúc ấy trời mở ra là Chúa Giêsu nâng thế gian lên cao với Ngài. Vì xưa kia, khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, chính Ađam đã đóng cửa trời lại, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào. Nay nhờ Chúa Giêsu mà cửa trời được mở ra.
Trời mở ra, còn mạc khải cho Gioan Tẩy Giả và những người Do Thái biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Theo thánh Gioan Kim Khẩu, điều này muốn dạy chúng ta rằng, một sự tương tự vô hình cũng xảy ra khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội: Chúa Thánh Thần cũng ngự vào tâm hồn của chúng ta. Ngài không ngự đến một cách hữu hình, bởi vì chúng ta không cần: đức tin hiện nay là đủ... Thiên Chúa mở cửa trời để kêu gọi chúng ta hướng về trời, vì quê hương chúng ta là quê trời, và mách bảo chúng ta rằng, chúng ta không có gì ở dưới đất.
Tại sao Chúa Thánh Thần lại lấy hình một con chim bồ câu mà hiện xuống? 
Lý do là vì chim bồ câu rất dịu dàng và trong sạch, và Chúa Thánh Thần là thần khí dịu êm và an bình. Chim bồ câu cũng nhắc cho chúng ta nhớ lại một sự kiện chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước khi trái đất bị ngập do lũ lụt và toàn thể loài người trong nguy cơ hư mất, chim bồ câu ngậm cành ô liu xuất hiện để báo sự chấm dứt của cơn đại hồng thủy, tin vui hòa bình cho toàn thế giới. Giờ đây, tất cả những điều này cũng tiên báo về tương lai. Khi tất cả đã hư mất, nay được giải thoát và đổi mới, điều gì đã xảy ra khi nước lũ đến ngày hôm nay như là một lũ lụt của ân sủng và lòng thương xót Chúa... Chim bồ câu, thay vì ngậm một cành ô liu báo cho Noe là người duy nhất bước ra khỏi tầu để đặt chân lên mặt đất.  Nay Chim bồ câu báo tin trận hồng thuỷ tràn ngập thế gian đã lui đi, thế gian không còn phải chìm ngập trong cảnh trầm luân muôn đời nữa, phẩm giá ơn gọi làm con Thiên Chúa của chúng ta được phục hồi, và lôi kéo hết thảy mọi người lên Thiên Đàng.
Lời ngôn sứ nói: "Tiếng Chúa vang rền trên nước… Tiếng Chúa uy linh tung sấm sét" (Tv 28). Tiếng nào vậy ? "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người" (Is 42, 1).  Đây là tiếng từ trời vọng xuống để làm chứng cho Đấng từ trời mà đến. Tiếng đó bày tỏ lòng tôn trọng thân xác dưới hình chim bồ câu, vì thân xác đã được thần hoá, khi Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thân xác :"Con là Con yêu dấu của Cha ; Con đẹp lòng Cha"(Mc 1, 11).
Vậy, phép rửa của Chúa Giêsu và phép rửa của chúng ta có liên kết chặt chẽ với nhau. Phụng Vụ của ngày lễ này đã hát lên như sau: "Đức Kitô chịu phép rửa, cả trần gian được thánh hoá, chúng ta được tha thứ tội lỗi, được thanh tẩy nhờ nước và Thánh Thần" (Tiền xướng của Kinh Bênêdictus, của Giờ Kinh Sáng). Chúng ta hãy thanh tẩy mình cho thanh sạch, hãy tiếp tục thanh tẩy cho thanh sạch hoàn toàn và đem lòng tôn kính mà tưởng niệm ngày Đức Kitô chịu phép rửa, và hãy mừng lễ cách xứng đáng. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log