Câu chuyện truyền giáo số 33: Đọc Kinh sớm tối (1)
Cập nhật lúc 22:22 08/06/2017
Người ta có thể bỏ nhiều thứ nhưng không bao giờ bỏ đọc kinh tối và coi đó như một việc không thể thiếu được. Đó là một hình thức đạo đức bình dân rất hay.
Từ xưa đến nay tại Việt Nam việc đọc kinh tối sớm là việc làm rất quan trọng của các gia đình Công giáo nề nếp. Người ta có thể bỏ nhiều thứ nhưng không bao giờ bỏ đọc kinh tối và coi đó như một việc không thể thiếu được. Đó là một hình thức đạo đức bình dân rất hay. Đại đa số giáo dân Việt Nam sống theo hình thức này.
Tại một gia đình đạo đức và đông con kia, thay vì chiều chuộng con cái thì bà buộc ngặt con cái sống nề nếp gia phong, nhất là việc đọc kinh sớm tối. Bà sắp xếp mọi công việc sao cho gia đình được đoàn tụ để đọc kinh tối, từ 45 đến 50 phút mỗi tối,trước khi đi ngủ. Bà đọc hết kinh cầu, lần hạt và các kinh Quan Thầy của mọi người trong ga đình. Một hôm cậu con út mặc cả với mẹ:
- Mẹ ơi, tối nay có phim Hàn Quốc hay lắm nên chỉ lần hạt một chục hay hai chục thôi nhé!
- Không được. Giáo Hội đã đặt ra năm chục kinh thì không được bớt xén.
- Nhưng mà phim hay quá mẹ!
- Phim hay nhưng đọc kinh còn hay hơn! Phim hay trước mắt nhưng đọc kinh còn hay lâu dài.
- Con xin mẹ đấy! Con nài nỉ mẹ đấy!
- Ngày mai, ăn cơm con chỉ ăn nửa bát nhé vì đọc có nửa kinh thôi.
- Thế thì đói lắm, mẹ.
- Linh hồn cũng vậy, đọc kinh để nuôi linh hồn. Không được để linh hồn đói con ạ.
- Dạ. Ngày xưa bà ngoại kể “linh hồn quan trọng hơn thể xác. Vì thế, của nuôi linh hồn cũng trọng hơn của nuôi thể xác vậy”. Cám ơn mẹ.
Khi lớn nên nhờ việc đọc kinh mà em đã sớm nhận ra ơn gọi tu trì.
Trên thực tế, gia đình nào năng đọc kinh tối sớm trong gia đình thì gia đình đó rất nề nếp và đức tin bền vững. Cho dù gặp hoàn cảnh nào thì các thành viên trong gia đình đó vẫn đi lễ, đi nhà thờ và giữ vững đức tin. Còn ngược lại, gia đình nào không đọc kinh tối sớm thì gia đình đó khó tránh khỏi những khủng hoảng về mặt đức tin và xã hội.
Lm Giuse Nguyễn Văn Thành