Tháng Hoa sắp kết thúc. Trong tháng này, giáo hữu khắp nơi đã biểu hiện lòng mến yêu Mẹ bằng nhiều cách : dâng hoa, lần hạt, luân phiên đón Mẹ về nhà mình, kể cả hành hương xa viếng Mẹ. Không chỉ thế, con cái Mẹ còn muốn học theo gương Mẹ. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta cùng nhìn ngắm Mẹ - họa ảnh của lòng thương xót Chúa - và tập sống với Mẹ bài học cao quý này.
Thánh ca và thánh thi công giáo ca tụng Mẹ là
Mẹ xót thương, nhân lành, từ bi, lân ái, khoan nhân, Mẹ hằng cứu giúp… Kinh cầu Đức Bà tung hô Mẹ bằng các tước hiệu giống như thế : “
Đức Nữ có lòng khoan nhân”, “
Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn” ; “Đức Bà bầu chữa kẻ có tội” ; “Đức Bà yên ủi kẻ âu lo” ; “Đức Bà phù hộ các giáo hữu”. Tất cả để nói lên Mẹ có tâm hồn mẫn cảm với những ai sầu khổ, đau buồn.
1. Đức thánh cha Phanxicô trong tông sắc thiết lập Năm Thánh đã nói về mối liên hệ giữa Đức Mẹ và Lòng Thương Xót. Theo ngài, sở dĩ vậy,
* vì Mẹ nhận biết mình đã được Chúa xót thương : “
Phận nữ tì hèn mọn, Chúa đoái thương nhìn tới” ;
* vì Mẹ liên kết mật thiết với Chúa Giêsu - dung mạo của lòng thương xót - trong mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc.
- Đối với mầu nhiệm Nhập Thể, đức thánh cha viết : “
Toàn bộ cuộc sống của Mẹ được định hình bởi sự hiện diện của Lòng Thương Xót trở nên xác phàm. Không ai thấu hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa làm người cho bằng Đức Maria”. Vì thương xót loài người bị dìm trong tội lỗi và sự chết, nên Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc. Khi cưu mang Chúa Giêsu, Mẹ đã liên kết với mầu nhiệm Nhập Thể hơn ai hết.
- Đối với mầu nhiệm Cứu Chuộc, đức thánh cha viết : “
Thân Mẫu của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã bước vào thánh điện của Lòng Thương Xót, vì đã thông dự mật thiết vào mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã chết vì tình yêu cao độ này : “
Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người dám chết vì người mình yêu”. Vào phút cao điểm của tình yêu ấy, Mẹ đứng kề bên thánh giá để cùng Chúa xót thương nhân loại. Mẹ thật là họa ảnh, là “dung mạo của lòng thương xót” (vultus misericordiae) như Chúa Giêsu. Ngắm nhìn Mẹ, ta dễ rung động lòng thương xót của Chúa.
Thật diệu kỳ, Chúa đặt để nơi tấm lòng các người cha người mẹ một mối tình thiêng liêng, sâu xa và mãnh liệt dành cho con cái. Mọi đứa con dù ngoan hay hư, có hiếu hay bất hiếu, cha mẹ vẫn thương. Ysaia ví tình Chúa như tình mẫu tử và còn hơn thế : “
Có người mẹ nào có thể quên và không thương đứa con mình đã sinh ra ? Cho dù người mẹ có thể quên con mình, thì Ta sẽ không bao giờ bỏ con... Ta đã viết tên con trong lòng bàn tay Ta" (Is 49,15). Dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15) cho thấy tình phụ tử của Chúa cao cả biết bao, con ngoan thì Chúa “thương”, con hư thì Chúa “xót”. Ngài không muốn đứa con nào bị hư mất đời đời !
2. Chúa đã dành cho Đức Mẹ tình thương như thế nào ? – Thưa, Mẹ là người con ngoan nhất trong con cái loài người, Chúa đã tuyển chọn và yêu thương đặc biệt, bao phủ Mẹ bằng các đặc ân. Đức thánh cha Phanxicô viết : “
Được tuyển chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa, Đức Maria ngay từ đầu đã được chuẩn bị bởi Tình Yêu của Chúa Cha, để trở nên Hòm Bia Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người. Mẹ bảo toàn lòng thương xót của Thiên Chúa nơi trái tim Mẹ, trong mối tương quan mật thiết với Thánh Tử Giêsu”.
3. Đức Mẹ đáp lại tình thương ấy như thế nào ?
a. - Đối với Chúa, Mẹ đã “
yêu mến hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn”. Tình yêu ấy được thể hiện bằng hành động, tóm gọn trong ba từ : “Xin Vâng” (Fiat), “Ngợi khen Chúa” (Magnificat), và “Đứng kề thập giá” (Stabat). Đức thánh cha viết : “
Đứng dưới chân Thập giá, cùng với thánh Gioan, người môn đệ của tình yêu, Đức Maria là nhân chứng của những lời tha thứ thốt ra từ miệng Chúa Giêsu. Việc Chúa tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người cho chúng ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa đi xa tới mức nào. Đức Maria làm chứng rằng, lòng thương xót của Con Thiên Chúa thì vô bờ bến, và được trao ban cho tất cả mọi người không trừ ai”.
Trong mọi biến cố, Mẹ luôn cúi đầu
Fiat trước thánh ý Chúa, luôn hát lên
Magnificat dù không hiểu rõ, và luôn
Stabat bên cạnh Chúa, hiệp thông với Ngài. Đó là cách Mẹ thể hiện lòng yêu mến Chúa.
b. - Đối với loài người, Mẹ tỏ lòng thương xót khi đứng ngồi không yên trên thiên đàng, mà bôn ba thế trần nơi này nơi kia : từ Fatima, Lộ Đức, La Salette, Banneux, đến tận Việt Nam hình cong chữ S nhỏ bé trên địa cầu, ở La Vang Quảng Trị, Trà Kiệu Quảng Nam, La Mã Bến Tre, Bãi Dâu Vũng Tàu, Măng Đen Kontum, Giang Sơn Buôn Ma Thuật, và Tà Pao Phan Thiết... Mẹ đến để chia sẻ khổ đau của con cái, che chở khỏi những bách hại, an ủi trong cơn khốn khó, chữa lành bệnh tật thể xác và tâm hồn… Mẹ thật là Mẹ của lòng thương xót (
Mater misericordiae). Tại các nơi hành hương Mẹ, bao người đã nhận được ơn thiêng cho xác hồn, họ đến đấy, tinh thần bải hoải, thể xác đớn đau, và ra về biến đổi, đức tin mạnh mẽ. Không chỉ ở những nơi hành hương mới có những phép lạ của tình yêu như thế, mà ở mọi nơi. Không thiếu những chứng từ như thế này : Một người kia chối bỏ đức tin lâu năm, lâm bệnh sắp chết. Cha xứ được mời đến để khuyên nhủ. Ba lần, cha bị người ấy xua đuổi với lời cứng cỏi. Không nản lòng, cha rút tràng chuỗi Mân Côi cầu nguyện với Đức Mẹ. Chưa xong một chuỗi thì bệnh nhân đổi lòng, xin được hòa giải với Chúa. Hiệu lực của lòng Mẹ thương xót con người, không muốn họ hư mất đời đời.
4. Giáo dân Việt Nam từ xưa đã dành cho Mẹ lòng yêu mến sâu đậm. Cứ xem những cuộc hành hương đến với Đức Mẹ bao giờ cũng đông đảo. Thật là khôn khi đến với Mẹ để xin cầu bầu, vì biết Mẹ có thần thế trước tòa Chúa. Chúa không thể từ chối người không bao giờ từ chối Chúa điều gì và Mẹ chính là người ấy !
Tuy nhiên, con cái của Mẹ cần xác định họ đến với Mẹ là để “
nhờ Mẹ mà đến với Chúa Giêsu” (
Per Mariam ad Jesum) (Thánh Bênađô) ; đến với Mẹ để tỏ lòng yêu mến hơn là để cầu khấn ơn này ơn nọ, biến tôn giáo tình yêu thành tôn giáo cầu khấn, vụ lợi. Dĩ nhiên, họ có thể nhờ Mẹ chuyển cầu những ơn cần. Mẹ chuyển cầu chứ không phải là chủ của ơn thánh. Chỉ một mình Chúa mới là chủ, là nguồn của ơn thánh. Câu chuyện phép lạ Cana xác định với chúng ta điều ấy. Mẹ không làm cho nước hóa rượu ngon, nhưng Mẹ chuyển cầu với Chúa. Chúa nhận lời Mẹ nên nước mới hóa thành rượu. Kinh Kính Mừng và Kinh Cầu Đức Bà cũng dạy ta xin Mẹ “cầu cho chúng con” chứ không phải “ban cho chúng con”. Hãy đến với Mẹ của lòng thương xót, để Mẹ dẫn ta đến với Chúa là nguồn đích thực của lòng xót thương.
5. Từ những suy nghĩ trên, ước gì mỗi người sẽ cố gắng là con ngoan của Chúa, yêu mến và đáp đền lòng Chúa thương.
a. Muốn vậy, chúng ta hãy làm như Mẹ, biết thưa
Fiat trong mọi hoàn cảnh, biết ca lên
Magnificat dù mình chẳng hiểu ý Chúa, và biết
Stabat kề bên Chúa, hiệp thông với Ngài.
b. Tiếp đến, chúng ta còn phải tập “thương xót như Chúa Cha” như Mẹ đã làm. Hãy sống yêu thương trong gia đình mình, với mọi người chung quanh, với người anh em cùng niềm tin hay không cùng tín ngưỡng, với người tốt cũng như kẻ xấu, để tất cả được bao bọc bởi tình thương của Chúa và Đức Mẹ.
6. Để kết thúc, xin mượn lời của đức thánh cha Phanxicô trong tông sắc khai mở Năm Thánh : “
Chúng ta hãy hướng tâm trí về Người Mẹ của Lòng Thương Xót. Xin ánh mắt dịu hiền của Mẹ luôn dõi theo chúng ta trong suốt Năm Thánh này, để mỗi người chúng ta có thể tái khám phá niềm vui đến từ lòng khoan dung của Thiên Chúa… Điều này sẽ trở thành niềm an ủi và sức mạnh phù trợ, khi chúng ta bước qua Cửa Thánh để lãnh nhận ơn phúc từ lòng thương xót của Thiên Chúa”. “Xin Mẹ không ngừng ghé mắt thương xem chúng ta, và cho chúng ta được ngắm nhìn Dung Mạo của Lòng Thương Xót, là Chúa Giêsu, Con của Mẹ”. Amen.
Một số hình ảnh về lòng tôn kính Mẹ: