Suy niệm 1
NỮ VƯƠNG BAN SỰ BÌNH AN (Ds 6 ,22 - 27; Gl 4, 4 - 7; Lc 2, 16 - 21) Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng lễ Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa.
Nếu các tước hiệu khác nơi Mẹ Maria, Giáo Hội muốn biểu dương công đức ưu việt nơi Mẹ, thì với danh xưng Mẹ Thiên Chúa, Giáo Hội muốn đề cao uy quyền của Mẹ Maria trong vai trò là thân mẫu Thiên Chúa. Bởi vì ngay khi đáp lại lời Thiên Chúa qua tiếng “xin vâng”, Mẹ đã đón nhận, cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế, Ngài là Hoàng Tử Hòa Bình, đã đến chuộc tội nhân loại, làm cho Trời – đất kết chữ tình; xe chữ đồng; là chiếc cầu nối liền giữa trời và đất; đem lại sự bình an và giao hòa giữa con người với Thiên Chúa.
Chính vì uy quyền độc nhất vô nhị nơi Mẹ Maria bắt nguồn từ Thiên Chúa, nên Giáo Hội cũng chọn ngày này để cầu nguyện cho hòa bình trên khắp thế giới khi mời gọi con cái mình hướng về Mẹ Maria là Nữ Vương Hòa Bình, để cầu nguyện cho nhân loại được an bình thư thái.
1. Đức Maria Mẹ Thiên Chúa
Danh xưng Mẹ Thiên Chúa được dành cho Đức Maria đã khởi đi từ việc Giáo chủ Constantinople là giám mục Nettôriô từ chối không công nhận thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Ông cho rằng: “Mẹ Maria chỉ là Mẹ của Đức Giêsu về mặt nhân tính, còn thiên tính thì không thể. Nơi Đức Giêsu nhân tính và thiên tính tách biệt, không hòa chung thành một”. Từ đó ông rút ra kết luận: “Mẹ Maria không thể là Mẹ Thiên Chúa”. Từ những lập luận trên mà Công Đồng Chung Êphêsô (431) đã được triệu tập để làm sáng tỏ cũng như khẳng định và tuyên bố tín điều “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa". Công đồng tuyên tín: “Giây phút long trọng nhất trong đời Đức Mẹ là giây phút Ngôi Hai xuống thai trong lòng Mẹ. Từ giây phút ấy, Đức Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa”.
Vậy, dựa vào đâu mà Công Đồng có những phán quyết chắc chắn như vậy:
Thưa, Công Đồng dựa vào Thánh Kinh:
Trước tiên, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa nơi Đức Maria đã được hé mở từ thời Cựu Ước khi tiên tri Isaia tiên báo: “Một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel” (Is 7,14). Lời tiên báo về việc hạ sinh Đấng Cứu Thế đã được sứ thần Gabriel chính thức và trực tiếp báo tin cho Mẹ Maria: “Bà sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ ấy là Giêsu…. Vì thế Con Trẻ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (x. Lc 1,31-35).
Rõ nét hơn cả, chính là lời chào mừng của bà Êlisabét khi được Đức Maria ghé thăm. Lúc ấy, bà được đầy Thánh Thần, nên đã thốt lên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1, 43).
Và, khi thời đã điểm, những gì được tiên báo thì nay đã được tỏ hiện trong đêm đông giá lạnh nơi cánh đồng Belem khi Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người để ở cùng chúng ta (x. Lc 2, 1-20). Khi sinh ra Ngôi Lời Thiên Chúa, Đức Maria đã thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa trong vai trò là thân mẫu Đấng Emmanuel.
Với biến cố trọng đại này, Công Đồng Vatican II (1962-1965) tái khẳng định khi viết: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa.... Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo Hội. Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Kitô" (Lumen Gentium, số 61).
Chính vì những xác quyết trên mà Giáo Hội không ngớt kêu xin Mẹ Maria trong vai trò là Mẹ Thiên Chúa: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”.
2. Hòa bình chỉ có khi mỗi người cùng ý thức xây dựng
Như vậy, khi sinh hạ Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Hoàng Tử Hòa Bình, Chúa của sự bình an, Mẹ Maria cũng trở thành Nữ Vương Hòa Bình cho nhân loại.
Khi chọn ngày mồng 01 tháng 01 hằng năm để cử hành lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cầu nguyện cho hòa bình thế giới, Giáo Hội muốn đặt để nhân loại dưới sự che chở đầy uy thế của Mẹ trước tòa Thiên Chúa.
Truyền thống này được bắt đầu từ ý định và mong muốn của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, nên chính ngài đã rời ngày lễ này vào 01-01 hằng năm để xin Đức Maria bầu cử cho thế giới được an bình, hạnh phúc.
Nhân dịp này, mỗi người chúng ta cũng hãy hướng nhìn về đất nước, dân tộc Việt Nam thân yêu, để thấy được sự cần thiết của hai chữ hòa bình!
Có lẽ ngày nay trên thế giới, nhiều nước rất ngưỡng mộ Việt Nam, vì nơi đất nước này, tiếng bom đạn đã chấm dứt hàng chục năm, dân chúng xem ra có vẻ được an bình thư thái!!!
Chúng ta không phủ nhận điều đó, nhưng nếu hiểu hòa bình theo nghĩa không có tiếng bom đạn thì chưa đủ, bởi vì theo quan điểm học thuyết của Kitô giáo, thì: hòa bình không phải chỉ là chấm dứt chiến tranh. Nó cũng không chỉ dừng lại ở chỗ có cơm ăn áo mặc, điện, đường, trường, trạm, được ổn định hay các trung tâm du lịch, vui chơi giải trí được mọc lên…! Không! Hòa bình đích thực nó còn phải tiến xa và sâu hơn nhiều.
Về mặt cá thể:
Trước hết, đó là: mỗi cá thể cần có một mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa là Chủ Tể và nguồn gốc của hòa bình.
Thứ đến, phải đạt được một trạng thái an bình thư thái ngay trong tâm con người. Sống hài hòa trong mối tương giao thân thiện với mọi người.
Cuối cùng, đó là mọi thành phần phải có trách nhiệm, liên đới với nhau trong tình huynh đệ.
Về mặt quốc gia:
Xét trên góc độ quốc gia: một đất nước được coi là hòa bình khi và chỉ khi con người được đảm bảo và quyền tự do tôn giáo được đề cao. Nhân phẩm được coi trọng và bảo vệ. Những lợi ích công cộng được ưu tiên.
Trong lãnh vực giáo dục: hệ thống và các nhà giáo dục cần đào tạo con người phát triển toàn diện cả về chất lượng tri thức lẫn đạo đức, biết kính trên nhường dưới, biết tôn sư trọng đạo, biết lưu giữ và bảo tồn những truyền thống, văn hóa tốt đẹp, biết phát huy những cái mới phù hợp với đạo lý dân tộc….
Về mặt gia đình và tôn giáo:
Trong lãnh vực tôn giáo: cần trú trọng đến “nhân chi sơ tính bổn thiện” nơi con người và phát huy tinh thần bác ái, yêu thương, liên đới dựa trên tình yêu giữa Thiên Chúa và con người.
Trong đời sống gia đình: mỗi thành viên cần ý thức vai trò và bổn phận của mình. Người làm cha cho đáng làm cha; người làm mẹ cho xứng thiên chức làm mẹ; người làm con cần sống hiếu thảo vâng lời….
Như vậy, muốn có hòa bình đúng nghĩa, chúng ta không thể ngồi ù lỳ và mong đợi, mà mọi thành phần phải sống tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm mà không sợ hãi. Trách nhiệm mà vẫn đảm bảo được sự tôn trọng và đối thoại chân thành. Nói cách khác, muốn có hòa bình thì phải chiến đấu. Chiến đấu cho lẽ phải để bảo vệ công bằng, xây dựng sự thật nhằm tiêu diệt cái xấu, nhất là những điều mà người ta vẫn thường ngụy trang khi nhân danh cái xấu để biện minh cho mục đích tốt.
Được như thế, chúng ta mới có một trạng thái tâm hồn an vui thanh thản với bản thân, hiền hòa và nhân ái với mọi người.
Mừng lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa hôm nay, chúng ta hãy biết noi gương Mẹ, để suy đi nghĩ lại trong lòng những ân huệ của Thiên Chúa và những biến cố trong cuộc đời cũng như xã hội, từ đó, biết xắn tay áo lên và hành động vì một nền hòa bình đích thực.
Mong sao, sau khi dâng Thánh lễ, mỗi người ra về với tâm tình đổi mới, đổi mới tư duy, đổi mới phương cách, đổi mới hành động. Đổi mới trong sự vâng phục Thiên Chúa. Đổi mới trong sự hài hòa thiên nhiên. Đổi mới trong sự hy sinh, quên mình. Có thế, lòng chúng ta mới thực sự vui mừng phấn khởi như các mục đồng xưa, để ra đi loan báo tin mừng, tin vui, tin bình an của Hoàng Tử Hòa Bình cho mọi người.
Lạy Mẹ Maria, trong ngày đầu năm mới này, chúng con xin dâng năm sống mới của từng người cho Mẹ, xin Mẹ che chở, cầu thay nguyện giúp, để cho chúng con được an bình thư thái. Đặc biệt, xin Mẹ giúp chúng con biết noi gương Mẹ, luôn suy gẫm Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống, để Lời của Chúa là cội nguồn bình an được sinh hoa kết qủa dồi dào trong lòng mỗi người chúng con. Amen.
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
=========================
Suy niệm 2
ÔI DIỆU KỲ THAY ĐẤNG LÀ MẸ THIÊN CHÚA!
(Lc 2, 16 - 21)
Tước hiệu Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa đã trở thành quen thuộc và cốt lõi của niềm tin Kitô Giáo. Tuy nhiên, qua tước hiệu này, nhiều người cho rằng đây là một điều ngược ngạo, phạm thượng, lộng ngôn, bởi vì dựa trên suy tư của con người, một thụ tạo thì không thể trở thành mẹ của Đấng tạo thành được! Hơn nữa, xét theo góc độ tự nhiên, Mẹ chỉ sinh ra Đức Giêsu về mặt nhân tính, còn Thiên Tính thì Đức Giêsu là Ngôi Lời, có từ đời đời. Mặt khác, Mẹ cũng không sinh ra Thiên Chúa Ba Ngôi!
Vậy khi người Công Giáo tuyên tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, liệu có phải là điều trái khuấy và thái quá không? Đâu là nguyên lý khi Giáo Hội tuyên tín và mời gọi con cái của mình tôn kính Mẹ Maria như vậy?
1. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa
Trước tiên, chúng ta cần khởi đi từ góc độ tự nhiên: đã là con người, ai cũng phải được sinh ra bởi người phụ nữ. Vì thế, không ai hiện hữu trên trần gian này mà lại không có một người mẹ. Đây là quy luật mà Thiên Chúa đã an bài quan phòng. Dù bạn là vua chúa hay bậc thứ dân; dù là giàu hay nghèo..., tắt một lời, bạn có là ai đi chăng nữa thì vẫn không thể khác đi được! Ai là người sinh thành ra ta, người đó là mẹ ta cách toàn thể.
Theo cách hiểu trên, chúng ta sẽ đi thêm một bước nữa để thấy việc Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa như thế nào?
Khi Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của mình cho nhân loại, thì Người cũng muốn để con của mình được sinh ra bởi một người phụ nữ. Vì thế, Thiên Chúa đã tuyển chọn Đức Maria và trang bị cho Mẹ ân sủng kỳ diệu, để Mẹ trở nên Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, cũng như nhiều ân huệ khác nữa....
Tất cả đều chuẩn bị cho Mẹ xứng đáng đảm nhận hồng ân cao quý là trở thành người cưu mang và sinh ra Đấng Cứu Thế làm người. Đặc ân kỳ diệu này đã được thánh Bonaventura ca tụng: “Chức làm Mẹ Thiên Chúa là to lớn phi thường nhất Thiên Chúa có thể ban cho một loài thụ tạo”; và được bà Isave thốt lên: “Bởi đâu tôi được ơn trọng này là Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi” (Lc 1,43).
Tuy Mẹ Maria chỉ sinh ra Đức Giêsu về mặt tự nhiên, thể lý, tức là nhân tính, Mẹ không phải là người tác sinh Thiên Tính nơi Đức Giêsu, nhưng Mẹ lại được gọi là Mẹ Thiên Chúa, bởi vì nơi Ngôi Vị Đức Giêsu, về mặt Thiên Tính, từ đời đời Ngài đã là Ngôi Lời Thiên Chúa, nay nhờ sự kết hợp của Mẹ Maria, bản tính tự nhiên kết hợp với bản tính siêu nhiên, trở thành Ngôi Vị cực thánh là Thiên Chúa Ngôi Hai làm người.
Vì thế, dù Mẹ là Mẹ theo bản tính nhân loại, nhưng cũng là Mẹ Thiên Chúa, bởi lẽ Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Là người thật, Ngài giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi; là Thiên Chúa thật, Ngài có từ đời đời, Ngài là Đấng Tự Hữu, cùng bản thể với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Như vậy, những gì thuộc về nhân tính nơi Đức Giêsu thì cũng thuộc về Thiên Tính nơi Ngôi Lời Thiên Chúa. Mẹ Maria sinh ra Đức Giêsu thì cũng sinh ra “Đấng Thiên Chúa làm người”.
Đây là đặc ân cao trọng vượt trên hết mọi loài thụ tạo. Thánh Tôma Aquinô đã nói về vai trò cao trọng của Mẹ như sau: “Tước vị Mẹ Thiên Chúa cao trọng hầu như vô cùng, vì Thiên Chúa không thể không cất nhắc Đức Mẹ lên bậc tốt lành và cao sang hơn được nữa” (St. Th q.25,a. 6ad 4). Vì thế, Mẹ xứng đáng muôn đời ca tụng là: “Đấng đầy ơn phúc”; vì “có Chúa ở cùng” cách đặc biệt.
2. Quyền thế của Đấng là Mẹ Thiên Chúa
Với tư cách là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ trở thành Nữ Hoàng Thiên Quốc. Nếu Đức Giêsu là vua trên khắp cõi trần gian và Thiên Quốc, thì Mẹ Maria cũng có uy quyền phổ quát trong tương quan là Nữ Tỳ của Thiên Chúa Cha, thân mẫu Đấng Cứu Thế và bạn nghĩa thiết của Chúa Thánh Thần. Vì thế, uy quyền và uy lực của Mẹ trước tòa Chúa thật lớn lao, không ai trên trần gian và Thiên Quốc ngoài Thiên Chúa có thể sánh bằng! Bởi lẽ Vương Quyền của Đức Giêsu lớn lao vô hạn, tồn tại qua muôn ngàn thế hệ, thì chức vị làm Mẹ của Thiên Chúa cũng tùy vào đó và trải dài cũng vô tận.
Nhờ tước vị cao sang quyền thế đó, Mẹ Maria đã trở thành Evà mới, phát sinh Đấng Cứu Thế là nguồn sự sống, thay cho Evà cũ đã đưa nhân loại đến chỗ diệt vong.
Mặt khác, Mẹ trở thành người chuyển cầu hữu hiệu cho nhân loại mỗi khi chúng ta chạy đến với Mẹ.
3. Sống sứ điệp ngày lễ
Mặc dù vai trò và tước vị của Mẹ Maria rất cao trọng, nhưng Mẹ luôn luôn khiêm tốn trong thân phận của một Nữ Tỳ Thiên Chúa. Mẫu gương này của Mẹ mời gọi chúng ta hãy biết khiêm nhường, bởi vì chúng ta có là gì thì cũng đều do tình thương của Thiên Chúa chứ không phải do tài đức hay công khó của mình.
Mừng lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa hôm nay, chúng ta còn được mời gọi cùng nhau xây dựng hòa bình, bởi vì Đức Maria là Mẹ của Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Hoàng Tử Hòa Bình, là Chúa của bình an. Lời hát của các thiên thần trong đêm giáng sinh đã mặc khải cho chúng ta biết sứ vụ của Đức Giêsu: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Vì thế, chúng ta là con cái của Mẹ trong nhiệm thể Đức Giêsu Kitô, chúng ta hãy cùng nhau đẩy lùi chiến tranh, xây dựng tình huynh đệ, sống liên đới và trách nhiệm với con người cũng như xã hội hôm nay; cùng nắm tay nhau để xây dựng một nền văn minh tình thương và sự sống.
Hôm nay cũng là ngày đầu năm Dương Lịch, chúng ta hãy xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, ban cho mỗi người chúng ta được an vui hạnh phúc, mạnh khỏe xác hồn, nhất là luôn có lòng mến Chúa và yêu tha nhân như Mẹ, để năm mới này tràn đầy tình thương và lòng nhân ái nơi môi trường và cuộc sống của chúng ta. Amen.
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
==========================
Suy niệm 3
MARIA MẸ CHÚA TRỜI
(Lc 2, 16 - 21)
“Họ đã gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi… và tám ngày sau được gọi tên là Giêsu” (Lc 2,16-21).
Với đoạn Tin Mừng trên đưa chúng ta về với người mẹ vừa mới sinh con là chính Đức Maria sinh ra Chúa Giêsu. Đó là lý do Giáo hội cử hành lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa sau lễ Chúa Giêsu giáng sinh tám ngày, để mời gọi con cái mình tỏ lòng kính trọng và biết ơn Đức Maria, đồng thời tuyên xưng Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, vì nhờ Mẹ, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta.
Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Vua Thái Bình (x.Is 9, 5) sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Hòa Bình. Vì thế, ngày đầu năm, Giáo hội khấn xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho thế giới được hòa bình.
Đức Maria cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu
Tại Belem Chúa Giêsu đã được sinh ra từ Đức Trinh Nữ Maria. Người đã không sinh ra “do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra” (Ga 1,13). Người là ân ban do tình yêu thương của Thiên Chúa, là “Đấng đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một Ngài, để bất cứ ai tin nơi Ngài không bị hư mất, nhưng có cuộc sống đời đời” (Ga 3,16).
Sau Đức Maria và thánh Giuse thì đến các kẻ chăn chiên trên cánh đồng Belem trông thấy vinh quang khiêm tốn của Đấng Cứu Thế. Nghe theo lời loan báo của các thiên thần, «họ đã ra đi vội vã đến thành Belem, và thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh năm trong máng cỏ” (Lc 2, 16).
Hôm nay, Giáo hội chiêm ngắm thiên chức làm Mẹ Chúa Giêsu của Đức Maria. Thánh Luca giới thiệu cho chúng một "cuộc gặp gỡ" của mục đồng với "Hài Nhi", cùng với Đức Maria, Mẹ Người và thánh Giuse. Sự hiện diện âm thầm của Giuse gợi lên sứ mệnh quan trọng của thánh nhân trong tư cách là người gìn giữ mầu nhiềm cao cả của Con Thiên Chúa. Đức Maria, Giuse và các mục đồng vây quanh "Hài Nhi mới sinh" (Lc 2,16) để tôn thờ, làm nên hình ảnh sống động và tuyệt đẹp của Giáo hội.
Chúa Giêsu nằm trong "Máng cỏ" ám chỉ Thánh Thể mà chính Đức Maria là nhà tạm chứa đựng! Nếu không có kinh nghiệm về "gặp gỡ" cá nhân với Thiên Chúa, người ta không thể tin được. Chỉ có "gặp gỡ" cộng thêm là "nhìn thấy tận mắt", rồi "chạm tới", các mục đồng mới có thể trở nên những sứ giả của Tin Mừng "thuật lại cho người khác về Hài Nhi Giêsu" (Lc 2,17).
"Tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ" (Lc 2,18), là hoa trái đầu tiên của "cuộc gặp gỡ" Đức Kitô. "Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ" (Lc 2, 20) là hoa trái thứ hai. Đức Maria, là mẫu gương của sự chiêm ngắm "Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng" (Lc 2,19). Người ta gọi tên người là Giêsu nghĩa là "Thiên Chúa cứu độ". Tên của Người cũng là Bình An. Chúng ta hãy đón nhận Tên Cực Thánh và rất ngọt ngào này vào lòng và thường xuyên lặp lại trên môi!
Đức Maria Mẹ Thiên Chúa
Không có gì lạ, khi có người đặt câu hỏi: chúng ta có nên gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa không? Vì nếu Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa, thì chẳng lẽ Đức Maria, Đấng đã hạ sinh Chúa Giêsu lại không phải là Mẹ Thiên Chúa? [...]
Ngôi Lời đã làm người, có hồn có xác. Thánh Công đồng Nicêa dạy, chính Con duy nhất của Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha, đồng bản thể với Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, và tất cả tồn tại trong Người, vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, nhập thể, làm người, chịu chết, đã sống lại, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét; Công đồng tuyên phán: chỉ có Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha, giống Chúa Cha. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi sánh sáng, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha… Nên Đức Maria vừa được gọi là Mẹ Chúa Kitô, và Mẹ Thiên Chúa nữa.
Như thánh Ignatiô thành Antiokia (+ 110) là người đầu tiên nêu tên Đức Maria sau các sách Tin Mừng và viết : “Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã được Đức Maria cưu mang trong lòng theo nhiệm cục cứu độ” và “ Đức Giêsu cũng được sinh ra bởi Đức Maria và bởi Thiên Chúa”. Thánh Grégoire de Nazianze (330 – 390) khẳng định: “Đức Kitô sinh bởi một Trinh Nữ, người nữ ấy là Mẹ Chúa Kitô”. Vì thế, nếu Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, sinh bởi Đức Maria, thì chúng ta cũng có thể gọi mà không sợ sai lầm rằng: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Ngày cầu cho hòa bình
Ngày đầu năm, Giáo hội cử hành biến cố trên với niềm vui, sống lại với niềm tin trong phụng vụ lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã đảm nhận lấy xác phàm hay hư nát của chúng ta, trở thành bé nhỏ và nghèo nàn để cứu độ chúng ta.
Còn món quà nào cao quý hơn là chính Con Thiên Chúa, Đấng là Hoàng Tử Bình An được Chúa Cha ban tặng cho chúng ta. Hoà bình là món quà Thiên Chúa ủy thác cho con người. Vì lòng thương xót, Thiên Chúa đã “ban Người Con duy nhất của Ngài” cho nhân loại (Ga 3,16). Để cầu chúc cho nhau, chúng ta mượn lời sách Dân Số: “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em” (x. Ds 6,26).
Lạy Chúa Giêsu, Hoàng Tử Bình An ban cho thế giới được hòa bình và hòa hợp giữa các dân tộc.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Nữ Vương bình an giúp chúng ta hiểu và sống sứ điệp bình an mà Chúa Giêsu Con Mẹ đã mang đến, để chúng con có thể mang bình an đến cho mọi người trên trái đất yêu dấu này.
Nữ Vương Bình An, cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