Chủ Nhật Hiệp Nhất
Cập nhật lúc 20:54 19/01/2017
“Tốt hơn hết là anh em hãy khoan dung với người khác và nghiêm khắc với chính mình”.
Khoan dung hay là nghiêm khắc
--------------------------------------------------
Bài Tin Mừng này Chúa Giêsu không có ý đi vào một cuộc tranh luận khôn ngoan hoặc có tính triết lý với các tông đồ về sự khoan dung. Có lẽ Ngài chỉ nói với họ: “Tốt hơn hết là anh em hãy khoan dung với người khác và nghiêm khắc với chính mình”.
Khi thưa với Chúa Giêsu, xem ra Gioan không vui mấy: “Thưa Thầy, Thầy có nhận thấy điều gì vừa xẩy đến cho chúng con không? Thầy sai chúng con đi giảng đạo, chữa bệnh, trừ quỷ vv…Thế nhưng chúng con thấy có người không theo chúng ta mà họ cũng dám nhân danh Thầy mà trừ quỉ. Chúng con tìm cách ngăn cấm người đó.”
Chúa Giêsu bình tĩnh mời Gioan hướng tới một tinh thần quảng đại hơn: “Này Gioan, con có lý. Người đó không ở với chúng ta, nhưng có đức tin tốt. Người đó trừ quỷ và làm như vậy nhân danh Thầy. Một cách nào đó người đó đã tin vào Thầy. Vậy như thế có gì là xấu đâu? Anh em là môn đệ yêu dấu của Thầy, nhưng anh em không được độc quyền về ơn thánh của Thiên Chúa đâu nhé”.
Như vậy, đối với Chúa Giêsu, khoan dung trước hết là không được độc quyền. Tất cả chúng ta đều biết câu nói lừng danh đã làm cho nhiều người kinh hoàng: “Ngoài Giáo Hội, thì không có ơn cứu độ”. Nhiều người đã giải thích câu nói này như là một dấu chỉ bè phái của Giáo Hội Công Giáo. Tất nhiên câu nói này hoàn toàn đúng, nhưng với điều kiện cần phải được đánh giá đúng ý nghĩa của nó, đó là: con người không có thể tự mình cứu độ được mà phải cần có ơn thánh và lời cầu nguyện của những người khác. Câu nói này cần phải được đặt lại trong văn mạch của bài Tin Mừng: Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người. Sau hết vấn đề cần xem xét ở đây ai là người đích thực ở trong Giáo Hội. Người ta có thể ghi danh vào Giáo Hội ngày chịu phép Rửa tội và làm một công chức gì đó trong Giáo Hội, nhưng do tội lỗi họ đã cắt đứt mối liên hệ với Chúa Kitô như cành bị cắt khỏi cây không còn nhựa sống. Ngược lại, có những người không biết Giáo Hội, nhưng thành thật tin tưởng vào một tôn giáo, thì một cách nào đó họ cũng thuộc về Giáo Hội của Chúa Kitô vì họ đã được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi thần khí mà sinh ra cũng vậy”. Thánh Thần không chỉ làm việc trong Giáo Hội mà còn làm việc trong toàn thể nhân loại để nhân loại hướng về thủ lãnh của mình là Đức Kitô. “Quả thật những ai được Thần khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa”.
Chúng ta vẫn gặp những người thiện chí này thuộc các tôn giáo khác. Công đồng Vatican II mời gọi chúng ta sống cởi mở với các anh chị em không hoàn toàn hiệp thông với chúng ta, cởi mở với tất cả những ai mà truyền thống của họ có những yếu tố quí giá về tôn giáo và nhân đạo.
Trong thế giới chúng ta đang bị mất phương hướng, vẫn có những người sống niềm tin tốt và làm điều thiện do lời nói cũng như việc làm thiện chí của họ, vẫn có những người cầu nguyện đích thực từ con tim họ, mặc dù họ không chính thức thuộc về Giáo Hội. Chúng ta không thể kết luận rằng Thiên Chúa không nhận lời cầu nguyện của họ.
Những người công giáo chúng ta đang ở trong Giáo Hội, đừng bao giờ vội vàng đánh giá mình ở thế thượng phong:
- Đừng độc tài về lòng bác ái vì cũng có biết bao người không cùng tôn giáo cũng giúp đỡ và săn sóc các nạn nhân một cách rất tốt.
