“THI HÀNH Ý MUỐN CỦA CHÚA CHA”
Hát một thánh ca khai mạc.
Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.
Nhân Danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa,
chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý;
xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền
và mong điều Chúa hứa,
để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm,
chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật.
Chúng con cầu xin nhờ Đưc Kitô Chúa chúng con. Amen
Sách Lễ, Lời nguyện CN 26TN A
1. LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
28 Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này:
“Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho."
29 Nó đáp: "Con không muốn đâu! " Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây! " nhưng rồi lại không đi.
31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? " Họ trả lời: "Người thứ nhất."
Đức Giêsu nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.32 Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy."
2. SUY NIỆM
Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 hay 3 câu hỏi gợi ý sau đây:
- Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Thiên Chúa ? Tôi hiểu biết thêm gì về Chúa của tôi?
- Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi như thế nào? Trái tim tôi được thúc đẩy yêu mến và thờ phượng Chúa ở điểm nào ?
- Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm việc gì để phụng sự Chúa hơn ?
Nếu quen làm Lectio Divina trong Nhóm hay ở gia đình, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình
3. CHIÊM NGHIỆM
Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ: Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào.
1. “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”.
Hôm nay, Thiên Chúa tiếp tục nói với chúng ta lời này. Chúa Giêsu vẫn nói với mỗi Kitô hữu: “Hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Matthêu 28, 19) “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Gioan 20,22). Tôi đang trả lời cho Chúa như thế nào? Tôi có làm việc Chúa giao cho tôi không? Hiện giờ, đó là việc nào tôi đang làm?
......................................................................................................................
......................................................................................................................
2. “Thưa ngài, con đây! nhưng rồi lại không đi”
Đó là người con thứ hai. Nói “xin vâng” nhưng rồi không dâng.
Tôi đã thất hứa với Chúa khi nào chưa? Tôi đã giao ước với Chúa khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy, hôn phối hay trong Gia đình Cùng Theo Chúa. Trong cuộc sống mỗi ngày, tôi đã thực hiện lời giao ước như thế nào? Có giống Chúa Giêsu ở chỗ nào không?
............................................................................................................................
...................................................................................................................
3. "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.
Chúa Giêsu cảnh báo hay cảnh tỉnh các người Pharisêu hôm nay cho thấy Chúa không phê phán theo cái bề ngoài, dựa trên hình thức nhưng Ngài nhìn vào cái bên trong, nơi tấm lòng. Tôi thường chú trọng đến điểm nào, bề ngoài hay bên trong? Tôi có vội đánh giá người khác theo bề ngoài không? Tôi thích phô trương, làm cho người ta thấy hay chú trọng đến nội tâm và chỉ mong Chúa nhìn thấy.
......................................................................................................................
......................................................................................................................
4. CẦU NGUYỆN
Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.
Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.
* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.
Lời nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Cha giàu lòng thương xót,
xin cho sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng con một niềm an ủi, cho tình bác ái khích lệ chúng con, cho chúng con được hiệp thông trong Thần Khí, sống thân tình và biết cảm thương nhau.
Xin Chúa cũng làm cho niềm vui của chúng con được trọn vẹn,
nhờ có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến,
cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.
Xin đừng để chúng con làm chi vì ganh tị hay vì hư danh,
nhưng biết lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.
Xin cho mỗi người chúng co đừng tìm lợi ích cho riêng mình,
nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.
Giữa chúng con với nhau,
xin cho chúng con có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu.
Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa,
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
"Đức Giê-su Kitô là Chúa.” (Bài đọc 2: Philiphê 2,1-11)
5. HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN
- Chọn một Lời Chúa ngắn để học thuộc và suy đi ngẫm lại trong tuần:
............................................................................................................
- Xem xét 1 điểm tôi đã giao ước với Chúa mà chưa chú tâm tuân giữ, để đem ra thi hành trong tuần nay.
- Suy đi ngẫm lại lời nguyện kết thúc trên đây (Philiphê 2,1-11)
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Trích thư gửi tín hữu Do thái, khi đến thế gian, Chúa Kitô nói: “Lạy Cha, của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Ngài không muốn. Thì này con đây, con đến để thi hành thánh ý Cha”...Lịch sử của lời thưa “Này con đây!” không phải theo kiểu tự động, bởi vì Thiên Chúa ngỏ lời với những ai Ngài mời gọi.
Thiên Chúa luôn luôn đối thoại với những ai mà Ngài ngỏ lời trên con đường này, con đường của tiếng thưa “Này con đây!”. Thiên Chúa hết sức kiên nhẫn. Khi đọc sách ông Gióp, chúng ta thấy tất cả những lời than vãn, những điều không hiểu, những phản ứng, và Chúa đã nói với ông, Chúa sửa đổi tâm hồn ông… và cuối cùng, ông thú nhận: “Vâng. Lạy Chúa, Chúa thật phải lẽ. Lâu nay con chỉ biết Chúa dựa vào những tiếng đồn thổi. Giờ đây mắt con đã nhìn thấy Ngài”.
Làm thế nào để tôi có thể thưa lên lời xin vâng “Này con đây!” đối với Thiên Chúa? Có lẽ tôi giống như Adam, tức là chạy trốn, ẩn núp và không đáp lại. Hoặc là khi Chúa gọi tôi, thay vì thưa lên “Này con đây!” thì tôi lại nói “Chúa muốn gì ở con chứ?”. Hoặc là tôi trốn chạy giống như Giona, ông không muốn làm điều Chúa nói với ông. Hoặc là tôi chỉ giả bộ làm theo ý Chúa, tức là chỉ sống kiểu bề ngoài thôi, giống như các kinh sư và luật sĩ, và Chúa Giêsu đã mắng như thế là kẻ đạo đức giả. Hoặc là chúng ta sống kiểu “chọn đường khác mà đi” giống như các thầy Levi và thầy tư tế trong câu chuyện người Samari nhân hậu. Vì họ đã bỏ mặc nạn nhân, và tránh qua một bên mà đi. Chúng ta đáp lại Thiên Chúa trong cách thức nào?
Thiên Chúa thích nói chuyện với chúng ta...Ngài yêu mến bạn bởi vì Ngài là Người Cha. Còn bạn, bạn sẽ thân thưa “Này con đây!” Hay là bạn ẩn núp? Hoặc là chạy trốn? Hoặc là sống giả vờ? Hoặc là chọn con đường khác? Mỗi người chúng ta có thể tự đưa ra câu trả lời. Nguyện xin Chúa Thánh Thần thương ban ân sủng để chúng ta tìm thấy lời đáp của chính mình. (Giảng ngàyThứ Ba, 24.1.2017)
liên lạc: cungtheochua@gmail.com
website: giadinhctc.com