Thứ sáu, 27/12/2024

Lectio Divina - CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN A (Mt 18, 21-35)

Cập nhật lúc 11:20 15/09/2017
Hát một thánh ca khai mạc.
Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.
 
Nhân Danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.
Lạy Chúa là Cha của hết thảy mọi người,
chúng con xin Chúa cất khỏi lòng chúng con mọi vết tích hận thù chia rẽ, để chúng con được giao hòa với anh chị em trước.
Như vậy chúng con mới có thể chân thành dâng của lễ
sẽ làm cho chúng con được giao hòa với Chúa,
là chính Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen
Sách Lễ, Lời nguyện tiến lễ  cầu cho việc hòa giải
 
1. LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
21 Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? "22 Đức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."
23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách.24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng.25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ.26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết."27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao! "29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh."30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? "34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."
2.  SUY NIỆM
Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 hay 3 câu hỏi gợi ý sau đây:
  • Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Thiên Chúa ? Tôi hiểu biết thêm gì về Chúa của tôi?
  • Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi như thế nào? Trái tim tôi được thúc đẩy yêu mến và thờ phượng Chúa ở điểm nào ?
  • Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm việc gì để phụng sự Chúa hơn ?
Nếu quen làm Lectio Divina trong Nhóm hay ở gia đình, sau khi suy niệm, có thể mời vài  người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình
 
3. CHIÊM NGHIỆM
Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ: Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào.
 
1. “Ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi".
Là môn đệ được ở bên Vị Thầy đã yêu thương tuyển chọn mình, nhiều lần thánh Phêrô tin tưởng đến gần Chúa Giêsu để hỏi và trả lời. Tôi gần gũi và thân thiết với Chúa Giêsu như thế nào? Có thường xuyên đến bên Chúa để lắng nghe Ngài, tâm sự, bàn hỏi không? Phải chăng tôi chưa có tha thiết đến với Chúa? Chỉ mới kính sợ, giữ luật lệ và theo Chúa xa xa? Tại sao?
.....................................................................................................................
.....................................................................................................................
 
2. Đức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là phải tha thứ đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy". Người Việt bảo nhau: tha thứ “không quá 3 lần”. Chúa Giêsu dạy "tha đến 70 lần 7”, nghĩa là luôn mãi. Dụ ngôn Chúa kể cho thấy chúng ta không được làm theo người tôi tớ độc ác. Song phải thay lòng đổi dạ, nhờ cầu xin với Chúa Thánh Thần. Vì sao tôi chưa có thể tha thứ cho anh chị em mình như Chúa dạy?
......................................................................................................................
......................................................................................................................
 
3. “Ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Câu hỏi này có ám ảnh lòng trí tôi bao giờ chưa? Có nghiệm thấy Cha trên trời đã thương xót mình như thế nào, thì mới tha thứ cho anh chị em được. Hay tôi giống người Pharisêu hãnh diện cho mình là thánh thiện, tự kiêu, nên vẫn dễ dàng kết án người khác? (xem Luca 18,9-14).
......................................................................................................................
......................................................................................................................
 
4.  CẦU NGUYỆN
Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.
Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.
* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.
 
Lời nguyện kết thúc
 
Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót,
Chúa không muốn ai trong chúng con sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng con có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng con vẫn thuộc về Chúa ; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.  (x.Bài đọc 2: Rm 14,7-9)
 
5. HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN
 
Đề nghị: Từ nay Việc Cần Làm đầu tiên sẽ là chọn một Lời Chúa ngắn để học thuộc và suy đi ngẫm lại trong tuần.
  • Mỗi ngày: Chọn một lúc yên tỉnh trong ngày, dành vài phút thầm thỉ không ngừng: “Xin xót thương phận con tội lỗi !”
  • Nhớ lại xem mình còn chưa tha thứ cho ai hay có ai còn giận ghét mình để làm hòa hay xin tha thứ. ĐTC Phanxicô khuyên: “Hãy đi bước trước! Chúa dạy cầu nguyện cho người ghét mình".
 
 
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
 
Tội do một người phạm thách thức mọi người chúng ta, nhưng chủ yếu nó liên hệ tới nạn nhân của tội một ai đó. Nạn nhân này được kêu gọi phải đưa ra sáng kiến để bất cứ ai gây hại không bị hư mất.
 
Cha nghe được nhiều chứng từ “của những người đã vươn tay ra với những ai gây hại cho họ” và do đó, “đã thực hiện bước đi đầu trên một con đường khác hẳn với con đường đã đi".
 
Hàng thập niên qua, Colombia luôn mong mỏi hòa bình nhưng, như Chúa Giêsu giảng dạy, hai bên xích lại gần nhau để đối thoại chưa đủ; còn cần nhiều tác nhân khác tham dự cuộc đối thoại này nữa để chữa lành tội lỗi.
 
Lịch sử chứng tỏ: các đường lối thực hiện hòa bình nhằm đặt lý lẽ lên trên trả thù, hòa hợp tinh tế giữa chính trị và luật pháp, đường lối này không thể làm ngơ sự can dự của người dân.
 
Hòa bình không đạt được bằng khuôn khổ luật lệ và các sắp xếp định chế giữa các nhóm chính trị và kinh tế có thiện ý. Chúa Giêsu tìm thấy giải pháp cho sự thiệt hại đã gây ra nhờ việc đích thân gặp gỡ nhau của các phe phái.
 
Chúng ta buộc phải phát sinh ra một thay đổi văn hóa, 'từ bên dưới': để chúng ta thay thế nền văn hóa sự chết và bạo lực bằng nền văn hóa sự sống và gặp gỡ.
 
Chúa Giêsu ra lệnh cho chúng ta đối chất “với các lối sống chỉ gây hại cho xã hội và tiêu diệt cộng đoàn”. Sống Tin Mừng cách trọn vẹn, gặp gỡ những người mà bị người khác coi như các vật liệu phế thải.
 
Cuối cùng, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta cùng nhau cầu nguyện… cho việc cứu vớt những người sai lầm chứ không hủy hoại họ, cho công lý chứ không phải trả thù, cho việc hàn gắn trong sự thật chứ không phải cho việc quên lãng.
(Giảng, tại Colombia, Gap Gở Hòa Giải, 8.9.2017)
 
liên lạc: cungtheochua@gmail.com
website: giadinhctc.com
 
Tin Vui
Thông tin khác:
Dại khờ (05/07/2017)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log