- Đừng độc tài về chân lý vì anh em chính thống sẽ có thể dễ dàng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta quên hơi nhanh tiếng nói của Thánh Thần.
- Đừng độc tài về những phép lạ và các lần hiện ra của Chúa, Đức Mẹ và các Thánh.
Chúng ta không có thể cấm Thiên Chúa làm phép lạ chữa bệnh cho những người không thuộc tôn giáo chúng ta.
Vì thế nếu không đánh giá đúng những người chúng ta thường gặp, chúng ta sẽ không có thái độ khoan dung.
Khi Chúa Giêsu càng dịu hiền và khoan dung đối với những người còn chưa tin, chúng ta càng phải nghiêm khắc với chính mình, đến tội lỗi có thể phá huỷ đời sống thiêng liêng. “Nếu chân ngươi làm dịp tội cho ngươi, thì hãy chặt nó đi. Thà rằng một chân, mà được vào nước trời còn tốt hơn là có cả 2 chân mà phải ném vào hoả ngục”. Đương nhiên, là chúng ta không được phép hiểu câu nói này theo nghĩa đen. Nếu Chúa nói thẳng như vậy là vì Ngài muốn giúp đỡ chúng ta ý thức về tội lỗi của chúng ta để xin Ngài tha thứ cho chúng ta.
Nếu chúng ta thực sự gần gũi Thiên Chúa, chúng ta càng cảm thấy mình tội lỗi. Cha Varillon viết: “Vết nhơ dù nhỏ bé nhất cũng trở nên xấu trên chiếc áo dài trắng đẹp”.
Các thánh thường khóc lóc vì tội lỗi của mình. Có nhiều người sống xa rời Thiên Chúa, nhưng khi xưng tội lại nói: “Thưa cha, con không ăn trộm, không giết người và cũng không tà dâm…”. Cách xưng tội như vậy rất nghèo nàn và dường như người đó đã chết phần linh hồn. Khi chúng ta không cảm thấy mình có lỗi gì ghê gớm, thì chúng ta rất dễ không tự trách mình. Chính trong những lúc như vậy, chúng ta thường từ chối một tình yêu cao cả của Thiên Chúa.
Đẹp, giàu có và khoẻ mạnh thì tốt hơn là xấu, nghèo và ốm yếu. Tuy nhiên Chúa Giêsu có cách làm đảo lộn bảng giá trị đó và Ngài nói thẳng với chúng ta: “Đẹp để làm gì, nếu cái đẹp đó dẫn chúng ta đến tội lỗi? Giàu để làm gì, nếu sự giàu có đó cản trở chúng ta khám phá ra những giá trị đích thực? Khoẻ mạnh để làm gì nếu chúng ta tiêu hao năng lực quý giá đó vào một cuộc sống tầm phơ vô bổ?”
Chúng ta có thể tự hỏi mình: “Tôi làm được gì với những ân huệ của Thiên Chúa đã ban cho tôi?” Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã quở trách dân Israel vì đã dâng tiến các thần giả dối quà tặng mà chính Thiên Chúa đã ban cho họ. Còn chúng ta, may mắn vì có một sức khoẻ phi thường, nhưng chúng ta đã làm được gì tốt với sức khoẻ như vậy? Trong một xã hội khó kiếm sống, chúng ta may mắn có công ăn việc làm với đồng lương cao, chúng ta đã làm gì với đồng lương đó?
Tội lỗi mà Chúa tố cáo mạnh mẽ nhất là tội quên sót: “Vì xưa Ta đói mà các ngươi đã không cho Ta ăn”. Một lần nữa chúng ta khẳng định rằng bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta thấy lòng khoan dung vô bờ của Chúa Giêsu. Ngài không phàn nàn đối với những ai chưa có bước đi quyết định để vào Giáo Hội. Ngài ban Thánh Thần để giúp họ chuẩn bị con tim vào một ngày nào đó sẽ nhận ra Ngài. Ngài chỉ nghiêm khắc với những ai nói rằng mình là môn đệ đích thực của Ngài. Nhưng sự nghiêm khắc này vẫn mang dấu ấn của tình Yêu giúp chúng ta khám phá và nhận ra những lỗi lầm của mình, để mà xin Ngài ban ơn tha thứ mà thôi.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa