Thứ tư, 01/01/2025

Sứ Điệp Mùa Chay 2017: Gẫm Suy Và Thực Hành

Cập nhật lúc 09:59 27/02/2017
Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay Thánh, bằng nghi thức làm phép tro và mỗi người nhận tro trên đầu, cùng lúc đó sẽ nghe được một trong hai câu Lời Chúa: Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng, hoặc : Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi (SLRM).
Lời Chúa qua miệng tiên tri Joel: "Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van" (Joel 2,12) lại văng vẳng bên tai mỗi khi Mùa Chay về.
Để giúp con cái mình bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng được nhiều ơn ích. Ngoài những phương thế Giáo hội vẫn đề ra, vị cha chung của Giáo hội là Đức Thánh Cha còn ban hành sứ điệp như là kim chỉ nam để các tín hữu sống trong Mùa Chay Thánh.
Như thế, hai ý tưởng trong Mùa Chay Thánh luôn song hành với nhau, thứ nhất: chúng ta là những con người yếu đuối, tội lỗi; thứ hai: Thiên Chúa là Người Cha giàu lòng thương xót, Ngài luôn yêu thương chúng ta, Ngài sẵn sàng tha thứ và ban cho chúng ta sức mạnh với tình thương. Vì yếu đuối nên cần đến ơn Chúa, vì tội lỗi nên muốn được Chúa thứ tha, nhưng để lãnh nhận được ơn tha thứ thì cẩn phải trở về với Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong chay tịnh và nước mắt, hướng tới tha nhân. Đó là ba việc phải làm trong Mùa Chay Thánh.
Ăn chay
Cầu nguyện
Và bố thí
Là ba việc cần phải làm trong Mùa Chay, vì nó diễn tả ba chiều kích, ba mối tương quan giữa đương sự với Thiên Chúa và với anh em. Tương quan với Thiên Chúa là cầu nguyện, với tha nhân là bố thí và với chính mình là ăn chay. Ba tương quan này đồng hành với nhau và thể hiện cùng một lúc trong đời sống thường nhật của người kitô hữu.
Để ba tương quan này gắn kết với nhau, điều kiện đã được Chúa Giêsu nói rõ đó là: nội tâm. Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay xuất phát từ sâu thẳm của tâm hồn hướng lên Thiên Chúa và hướng đến anh em, chứ không phải là hình thức bên ngoài. Vì thế, ăn chay, cầu nguyện cũng như bố thì là những việc được làm vì đẹp lòng Chúa, chứ không phải cho người ta thấy.
Trong Sứ điệp Mùa Chay 2017 năm nay với chủ đề: “Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân”. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta lắng nghe Lời Chúa, để nhận ra và phụng sự Chúa Kitô trong tha nhân, nhất là những người nghèo khổ. Ngài trưng dẫn đoạn Tin Mừng Luca (16,19-31) để quảng diễn. Chi tiết “người phú hộ vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19) chứng tỏ đây là người không có nhân đức chừng mực; nhưng không nói ông đã làm giầu cách bất lương: ông dùng của cải ông có. Tương phản với “anh Lagiarô nghèo” (Lc 16,20), gợi lên những chỉ trích phê bình. Người phú hộ, nếu có điều kiện ông sẽ chè chén, đó là việc làm của ông; nhưng ông không nhận ra anh Lagiarô nghèo nằm ở cổng nhà mình là một điều không thể chấp nhận được.
Đức Thánh Cha viết: “Ông Lagiarô dạy chúng ta rằng tha nhân là một hồng ân. Tương quan đúng đắn với con người hệ tại nhìn nhận giá trị của họ với lòng biết ơn. Cả người nghèo nơi cổng nhà người giầu không phải là một điều cồng kềnh gây phiền toái, nhưng là một lời mời gọi hoán cải và thay đổi cuộc sống.. Mùa chay là mùa thuận tiện để mở cửa cho mỗi người túng thiếu và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô. Mỗi người đến gặp chúng ta là một hồng ân và đáng được tiếp đón, tôn trọng và yêu mến. Lời Chúa giúp chúng ta mở rộng đôi mắt để đón tiếp và yêu mến sự sống, nhất là khi sự sống ấy yếu ớt” (Số 1).
Có người bất mãn tự hỏi: “Ông nhà giàu đâu có tội gì mà phải xuống hỏa ngục. Ông không gian tham, trộm cắp, bóc lột. Tiền của do công sức mồ hôi nước mắt ông làm ra, ông có quyền ăn xài chứ? Giàu có đâu phải là tội?”
Vâng, giàu có không phải là một tội, nhưng khi không làm chủ được các thứ mình có, chúng sẽ làm chúng ta vong thân, mất tha nhân và mất phần phúc đời đời. Nên khi phân tích thái độ của người phú hộ, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Tiền bạc có thể biến chúng ta và cả thế giới thành nô lệ, phải tuân hành một tiêu chuẩn ích kỷ, không còn chỗ cho tình thương và cản trở hòa bình. Dụ ngôn này tỏ cho chúng ta thấy sự ham hố tiền bạc của người phú hộ làm cho ông ta kiêu hãnh, háo danh, chỉ quan tâm phô trương bề ngoài trong khi trống rỗng trong nội tâm.. Người phú hộ ăn mặc như thể mình là vua, giả bộ cung cách như một vị thần, mà quên mình chỉ là một phàm nhân hay chết.. Vì thế, kết quả của sự quyến luyến tiền bạc là một thứ mù quáng: người giàu không thấy người nghèo đang chịu đói, bị đè bẹp trong tủi nhục!” (Số 1)
Quả thật, đời sống ích kỷ khiến người giầu chỉ chú ý đến mình, qui mọi sự về mình, bị mắc kẹt trong sự thờ ơ, trở thành tù nhân của nhà tù mạ vàng của chính mình, mù quáng trước nhu cầu của người đồng loại, và điếc trước tiếng gọi của Thiên Chúa từ bi nhân ái, đánh mất hồng ân tha nhân.
Tuy nhiên trong trình thuật, Đức Giêsu lại làm nổi bật hơn, khi đưa ra một vấn đề thời sự khá bất ngờ, buộc người nghe phải đặt mình trong tương quan với bản thân.
Nhà phú hộ xin với Cha Abraham, nếu không bớt được đau khổ cho ông thì ít ra cũng cảnh báo anh em ông khỏi rơi vào cảnh buồn tủi thế này. Câu trả lời của tổ phụ Abraham nại đến “Môisen và các tiên tri” sẽ thức tỉnh lương tâm họ: nhưng theo nhà phú hộ thì các chứng nhân Cựu Ước không đủ để thức tỉnh anh em ông về sự quyến rũ của thế gian này. Nên ông nài nỉ: “Nhưng nếu có ai đó trong kẻ chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải” (Lc 16,30). Lời khước từ của Abraham khép lại dụ ngôn ngay lập tức: “Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu” (Lc 16,31).
Rõ ràng : nếu chúng ta từ chối đón nhận hồng ân Lời Chúa không ngừng kêu gọi sám hối ăn năn, đóng kín lòng mình trong sự ích kỷ của cái tôi, kéo theo đánh mất hồng ân tha nhân, chúng ta sẽ không thể gia nhập cộng đoàn huynh đệ đã được Đức Kitô Phục sinh khai mở, mất luôn cả phần phúc đời đời là chính Chúa.
Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy: “Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dùng. Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền sử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo luật công bằng là luật đi liền với bác ái… mọi người đều có quyền có một phần của cải đầy đủ cho mình và cho gia đình mình. Các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Giáo Hội đã nghĩ như thế. Các ngài dạy rằng mọi người có bổn phận phải nâng đỡ người nghèo và không phải chỉ giúp đỡ bằng của dư thừa. Còn những người sống trong cảnh cùng quẫn cực độ, họ có quyền lấy ở của cải người khác những gì cần thiết cho mình. Trước con số quá lớn những người đói khổ trong thế giới, Thánh Công Ðồng thiết tha kêu gọi mọi người hoặc mọi chính quyền hãy nhớ lại lời sau đây của các Giáo Phụ: “hãy cho kẻ sắp chết đói của ăn, vì nếu không cho họ ăn tức là đã giết họ”. Tùy theo khả năng, họ nên thực sự san sẻ và dùng của cải của mình đặc biệt để giúp phương tiện cho mỗi người hoặc cả một dân tộc để chính họ có thể tự túc và phát triển”. (Gaudium et Spes) § 69.
Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong hành trình Mùa Chay Thánh, thực hiện một con đường hoán cải đích thực, để tái khám phá hồng ân Lời Chúa, để được thanh thẩy khỏi tội lỗi vốn làm cho chúng ta mù quáng, hầu phụng sự Chúa Kitô nơi các anh chị em túng thiếu.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
 
 
 
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Chương trình "Nối Vòng Tay Lớn" của Giới trẻ Giáo xứ Hoàng Xá
Chương trình "Nối Vòng Tay Lớn" của Giới trẻ Giáo xứ Hoàng Xá
Trong niềm vui hân hoan mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh năm 2024, Giới trẻ Thánh Cần của Giáo xứ Hoàng Xá đã tổ chức chương trình “Nối Vòng Tay Lớn” với mong muốn mang yêu thương và sự sẻ chia đến với những người kém may mắn trong toàn giáo xứ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log